Họa sĩ Ngô Lực được biết đến là một trong số ít những người tiên phong nghệ thuật vẽ trên cơ thể khỏa thân (body painting) từ những năm 2000. Đến nay, số nghệ sĩ theo đuổi bộ môn nghệ thuật này trong cả nước có thể đếm được trên đầu ngón tay. Trong số đó, Ngô Lực vẫn là người được đánh giá là có nhiều sáng tạo trong nghệ thuật trình diễn body painting nhất.
Nét độc đáo của body painting chính là sự thể hiện màu sắc, họa tiết trên cơ thể con người, thường là cơ thể của phụ nữ. Đây cũng là nguyên nhân tạo ra những cái nhìn trái chiều đối với tác phẩm và những lời khen, chê đan xen đối với người họa sĩ.
Vài nét phác thảo về body painting
“Cơ thể người phụ nữ với những đường cong uyển chuyển vốn đã là một tác phẩm tuyệt vời của tạo hóa. Đôi khi người họa sĩ không cần phải cố nghĩ ra thật nhiều ý tưởng, chỉ vẽ theo dòng suy nghĩ của mình, cũng tạo thành một tác phẩm nghệ thuật đặc sắc. Hơn nữa, với một “phông nền” là làn da mượt mà mang hơi thở và có thể thay đổi góc nhìn vô cùng sống động, họa sĩ dường như có một cảm xúc mãnh liệt muốn sáng tác nghệ thuật lên đó”, họa sĩ Ngô Lực cho biết.
Body painting là một loại hình thuộc Nghệ thuật sáng tác trên cơ thể (body art), cùng với nghệ thuật xăm (tattoos) và nghệ thuật xiên da thịt bằng các vật nhọn (body piercings). So với xăm và xiên da thì vẽ trên người ít gây đau đớn mà có thể tạo nhiều tác phẩm ấn tượng, hấp dẫn hơn. Nghệ sĩ có thể chọn vẽ trên một bộ phận cơ thể như vẽ trên mặt, bàn tay, cánh tay, bàn chân, cẳng chân… hoặc vẽ toàn thân (full body painting) tùy theo cảm hứng hoặc theo yêu cầu của người mẫu.
Nghệ thuật sáng tác trên cơ thể có nguồn gốc từ các bộ lạc thiểu số, phổ biến nhất là trong các lễ hội của thổ dân Úc, New Zealand, châu Phi và một số đảo quốc vùng Thái Bình Dương từ thời xưa. Sau đó, vẽ và xăm trên cơ thể dần phổ biến khắp thế giới và trở thành một kiểu trang sức của phụ nữ phương Tây vào những năm 1890.
Ở nước ta, truyền thống xăm mình, vẽ người đã có từ thời văn hóa Văn Lang, nhất là ở những vùng miền núi, Tây Nguyên, trong các lễ hội truyền thống. Tuy nhiên, bộ môn nghệ thuật dùng nét cọ thể hiện tác phẩm trên cơ thể người thực sự du nhập vào Việt Nam mới cách đây khoảng 20 năm. Hình ảnh một phụ nữ khỏa thân tạo dáng để họa sĩ phóng tác trên làn da dường như không phù hợp với quan niệm về nét đẹp của phụ nữ Á Đông nên trong hai thập niên qua, body painting vẫn kén cả người thưởng thức lẫn người chơi. Trong khi đó, body painting nói riêng và body art nói chung đã được đưa vào chương trình giảng dạy tại các trường văn hóa nghệ thuật ở nhiều quốc gia trên thế giới.
Họa sĩ Ngô Lực cho biết khi vẽ trên cơ thể, họa sĩ phải có khả năng sắp xếp, tạo hình, chọn bố cục khá phức tạp theo ý tưởng được đưa ra trước đó. Các tác phẩm mà họa sĩ thể hiện có thể là một bức tranh siêu thực, sắp đặt ẩn giấu hoặc tranh thủy mặc. Mới đây, với sự tưởng tượng và nghệ thuật sắp đặt độc đáo, họa sĩ Ngô Lực đã thể hiện nghệ thuật body painting kết hợp với thiên nhiên, tạo nên những tác phẩm tuyệt đẹp, gây ấn tượng mạnh với đông đảo khán giả.
