Từ các ý tưởng kinh dị đến những sáng kiến thuần tuý khoa học, não người, cả trước và sau khi chết, luôn là mối ám ảnh của các nhà nghiên cứu thần kinh. Không chỉ có các trung tâm nghiên cứu y học mà Thung lũng Silicon cũng vào cuộc với hy vọng kiếm được nhiểu tiền từ những nghiên cứu đột phá liên quan đến não người.
Từ cuộc tranh luận đạo đức về não heo sống bên ngoài cơ thể…
Các nhà khoa học tại Đại học Yale (Mỹ) đã sử dụng hệ thống bơm, gia nhiệt và túi máu nhân tạo để duy trì lưu thông máu trong não những con heo có đầu bị cắt rời khỏi thân thể và họ đã giữ não sống trong nhiều giờ. Mục đích của thí nghiệm là tìm ra phương cách tốt nhất để nghiên cứu não người trong phòng thí nghiệm. Dù không có chứng cứ cho thấy não heo vẫn còn ý thức nhờ tiếp tục hoạt động, các nhà đạo đức vẫn quan tâm đến khả năng này.
Báo cáo chi tiết về phát hiện của Đại học Yale được trình bày tại “Hội nghị đạo đức trong nghiên cứu khoa học về não” tại Viện Sức khoẻ Quốc gia (NHI) ở Bethesda, bang Maryland vào cuối tháng 3.2018. Phát hiện cũng được đăng tải trong tập san MIT Technology Review số tháng 4. Công trình nghiên cứu của Đại học Yale do giáo sư Nenad Sestan chủ trì được thảo luận trong khuôn khổ cuộc điều tra của NHI về các vấn đề đạo đức trong hoạt động nghiên cứu khoa học thần kinh ở Mỹ.
GS Sestan cho biết ông và các cộng sự đã làm thí nghiệm trên hơn 100 não heo không còn cơ thể. “Chúng tôi khám phá ra rằng có thể phục hổi tuần hoàn máu trong não heo bằng cách vận hành hệ thống bơm, gia nhiệt và máu nhân tạo. Kết quả là não heo vẫn sống và hoạt động bình thường đến 36 giờ – Sestan nói – Phát hiện rất thú vị này nếu lập lại được trên não người sẽ giúp chúng ta dùng não người còn sống đê thử nghiệm những phương pháp điều trị mới cho các chứng rối loạn thần kinh. Não còn sống là phương tiện lý tưởng nhất cho các thử nghiệm như thế”.
Nhưng Sestan cũng thuộc số người đầu tiên quan tâm đến khía cạnh đạo đức trong việc duy trì sự sống của não khi cơ thể đã chết. Ông đặt câu hỏi: “Não còn ý thức không, và nếu còn thì mức độ ý thức đến đâu là chấp nhận được? Ngoài ra, kỹ thuật duy trì sự sống của não có nên dùng để tăng thêm tuổi thọ cho con người bằng cách ghép não của họ cho người khác?”. Nhóm nghiên cứu của Đại học Yale thừa nhận đây là vấn đề đạo đức nghiêm trọng cần phải thảo luận kỹ. Vì nếu não còn ý thức thì sự đau đớn của người chết sẽ “kéo dài không cần thiết” thêm một thời gian.
Trong một thỉnh nguyện thư công bố trên tập san Journal Nature, GS Sestan và 15 nhà khoa học thần kinh hàng đầu của Mỹ đã kêu gọi những cơ quan có trách nhiệm hãy sớm ban hành bản hướng dẫn bổ sung cho những nghiên cứu về não để tránh những hậu quả khó lường. “Nếu một nhà nghiên cứu có thể tạo ra mô não sống (vật hay người) trong phòng thí nghiệm và não vẫn còn ý thức ở mức độ nào đó thì có nên dùng nó để tiến hành các thí nghiệm hay không? – thỉnh nguyện thư viết – Câu hỏi này dù còn quá sớm vì khoa học chưa tạo được mô não sống, nhưng với bước phát triển như hiện nay thì điều đó sẽ sớm xảy ra trong tương lai gần.
Có nghĩa là chúng ta sẽ sớm có những mô não phát triển từ tế bào mầm trong đĩa petri của phòng thí nghiệm”. Trước mắt, các nhà nghiên cứu đề nghị hãy sớm tìm ra cách đo mức độ ý thức của bộ não khi đã bị tách khỏi cơ thể và được duy trì sự sống. “Khi chưa có các quy định chặt chẽ và cụ thể chúng ta sẽ khó huy động sự ủng hộ của công chúng” – thỉnh nguyện thư viết. Một câu hỏi khác là “có nên bảo quản não còn sống cho các thể hệ tương lai?”.
GS Colin Blakemore của Đại học London ủng hộ lời kêu gọi hãy để cho công chúng tham gia vào cuộc tranh luận. “Ngay cả nhiều nhà khoa học cũng cảm thấy rợn người khi nói về kỹ thuật duy trì sự sống của bộ não bên ngoài cơ thể. Vì vậy, ý kiến và sự hiểu biết của công chúng là rất quan trọng để tiếp tục các công trình nghiên cứu về não” – Blakemore nói. Ông nhấn mạnh thêm: “Có một nghịch lý ở đây là trong khi chúng ta cần những bộ não còn sống để nghiên cứu thì chúng ta không thể để não còn ý thức vì làm thế là vi phạm đạo đức trong y học”.
