Mẹ cho em đôi mắt sáng ngời
Để nhìn đời và để làm duyên…
Đôi mắt quan trọng như thế nên khi mắt bỗng nhiên kéo màng, mờ đi thì ai chẳng lo lắng. Liệu mắt mờ có dẫn đến mù lòa không? Mổ mắt có an toàn không?
Những thắc mắc như vậy sẽ được giải đáp phần nào qua buổi trò chuyện với TS-BS Trần Thị Phương Thu – Chủ tịch Hội Nhãn khoa TP. Hồ Chí Minh, Giám đốc Bệnh viện mắt Phương Nam.
Trao đổi với chúng tôi, bác sĩ Trần Thị Phương Thu cho biết ngoài nguyên nhân chấn thương và các bệnh lý toàn thân như tiểu đường, ung thư… thì ba nguyên nhân phổ biến khiến cho mắt của người từ tuổi trung niên trở lên bị mờ dần là đục thủy tinh thể do lão hóa (còn gọi là cườm khô), Glaucoma (cườm nước) và thoái hóa hoàng điểm tuổi già.
Những người bị đục thủy tinh thể có nguy cơ dẫn đến mù lòa cao nhất. Thủy tinh thể giống như một chiếc kính trong suốt để ánh sáng đi xuyên qua và hội tụ trên võng mạc nên nếu nó bị đục thì hình ảnh trong mắt bị nhòe, mờ đi.
Nhiều người cho rằng mắt hay tiếp xúc với nắng gắt dễ bị đục thủy tinh thể, điều này có đúng không thưa bác sĩ?
Có trên 80% người bị đục thủy tinh thể là do tình trạng lão hóa và bệnh thường xuất hiện ở những người từ 50 tuổi trở lên. Còn môi trường nhiều nắng và khói thuốc chỉ được xem là yếu tố thuận lợi để bệnh diễn tiến nhanh hơn mà thôi.
Đục thủy tinh thể có thể dẫn đến mù lòa, liệu chúng ta có tự nhận biết sớm được bệnh để phòng tránh hậu quả nghiêm trọng ấy không?
Đục thủy tinh thể ở giai đoạn đầu có thể không gây triệu chứng gì nên khó nhận biết sớm. Quá trình đục thủy tinh thể cũng diễn tiến chậm nên đến khi mắt nhìn mờ hẳn đi thì chúng ta mới nhận biết được.
Nếu phát hiện ra bệnh ngay ở giai đoạn đầu, người bệnh nên đeo kính hỗ trợ. Trường hợp thủy tinh thể đã bị đục nhiều, gây giảm thị lực, cản trở sinh hoạt hằng ngày như lái xe, đọc sách, xem tivi… thì bệnh nhân cần được phẫu thuật để cải thiện thị lực.
Nói đến phẫu thuật mắt, nhiều người tỏ ra lo lắng vì không biết mức độ an toàn và hiệu quả của việc phẫu thuật đến đâu…
Hiện nay, mổ lấy thủy tinh thể là một trong những phẫu thuật phổ biến nhất của chuyên khoa mắt. Phương pháp thường dùng nhất là Phaco, tức là tạo một đường rạch nhỏ ở một bên giác mạc, làm nhũ tương hóa thủy tinh thể bằng máy, sau đó hút ra và thay thế bằng thủy tinh thể nhân tạo. Thực tế điều trị cho thấy phương pháp này khá an toàn và hiệu quả.
Với kỹ thuật tiên tiến và trang thiết bị hiện đại, 90% trường hợp sau phẫu thuật lấy thủy tinh thể cho thị lực tốt. Nhưng điều quan trọng là bệnh nhân cần được giải tỏa tâm lý trước khi phẫu thuật để có tâm thế thoải mái và tin tưởng vào bác sĩ thì việc phẫu thuật sẽ đạt kết quả tốt hơn.
Bác sĩ nói rằng phương pháp điều trị mắt hiện nay khá an toàn và hiệu quả, vì sao vẫn có những trường hợp sau khi phẫu thuật điều trị đục thủy tinh thể một thời gian thì mắt mờ trở lại?
Có nhiều nguyên nhân, không chỉ có nguyên nhân đục thủy tinh thể, mà một số bệnh toàn thân như tiểu đường, ung thư… cũng tác động làm cho mắt bị mờ. Vì vậy, cần kiểm tra bệnh toàn thân để tìm đúng nguyên nhân từ đó có biện pháp điều trị phù hợp. Ngoài ra, cũng có những tình trạng đục bao sau của thủy tinh thể khiến mắt bị mờ. Tình trạng này không cần phẫu thuật mà chỉ được điều trị bằng laser, không gây đau và bệnh nhân không cần nằm viện.
Nhiều người hay nhầm lẫn giữa bệnh đục thủy tinh thể (cườm khô) với Glaucoma (cườm nước) vì khởi phát bệnh đều là nhìn mờ. Chúng ta phân biệt hai bệnh này như thế nào, thưa bác sĩ?
