Rajasthan luôn luôn được xác định là một bức tranh khảm mỹ lệ vô song. Đó là những bãi cát vàng óng, pháo đài tráng lệ, các cung điện, đầy ắp những động vật hoang dã, những con người đầy sắc màu và thân thiện luôn mê hoặc du khách từ khắp nơi trên thế giới.
Mặc dù một số thành phố thuộc bang được sự bảo trợ về nghệ thuật và thủ công mỹ nghệ, nhưng Jaipur vẫn dẫn dầu tất cả về danh tiếng, đặc biệt là trong phong cách tạo tác đồ trang sức Kundan-Meena. Kundan, có nghĩa là “vàng nguyên chất”, một trong những hình thức tạo tác đồ trang sức lâu đời nhất tượng trưng cho vẻ đẹp thanh tao, sang trọng và sự khéo léo đến tuyệt vời.
1Thành phố Jaipur, hay Thành phố Hồng, được biết đến như là thủ đô và là thành phố lớn nhất của bang Rajasthan, Ấn Độ. Maharaja Sawai Jai Singh II, người cai trị Amber, đã sáng lập thành phố này và sau đó nó được đặt theo tên ông. Jaipur có một sự kết hợp rất thú vị về văn hóa và phát triển đô thị.
Kiến trúc cổ nơi đây được bảo tồn rất tốt, pha trộn một cách duyên dáng với các cửa hàng và quán ăn đương đại. Những con đường rộng lớn thay thế cho các con đường nhỏ hẹp trước kia, ở đó có thể thấy các karigar/nghệ nhân đang tạo tác các mặt hàng thủ công như bandhani (một loại vải truyền thống Ấn Độ), gotapatti (vật phẩm thêu truyền thống Ấn Độ), tranh vẽ với các hình mẫu thu nhỏ, đồ gốm lam, bạc và trang sức kundan. “Gopalji ka raasta” là một trong những con đường như vậy ở Johari Bazaar, nơi hầu hết các nghệ nhân tạo tác Kundan sinh sống và làm việc.
2Nghệ thuật tạo tác trang sức Kundan có được sự bảo trợ to lớn suốt thời đại Mughal và một số món đồ trang sức quyến rũ nhất thế giới đã được tạo tác trong khoảng thời gian đó. Việc sản xuất những món đồ trang sức Kundan-Meena là một công việc lâu dài, đòi hỏi nhiều kỹ năng, sự nỗ lực to lớn và phối hợp làm việc theo nhóm để sáng tạo ra những mẫu tinh tế. Các karigar/nghệ nhân là bậc thầy trong việc tạo tác những món đồ thủ công mỹ nghệ và họ rất tự hào về công việc của mình. Những thiết kế ban đầu chỉ đơn giản chưa mang tính thẩm mỹ cao bao gồm các mẫu hình học giản đơn cho đến các chi tiết tô điểm, thêm thắt ngày càng phức tạp hơn.
3Kundan-Meena là kỹ thuật làm đồ trang sức độc đáo bằng cách khảm/nạm vàng với đá quý và các loại bán đá quý (sản phẩm Kundan) ở một mặt và nghệ thuật tráng phủ men đầy màu sắc (Meenakari) ở mặt sau. Có 4 bước để tạo tác bất kỳ món trang sức Kundan-Meena. Đó là:
– “Ghadayi” là quá trình tạo tác bộ xương hoặc khung của món đồ trang sức. Đầu tiên, những dải/mảnh vàng dát mỏng được tạo tác bằng máy cán. Để cắt, cuộn, định hình theo thiết kế đã được lựa chọn, các karigar/nghệ nhân sử dụng những cây nhíp nhỏ và các dụng cụ sắc lẻm. Chúng được sắp đặt hoặc “bố trí” trên một bảng sáp để tạo ra bản sao chính xác cho thiết kế, sau đó hàn lại với nhau để tạo thành hình mảnh rắn như bông tai hoặc mặt dây chuyền. Phần cặn đen trên các mẩu sau khi hàn được làm sạch bằng hóa chất nhẹ và sau đó sấy khô. Cánh kiến đỏ được đun nóng và rót vào các chỗ, được cho là sẽ giữ chặt những viên đá quý.
– “Khudayi” là quá trình khắc/trổ/chạm hoặc khắc acid hoa văn ở trên mặt trước hoặc sau (hay cả hai) của món trang sức. Mặc dù hầu hết các họa tiết là bông hoa hoặc lấy cảm hứng từ thiên nhiên, một số cũng có dạng hình học. Việc chạm khắc tinh tế đòi hỏi người nghệ nhân phải có một bàn tay đều đặn, vững vàng, độ chính xác cao và tập trung cao độ. Bụi vàng được tạo ra trong quá trình này sẽ được tái sử dụng sau này.
– “Meenakari” là kỹ thuật trang trí đồ trang sức bằng men. Đó là một quá trình phức tạp và gian khổ. Màu men được sử dụng chủ yếu là đỏ, lục, lam và trắng. Sự kết hợp những màu này với kim loại vàng được gọi là “Panchranga”. Những sắc màu này được dính vào nhờ những cây kim mỏng hoặc que chèn trong mẫu khắc.
Món trang sức phải được nung nhiều lần cùng với số lượng màu được sử dụng. Việc nung này có thể được thực hiện trong một lò điện hoặc trên các cuộn dây của lò sưởi trong nhà bằng cách dùng một lưới sắt mỏng. Việc này nấu chảy các màu sắc với vàng. Một khi tất cả các màu sắc được đổ vào và đốt, món nữ trang được trau chuốt bằng một máy mài để tăng cường các đường nét làm ánh lên sắc vàng kim của vàng trên hình mẫu. Sau đó, nó được đun sôi với acid nhẹ để tăng độ óng ánh và gửi đến người karigar/nghệ nhân tiếp theo để gắn đá quý.
– “Jadayi” là quá trình gắn đá quý bằng cách chèn một lá vàng giữa các viên đá và kết chúng lại. Kim cương, sapphire, ngọc lục bảo và hồng ngọc là những loại đá quý thường được sử dụng. Để cho độ sâu lắng và khúc xạ, một miếng lá bạc được đặt bên dưới đá, để chúng thêm lấp lánh. Món trang sức được làm nóng và đặt trên cánh kiến đỏ, sau đó, các mảnh vàng lá 24 carat (mềm và dễ uốn/dát mỏng bằng cách nện búa) đặt vào hai mặt của đá quý cho đến khi chúng được kẹp chặt.
Các dụng cụ mảnh và sắc được sử dụng để đục chạm lá kim loại ở những góc cạnh, tạo ra các chi tiết tinh xảo của những viên đá quý, gia tăng vẻ đẹp cho chúng. Cuối cùng, các món đồ trang sức được trang trí bằng với những viên đá quý được treo hoặc xâu thành chuỗi để đeo.
Ngày nay đồ trang sức Kundan-Meena của Ấn Độ đã trở thành nhu cầu ngày càng gia tăng trên toàn thế giới. Các sản phẩm được chuộng nhất bao gồm mặt dây chuyền, bông tai, nhẫn, dây chuyền, nhẫn mũi, vòng chuỗi, lắc/kiềng chân, dây lưng, vòng tay, maang-tikas (món đồ trang sức đeo trên đầu, trước trán) và các mặt hàng trang trí khác.