Trong các bộ môn nghệ thuật của Ấn Độ, đặc biệt là nghệ thuật biểu diễn, như ca, vũ, kịch luôn đề cập tới một việc gọi là Navrasa – những xúc cảm nghệ thuật, hay những biểu lộ tình cảm trên khuôn mặt, cử chỉ-hành động, cho thấy tâm trạng, tính khí của con người.
Nói dễ hiểu đó là các cảm xúc vui buồn, giận dữ, sợ hãi… Ở ngoài đời, ta cũng có thể thấy chúng, song bao quát nhất, một lúc dễ gặp mọi rung cảm, thì chỉ có trên sân khấu, nơi người nghệ sĩ thực hiện bài múa, vở kịch, đem tới một hành trình đầy gian truân, song phong phú cảm xúc của một số phận.
Navrasa theo tiếng Sanskrit có nghĩa là 9 cảm xúc, trong đó nava là chín, rasa là cảm xúc. 9 cảm xúc này là Shringara (yêu mến, thấy đẹp- hấp dẫn), Hasya (vui vẻ, buồn cười, khoái trí), Karuna (đau khổ, sầu bi, ân hận), Raudra (giận dữ, tức tối, khó chịu), Veera (mạnh bạo, gan dạ, kiên cường), Bhayanaka (sợ sệt, lo lắng, ngờ vực), Bibhatsya (ghét bỏ, chán trường, khinh miệt), Adbutha (ngạc nhiên, hiếu kỳ, phân vân) và Shantha (bình tâm, thanh thản, hồn nhiên). Không chỉ biểu thị ở cảm xúc, Navrasa còn ở thể hiện qua từng màu sắc và theo mật tông gắn với một vị thần, người khơi nguồn cảm xúc ấy, ví dụ như yêu thì đồng nghĩa với màu xanh lá và thần Visnu; vui- trắng- Pramata, giận- đỏ- Rudra, buồn- xám- Yama, ghét- lam- Shiva, sợ- đen- Kala, gan- cam- Indra, ngạc- vàng- Brahma và an- trắng- Visnu.
Người đầu tiên viết về Navrasa và trong cuốn Natya Shastra là Bharata Muni, một nhà nghiên cứu sân khấu và âm nhạc cách đây 2.500 năm. Tuy nhiên, ông chỉ đưa ra tám rasa, và đến triết gia Abhinavagupta thế kỷ 11 thì có thêm rasa thứ chín: Shantha. Nhờ hai người, mà Navrasa đã được biết trên khắp thế giới, là những cảm xúc cơ bản được nói thành lời và áp dụng trong mọi nghệ thuật, dùng để biểu diễn và thưởng thức như nghe/ chơi nhạc, xem/ đóng kịch, đọc/ viết truyện và ca, múa, hát.
Tại Ấn Độ, chín rasa được thấy trong tất cả những điệu múa cổ điển của nước này, như Bharathanatyam, Kathak, Kuchipudi, Odissi, Manipuri, Kudiyattam, Kathakali… và là xương sống của sân khấu, kịch nghệ khắc họa những nét đẹp tâm khảm trên cả dung mạo lẫn hình thể. Nó cũng có ở nhiều tác phẩm hội họa, điêu khắc, văn thơ đặc tả vẻ đẹp hùng vĩ, thơ mộng của thiên nhiên – vì không chỉ người có rasa, các sự vật hiện tượng cũng có rasa, thậm chí nhiều hơn.
Ở người, rasa là những tâm trạng, xuất thần từ tình cảm yêu mến, ghét bỏ của người này với người kia, song ở tự nhiên thì là những nội lực được bùng phát từ bên trong ra ngoài khi có các tác nhân môi trường, như biển động thì sóng trào, trời nóng thì hạt nứt, chín muồi thì hoa nở… Nói chung ở sự vật, rasa là những tiết khí, thể trạng, tinh chất có tác động đến ngũ quan của người, đem tới sự hứng thú hoặc nhàm chán. Ví dụ nhìn sóng vỗ lăn tăn, người ta thường cho rằng đó là lúc biển dịu hiền, ngược lại khi sóng xô, gió giật thì biển nổi giận. Nhìn trời mưa, có người thấy vui vì tiếng mưa kêu lộp bộp song có người lại u buồn vì trời rét mướt. Nói như vậy, Navrasa có ở mọi nơi, mọi lúc, mọi vật và tùy thuộc vào cách ta đón nhận như thế nào.
