Giới chức Mỹ và các chuyên gia quốc tế về động vật hoang dã cũng khẳng định nhu cầu tăng vọt tại Việt Nam trong thời gian gần đây chính là yếu tố tạo nên áp lực lớn chưa từng có đối với số phận tê giác còn sống trên toàn thế giới nói chung và ở Nam Phi nói riêng.
Cho dù số liệu thống kê về hoạt động buôn bán sừng tê giác trên phạm vi toàn cầu khá hiếm, nhưng giới hành pháp và bảo tồn đều khẳng định số vụ sát hại tê giác đã tăng đột biến trong hai năm qua. Giới chức Mỹ nhận định Trung Quốc và ViệtNamlà hai thị trường chủ yếu tiêu thụ sừng tê giác nên rất ít sừng lọt được vào thị trường Mỹ.
Hồi tháng 2-2012, lực lượng hành pháp Mỹ đã phá một đường dây buôn lậu sừng tê giác do những người Mỹ gốc Việt cầm đầu. Felix Kha, một người Mỹ gốc Việt trong đường dây, khai rằng anh ta đã tới ViệtNamnăm lần trong năm ngoái.
Lợi nhuận từ sừng tê giác lớn hơn nhiều so với các sản phẩm khác từ động vật hoang dã, như mật gấu hay cao hổ, một ký-lô-gam bột sừng tê giác có thể được bán với giá tới 60.000 USD, cao hơn cả mức giá của cocaine được bán trên các đường phố của Mỹ. Vì thế bột sừng tê giác có giá trị ngang với vàng.
Một con tê giác may mắn sống sót sau khi bị cắt trộm sừng
Sức hút từ sừng tê giác rất lớn nên ngày nay những tên trộm sẵn sàng đánh cắp sừng tê giác từ các bảo tàng và cửa hàng bán thú nhồi tại châu Âu. Cảnh sát Liên minh châu Âu (Europol) xác nhận kẻ gian đã lấy 72 sừng tê giác từ 15 nước châu Âu trong năm 2011.
Còn tại Nam Phi, những kẻ săn trộm thường dùng cưa máy để cắt sừng tê giác còn sống và để lại những lỗ thủng đầy máu trên đầu những con vật may mắn sống sót. Thỉnh thoảng chúng bắn chết tê giác dù biết rằng sừng tê giác có thể mọc trở lại trong vòng hai năm. Đối phó với hành vi dã man này, giới chức và các tổ chức bảo tồn tại Nam Phi đã nghĩ ra cách cắt sừng tê giác để bảo vệ chúng, với hy vọng rằng bọn săn trộm sẽ không màng đến. Nhưng khi gặp tê giác đã bị cắt sừng, bọn săn trộm vẫn giết để lấy phần sừng còn sót lại.
Ngày 16-3, phát ngôn viên của Bộ Các vấn đề Môi trường Nam Phi, ông Albi Modise, cho biết để đối phó với nạn săn bắn trộm tê giác ngày càng gia tăng mạnh, nước này đã đầu tư và áp dụng nhiều biện pháp như thành lập các đơn vị đặc nhiệm chuyên trách đối phó với các băng nhóm chuyên săn bắn trộm động vật hoang dã xuyên quốc gia có tổ chức.