Vào trung tuần tháng 3 vừa qua, Mỹ đã công bố mức thuế áp chống bán phá giá cao chưa từng có với cá tra – cá basa của Việt Nam, từ 2,39 USD/kg lên tới 7,74 USD/kg.
Đây được xem là “cơn bão” áp thuế chống bán phá giá của Mỹ mà theo dự báo sẽ gây thiệt hại rất lớn cho doanh nghiệp Việt Nam. Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP) khẳng định việc áp thuế vô lý nói trên khiến các doanh nghiệp có rất ít cơ hội xuất khẩu cá tra phi lê vào Mỹ trong thời gian tới vì không thể đáp ứng số tiền ký quỹ quá cao theo mức thuế này.
VASEP và các doanh nghiệp thủy sản của chúng ta đang xem xét tiến hành các thủ tục pháp lý cần thiết để khiếu kiện lên Tòa án Thương mại Quốc tế Mỹ (CIT). Ngày 20-3, VASEP đã phát đi thông tin phản đối mạnh mẽ về kết quả cuối cùng thuế chống bán phá giá cá tra xuất khẩu vào Mỹ đợt xem xét hành chính lần thứ 13.
So với mức 0,69 USD/kg trước đây, mức thuế này đã tăng gấp sáu lần, là mức thuế cao nhất từ trước đến nay và cao hơn cả mức thuế toàn quốc 2,39 USD/kg mà Bộ Thương mại Mỹ (DOC) áp dụng cho các công ty không được hưởng thuế suất riêng rẽ trong vụ kiện chống bán phá giá cá tra của Việt Nam.
Bộ Thương mại Mỹ cũng đã có những điều chỉnh thiếu cơ sở pháp lý khi áp dụng mức thuế suất được tính theo các yếu tố bất lợi có sẵn trở thành mức thuế trung bình cho các công ty có mức thuế suất riêng rẽ không được xem xét hồ sơ, bỏ qua các quy định thông thường khi đưa ra quyết định trong kết quả cuối cùng.
Kết quả cuối cùng của đợt xem xét hành chính lần thứ 13 thể hiện sự không công bằng, trái với các quy định về luật chống bán phá giá thông thường đồng thời mang tính áp đặt và vô lý đối với các doanh nghiệp Việt Nam. Đây có thể nói là một việc chưa có tiền lệ, thể hiện sự áp đặt chủ quan thiếu cơ sở của DOC trong quá trình xem xét, VASEP cho biết.
Theo VASEP, trên thực tế các doanh nghiệp Việt Nam không bán phá giá cá tra và việc xuất khẩu cá tra Việt Nam vào Mỹ cũng không gây thiệt hại đến ngành công nghiệp cá nheo Mỹ mà trái lại đã tạo ra nhiều công ăn việc làm cho ngành kinh doanh các sản phẩm cá tra Việt Nam tại Mỹ, đồng thời là nguồn cung cấp sản phẩm cá thịt trắng ổn định cho người tiêu dùng Mỹ với chất lượng tốt và giá cả phù hợp.
VASEP khẳng định Mỹ là một đối tác chiến lược của Việt Nam, quan hệ hai nước đã có những bước tiến đáng ghi nhận trong thời gian qua nhằm thúc đẩy tự do thương mại của hai quốc gia. Chúng tôi cho rằng quyết định này của DOC đi ngược lại tiến trình tự do thương mại đồng thời ảnh hưởng tới quan hệ thương mại song phương Hoa Kỳ – Việt Nam.
Trước đó, tháng 9-2017, sau khi Bộ Thương mại Hoa Kỳ công bố kết quả sơ bộ thuế chống bán phá giá lần thứ 13 đối với sản phẩm cá tra phi lê đông lạnh nhập khẩu từ Việt Nam với mức thuế 2,39 USD/kg, bằng với mức thuế toàn quốc, đã khiến kim ngạch xuất khẩu cá tra vào Mỹ sụt giảm liên tục, cụ thể giảm 11% so với cùng kỳ 2016.
Bộ Công thương cũng vào cuộc phản đối hành động áp thuế vô lý của DOC đối với cá tra Việt Nam khi cho rằng mức thuế mà Mỹ đưa ra là không khách quan, mang tính bảo hộ quá mức. Bộ Công thương đề nghị phía Mỹ xem xét, điều chỉnh lại cách xác định mức thuế đối với các công ty liên quan của Việt Nam trên nguyên tắc khách quan, tuân thủ quy định của WTO, công bằng cho tất cả các bên liên quan.