Trong cuộc sống đời thường, đối mặt với nhiều sự kiện- hoàn cảnh, mỗi người thường rung động (rasa) rất nhiều lần khác nhau. Tuy rằng chúng chỉ thoáng qua, nhưng cũng đủ chi phối hoặc tích cực hoặc tiêu cực đến sức khỏe, công việc, quan hệ gia đình. Khi ấy, cơ thể sẽ phát sinh một xung điện, làm ta cảm thấy phấn chấn hoặc ỉu xìu. Ở người thường, mức độ đó rất thấp, song ở các văn nghệ sĩ, chính khách, người hoạt động trí óc lại cực cao, và nó là nguồn cảm hứng để họ cho ra các tác phẩm, phát minh vĩ đại; và khi coi các sáng tác của họ, người xem, dù có “đơ” cảm xúc đến mấy cũng dần sống dậy nhiều cung bậc. Dưới đây là chín rasa quen thuộc.
Đứng đầu trong 9 cảm xúc là vua của Navrasa là Shringara (Ái hay Si). Nó được dùng để miêu tả mọi dạng yêu thương từ đôi lứa đến bạn bè, mẫu tử, con vật, đồ vật, quê hương, làng xóm. Song nhiều nhất là tình yêu bạn khác giới và cái đẹp. Đó là một tình cảm có thể giúp con người hàn gắn tất cả, cho dù không làm gì mà chỉ cần những nét mặt, cử chỉ dễ thương, lãng mạn và là nền tảng để xây dựng quan hệ nam nữ, đem lại sự ấm áp, an toàn cho đối phương.
Người ta thường nhắc đến hai khía cạnh của yêu, gồm yêu và được yêu. Chỉ cần yêu cũng đã giúp một người tự tin, vượt lên mọi khó khăn để được thấy người yêu, và nếu được yêu nữa thì càng tuyệt, và đó sẽ là bản hòa ca thần thánh giữa Shiva và Shakti, giữa mặt trời mặt trăng, âm dương. Yêu và được yêu sẽ giúp ta trẻ khỏe, vui vẻ, hòa đồng và có những việc làm tốt đẹp để an ủi hoặc làm hài lòng người khác, cũng như thi vị cho cuộc sống.
Dường như ai cũng sẵn trong mình xúc cảm yêu mến tối thiểu, nhìn thấy bạn khác giới là mến, thấy bông hoa đẹp là thích, thấy một người tài giỏi thì hâm mộ, thấy một người khổ cực thì thương xót. Nếu không, cuộc sống sẽ trở nên vô vị, lạnh lẽo, không ai quan tâm đến ai. Nói rộng ra, không có tình yêu thương, trái đất sẽ hoang tàn vì chiến tranh. Cảm xúc yêu, cũng như tình yêu rất đẹp, tươi xinh, dễ đến dễ đi nên cần phải nuôi dưỡng hàng ngày, vì thế trong văn hóa Ấn Độ, nó thường có màu xanh lục, như một chồi non cần chăm sóc, vun vén.
Cảm xúc quan trọng thứ hai là Hasya (Hỷ hay Hài), biểu lộ qua những nụ cười, câu tếu. Cảm xúc này cho ta nhẹ nhõm, sảng khoái, thậm chí buồn cười, và là một phần không thể thiếu trong cuộc sống bề bộn. Bằng cách cười và tìm thấy những niềm vui dù nhỏ bé nhất, ai nấy đều có thể quên đi mọi vất vả, nhọc mệt. Có rất nhiều cái làm một người mệt mỏi, từ chuyện học hành, đi làm, đi chợ, bếp núc đến giao lưu, hò hẹn…, song chỉ cần cười hoặc suy nghĩ lạc quan một chút là cơ thể thư thái hẳn, đầu óc tỉnh táo, linh hoạt. Theo các nghiên cứu khoa học, cười còn giúp tăng cường hệ miễn dịch, giảm đau, hạ stress, chữa một số bệnh nên tục ngữ Việt Nam đã có câu: Một nụ cười bằng 10 thang thuốc. Còn thông thường thì cười cũng cho mỗi người vui vẻ, cởi mở, bình tĩnh. Có ích như vậy, song cười rất dễ tới.
