1. Miền Tây Nam bộ có địa hình đặc trưng là kênh rạch chằng chịt. Dọc hai bên bờ, những đám lá dừa nước mọc chen khít. Bần, vẹt, tràm, dái ngựa, bình bát… chen nhau mọc theo các bãi sình ở mé sông.
Bám leo vào các cây ấy là dây cóc kèn, dây choại, bìm bìm, giác, xanh um, sức sống mạnh liệt. Dưới bãi sình lầy là những đám ô rô, mái dầm, mái chèo, chuối nước, môn nước… mọc dày khít.
Người bình dân miền Tây Nam bộ thích chọn nơi cư trú trên các giồng đất dọc theo triền sông. Nhà lợp bằng mái lá dừa nước ẩn khuất sau những tán cây lớn.
Trước sân nhà, người ta thường trồng dừa, vú sữa, bên hè là những bụi chuối xiêm, chuối già,… Dưới bến thường là dòng sông, bởi quan niệm chọn đất cất nhà “nhất đại giang, nhì quan lộ”!
Thích nghi với môi trường sống, trẻ con miền quê sông nước thường được học bơi lội từ rất sớm và cũng sớm biết hòa mình trong những dòng sông nước chảy.
Chừng năm bảy tuổi, chiều chiều các em đã được cha, mẹ nhất là các anh chị lớn hơn, biết bơi trước dắt cho ra tắm sông để tập bơi.
Lúc đầu, các em chưa tự tin thì ôm thân cây chuối hoặc cái bụp bè dừa nước, chân đập xuống nước bùm bủm. Dân gian gọi là cho trẻ tập bùm bủm là vậy!
Chừng vài ba ngày, dạn với nước, dần dần các em bỏ thân chuối, bỏ bụp bè để lội tay không. Dần dà, nhiều em lội giỏi, lặn hay. Những em nhát, chậm biết bơi, bạn bè lại bày cho cách bắt chuồn chuồn cho cắn rúng (rốn) để mau biết lội.
Không biết vì sợ đau hay một sự hiệu nghiệm nào đó mà những em này sau đó cũng bơi nổi được trên mặt sông rộng. Ký ức tuổi thơ theo mãi đến trọn đời với những ai đã sinh ra và lớn lên nơi miền sông nước.
Và cũng từ khi biết lội, biết bơi, chiều chiều trẻ con trong xóm thường rủ nhau xuống sông tăm, lội cho thỏa thích. Trên dòng sông ấy, biết bao trò chơi được các em tạo ra.
Các em có thể chọn mốc bằng việc đánh dấu vào các bụi lá dừa nước rồi đếm một, hai, ba bắt đầu xuất phát để bơi đua. Tương tự, các em cũng có thể chơi trò lặn đua. Từ bờ sông này sang bờ sông này, các em lặn đua xem ai qua trước sẽ thắng.
Cũng có khi, hai em thi nhau xem ai có tài “nín thở” lâu hơn. Các em thi nhau bằng cách đếm tới ba thì hụp xuống mặt nước, tay em này để trên đầu em kia.
Em nào chịu không nổi, trồi lên trước sẽ… thua! Phần thưởng cho người thắng là người thua phải kỳ rửa, tắm cho người thắng.
Có những nhóm năm ba em thì sình bao bắt bồ rồi dùng tay té nước thẳng vào mặt. Nước sông văng tung tóe, những em ngộp không thở được thì lặn xuống, trốn ra khoảng xa, nổi lên… chơi tiếp. Tiếng hò reo vang dậy khúc sông vắng.
Đối với các em thích trò chơi cảm giác mạnh, đánh trận giả bằng cách chọi đất luôn hấp dẫn, hào hứng.
- Xem thêm: Sông chảy về đâu
Các em chia phe ra rồi cũng lặn, núp quanh các bụi dừa nước, cóc kèn, dùng các dề cỏ nga, dứa dại để ngụy trang, khi gặp “phe địch” thì dùng đất sình chọi vào.
Em nào bị chọi đất dính mặt phải lặn xuống nước để rửa, và khi ấy bị “tử”, bị loại khỏi cuộc chơi. Bên nào quân bị “tử” hết thì thua cuộc và trò chơi cũng chấm dứt.
Chơi thỏa thích, các em tắm rửa sạch sẽ rồi lên bờ, hẹn ngày mai tiếp tục. Biết bao kỷ niệm êm đềm của tuổi thơ miền sông nước ghi dấu ấn từ những lần tắm sông như vậy.
2. Cũng vào những buổi chiều, khi công việc ngoài đồng, ngoài vườn đã rảnh rang, thanh niên hay những bậc lão nông có kinh nghiệm thường xuống sông mò tôm, mò cá. Khi nước ròng rút cạn, những con tôm càng, cá thác lác, cá rô, cá sặt,… không còn tung tăng ngoài luồng nước giữa sông nữa vì ở đó nước ròng rút mạnh, lại bị cái nóng của ánh nắng chói chang chiếu xuống, chúng rút vào ẩn trong các hốc lá, kẹt bụp bè, hay dưới chùm rễ cóc kèn, các bụi cỏ dại ven mé sông.