Những người vẽ body chuyên nghiệp trong nước thường nhập các màu vẽ từ Mỹ, Úc hoặc một số nước phương Tây với chất lượng đảm bảo, chuyên dụng, màu sắc đẹp, có thể giữ được lâu mà không hại da. Body painting sử dụng các chất liệu như sơn phun, bông thấm, màu huỳnh quang và chỉ tồn tại trong vài giờ nên họa sĩ có thể thay đổi nhiều hình vẽ khác nhau trong ngày. Ngô Lực cho biết thêm: “Body painting không phân biệt nam hay nữ, già hay trẻ vì người mẫu chỉ là một “công cụ” để cho họa sĩ thể hiện màu sắc. Nhưng cơ thể người phụ nữ thường có sức gợi cảm và gây ấn tượng với người xem hơn nên nhiều họa sĩ muốn tạo tác phẩm trên “phông nền” này”.
Cảm xúc của họa sĩ body painting
Khi được hỏi về cảm xúc của người họa sĩ khi sáng tác trên một “tòa thiên nhiên” sống động, Ngô Lực chia sẻ: “Hầu như ai cũng có sự rung động bản năng của người đàn ông trong những phút đầu tiên. Nhưng từ nét cọ đầu tiên, tôi chỉ tập trung suy nghĩ về tác phẩm, về đường nét, màu sắc, hình khối, họa tiết… Nếu họa sĩ để suy nghĩ của mình “lạc lối” thì không thể nào vẽ được”.
Việc lưu lại một bộảnh body painting khi cơ thể ở tuổi xuân là xu hướng yêu thích của nhiều cô gái trẻ. Tuy nhiên, do quan niệm khắt khe của đa số người Việt, nhiều cô gái đã từ bỏ ý định của mình, ngay cả những người mẫu nổi tiếng. Những người trong giới hội họa cho rằng Ngô Lực khá thành công khi thuyết phục được trên dưới mười người mẫu chịu ngồi để anh vẽ. Ngô Lực chia sẻ: “Người mẫu chấp nhận vẽ khi họ hiểu được ranh giới giữa khỏa thân gây nhục dục và khỏa thân để nghệ thuật thăng hoa”. Và đối với người mẫu, điều tuyệt vời nhất trong việc vẽ body painting là có thể tưởng tượng và thưởng thức bức tranh trên da mình qua từng nét cọ chạm vào người chứ không cần tận mắt thấy bức tranh. Đôi khi sự tưởng tượng và cảm nhận tranh bằng giác quan vượt xa bức tranh mà họa sĩ vẽ trong thực tế…
Có thể nói, nghệ thuật vẽ trên cơ thể người còn rất mới mẻở Việt Nam nhưng đã tạo những hiệu ứng mạnh mẽ từ khán giả, cả khen lẫn chê. Với hình ảnh trực quan, sinh động, body painting được đánh giá là một hình thức nghệ thuật tác động thị giác mạnh mẽ và khiêu khích sự tò mò của nhiều người. Để đạt được những điều này cần một người họa sĩ có tâm sáng tạo để tạo ra những tác phẩm nghệ thuật độc đáo, để ranh giới mỏng manh giữa “nghệ thuật” và “gợi dục” được rõ ràng. Đồng thời, để bộ môn nghệ thuật này có điều kiện phát triển ở Việt Nam thì cần một cách thưởng thức khách quan của khán giả.
Thời gian qua, cũng giống như nhiều họa sĩ body painting khác trên cả nước, Ngô Lực trăn trở rất nhiều về việc giới thiệu tác phẩm của mình đến công chúng quả là không đơn giản. Để được cấp phép biểu diễn và triển lãm tác phẩm của mình, các họa sĩ sẽ phải trải qua những kiểm định gắt gao của các nhà quản lý, chính quyền địa phương, sở văn hóa. “Hiện nay, giấy phép cho các chương trình triển lãm body painting chỉ cấp cho họa sĩ vẽ trên cơ thể người mẫu nam, không cho vẽ trên người mẫu nữ. Thật khó hiểu”, Ngô Lực cho biết.
Chia sẻ về định hướng của mình, Ngô Lực cho biết anh muốn đưa hình thức body painting nói riêng và body art nói chung đến với cộng đồng, chứ không bó hẹp ở khuôn khổ một studio, phòng triển lãm hay trên mạng. Theo anh, nghệ thuật phải luôn gắn với cộng đồng và phục vụ cộng đồng hoặc bị đào thải nếu không phù hợp. “Tôi không ngại bỏ thời gian, công sức để sáng tác liên tục các tác phẩm body painting vì tôi còn muốn thay đổi quan điểm bảo thủ của mọi người về nghệ thuật độc đáo này. Mặc dù tôi vẫn biết rằng, để bộ môn nghệ thuật này phát triển ở Việt Nam một cách bình thường như trên thế giới thì cần phải đầu tư rất nhiều thời gian…”.