Tranh chân dung từ đâu mà có?
Dòng tranh chân dung đã không còn xa lạ gì với nghệ thuật và giới xem tranh. “Chân dung” biểu thị đến những tác phẩm nghệ thuật ghi lại hình ảnh của con người hoặc động vật đang sống hoặc đã từng sống, tập trung vào khuôn mặt, đặc tả diện mạo, biểu cảm và hình dáng, cảm xúc của nhân vật. Ngay từ thuở sơ khai của con người, ẩn sâu trong các hang động của bộ lạc, người ta có thể tìm thấy những bức chân dung được vẽ trên các bức tường đá. Và song song với sự phát triển của xã hội loài người, nghệ thuật cũng phát triển và những nghệ sĩ chân dung đã tạo ra những tác phẩm tuyệt đẹp phản ánh các chủ đề thịnh hành thời bấy giờ.
- thời kỳ Trung Cổ (thế kì VI – XIV), giai đoạn sau sự sụp đổ của Đế chế La Mã, các cuộc chiến tranh thường xuyên xảy ra đã dẫn đến một sự thay đổi lớn trong phong cách chân dung. Những năm trước công nguyên, trong các nền văn minh Địa Trung Hải cổ đại, như Ai Cập, Hy Lạp và La Mã, vẽ chân dung chủ yếu là một loại hình nghệ thuật công cộng để vinh danh cho các vị thần, hoàng đế, vua và giáo hoàng. Tuy nhiên đến thời kì Trung Cổ, các nghệ sĩ đã chuyển sang chủ đề về tôn giáo. Bởi lẽ thời Trung cổ là thời kỳ mà Giáo hội là những người bảo trợ chính cho nghệ thuật, có quyền kiểm soát và ảnh hưởng chính đối với xã hội.
Enthroned Madonna and Child, được cho là ra đời khoảng năm 1250 – 1275, chiếc ngai vàng và đôi giày của nữ đồng trinh thể hiện cô là Nữ hoàng của Thiên đàng, và các tổng lãnh thiên thần trong các vòng tròn bên cạnh cô giữ vương quyền của hoàng gia.
Giai đoạn thời kỳ Phục Hưng (thế kỉ XIV- XVI), Giáo hội tiếp tục là người bảo trợ chính của nghệ thuật, do đó, những bức chân dung nổi tiếng thời bấy giờ vẫn vẽ về các nhân vật tôn giáo và các nhà lãnh đạo. Tuy nhiên, khi xã hội bắt đầu hướng tới ý tưởng tập thể “chủ nghĩa nhân văn”, không chỉ có các tầng lớp hoàng gia đặt vẽ tranh, mà còn cả các chủ nhà băng, lái buôn, nhà ngoại giao và các học giả – bất kỳ ai đủ tiền trả cho nghệ sĩ. Phong cách của tranh chân dung cũng thay đổi đáng kể, trở nên đa dạng và lột tả được cá tính nhân vật rõ nét hơn. Tranh của nam giới là để phô trương quyền thế và của cải, còn tranh của nữ giới thường nhấn mạnh vào sắc đẹp và đức hạnh, đôi khi còn được dùng để gửi đến tay các đức lang quân tiềm năng. Thời kỳ Phục hưng cũng đã tạo ra một số nghệ sĩ vĩ đại nhất mọi thời đại, từ Leonardo da Vinci, Michelangelo và Raphael, những nghệ sĩ có những tuyệt tác vẫn tiếp tục ảnh hưởng đến nghệ thuật vẽ chân dung ngày nay.
Portrait of Baldassare Castiglione (1515), chân dung người bạn Baldassare Castiglione của Raphael, nhà ngoại giao và nhà nhân loại học với hình tượng là quý ông tinh túy thời đại. Đây là một trong những bức chân dung vĩ đại nhất thời Phục hưng, có ảnh hưởng lâu dài đến các nghệ sĩ vĩ đại trong tương lai như Titian, Rembrandt và Matisse.
Thời kì Tân Cổ Điển (thế kỉ XVII-XVIII) đã có sự gia tăng của các tiến bộ khoa học và triết học, và do đó hầu hết các bức chân dung đều tập trung vào việc giải thích sự thật chính trị, các khía cạnh khác nhau của xã hội và văn hóa, nhấn mạnh tính nhân văn giản dị vốn được cho là quá trần tục trong các thời kỳ trước. Đồng thời, với sự trỗi dậy của Pháp như một cường quốc kinh tế, vào năm 1669, Bộ trưởng Viện hàn lâm nghệ thuật Pháp đã tuyên bố vẽ chân dung là thể loại mỹ thuật quan trọng thứ hai, thúc đẩy nhiều họa sĩ vĩ đại nhất thời bấy giờ hướng tới nghệ thuật vẽ chân dung.