Glaucoma là bệnh lý phức tạp, thuộc loại bệnh mãn tính, dễ dẫn đến mù lòa do tổn thương dây thần kinh mắt. Nguyên nhân của bệnh thường là do áp lực ở trong mắt tăng cao, gây chèn ép, thiếu máu nuôi dưỡng thần kinh thị giác làm cho thần kinh thị giác bị tổn thương, không phục hồi nổi và dẫn đến tình trạng mù lòa. Ngày nay, người ta còn thấy có nhiều cơ chế khác gây tổn thương đầu dây thần kinh thị giác trong bệnh Glaucoma như các bệnh lý gây xơ hóa mạch máu, chất oxy hóa, hóa chất trung gian gây chết tế bào…
Không ít người phân vân là họ nên điều trị lúc nào, khi mắt mới mờ hay khi thị lực yếu hẳn…
Nên điều trị khi thị lực giảm sút, ảnh hưởng đến sinh hoạt hằng ngày, không nên chờ đến khi mắt mất hẳn thị lực mới phẫu thuật thì khi đó kết quả điều trị có thể không được như mong muốn.
Hiện nay có nhiều phương pháp điều trị bệnh Glaucoma như dùng thuốc hay phẫu thuật nhưng chưa có phương pháp nào điều trị triệt để được. Khi đã mất thị lực là không thể phục hồi, tuy nhiên các phương pháp điều trị có thể ngăn chặn hoặc làm chậm tiến trình mù lòa do bệnh gây ra. Do vậy, phát hiện sớm là vô cùng quan trọng để giới hạn việc giảm thị lực và ngăn chặn tiến trình dẫn đến mù lòa. Nếu điều trị muộn thì khó có thể thoát khỏi tình trạng mù lòa vĩnh viễn.
Ở người lớn tuổi, mắt còn hay bị thoái hóa hoàng điểm, bệnh này có thể dẫn đến mù lòa không?
Thoái hóa hoàng điểm tuổi già thường xảy ra ở những người trên 60 tuổi, ít khi gây ra mù hoàn toàn nhưng làm giảm thị giác đáng kể. Bệnh có tính di truyền, hay gặp ở nữ hơn nam và những người hút thuốc, béo phì, cao huyết áp, mỡ máu cao thường có nguy cơ cao hơn.
Nghe nói điều trị laser giúp phá hủy những mạch máu bất thường vùng hoàng điểm để chữa khỏi bệnh, điều đó có đúng không, thưa bác sĩ?
Thoái hóa hoàng điểm tuổi già gồm hai thể: Một là thoái hóa hoàng điểm thể khô hay teo: Các cấu trúc võng mạc tại hoàng điểm bị teo thoái hóa gây giảm thị lực từ từ. Hai là thoái hóa hoàng điểm thể ướt hay tân mạch: Tại hoàng điểm có nhiều mạch máu bất thường phát triển làm phá vỡ cấu trúc bình thường của hoàng điểm, gây bong biểu mô sắc tố, xuất huyết võng mạc rồi gây ra một cấu trúc sẹo xơ mạch vùng hoàng điểm gây tổn thương thị lực nghiêm trọng.
Hiện nay chưa có phương pháp chữa khỏi hoàn toàn tình trạng thoái hóa hoàng điểm thể khô, điều trị chỉ có thể ngăn cản hay làm chậm lại đáng kể tình trạng mất thị giác trầm trọng mà thôi. Điều trị thoái hóa hoàng điểm thể ướt có liệu pháp tiêm thuốc chống tăng sinh mạch máu Lucentis giúp hồi phục và bảo tồn thị lực có hiệu quả.
Vậy người lớn tuổi có nên điều trị không vì có suy nghĩ rằng nếu điều trị cũng không cải thiện được gì đáng kể?
Nên thuyết phục những người lớn tuổi đi điều trị và phẫu thuật để có đôi mắt sáng. Hầu hết các phương pháp chữa trị hiện nay đều không gây ảnh hưởng nghiêm trọng. Tôi đã chữa trị cho những người lớn tuổi trong gia đình mình. Mẹ chồng tôi ngoài 90 tuổi đã từng phẫu thuật và nay vẫn có đôi mắt sáng.
Việc sống với đôi mắt giảm thị lực và mù lòa rất bất tiện cho chính bản thân và cả con cháu. Vì vậy, không nên để ông bà, cha mẹ mình sống với sự tối tăm, mờ mịt.
Có thể thấy rằng nhiều trường hợp giảm thị lực có thể dẫn đến mù lòa nếu không điều trị kịp thời, vậy dấu hiệu nào giúp chúng ta phát hiện bệnh sớm?
Có nhiều bệnh mắt không có biểu hiện rõ ràng nên tốt nhất là chúng ta nên đi khám mắt định kỳ sáu tháng hoặc một năm. Thường xuyên đo thị lực, nhãn áp, khám đầu thị thần kinh… là những việc cần thiết để phát hiện sớm bệnh Glaucoma, nhất là đối với những người trên 40 tuổi, người có tiền sử gia đình bị bệnh Glaucoma hay những người bị tiểu đường, cao huyết áp, cận thị, viễn thị nặng, cả những người đã trải qua phẫu thuật mắt.
Xin được cảm ơn những chỉ dẫn của bác sĩ!