Sự bùng nổ phong trào chơi du thuyền trong những năm gần đây đã khai sinh ra một dịch vụ hoàn toàn mới: nghề “nuôi” du thuyền.
Chỉ vừa ra mắt tại Cannes Yachting Festival 2019 vào trung tuần tháng 9 vừa qua nhưng chiếc du thuyền thuộc dòng xa xỉ Monte Carlo 52 của Beneteau Group (Pháp) đã chính thức được nhập khẩu về Việt Nam. Có chiều dài hơn 16m với một phòng khách và ba cabin phòng ngủ sang trọng, Monte Carlo 52 được mệnh danh là “giấc mơ biển cả”.
Những thương vụ trăm tỉ
Chiếc du thuyền được xem là truyền nhân của dòng du thuyền siêu sang Monte Carlo Yachts vừa nêu trên do Tam Sơn Yachting nhập về Việt Nam bằng việc thực hiện các thủ tục vận chuyển, nhập khẩu, đăng kiểm và kiểm tra kỹ thuật, nghiệm thu vận hành trước khi bàn giao cho chủ sở hữu… Trước đó, một doanh nghiệp bất động sản và dịch vụ vận chuyển đã mua một lúc năm chiếc du thuyền (giá khoảng 2 triệu USD/chiếc) để khai thác du lịch.
Những thương vụ triệu đô như vậy không còn là điều lạ lẫm ở Sài Gòn. Theo lời rỉ tai của giới sành du thuyền thì cách đây ít tháng, ở TP.HCM đã diễn ra một cuộc chuyển nhượng du thuyền giữa hai doanh nhân, số tiền ngót nghét cũng lên tới gần trăm tỉ đồng. Hiện nay trên sông Sài Gòn đang xuất hiện hai chiếc du thuyền, một (thuộc dòng du thuyền hai thân Lagoon) của một nữ doanh nhân lĩnh vực tài chính và chiếc kia (dòng Monte Carlo Yachts) thuộc sở hữu của một khách sạn sáu sao mà giá mỗi “dinh thự trên mặt nước” này cũng rơi vào khoảng 5 triệu USD.
Từ chỗ tập chơi du thuyền với việc nhập về những chiếc đã qua sử dụng, giới nhà giàu tại TP.HCM nói riêng và Việt Nam nói chung bắt đầu chi đậm hơn cho sở thích mới mẻ nhưng tốn kém này. Ông Đỗ Quang Vĩnh, Tổng giám đốc Royal Corp, cũng là người có thâm niên chơi du thuyền hơn tám năm nay, còn phát hiện: “Chính sự phát triển của bất động sản đã kích thích sự bùng nổ của phong trào chơi du thuyền ở Việt Nam. Ngoài việc mua vì sở thích, phục vụ nhu cầu thưởng ngoạn thì rõ ràng, việc neo du thuyền ở những dự án ven sông hay các khu nghỉ dưỡng, coi đó là một dịch vụ cộng thêm cho khách hàng, đang là cách làm hình ảnh hiệu quả, làm tăng giá trị của cả dự án lên”.
Thị trường du thuyền sôi động đã kéo theo sự ra đời của các doanh nghiệp chuyên nhập khẩu và phân phối du thuyền chính hãng. Ngoài Royal Corp của ông Vĩnh, còn có thể kể đến Tam Sơn Yachting là đơn vị nhập khẩu chính thức của Tập đoàn Beneteau cho các dòng du thuyền động cơ và thuyền buồm từ các thương hiệu: du thuyền hai thân Lagoon Catamarans, du thuyền xa xỉ Monte Carlo Yachts…
Hay công ty TNHH Du thuyền Việt – VietYacht thành lập vào năm 2015, độc quyền phân phối hơn 120 mẫu du thuyền từ các thương hiệu hàng đầu thế giới, như: Ferretti, Jeanneau, Prestige, Fountaine Pajot… Trên bảng giá niêm yết của doanh nghiệp này, chiếc thấp nhất là Cap Camarat 6.5WA có giá 1,4 tỉ đồng, cao nhất là chiếc Prestige 680 lên đến 74 tỉ đồng.
Đặc biệt như Vimarine, đang là nhà phân phối độc quyền chính thức tại Việt Nam của các thương hiệu như: Azimut Yachts (du thuyền Ý cao cấp từ 12 đến 35 mét), Monterey Boats (thuyền động cơ cao tốc của Mỹ), Sessa Marine (canô và du thuyền của Ý), Gulf Craft (thuyền chở khách của Ả Rập Thống Nhất), không chỉ bán sản phẩm mới mà doanh nghiệp này còn kinh doanh thuyền máy và du thuyền đã qua sử dụng.