Girl With a Pearl Earring (Thiếu nữ đeo hoa tai ngọc trai) của “Bậc thầy ánh sáng” Johannes Vermeer (1632 – 1675), nguyên mẫu được cho là một cô hầu trong gia đình Johannes Vermeer, có tên gọi là Griet, 16 tuổi, sau này là người tình của Johannes Vermeer
Cuối thế kỷ XVIII và thế kỷ XIX đánh dấu một thời kỳ thay đổi lớn với nghệ thuật vẽ chân dung. Nhiều phong cách nghệ thuật bùng nổ như chủ nghĩa lãng mạn, chủ nghĩa hàn lâm, chủ nghĩa hiện thực, chủ nghĩa ấn tượng,… thu hút sự chú ý của các nghệ sĩ chân dung nổi tiếng. Đặc biệt, các nghệ sĩ theo trường phái hiện thực đã tạo ra những bức chân dung chân thực với nhân vật là những người bình thường. Ngoài ra, cuộc Cách mạng Công nghiệp đã thay đổi tầng lớp bảo trợ cho nghệ thuật – các doanh nhân giàu có – những người thực sự yêu thích nghệ thuật. Sản xuất công nghiệp hàng loạt, chi phí vải và sơn cũng thấp đi tạo điều kiện cho tầng lớp trung lưu mua sơn, và nghệ thuật thời bấy giờ không chỉ dành riêng cho giới nghệ sĩ nữa.
Jean Désiré Gustave Courbet và bức tranh chân dung tự họa chính mình (1843-1845), là người mở ra trường phái Hiện thực đầu tiên, nhằm thay đổi tính lý tưởng hóa trong nghệ thuật
Tranh chân dung tiếp tục phát triển nhanh chóng trong suốt thế kỷ 20. Sự nổi lên của nhiếp ảnh và trừu tượng vào đầu thế kỷ 20 đánh dấu sự thoái trào của bức chân dung vẽ truyền thống. Những nghệ sĩ được tự do thử nghiệm đường nét, màu sắc, hình dạng, không gian và kết cấu, và họ tạo ra những tác phẩm nghệ thuật độc đáo khác với các bức chân dung từ máy ảnh, thể hiện cách nhìn của bản thân thay vì chỉ vẽ hình dạng nguyên bản của con người.
Adele Bloch-Bauer I là tên bức tranh kiệt tác của họa sĩ Gustav Klimt, một họa sĩ theo trường phái biểu hiện, được vẽ năm 1907, miêu tả chân dung bà quý tộc Adele Bloch-Bauer.
Sự cuốn hút của những bức chân dung
Mặc dù lịch sử nhiều biến động, nhiều trường phái nghệ thuật mới xuất hiện, nhưng với dòng tranh chân dung có những điều không thể thay đổi, đó là việc người họa sĩ luôn tìm cách để làm sao nắm bắt và phô diễn hết những dáng vẻ của nhân vật, thể hiện được cảm xúc, tính cách của họ. Tranh chân dung là minh chứng thực thụ cho lời khẳng định: cái đẹp luôn có giá trị về thời gian. Thời đại công nghệ số phát triển với tốc độ chóng mặt, tranh chân dung nghệ thuật mang giá trị nguyên bản vẫn giữ cho mình tầm ảnh hưởng trực tiếp đến tâm hồn người xem. Nhìn nhận về mặt khoa học, lời giải thích việc con người yêu thích một bức chân dung đến vậy là do con người chúng ta được lập trình sinh học bị thu hút bởi các khuôn mặt và kết nối với chúng. Sống trong những gia đình nhỏ, hay ra ngoài xã hội giao tiếp với bạn bè, đồng nghiệp, chúng ta học cách đọc được nét mặt của nhau và đó là một phần trong cuộc sống của chúng ta. Đó là lý do tại sao một khuôn mặt người lại dễ dàng truyền đạt một số cảm xúc nhất định, và chẳng phải tất cả chúng ta đều thích nghệ thuật cũng vì nghệ thuật không chỉ đẹp mà mang đến những xúc cảm mởi mẻ, khó nói thành lời sao? Một lý do khác khiến chân dung thật sự kì diệu chính là quyền tự do sáng tác mà chúng mang lại. Không giống như các chủ đề khác, chẳng hạn như kiến trúc hay phong cảnh, người nghệ sĩ có thể thay đổi góc đầu của nhân vật, tóc, quần áo, tạo tình huống ánh sáng cho riêng bức tranh, thậm chí yêu cầu một biểu cảm khuôn mặt cụ thể. Thực sự đáng kinh ngạc khi ngay cả một sự điều chỉnh nhỏ nhất như việc cử động đôi môi thôi cũng có thể thay đổi hoàn toàn cảm giác của bức vẽ.