Không chỉ với cá tra, các mặt hàng thủy sản khác nhập khẩu vào Mỹ cũng đứng trước nhiều thách thức. Trước mắt là Cục Quản lý Đại dương (NOAA) cho biết sẽ tăng cường giám sát việc khai thác và nhập khẩu đối với 13 loại thủy sản (cá hồng, hải sâm, cá mập, cá kiếm, cá ngừ, cá mú, cá nục, bào ngư…). Mỗi lô hàng nhập khẩu đều phải khai báo đầy đủ chi tiết (đánh bắt ở đâu, số lượng bao nhiêu, bảo quản ra sao…).
Theo số liệu thống kê sơ bộ mới công bố của Tổng cục Hải quan trong năm 2017, các doanh nghiệp Việt Nam đã xuất khẩu hơn 8,3 tỉ USD thủy sản các loại, tăng 18% so với kết quả thực hiện trong năm 2016. Với kết quả này, thủy sản là nhóm hàng đứng thứ 6 trong số các nhóm hàng xuất khẩu chính của Việt Nam trong năm 2017.
Các thị trường tiêu thụ thủy sản lớn của Việt Nam bao gồm EU đạt trị giá 1,46 tỉ USD, Mỹ đạt 1,41 tỉ USD, Nhật Bản 1,3 tỉ USD, Trung Quốc 1,09 tỉ USD, Hàn Quốc 779 triệu USD…
Đánh giá về hoạt động xuất khẩu thủy sản trong năm 2017, ông Trương Đình Hòe, Tổng thư ký VASEP cho biết, năm 2017 kim ngạch xuất khẩu thủy sản vào thị trường Mỹ giảm là do rào cản kỹ thuật và thuế chống bán phá giá cá tra, tôm khá cao làm ảnh hưởng hoạt động xuất khẩu của doanh nghiệp và kéo lùi kim ngạch ở thị trường này. Nhưng sự tăng trưởng khả quan ở các thị trường chính khác đã bù vào sự sụt giảm ở thị trường Mỹ.
Như việc EU tăng cường nhập khẩu tôm của Việt Nam, đặc biệt là các mặt hàng chế biến có giá trị gia tăng cao, và tác động của Hiệp định Thương mại Tự do Việt Nam – EU có hiệu lực từ năm 2018 là yếu tố chính đẩy kim ngạch xuất khẩu vào EU tăng lên.
Trong khi xuất khẩu cá tra sang Mỹ và EU gặp khó do các hàng rào thuế quan và kỹ thuật thì Trung Quốc lại vươn lên thành thị trường nhập khẩu cá tra lớn nhất của Việt Nam.
Trước năm 2017, Mỹ là thị trường xuất khẩu cá tra lớn nhất của Việt Nam khi chiếm hơn 22% tổng kim ngạch xuất khẩu cá tra cả nước. Tuy nhiên, Trung Quốc đã vượt Mỹ và trở thành thị trường xuất khẩu cá tra lớn nhất trong năm 2017 khi nhập 410,9 triệu USD cá tra từ Việt Nam, tăng tới 34,8%.
Trung Quốc được xem là một thị trường thay thế tốt khi nhu cầu từ EU đang sụt giảm và rào cản nhập khẩu từ Mỹ ngày càng tăng cao.
Ngoài việc củng cố tại hai thị trường truyền thống Mỹ và EU, nhiều doanh nghiệp cũng có sự chuyển hướng sang một số thị trường tiềm năng như Trung Quốc, Mexico, Brazil, Colombia… Nhiều khả năng, Trung Quốc sẽ tiếp tục là thị trường nhập khẩu cá tra lớn nhất của Việt Nam trong năm 2018.
Thực tế, các doanh nghiệp cá tra Việt đã có sự chuyển dịch trong cơ cấu xuất khẩu, chú trọng hơn đến thị trường Trung Quốc.
Theo thống kê từ VASEP, xuất khẩu cá tra trong tháng 1-2018 đạt hơn 172,5 triệu USD, tăng 43,7% so với cùng kỳ. Trong đó, Trung Quốc tiếp tục là thị trường nhập khẩu dẫn đầu, chiếm 23,9% kim ngạch xuất khẩu, tương ứng hơn 41,2 triệu USD, tăng 132% so với cùng kỳ.
VASEP cho rằng, Trung Quốc vừa là thị trường xuất khẩu thủy sản khổng lồ trên thế giới nhưng cũng là thị trường có sức tiêu thụ mạnh mẽ không kém. Với lợi thế có chung biên giới, Việt Nam có thể vận chuyển thủy sản cả đường bộ và đường biển trong thời gian và quãng đường ngắn sang Trung Quốc, thuận lợi cho hoạt động xuất khẩu của doanh nghiệp.
Tuy nhiên, việc mở rộng sang thị trường này được cảnh báo rủi ro như xuất khẩu tiểu ngạch, thị trường thiếu tính ổn định, cung cầu khó dự báo… Đặc biệt là các quy định về hải quan, kiểm dịch không rõ ràng và thường xuyên thay đổi.