Ngoài ra, Nam Phi đã hợp tác và ký Bản ghi nhớ (MOU) với một số quốc gia châu Á, trong đó có Trung Quốc, Việt Nam… trong việc phối hợp ngăn chặn việc buôn bán, vận chuyển và tiêu thụ sừng tê giác.
Theo đánh giá của các chuyên gia môi trường, mặc dù Nam Phi đã nỗ lực tập trung trong việc đấu tranh, ngăn chặn, nghiêm trị những đối tượng dính líu đến việc săn bắn loài động vật này, nhưng tỷ lệ tê giác bị săn bắn, sát hại vẫn gia tăng mạnh tại các công viên quốc gia, khu bảo tồn sinh thái và các trang trại tư nhân.
Nguy hiểm hơn, tiếp tay cho các băng nhóm tội phạm trong việc săn bắn trộm tê giác là các nhân viên làm việc trong những cơ quan chức năng của chính phủ như cảnh sát, kiểm lâm, nhân viên bảo vệ làm việc tại các công viên quốc gia và các khu vực sinh thái, bảo tồn tại quốc gia trên.
Nam Phi từng là quê hương của tê giác, cách đây hơn một thập niên trung bình mỗi năm Nam Phi chỉ mất đi khoảng 15 con. Thế nhưng, nạn săn trộm tê giác bắt đầu gia tăng đáng kể từ năm 2007 khi tầng lớp người giàu ở châu Á sẵn sàng chi nhiều tiền để mua sừng tê giác vì niềm tin vào tác dụng chữa bệnh kỳ diệu của bài thuốc từ sừng của loài động vật này. Ngay từ xa xưa, bột sừng tê giác đã là một loại dược liệu có giá trị cao theo quan điểm của y học phương Đông.
Nhân viên tổ chức bảo vệ động vật hoang dã gắn chip lên sừng tê giác để bảo vệ chúng
Là một điểm nóng về săn bắt tê giác lấy sừng, Vườn quốc gia Kruger của Nam Phi, vốn có diện tích tương đương vớiIsrael, là nơi diễn ra một nửa số vụ săn trộm tê giác. Bất chấp các nỗ lực của các lực lượng chức năng nhằm củng cố lực lượng và trang bị kỹ thuật, phương tiện để ngăn chặn các vụ săn trộm tê giác, các băng nhóm tội phạm có tổ chức cũng tăng cường trang bị vũ khí hiện đại và thiết bị săn bắt để qua mắt lực lượng chức năng.
Hiện nay, nhiều chiến dịch vận động ở Nam Phi kêu gọi Tổng thống Zacob Zuma duy trì hiệp ước thương mại quốc tế năm 1993 về việc cấm buôn bán các loài có nguy cơ tuyệt chủng và tăng cường phối hợp với Trung Quốc, Việt Nam và Thái Lan nhằm chấm dứt việc buôn bán sừng cũng như các bộ phận khác của tê giác.
Tháng 9-2011, Nam Phi đã ký một biên bản ghi nhớ với Việt Nam với hy vọng sẽ đi đến một thỏa thuận giúp hạn chế nạn săn trộm tê giác tại Nam Phi và đang tìm kiếm những thỏa thuận tương tự với Thái Lan và Trung Quốc.
Lê Viết Đỉnh