Trong bức tranh Mona Lisa của danh họa Leonardo da Vinci, thoạt nhìn, ta tưởng là nàng đang cười. Nhưng ở một góc nhìn khác, gương mặt của nàng trở nên nghiêm nghị. Điều này khiến nhiều người phải đặt câu hỏi: cảm xúc thật của Mona Lisa là gì? Nàng có thực sự đang cười không?
Tất nhiên, đã là tranh chân dung thì cần giống nhân vật mẫu, nhưng chỉ giống thôi là chưa đủ, nếu vậy chỉ cần chụp ảnh hay vẽ truyền thần thì đã đạt được mục đích rồi. Vẽ chân dung nhưng lột tả được cá tính của nhân vật, đồng thời thể hiện được phong cách, suy nghĩ của người nghệ sĩ chính là một thành công. Bởi vẽ cho giống chỉ mới dừng lại ở tả thực; nhưng nghệ thuật là sự sáng tạo, là sự trừu tượng và thể hiện được chất riêng. Có rất nhiều câu chuyện có thể được kể khi bạn nhìn vào một bức chân dung. Không có hai nghệ sĩ nào có thể miêu tả một người theo cách giống hệt nhau. Một bức chân dung là một đại diện nghệ thuật của người tạo ra nó, nó không chỉ là sự yêu thích của họ mà còn về sở thích của họ, mối quan tâm và nền tảng của họ, di sản của họ.
Femme Assise (1909) là được cho là bức chân dung Picasso vẽ người mẫu Fernande Olivier – một người tình của ông. Bức tranh còn là di sản về kỹ thuật vẽ đa góc, một trong những sáng tạo nổi danh nhất của ông
Chân dung nói lên nhiều điều về một cá nhân như, thành tích, địa vị, quyền lực và sự giàu có. Một bức chân dung còn có khả năng truyền đạt những dụng ý của tác giả qua trang phục và cử chỉ, đồng thời mang đến những cái nhìn sâu sắc về tính cách và tâm lý của nhân vật. Ví von thế này, những nghệ sĩ vẽ chân dung không chỉ nắm bắt một nụ cười thoáng qua; họ kể cả một câu chuyện về nụ cười ấy. Đây là lý do tại sao chân dung thật kì diệu và quá đỗi hấp dẫn: khuôn mặt không chỉ đơn thuần cho người thưởng tranh biết điều vẻ bề ngoài của nhân vật, mà còn cả một câu chuyện đằng sau, qua từng ánh mắt, nụ cười, hay khóe môi. Chân dung là một vùng biển cả của cảm xúc sâu lắng và thầm kín, chan chứa nhiều nỗi niềm của nhân vật hay của tác giả của tác phẩm.
The Two Fridas (1939)- bức chân dung tự họa của Frida Kahlo, nghệ sĩ chân dung nổi tiếng. Frida bên phải mặc trang phục Tehuana truyền thống của Mexico, bên trái mặc váy trắng kiểu Victoria của châu Âu (cha của Frida là người Đức). Bức tranh là câu chuyện về cuộc hôn nhân đau khổ của cô, khi người chồng chỉ yêu thương Frida bên phải, nhưng từ chối nguồn gốc châu Âu của cô.
Điều đặc biệt trong những bức tranh chân dung nghệ thuật là sự đối mặt giữa người xem và những nhân vật trong tranh. Những cảm xúc đôi khi dâng trào như mở ra sự “kết nối đặc biệt”, cho dù họ là ai, họ đến từ đâu thì giờ đây chẳng còn là điều quan trọng nữa. Tranh chân dung nghệ thuật ẩn chứa những câu chuyện về cuộc đời, khiến người xem không khỏi rời mắt. Thậm chí, khi bạn nhìn sâu vào bức chân dung của một người khác nhưng bạn có thể thấy mình trong đó, nhận ra được sự đồng điệu giữa mình và nhân vật trong tranh, như thể bạn đang thực sự đứng trước bức tranh về bản thân. Đó chính là sự kì diệu của tranh chân dung cũng như chứng minh giá trị thực thụ của chúng khiến cho bao người say mê.
