Theo thống kê của Bộ Công thương, trong sáu tháng đầu năm 2015 kim ngạch xuất khẩu hàng thủy hải sản Việt Nam sang các thị trường lớn như châu Âu, Nhật Bản, Hàn Quốc, Mỹ đã giảm đến 14,8% so với cùng kỳ năm trước. Nguyên nhân chủ yếu là do đồng euro và yen Nhật mất giá so với USD làm hàng Việt Nam bị giảm sức cạnh tranh về giá. Bên cạnh khó khăn đó, ngành thủy hải sản Việt cũng đang phải đối mặt với việc giảm sút uy tín tại các thị trường truyền thống khi số lượng lô hàng bị trả về không ngừng tăng.
Vài tháng trước, cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA) đã từ chối cấp phép nhập khẩu cho 107 lô tôm của Việt Nam do hàm lượng kháng sinh cao. Riêng trong hai tháng đầu năm 2015, số lô tôm bị FDA từ chối tương đương một phần ba tổng lô tôm bị từ chối trong năm 2014. Tháng 6 vừa qua, tại hội thảo “Hài hòa hóa quy định về vệ sinh an toàn thực phẩm và thú y dịch tễ của Việt Nam với quy định của EU: Khuyến nghị đối với ngành thủy hải sản Việt Nam”, nhiều chuyên gia đến từ châu Âu đã khuyến cáo rằng mặc dù sản lượng thủy sản của Việt Nam xuất khẩu sang thị trường Liên minh châu Âu (EU) ngày càng nhiều, nhưng vẫn gia tăng các cảnh báo về vi phạm an toàn thực phẩm.
Cụ thể, năm 2002 Việt Nam chỉ có 26 sản phẩm bị các nước EU cảnh báo mất an toàn vệ sinh thực phẩm, đến năm 2012 con số này lên đến 64 sản phẩm. Năm 2010 Việt Nam có 13 lô hàng thủy sản bị cảnh báo, năm 2014 con số này ở mức 41 lô, chiếm 31% tỷ lệ hàng xuất khẩu. Theo Tiến sĩ Claudio Dordi, Trưởng nhóm Tư vấn Kỹ thuật Dự án EU – Mutrap, khi Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – EU được ký, hàng loạt thuế quan được cắt giảm tạo điều kiện thuận lợi cho nhà xuất khẩu, do đó, sản phẩm thủy sản Việt Nam sẽ có tính cạnh tranh lớn. Tuy nhiên, các doanh nghiệp cũng phải thích ứng với các hàng rào tiêu chuẩn kỹ thuật về vệ sinh và chất lượng hàng hóa, bởi các điều kiện này sẽ không giảm.
Ngoài các tiêu chuẩn chi tiết về sản phẩm thủy sản xuất khẩu thì một yêu cầu khắt khe chung đang đặt ra. Đó là các nước EU đều nhập khẩu theo chuẩn chung là GlobalGAP (Thực hành nông nghiệp tốt toàn cầu) nhưng hiện nay sản phẩm thủy sản của Việt Nam chỉ mới đạt chuẩn VietGAP. Trước yêu cầu khắt khe về chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm đối với thủy sản xuất khẩu, doanh nghiệp Việt Nam cần sớm thay đổi thói quen sản xuất và kinh doanh nhằm tạo sự tin tưởng.
Tiến sĩ Claudio Dordi cũng lưu ý các doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản Việt Nam cần chú trọng tăng cường việc ghi nhãn xuất sản phẩm để nâng cao giá trị gia tăng của sản phẩm cũng như thương hiệu sản phẩm thủy sản xuất xứ Việt Nam. Đây cũng là lý do mà hiện nay hầu hết sản phẩm thủy sản xuất khẩu của Việt Nam được đóng gói tại nước nhập khẩu với tên khác. Điều ngày vô hình chung tạo ra mức giá mới nhưng doanh nghiệp Việt Nam lại không được hưởng lợi.
Ngày 3-7-2015, trong hội thảo “Kinh doanh với thị trường Phần Lan và EU”, phòng Công nghiệp và Thương mại Việt Nam (VCCI), Đại sứ quán Phần Lan và Chương trình Finnpartnership của Bộ Ngoại giao Phần Lan cũng đã công bố chương trình hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam tăng cường xuất khẩu nông thủy sản sang Phần Lan và Bắc Âu. Chương trình do Chính phủ Phần Lan tài trợ qua dự án FLC14-04 sẽ tổ chức hoạt động xúc tiến để đưa hàng hóa Việt Nam vào thị trường của nước mình. Đây là một trong những thuận lợi để các doanh nghiệp Việt thâm nhập sâu, rộng vào thị trường này.
Bên cạnh châu Âu, Hàn Quốc là thị trường tiềm năng của hàng thủy sản của Việt Nam khi Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – Hàn Quốc (VKFTA) chính thức có hiệu lực. Theo đó, mặt hàng tôm sẽ được miễn hạn ngạch thuế quan 10.000 tấn cho năm đầu tiên và sẽ tăng lên 15.000 tấn trong năm năm tiếp theo. Có thể nói, ngành thủy sản Việt Nam đang đứng trước nhiều cơ hội tăng kim ngạch xuất khẩu trong sáu tháng cuối năm 2015. Tuy nhiên, khả năng tận dụng các cơ hội đó phụ thuộc rất nhiều vào việc ngành có đảm bảo được chất lượng sản phẩm khi đưa ra thị trường thế giới hay không.