Hiện đại tân tiến mà đi giật lùi! Một cuộc nghiên cứu tại nước Anh gần đây cho ra kết: 70% người lớn cho biết họ có tuổi thơ lý thú, trong khi chỉ có 29% trẻ em trả lời như vậy. Cụ thể hơn, những năm 1970, có tới 80% trẻ em đi bộ đến trường; đến những năm 1990, con số đó còn 9%. Họ không nghiên cứu tiếp những năm đầu thế kỷ XXI này nhỉ. Con số chắc cỡ… 0%.
Bởi ở nhà quê thì không nói, chứ ở các đô thị lớn mà xem, đâu còn mấy trẻ con tự đi học, trừ những đứa nhà ngay gần trường. Nhiều đứa học cấp ba sắp thi đại học, cao lớn hơn cả bố mẹ, ngồi xe máy phía sau cao hơn người ngồi trước, chân suýt chạm đất.
Nhưng việc cha mẹ quần quật đưa rước con, chạy trường đã đủ khổ rồi, lại còn bị “phê bình” suốt. Cứ thử mở các trang báo khi con trẻ sắp vào hè mà xem. Họ “chửi” các bậc cha mẹ ghê lắm. Họ nói: “Phải tôn trọng quyền trẻ em”. Trẻ em không chỉ có quyền học mà còn có quyền chơi. Điều mấy số mấy trang bao nhiêu của Hiến chương Liên Hiệp Quốc, họ chỉ ra hết.
- Xem thêm: Người lớn mới có tuổi thơ lý thú
Rồi phê phán cha mẹ chưa hè đã lo tìm trường cho con học thêm. Cha mẹ bây giờ “rất điên” nhé. Phê phán nhà trường, nền giáo dục nhồi nhét, kêu gào là con cái về nhà học đến khuya không hết bài tập (có bà mẹ còn nói với con: chỉ cần hiểu cách giải ba bài tập thôi, còn bảy bài tương tự cộng trừ làm gì cho mù mắt, để đấy mẹ làm cho nhanh; thủ công khâu vá thôi cũng đưa đây mẹ làm cho khỏe). Bởi vì nhà trường bây giờ cũng “điên nặng”.
Chẳng thế mà có câu chuyện con của nhà văn Nguyễn Khải đi học, cô ra bài văn phân tích truyện của bố mình, em đưa về nhờ bố làm hộ. Mấy bữa sau trả bài, bài văn được điểm thấp cùng lời phê: “Không hiểu ý tác giả!”. Đó, không điên sao lại thế!
Cha mẹ làm hộ, xót con học nhiều, ấy vậy mà đầu hè một cái là nhao nhác cả lên, vì không có ai ở nhà trông con. Là vì như các nhà nghiên cứu đã nói, gia đình Việt Nam nếu xét theo kiểu “tam đại đồng đường” thì mất hẳn rồi. Cha mẹ và con cái – chỉ còn hai thế hệ trong gia đình hạt nhân. Dù có ông bà thì cũng cố tìm cách ra ở riêng cho “tự do là đỡ mâu thuẫn thế hệ”. Thế nên con trẻ nghỉ hè một cái là cha mẹ khốn đốn.
Bậc ông bà, cha mẹ, tức là cách đây mấy chục năm thôi, tuổi thơ còn đẹp lắm. Nếu ở nhà quê thì đánh khăng đánh bi, lội bùn lội ruộng rình bắt cua cá, bắt cả… đỉa lên chơi, không biết mệt. Người lấm lem bùn đất, tắm lội ao hồ.
Còn các bậc ông bà sống ở thành phố cũng có tuổi thơ đẹp không kém. Rủ nhau đi bộ ra các cánh đồng lúa gần nội thành xin lúa nếp về nướng ăn trong những đêm đông bên bếp lửa. Có khi kéo nhau đi dọc phố, quanh các hốc cây để bắt dế hoặc ve sầu.
Buổi trưa ngày ấy còn vắng và êm ả, làm người ta mơ màng chứ không lúc nào cũng phải mở to mắt ra nhìn đường mà đi như ngày nay. Một chùm phượng đỏ, những chiếc lá rơi cũng khiến người ta làm thơ, mơ mộng, yêu cuộc sống chứ không lo lắng căng thẳng và đầy âm mưu như bây giờ.
Vì thế, tuổi thơ của bậc ông bà, cha mẹ còn lý thú. Mỗi lần về quê là rung động với cây đa bến nước sân đình. Mọi thứ thật yên tĩnh và vững chãi. Không như bây giờ mồ mả tổ tiên có khi đào lên chạy quy hoạch đến mấy lần chưa yên.
Người ta nói động mồ động mả là thế chứ đâu. Trẻ con bây giờ được đi công viên, sở thú hoặc nhà văn hóa hay câu lạc bộ, vào các khu vui chơi siêu thị, hay chỉ vào hiệu sách thôi, vèo một cái đã hết năm bảy trăm ngàn đồng, có khi tiền triệu như chơi. Không có nơi nào không mất tiền mà có trò chơi tử tế.
- Xem thêm: Nhớ ngày tắm sông, mò tôm, móc lịch
Trẻ con thành thị bây giờ không có kỷ niệm. Hoặc là kỷ niệm giống nhau, lớn lên ở phố, đi học. Không rõ là chúng quan tâm cái gì nữa. Thỉnh thoảng có đứa được chơi nhờ con chó nhà hàng xóm nhốt trong chuồng.
Còn thì đa số chẳng biết con trâu, con gà thật ở nhà quê nhảy chuồng cục tác ra sao. Hình ảnh con gà ò ó o chỉ thấy ở trang đầu tiên cuốn sách vỡ lòng… Thế hệ sau lại nghèo nàn thêm một ít so với thế hệ trước.