Bối cảnh xã hội hiện đại cùng xu hướng tôn vinh cái đẹp cá nhân đã góp phần cho sự phát triển của dòng tranh chân dung. Những bức tranh treo trong nhà không chỉ là một vật trang trí mà còn là điểm tựa tinh thần để chúng ta sinh ra cảm xúc, liên kết thế gian bên ngoài và nội tâm bên trong. Một bức tranh chân dung treo trong không gian sống giúp chúng ta cảm thấy thoải mái hơn khi có quá nhiều áp lực, chúng còn mang giá trị phong thủy đem lại sự may mắn, tiền tài và thành công.
Hom Nguyen và phong cách vẽ chân dung đương đại
Tuy vẫn chịu sự ảnh hưởng từ các ảnh hưởng phong trào nghệ thuật khác nhau (nghệ thuật trừu tượng, chủ nghĩa tối giản,…), chân dung đã dần thay đổi hình thức, điều chỉnh cho phù hợp với nhu cầu của nghệ thuật đương đại. Những nghệ sĩ mới ra đời, tạo được rất nhiều bức chân dung đẹp cùng những phong cách độc đáo mới lạ và họ đảm bảo vị thế mạnh mẽ của nghệ thuật vẽ chân
dung trong nghệ thuật đương đại. Hom Nguyen là một trong những đại diện cho dòng tranh chân dung đã cất lên được tiếng nói riêng biệt và có trọng lượng cho phong cách mà anh theo đuổi. Hom Nguyen, sinh năm 1972 tại Paris, là một nghệ sĩ tự học với phong cách nghệ thuật hết sức bản năng. Được công nhận với khả năng truyền tải đa nghĩa qua những bức chân dung, Hom Nguyen chính là cha đẻ của kỹ thuật mà sự di chuyển của những đường nét đầy năng lượng và tự do như nghệ thuật đường phố. Cách tiếp cận nghệ thuật của Hom Nguyen độc đáo ở chỗ những tác phẩm của anh như nằm ở ngã tư của phong cách tượng hình và trừu tượng, là mời gọi đi sâu vào tâm hồn của mỗi người, từ đó làm sống dậy nên ước vọng lột tả những gì ẩn sâu nhất bên trong con người thông qua đường nét và màu sắc. Cụ thể, những nét tô lặp đi lặp lại tạo nên những mảng đậm, nhạt, mỏng, dày tạo nên từng chi tiết cho các bộ phận trên khuôn mặt, kết hợp lối chơi màu linh hoạt, làm nổi bật lên những xúc cảm của nhân vật. Hom Nguyen sử dụng đa chất liệu từ than, bột màu, sơn dầu, bút chì, acrylic, và thậm chí cả bút bi, tất cả đều đạt đến một mục đích: truyền đạt những khía cạnh sâu sắc nhất của sự tồn tại của con người. Anh đặc biệt nổi bật với lỗi vẽ sử dụng những vệt màu nổi lên từ một tập hợp đường nét hỗn độn tưởng chừng như vô nghĩa nhưng thật ra lại chứa đựng đầy ý niệm.
Hom Nguyen và bức chân dung sử dụng chất liệu than chì kèm màu acrylic để thể hiện được độ sáng tối, từ đó khắc họa được chân dung và cảm xúc của nhân vật
Những bức chân dung của Hom Nguyen nhìn gần là những đường nét lộn xộn, nhưng càng ra xa sẽ thấy gương mặt con người dần hiện rõ. Bức tranh cho thấy lối phẩy màu nổi đặc trưng của nghệ sĩ
Điều khiến Hom Nguyen nổi bật trong giới vẽ chân dung chính là việc anh đến với nghệ thuật bằng con đường tự học mà không qua trường lớp bài bản nào. Nhìn vào khía cạnh tích cực, chính việc tự học đã tạo cơ hội tự lực, tự suy nghĩ độc lập và cho phép anh tiến sâu vào nội tại của mình để khám phá những khả năng mà trước đây anh chưa bao giờ nghĩ mình có được.
