Tê giác là một trong những loài động vật đang có nguy cơ tuyệt chủng cao nhất trên thế giới, ước tính hiện chỉ còn khoảng 28.000 con, trong đó 90% sống ở Nam Phi. Đối mặt với tình hình nghiêm trọng ấy, Chính phủ Nam Phi đang nỗ lực thắt chặt các quy định đối với hoạt động săn bắn loài vật quý hiếm này. Trong chưa đầy ba tháng đầu năm 2012, đã có 159 con tê giác tại Nam Phi bị săn bắn trộm. Các cơ quan chức năng cảnh báo nếu tình trạng cứ tiếp diễn thì số tê giác bị sát hại trong năm nay sẽ vượt xa mức kỷ lục 448 con trong năm 2011.
Các nhà bảo vệ môi trường cho rằng với tốc độ săn bắn như hiện nay thì tê giác hoang dã sẽ đối mặt với nguy cơ tuyệt chủng vào năm 2025. Điều này đặt Chính phủ Nam Phi trước nhiều thách thức để bảo vệ loài động vật quý hiếm.
Năm qua đã có 90 người săn bắn tê giác trái phép bị các nhà chức trách Nam Phi bắt giữ. Điều này cho thấy nạn săn bắt động vật quý hiếm đang không ngừng gia tăng, bất chấp việc chính phủ nước này đã áp dụng nhiều biện pháp tiên tiến để ngăn chặn các hoạt động phạm pháp như gắn chip lên sừng tê giác, tăng vốn đầu tư vào các dự án bảo tồn, tạo lập khu vực sinh sống an toàn cho các loài tê giác…
Theo các hãng thông tấn quốc tế, nhu cầu đang tăng mạnh ở Việt Namvà Trung Quốc được xem là một trong những nguyên nhân chính khiến số lượng tê giác bị hạ sát bất hợp pháp ở Nam Phi gia tăng đột biến. Hãng tin AP cũng đã có bài viết về cơn “sùng tín” sừng tê giác của một số người ViệtNam và Trung Quốc, họ tin rằng đây là vị thuốc có thể chữa bách bệnh, đặc biệt là ung thư.
Một nhóm hoạt động vì môi trường tuyên truyền chống nạn săn trộm sừng tê giác
Thời gian gần đây, phần lớn những người đi săn trái phép bị Nam Phi bắt giữ là đến từ ViệtNam. Ngoài ra, theo số liệu của Chính phủ Nam Phi, gần 60% số đơn xin cấp phép săn tê giác từ năm 2010 là của người Việt.
Mới đây, Bộ Môi trường Nam Phi cho biết sẽ từ chối tất cả hồ sơ xin cấp phép săn tê giác của ViệtNamtrong năm nay, cho đến khi đã có đủ giải pháp nhằm bảo đảm sừng tê giác không bị mua bán.
Trước đây một số thợ săn người Việt đã được cấp phép săn tê giác hợp pháp ở Nam Phi và sau đó xuất về ViệtNamdưới dạng chiến lợi phẩm thể thao.
Trả lời phỏng vấn của hãng tin Bloomberg hôm 4-4, bà Edna Molewa – Bộ trưởng Bộ Các vấn đề Môi trường và nguồn nước của Nam Phi – cho biết những người săn tê giác đến từ Việt Nam không thể thuyết phục được Chính phủ Nam Phi rằng họ sẽ tuân thủ luật pháp về săn bắn của nước này quy định không được bán lại con vật và các bộ phận sau khi chúng bị hạ sát.
Tê giác tại Vườn quốc gia Kruger của Nam Phi