Bảo mật thông tin khách hàng khi không công bố tên chủ dở hữu, tuy nhiên dân môi giới du thuyền xác nhận doanh nhân, đặc biệt là lĩnh vực bất động sản chiếm số lượng lớn. Cả nước hiện có hơn 100 chiếc du thuyền, trong đó già nửa thuộc TP.HCM.
Quản gia “biệt thự nổi” trên sông
Khi cuộc chơi du thuyền bùng nổ, một nghề hoàn toàn mới ra đời dó là quản lý và khai thác du thuyền. Ông Vĩnh lý giải: “Ngoài việc đã phải bỏ ra số tiền lớn, có khi lên đến cả trăm tỉ đồng để mua một chiếc du thuyền thì mỗi tháng, chủ sở hữu còn phải “đốt” thêm 100 triệu – 200 triệu đồng cho các chi phí bảo vệ và chăm sóc như quản lý, bến bãi, nhân công, bảo trì, bảo dưỡng… mà những việc này cần phải thuê người có chuyên môn làm. Vì vậy mà người ta nói rằng thước đo đẳng cấp quý tộc là du thuyền cũng không sai, bởi dù sử dụng hay chỉ neo nằm bờ thì hằng tháng anh vẫn phải chi bộn để “nuôi” nó”.
Để dễ hiểu, ông Vĩnh ví von: “Có giá hàng chục tỉ nên du thuyền cũng giống như “biệt thự nổi” trên sông vậy. Đầy đủ không gian tiếp khách, phòng ngủ, bếp… Mà như vậy thì cần có người trông coi, dọn dẹp, quản trị… cũng như nhà cần phải có quản gia. “Đốt” tiền kinh khủng nhưng khi đã mê, bập vô thì khó dứt được lắm”.
Thông thường chính các doanh nghiệp môi giới, phân phối du thuyền như Royal Corp của ông Vĩnh sẽ kiêm luôn vai trò quản lý, tức vừa bảo vệ tài sản, vận hành, bảo dưỡng cùng nhiều đầu việc khác. Nếu kể ra, riêng dịch vụ bến bãi, tùy kích cỡ sẽ có chi phí 25-35 triệu đồng/chiếc/tháng (tính theo diện tích du thuyền, phổ biến hiện nay là 16 – 18m). Tiền điện, nước sử dụng khi neo đậu khoảng 5-6 triệu đồng/tháng.
Về chi phí nhân công, theo chia sẻ của đại diện Asiamarine Vietnam, đơn vị chuyên về du thuyền ở TP.HCM, thì tùy nhu cầu mà chủ du thuyền thuê người làm việc toàn thời gian hoặc bán thời gian. Trong đó, mức lương hàng tháng cho thuyền trưởng khoảng 20-25 triệu đồng. Ông Vĩnh chia sẻ thêm, một bến tàu hiện nay có khoảng 6-7 thuyền trưởng thường là người Việt. Mỗi thuyền cần 3-4 nhân viên phục vụ. Có những chuyến đặc biệt phải thuê lao động nước ngoài, thường là người Philippines bởi họ được đào tạo bài bản về ngành du thuyền.
Đó là những khoản “không chi không được”, còn theo nhận định của một số “quản gia” khi được hỏi, thì tốn kém hơn là chi phí bảo trì, bảo dưỡng, hoặc gặp xui là sự cố hỏng hóc cần sửa chữa, thay thế phụ tùng. Theo ông Vĩnh, việc bảo trì tiến hành hằng tháng, tuy nhiên cũng có thể căn cứ vào các mốc giờ hoạt động. Chẳng hạn chạy được khoảng 100 giờ phải thay nhớt, 5.000 giờ phải bảo dưỡng thay thế phụ tùng bị hao mòn, chi phí đăng kiểm khoảng 30 triệu đồng…
Một “quản gia” chép miệng: “Trước đây việc sửa chữa thường phải mời chuyên gia của hãng từ nước ngoài qua, hoặc nếu không phải gửi nguyên chiếc ra nước ngoài, cực kỳ tốn kém. Hiện nay những hỏng hóc thông thường nhiều xưởng máy ở TP.HCM có thể sửa được. Chỉ có trường hợp phải cẩu lên để sửa, với du thuyền to, riêng chi phí thuê cẩu lên tới cả 50 triệu đồng như chơi. Nhưng chưa dừng lại ở đó, khi thay thế bảo trì xong thì hạ xuống vận hành thử, nếu còn trục trặc lại phải cẩu lên…”.
