Với các doanh nghiệp như câu lạc bộ sức khỏe, chương trình thẻ thành viên là tất yếu, thông qua việc chi trả phí hằng tháng. Nhưng vẫn còn rất nhiều lĩnh vực kinh doanh khác mà việc trả phí mỗi tháng có thể được doanh nghiệp tiến hành và mang đến giá trị gia tăng thú vị cho khách hàng.
Thí dụ, khách hàng của một cửa hàng bán phần cứng máy tính có thể đăng ký làm thành viên với một khoản phí hằng tháng để được nhận chiết khấu khi mua hàng, được ưu tiên về thời gian khi đem máy tính đến sửa, hay được tham gia các khóa hướng dẫn sử dụng khi có sản phẩm mới.
Tương tự, các công ty bán hàng trực tuyến có thể thiết lập một chương trình thành viên đặc biệt cho phép khách hàng được miễn tiền vận chuyển hàng hay giảm giá mỗi tháng trên những sản phẩm mới.
Thiết lập một cơ cấu kinh doanh thẻ thành viên không khó, điều quan trọng là đảm bảo sự thành công. Muốn vậy, doanh nghiệp phải theo dõi và cải tiến không ngừng những chỉ số hoạt động chủ chốt cho các hoạt động thẻ thành viên, dựa trên các yếu tố sau:
Số lượng thành viên hiện tại/ Số lượng người đăng ký
Thông thường, số lượng thành viên trả phí càng lớn thì doanh số càng cao. Vì thế, doanh nghiệp nên công khai con số này với nhân viên, chẳng hạn thể hiện những số liệu thống kê trên một màn hình đặt trong phòng họp. Số liệu bao gồm số thành viên hiện tại, sự thay đổi so với các tháng trước, năm trước, từ đó đặt ra cột mốc hay mục tiêu phấn đấu trong tháng tiếp theo và những năm sau đó.
Số lượng thành viên thêm vào/ giảm xuống
Có giai đoạn tổng số thành viên gia tăng nhưng không phải tất cả các thành viên cũ đều ở lại. Điều đó giải thích vì sao bên cạnh việc đánh giá tổng số thành viên, doanh nghiệp cần thống kê xem có bao nhiêu thành viên mới tham gia và bao nhiêu thành viên hủy bỏ tham gia mỗi tuần hoặc mỗi tháng. Làm như vậy, mục tiêu của doanh nghiệp không chỉ là gia tăng số lượng thành viên mà còn hạn chế việc thành viên ra đi. Bởi việc các thành viên liên tục thay đổi có thể đi kèm chi phí tiếp thị tốn kém và do đó ảnh hưởng đến lợi nhuận của doanh nghiệp.
Tỷ lệ thành viên bỏ đi
Việc tính số khách hàng ngưng sử dụng dịch vụ theo tỷ lệ sẽ giúp doanh nghiệp đánh giá chính xác hơn là theo con số tuyệt đối. Chẳng hạn, có 100 khách hàng từ bỏ doanh nghiệp trong một tháng có thể là một hiểm họa lớn nếu chương trình của doanh nghiệp có chưa đến 500 thành viên. Nhưng nếu doanh nghiệp có 10.000 thành viên thì tỷ lệ thành viên bỏ đi khi ấy chỉ là 1% – con số chấp nhận được.
Chương trình thẻ thành viên với thời gian đăng ký trung bình
Khi khách hàng đã tham gia vào việc trả phí mỗi tháng, thời gian họ ở lại chương trình càng lâu thì doanh thu và lợi nhuận của doanh nghiệp càng cao. Nếu nhận thấy khách hàng tham gia đăng ký thẻ thành viên trung bình là sáu tháng và doanh nghiệp không hài lòng với con số ấy, doanh nghiệp có thể tác động bằng cách trước thời điểm khách hàng có khả năng hủy bỏ chương trình, hãy cho họ biết sẽ có một chương trình giảm giá hay quà tăng đặc biệt nếu khách hàng đăng ký thành viên vào tháng tiếp theo. Khách hàng sẽ cảm thấy thú vị xen lẫn tò mò và thường là họ sẽ tiếp tục đăng ký. Khi ấy, doanh nghiệp sẽ có cơ hội gia tăng thời gian đăng ký trung bình của khách hàng.
Chương trình thẻ thành viên với giá trị trọn đời
Giá trị trọn đời cho mỗi khách hàng thành viên, theo cả hướng doanh thu và lợi nhuận, là một trong những thước đo quan trọng nhất. Mục đích của doanh nghiệp chính là tối đa hóa giá trị thành viên trọn đời và thông qua tỷ suất lợi nhuận, bộ phận marketing có thể tính toán được khoản tiền tối đa cho hoạt động quảng cáo. Chẳng hạn, nếu tính ra giá trị trọn đời từ một thành viên có thể đem về 10 triệu đồng, doanh nghiệp có thể chi tiêu đến 5 triệu đồng để có được thành viên ấy.