Cảm giác vui, khoái trí đến cực nhanh, và càng nhanh khi tâm trí được giải phóng, hay có người trêu ghẹo. Có tới hai kiểu Hasya là tự vui Atmastha và phát cười vì người khác Parastha, nhưng đều mang sắc trắng cho thấy sự vô tư, trong sáng. Con người rất cần đến Hasya, do nó vừa ích lợi cho sức khỏe, vừa tạo bầu không khí sôi nổi-lành mạnh. Những ai có khiếu hài hước cũng dễ gây chú ý và thiện cảm ở xung quanh, tốt cho công việc. Do vậy, người Ấn Độ rất coi trọng Hasya, và có cả bộ môn yoga cười, ở đó mọi người được dạy cười, thể hiện các trạng thái vui sướng, từ cười nhăn mặt đến cười ngả nghiêng, cười khúc khích đến cười ròn rã.
- Xem thêm: 10 kiểu in đặc sắc trên vải Ấn Độ
Bình thường có vui thì cũng có buồn, và đấy là cảm xúc Karuna (Bi, Khổ). Karuna thường xuất hiện khi một người chứng kiến các chuyện buồn, thương tâm. Tuy là một xúc cảm tiêu cực, song nó lại phản ánh đạo đức của xã hội, nơi mà những tiêu chí về công bằng, lẽ phải, cái đẹp được đề cao, và người ta cho rằng một cái gì đó đáng quý, ít ra là với họ đã bị hủy hoại thì sẽ gây ra cảm giác tiếc nuối, đau khổ. Trong rất nhiều vở kịch cổ điển của Ấn Độ, đều có các phân đoạn diễn tả nỗi đau, ví dụ đau xót vì mất người nhân, vì xa làng nước hay chia ly với người yêu, và tạo nên những tình tiết lâm ly, gọi là bi kịch.
Mọi người không nhất thiết lúc nào cũng phải sầu bi, như khóc than hàng tháng nhưng nó là yếu tố tình cảm thể hiện cho sự quan tâm, trân trọng. Trong đời sống cũng như nghệ thuật, rasa này cũng là một cảm xúc đa dạng, nhất, cần đến chiều sâu của tâm hồn hoặc tài biểu diễn của nghệ sĩ. Nó bao gồm có khóc than, câm nín, buồn bã, thất thểu, lăn lộn… và vì khắc họa nỗi đau, sự u ám, tăm tối chưa giải tỏa được nên chìm trong màu xám.
Đau khổ nhiều sẽ dẫn con người đến tức giận, thù hằn với cảm xúc Raudra (Giận, Hận). Nó là cội nguồn của rất nhiều cuộc chiến tranh trong thực tế lẫn điện ảnh. Giận dữ có thể thiêu đốt mọi thứ, kể cả lòng kính trọng. Giống như vui, giận đến rất nhanh, song vui thì lành, vô hại còn giận thì ác liệt. Raudra chính là một cảm xúc tiêu cực nhất của người vì dễ bùng phát song lại khó kiềm chế. Tuy nhiên, tìm được nguyên nhân thì lại có thể xử lý.
Vì cũng có hai kiểu Raudra: một là vị kỷ (chỉ vì bản thân, không hài lòng thì giận) và giận vì lẽ phải, công minh. Trước cả hai việc này, nó đều là hồi chuông cảnh tỉnh người đối diện rằng, đang có điều gì đó bất ổn, và phải ứng xử hợp lý, tốt nhất đừng trêu tức người giận vì nó như đổ dầu vào lửa. Một khi lửa bốc lên, sẽ biến thành Droha (oán thù), Krodha (tức tối), Matsarya (ganh tỵ), Anrtavacana (giả dối), Adhiksepa (xỉ vả)… và đi cùng rasa này là sự cấu xé, đánh đập, gây chiến… và vì nóng nực, nó đỏ rực.