Blakemore thú nhận là ông không hề thoải mái về khả năng bất tử của não, giữ nó sống cho đến khi khoa học tiến bộ đến mức có thể ghép nó vào một cơ thể mới. “Trái đất đã quá đông đúc, không còn không gian cho người trẻ và các ý tưởng mới trong khi chúng ta cứ loay hoay tìm cách kéo dài sự sống cho con người, bất tử hoá con người, ít ra là cho những kẻ có tiền. Điều đó là vô lý và không cần thiết” – ông nói.
… Đến một công ty khởi nghiệp chuyên về “sao lưu” hồi ức
Hiện chưa có bằng chứng nào cho thấy trí nhớ của con người có thể lấy ra từ một bộ não đã chết. Nhưng một công ty khởi nghiệp (start-up) vừa mạnh miệng tuyên bố là một ngày nào đó nó sẽ “back-up” được trí nhớ của con người sau khi chết. Có tên Nectome, công ty này cho biết nó sẽ “quét hồi ức của não và lưu giữ nó đến vô tận”. Kỹ thuật ở đây là giả lập máy tính hồi ức của một người chết. “Tuy nhiên, việc sao lưu này chỉ có thể thực hiện trên não còn tươi của người mới chết” – nhóm nghiên cứu tuyên bố với tập san MIT Technology Review. Công ty được sự hỗ trợ của Y Combinator, một tổ chức chuyện chọn ra các công ty start-up mỗi năm để cung cấp tài chính và bảo trợ với hy vọng sẽ có hồi đáp lớn trong tương lai theo giao kèo ăn chia nếu start-up thành công.
Theo trang web của Nectome, trong tương lai không xa, nó có thể khảo sát và lập bản đồ các nối kết thần kinh bên trong não (connectome) đến mức chi tiết nhất để có thể cấu trúc lại hồi ức của một người sau khi họ chết. Công ty dùng kỹ thuật ướp xác để bảo quản từng phút hồi ức của người chết với từng chi tiết nhỏ nhất. “Hãy tưởng tượng về một thế giới mới khi khoa học lưu giữ dễ dàng hồi ức của từng cá nhân. Những nghiên cứu đột phá trong khoa học thần kinh hiện nay có thể giúp chúng ta làm công việc này” – trang web của Nectome viết.
Trong số những start-up được Y Combinator tài trợ còn có Dropbox và AirBnB. Nectome đã nhận được 960.000 USD của Viện Sức khoẻ tinh thần Mỹ (NIMH) sau khi NIMH đánh hơi thấy cơ hội kiếm ra tiền của công nghệ sao lưu hồi ức. Theo MIT Technology Review, nhóm nghiên cứu của Nectome đang tham khảo các luật sư rành về những luật lệ tương đối mới của bang California liên quan đến hoạt động nghiên cứu sau khi chết. Trước mắt, Nectome tập trung nghiên cứu bước đầu ở những người bệnh nan y giai đoạn cuối. Trước đó, Nectome đã đoạt giải thưởng cho thí nghiệm sao lưu hồi ức trên thỏ.
Công ty cho biết vừa thử nghiệm công nghệ lưu giữ hồi ức trên một phụ nữ vừa chết ở Portland, bang Oregon (Mỹ). “Chỉ cần chậm trễ vài giờ sau khi bệnh nhân qua đời, não cũng đã bị tổn thương nặng, dù vẫn còn tươi. Chúng tôi rơi vào trường hợp này nên thử nghiệm thất bại” – trang web của Nectome viết. Sắp tới, công ty sẽ tìm đến một bệnh nhân nan y tự sát với sự trợ giúp của bác sĩ mà luật cho phép. Não lúc đó sẽ mới hơn. Nhiều nhà khoa học khác xem mục tiêu của Nectome là “quá tham vọng” với “những hứa hẹn hão huyền khó biến thành hiện thực”.
Họ xem đây là minh chứng cho “nỗi ám ảnh của các công ty công nghệ tại Silicon Valley về sự bất tử của con người”. Cryonics, bộ phim khoa học giả tưởng khai thác giấc mơ động lạnh cơ thể và làm sống lại khi khoa học đạt đến trình độ hồi sinh, vẫn chỉ là giả tưởng. Vì vậy, đang có sự hoải nghi sâu sắc về kế hoạch của Nectome. Bất chấp những ý kiến tiêu cực, công ty vừa cho phép những ai muốn sao lưu hồi ức ký quĩ trước 10.000 USD và có thể lấy lại bất cứ lúc nào.
Theo MIT Technology Review, đã có 25 người ký quĩ. Khác biệt giữa mục tiêu của Nectome và Cryonics là Nectome không hồi sinh não người trong tương lai mà chỉ sao lưu hồi ức của mỗi cá nhân. “Khi thế hệ này không còn nữa, chúng ta sẽ mất đi những hồi ức cá nhân thú vị. Vì vậy, sao lưu chúng cho thế hệ mai sau là hết sức cần thiết – đồng sáng lập Nectome Robert McIntyre nói – Chúng ta sẽ chuyển giao hồi ức này cho thế hệ tương lai. Nhưng chuyển giao sự khôn ngoan là điều gần như không thể nên thế hệ nào cũng có những quyết định đần độn và sai lầm”.