“Những chi phí tốn kém ấy chưa kể đến khấu hao du thuyền là 20% mỗi năm. Nên cứ cầu trời cho du thuyền đừng trở chứng, đừng gặp sự cố gì. Bởi nếu cần thay thế phụ tùng phải nhập từ nước ngoài về, thời gian chờ lên tới cả tháng. Nhưng như vậy vẫn còn may, nhiều dòng du thuyền cũ, gặp sự cố nhiều khi phụ tùng chính hãng không có mà thay. Ước là vậy nhưng làm sao tránh được, đó âu là cái giá phải chi cho thú vui, ông Vĩnh phân bua.
Khởi đầu một loại hình dịch vụ độc đáo
Nhận ra sức hút của du thuyền, cũng như những tiện ích đặc thù của phương tiện này mà nhiều doanh nghiệp làm dịch vụ quản lý đã mạnh dạn sắm du thuyền mở ra dịch vụ thương mại. Thậm chí, họ còn vận động các chủ sở hữu “ký gửi” du thuyền tham gia loại hình này.
Ông Vĩnh nhận định: “Mục đích mua du thuyền thường là để phục vụ cho nhu cầu cá nhân hoặc gia đình, họp mặt bạn bè du ngoạn sông biển, hay mở rộng hơn là tiếp khách, xây dựng hình ảnh cho cá nhân hoặc doanh nghiệp… Mà các hoạt động ấy lại nhặt kỳ, du thuyền thường neo nằm bờ. Trong khi đó, chúng tôi phát hiện nhiều người có nhu cầu về du thuyền nên đã thử nghiệm một hướng đi mới là biến du thuyền trở thành một dịch vụ”.
Ngoài quản lý, Royal Corp từ đó có thêm chức năng khai thác du thuyền. Bằng cách hợp đồng với các chủ sở hữu theo hình thức thuê lại du thuyền nguyên tháng, gánh hết các chi phí quản lý hoặc nếu không, chỉ thuê theo giờ. Nhờ nắm trong tay “đội” du thuyền đông đảo, tập trung nên Royal Corp dễ dàng phát triển được các dịch vụ như cho thuê chụp hình cưới, tổ chức tiệc sinh nhật, du ngoạn trên sông, thuê đi khảo sát, tiếp khách… Dịch vụ mở không chỉ cho thị trường Sài Gòn mà cả ở vịnh Hạ Long, Nha Trang, Phú Quốc…
Tùy kích cỡ của du thuyền mà giá dịch vụ dao động từ 10-25 triệu đồng/giờ.
Thấy Royal Corp tiên phong dịch vụ này, nhiều doanh nghiệp cũng bắt đầu đưa du thuyền vào khai thác. Như VietYacht, đang phát triển dịch vụ này ở vịnh Hạ Long. “Dịp 2-9 vừa qua, rất nhiều khách hàng đã đăng ký dịch vụ ngồi du thuyền ngắm pháo hoa trên sông Sài Gòn, một trải nghiệm hoàn toàn mới và phản hồi rất tốt”, ông Vĩnh chia sẻ.
Thực ra, với giá dịch vụ như vậy rõ ràng với nhiều người vẫn là một rào cản để một lần mua lấy trải nghiệm. Tuy nhiên, không chỉ ông Vĩnh mà những đại diện cho đơn vị khai thác du thuyền thương mại thừa nhận đây vẫn đang là loại hình dịch vụ cao cấp. Nhân viên maketing một đơn vị khai thác du thuyền lý giải, ngoài những chi phí mà doanh nghiệp phải trả để thuê du thuyền thì chi phí xuất bến/cập bến cũng mất khoảng 1-2 triệu đồng/lần. Ngoài lương “cứng” cho nhân viên, mỗi chuyến cũng phải “tip” 500 ngàn – 1 triệu đồng.
Ông Vĩnh thậm chí có cách lý giải thực tế hơn, đó là tiền nhiên liệu cho những hải trình, nghe con số xong hẳn nhiều người sẽ toát mồ hôi. Lấy ví dụ loại du thuyền lớn nhất hiện nay là 18m (chở tối đa 12 người), một giờ chạy được 30 hải lý (50km) thì tiêu thụ khoảng 100 lít dầu: “Nói nôm na là chỉ cần nổ máy thôi là đã mất mấy trăm ngàn”.