Người đi mò tôm, tay không, và cái giỏ tre là đủ. Năm ba người cùng nhau tiến vào những chỗ mà theo cách quan sát của họ có thể có tôm, cá lẩn trốn.
Chuyện tay không bắt cá ngày trước diễn ra rất đơn giản và phổ biến và dễ dàng như vậy. Thiên nhiên ban tặng cho con người vùng đất với sự trù phú, giàu có sản vật như vậy.
Lội sông chừng nửa buổi khi nước bắt đầu lớn, họ trở về với giỏ cá, tôm bắt được. Bữa cơm chiều quây quần đầm ấm, đủ đầy, rộn rã tiếng nói giọng cười của các thành viên trong nhà.
Có khi, đi mò trúng (được nhiều cá tôm), lại gặp lúc rảnh rang, người đi mò tắm rửa rồi cùng tụ lại sân nhà ai đó trong xóm; kẻ rút rơm, người bắt vài con tôm càng đem nướng.
Than cháy qua một lượt, những con tôm chín đỏ tươi, chỉ cần gắp ra, thổi sơ bụi tro rồi để ra tàu lá chuối, thêm ít đọt rau rừng quơ vội đâu đó ngoài vườn tạp, cùng chén muối tiêu, muối ớt.
- Xem thêm: Tiếng gà xa vắng
Tôm tươi nướng than rơm thì ngọt không gì bằng được, thêm vài xị rượu đế là kẻ đờn, người hát những bài ca tài tử đã đời cho tới khuya. Cao hứng, lại ngâm nga lời thơ dân gian đã truyền lại tự bao đời nay như để giãi bày, để tự trào lộng một cách sảng khoái:
Nước ròng tôm đất lội xuôi,
Chỉ tơ thòng xuống cột tôi với mình.
Gần với mò tôm, người miền quê còn dùng sà nel hoặc những cái rổ tre lớn để xúc tép. Tép trấu, cá bã trầu, hũn hĩn hay ẩn trong các lùm rễ cỏ, rễ cây ven sông.
Người ta lội sông, dùng rổ xúc hoặc sà nel ốp vào những nơi tép trú ẩn. Chừng non buổi là đã có đủ lượng tép rang mặn, chiên bột hay bằm nhuyễn nấu canh tập tàng cho bữa cơm chiều thêm phong phú.
3. Cách bắt lịch cũng rất đơn giản. Chờ khi nước ròng giựt mé, người bình dân họ chỉ cần mang theo cái giỏ tre hay cái thùng thiếc, rồi lội dọc theo các bãi bùn ven mé rạch, hễ thấy chỗ nào có hang lịch là cứ lấy tay thọc theo miệng hang, và tay kia đón ở trên, cho tới khi nào tay thọc trong bùn đụng được con lịch là cứ dùng một ngón tay trỏ hoặc ngón tay giữa mà ngoéo chắc con lịch.
Lịch rùn rằn nhưng khó thoát vì các sợi gân nơi sống lưng bị xiết lại. Cách bắt lịch chỉ dùng tay móc theo hang dưới bùn nên dân quê thường gọi là đi móc lịch.
Khi bắt được nhiều lịch ăn không hết thì làm khô. Khô lịch làm dễ, phơi mau khô ít sợ có giòi. Chỉ cần làm sạch nhớt, mổ bụng, róc bỏ xương sống hay không tùy theo sở thích từng người, từng nhà. Ướp với muối, ớt đâm nát rồi móc lên phơi. Được nắng tốt chừng hai, ba bữa là khô.
Khô lịch có thể chiên hay nướng đều thơm ngon, đậm đà hương vị. Bắc chảo nóng cho mỡ heo đã thắng vào, khi mỡ sôi, thả khô lịch cắt đoạn vừa ăn vào chảo và đảo đều. Cho thêm ít muối, mắm, tiêu, đường, bột ngọt rồi nhấc xuống khỏi bếp, gắp ra đĩa.
Khô lịch nướng chế biến khá đơn giản. Chỉ cần nướng khô trên bếp than hồng đến khi tỏa hương thơm thì bày ra đĩa. Thưởng thức món khô lịch nướng kèm với chuối chát, dưa leo và khế chua thái mỏng cùng với ít rau thơm chấm với tương ớt hay nước mắm pha chanh đường, ớt tỏi.
Miếng khô lịch ngọt, thơm ăn kèm với vị chua của khế, vị chát của chuối cùng hòa quyện với vị mặn của mắm và hương thơm của rau thì khó có gì sánh bằng. Khô lịch cùng với rau rừng vừa dai lại vừa giòn, đã miệng. Món ngon như làm vơi bao nỗi lo toan trong cuộc sống thường nhật.
Nét văn hóa dân gian miền sông nước hình thành rồi góp phần vào dòng chảy văn hóa dân tộc đơn giản như vậy!
Ngày nay, khi những con đập ngăn mặn, những hàng dừa nước ven sông không còn nhiều, đường sá thông thoáng, môi trường cảnh quan đã đổi thay nhiều.
Và theo đó, những nét sinh hoạt văn hóa đậm chất tự túc tự cấp ngày xưa cũng đã dần lùi vào dĩ vãng.