Veera (Dũng) lại là một cảm xúc tích cực, dù rằng cũng phát sinh từ sự ganh đua, chiến tranh, loạn lạc…, và nó nhấn mạnh đến khí chất anh hùng, quả cảm của con người, và trong kịch nghệ là một số nhân vật đặc biệt. Không phải ai cũng can đảm, dũng cảm khi đối mặt với gian khó, như đánh nhau với thú dữ hoặc một đội quân tinh nhuệ. Cảm xúc dũng mãnh chỉ xảy ra trong một khoảng khắc, thời điểm thường là trước sự sống còn, vì thế dù là nhân vật chính diện hay phản diện đều được người xem tôn trọng.
Người có cảm xúc anh dũng là không còn biết sợ, hoàn toàn tự tin vào bản thân, và dám đưa ra những quyết định trời long đất lở. Người đó trước sau sẽ là một nhà lãnh đạo. Hầu hết các điệu múa, vở kịch từ sử thi Ấn Độ đều tràn đầy rasa anh hùng này, cùng sắc cam. Đặc biệt là các điệu Keligopal, Kaliyadaman, Patni Prasad, Rukmini Haran, Rambijay…
Trong khi một người có vẻ không sợ, thì một số khác lại rất dễ bị tổn thương, lo lắng bởi cảm xúc Bhayanaka (Hãi). Nguyên nhân chính là do bị ám ảnh, cảm thấy bất an, vô lối thoát. Đây là tâm lý nói chung của những người yếu thế, một phần nữa là các nhân vật phản diện trên sân khấu, thường làm sai, sợ bị trừng phạt hay che giấu điều chi.
Để đóng một nhân vật hãi hùng, luôn cần phải quan sát rất tinh tế, thậm chí trải nghiệm thật sự. Sợ hãi trrong kịch cũng có rất nhiều kiểu, từ bàng hoàng, chột dạ, run rẩy đến kinh hãi, rồi ngất, hóa điên. Hơi giống với buồn, sợ có màu đen.
Bibhatsya (Khinh) là cảm xúc căm ghét thường được thấy bởi các mẹ chồng, em dâu, kẻ kênh kiệu… trong kịch. Đa số là các nhân vật phụ và xuất hiện như một người xấu. Nó phản ánh những tầng lớp đã từng có trong xã hội, và không chỉ là một cảm xúc khó chịu, mà còn là một thái độ coi thường của quý tộc đối với dân nghèo.
Thái độ này chỉ mất đi, khi một người quyền cao chức trọng, giàu tình thương đứng ra giảng hòa. Màu xanh lam là màu của Bibhatsya, và thường cảnh báo trước về các thế lực thù địch.
Adbutha (Ngạc) lại là cảm xúc tò mò, muốn tìm hiểu điều gì đang xảy ra, nhất là những thứ lạ chưa từng biết. Nó vừa vui vừa hồi hộp, đầy mạo hiểm. Nhờ cảm xúc này, ta thấy cuộc sống vẫn còn nhiều điều tươi đẹp, huyền bí cần khám phá. Và trong các vở kịch, đây là tâm trạng của một người mới lên thị thành, mới vào cửa nhà giàu hoặc một anh hùng bắt đầu chuyến phiêu lưu mới. Với mong muốn thỏa mãn mọi hiểu biết, nên nó vàng rượi.
- Xem thêm: Nghệ phẩm khảm đá Pietra dura
Cảm xúc Shantha (An) là rasa cuối cùng trong Navrasa, cũng là kết thúc của chuỗi những câu chuyện, vở kịch Ấn Độ. Khi mà mỗi người tìm lại được niềm vui, sự bình an, trong trẻo trong tâm hồn, sau bao nhiêu thử thách. Để có cảm xúc này, dưới màu trắng tinh khiết, ở ngoài đời thực một người phải từ bỏ mọi tham-sân-si, mọi phiền muộn-toan tính, và nói như Thiền tông là đạt tới tính không. Shantha chính là cảm xúc khi Đức Phật ngộ đạo, đạt cảnh giới Niết Bàn, thoát khỏi vòng luân hồi, sau khi thiền tịnh 49 ngày dưới cội bồ đề.