Tuy nhiên, điều mà những doanh nghiệp khai thác dịch vụ trên sông nước như ông Vĩnh coi là trở ngại, đó là chưa đủ lực để làm những tour lớn dọc biển Việt Nam, chưa có những câu chuyện hấp dẫn trên sông để kể cho du khách, kể cả cảnh trí hai bên bờ sông cũng chưa có nhiều đặc sắc. “Chúng tôi nhận ra nhu cầu mới, đã ra được sản phẩm mới nhưng rõ ràng để hấp dẫn và níu chân du khách vẫn còn là thách thức nếu không cải thiện được cảnh quan đô thị cũng như hệ sinh thái đi kèm với dịch vụ du thuyền”, ông Vĩnh nói. Điều này ban ngành hữu quan TP.HCM cũng đã nhìn ra, bởi thành phố có 110 tuyến sông rạch có chức năng giao thông thủy (dài 953km) nhưng tính định hướng, kết nối và khai thác cảnh quan không gian, chưa đặt dòng sông là trung tâm nghiên cứu phương án tổ chức không gian cảnh quan hai bên bờ sông.
Ông Richard Ward, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Công ty TNHH Corsair Marine International lại nêu ra một trở ngại về pháp lý, đó là hiện nay Việt Nam chưa có quy định rõ ràng về ngành đóng thuyền buồm nên các doanh nghiệp rất khó mở mang các hoạt động về thuyền buồm hai thân. Trong khi các nước họ sử dụng thuyền buồm để chu du khắp thế giới nhưng tại Việt Nam buồm chỉ có chức năng trang trí!
Theo chủ nhân hai hãng thuyền buồm danh tiếng Seawind và Corsair Marine này, thì: “Nghịch lý còn ở chỗ tại Việt Nam buồm chỉ được phép căng lên khi đứng tại chỗ, còn căng lên để chạy thì chưa được phép”. Ý kiến của ông Richard Ward được báo chí đăng tải, đã tạo ra sự chuyển động của nhiều cơ quan hữu quan sau khi Thủ tướng có chỉ đạo nghiên cứu xử lý các vấn đề vướng mắc và hy vọng buồm du thuyền hai thân sẽ sớm được dong lên.
Tổng giám đốc Royal Corp cho rằng hoàn toàn có thể hướng đến du lịch du thuyền, tạo ra một sản phẩm mới độc đáo cho thành phố bởi sức hút của loại hình này, và phong trào chơi du thuyền sẽ còn phát triển mạnh, khi những người mê du thuyền đang xúc tiến thành lập câu lạc bộ. Bản thân Royal Corp của ông Vĩnh cũng mới nhập về một chiếc Pretige 520 giá gần 2 triệu USD để khai thác dịch vụ: “Hồi cuối tháng 4 vừa qua, sự kiện siêu du thuyền Aviva trị giá 150 triệu USD của tỉ phú Joe Lewis (ông chủ đội bóng Tottenham Hotspur) neo ở biển Phú Quốc, Đà Nẵng, vịnh Hạ Long và ghé thăm TP.HCM. Sức hút đến từ siêu du thuyền 98 mét và vị tỉ phú đã lan trên các mặt báo trong và ngoài nước.
Rõ ràng, đó là cách quảng bá hình ảnh hiệu quả và hấp dẫn cho du lịch biển Việt Nam”, ông Vĩnh nói.
Đặc quyền riêng tư
Thuật ngữ du thuyền (yacht) thường chỉ những con tàu sử dụng cho mục tiêu thư giãn, giải trí có chiều dài ít nhất 23 feet (7m) cho đến hàng trăm feet. Ở Việt Nam danh xưng “du thuyền” được dùng rộng hơn, cho cả tàu nhà hàng hay thuyền gỗ tàu cá cải tạo đưa vào chở khách du lịch…
Dù đã xuất hiện loại hình du thuyền thương mại nhưng nói đến du thuyền là nói đến đặc quyền riêng tư. Không gian đó chỉ dành riêng cho chủ nhân và khách của họ.
Một số liệu báo cáo của Wealth-X từng công bố, những người siêu giàu trên thế giới chi khoảng 22 tỉ USD mỗi năm cho du thuyền. Xu hướng tiêu dùng này đang xuất hiện ở giới nhà giàu Việt Nam.