Về đối tượng sáng tác, Hom Nguyen khai thác những hình mẫu người châu Á cùng khổ nhưng lại đem đến rất nhiều khía cạnh cả về cảm xúc, tính cách, và ngay cả việc lồng ghép vào vấn đề chính trị. Hoàn cảnh tuổi thơ khó khăn đã tác động rất nhiều đến phong cách sáng tác của Hom Nguyen. Hom giải thích: “Tôi là người nhạy cảm với chủ đề về thời thơ ấu vì những trải nghiệm cá nhân trong cuộc đời tôi trải qua. Tôi thực hiện nhiều những bức chân dung về người phụ nữ, đó có thể là sự chuyển hóa của hơi thở tình yêu vô điều kiện của mẹ con tôi đối với nhau, giúp tôi vượt qua sóng gió của những ngày tháng đó.” Những vết sẹo cuộc đời đã đem đến một nghệ sĩ với bản năng và tài năng khác biệt như Hom Nguyen bây giờ. Khi xem những tác phẩm của anh, người xem dễ liên tưởng đến tuổi thơ mù mịt không tương lai qua những nét vẽ hỗn độn. Sự tự do của những nét vẽ ấy là dấu ấn của một nghệ sĩ tự tìm ra con đường đi cho mình, tự do mày mò đến với nghệ thuật và dành hết cảm xúc cho những bức chân dung. Tranh chân dung với Hom Nguyen, không phải đơn giản là chọn người đẹp để vẽ, hay vẽ cho hợp với thị hiếu của công chúng. Vẽ chân dung là quá trình phóng chiếu cảm xúc, bày tỏ cái nhìn về thế giới quan thực tại của họa sĩ.
BTS Woman mang một âm hưởng gợi nhớ tới kỷ niệm, một phần ký ức bị khuyết của Hom Nguyen, là những khuôn mặt được phác hoạ theo tưởng tượng thông qua lời kể của mẹ lúc anh còn bé.
Tranh chân dung vượt ra ngoài tư liệu đơn giản, nó là cách giải thích của người nghệ sĩ về thế giới quan của chính họ. Chân dung có thể là hiện thực, trừu tượng hoặc chỉ đơn giản là đại diện. Đối với phong cách vẽ tranh chân dung của Hom Nguyen, điều đặc biệt là anh chưa bao giờ thật sự hoàn thành hết 1 bản vẽ nào cả, sẽ luôn luôn có những bản vẽ ko có tai, không miệng hay không trán. Vậy nhưng anh thấy thích điều đó, và anh tận hưởng những nét vẽ, quá trình vẽ và cảm thấy ko nhất thiết những đường nét của anh phải có điểm kết thúc. Chẳng phải vốn dĩ nghệ thuật là thế giới của sự tưởng tượng? Chính tưởng tượng kiến tạo nên một thế giới mới hoàn toàn khác với thực tại, mở lối con người chạm đến những điều kì diệu của tri giác.
Tác phẩm Hidden Inner Cry là với 2 khuôn mặt không rõ mắt mũi lồng vào nhau được lấy cảm hứng từ trẻ em châu Á nhập cư tại Pháp, khi tiếng nói của họ không được tôn trọng.
Thực tế, cảm nhận được ý tưởng của người họa sĩ là một phần, khi xem tranh và cảm nhận được phần nghệ thuật, cảm nhận được sự kết nối với tranh là điều quan trọng. Nội dung trong tranh có thể là một cô gái, một bà cụ nhưng hình thức thể hiện nội dung, câu chuyện ẩn giấu và quá trình sáng tác mới là điểm khiến bức tranh trở nên quan trọng. Chính tất cả những giá trị về thời gian, thực tại, câu chuyện sáng tác… tổng hợp lại tạo nên giá trị thực thụ của 1 tác phẩm chân dung
S&S Art tự hào giới thiệu những tác phẩm của Hom Nguyen trong không gian S&S Art Gallery ngay tại trung tâm tp. Hồ Chí Minh. Nơi đây là một điểm hội tụ những tinh hoa nghệ thuật nói chung và trường phái đương đại nói riêng, từ khắp nơi trên thế giới,với nguyện vọng được đóng vai trò là một cầu nối giữa những điều đẹp đẽ mà nghệ thuật mang lại có thể gần hơn đến công chúng.
S&S Art Gallery– Coming soon
Union Square Shopping Centre
171 Đồng Khởi, quận 1, TP. Hồ Chí Minh
Hotline: (+84) 24 32045650