Trân trọng giới thiệu đến độc giả chương 10 của cuốn tiểu thuyết đặc biệt “Biên sử nước” của nhà văn Nguyễn Ngọc Tư vừa ra mắt bạn đọc.
Tám năm sau Sông (tiểu thuyết, Saigon Media và NXB Trẻ ấn hành), nhà văn Nguyễn Ngọc Tư mới trở lại với thể loại tiểu thuyết. Vẫn là một tác phẩm mang “hành thủy” của người xứ sông nước.
Biên sử nước, tác phẩm mới nhất của nhà văn này trình bày một kết cấu, lối viết có yếu tố huyền ảo, khảo sát về sự tan rã thực tại đến tận căn. Trận đại hồng thủy mở ra trên văn bản của 11 chương sách cấu trúc vòng tròn như vùng xoáy mạnh, cuốn người đọc theo những cuộc xô dạt, chao đảo không cùng…
Tiểu thuyết “Biên sử nước” của Nguyễn Ngọc Tư do Phanbook và NXB Phụ Nữ chính thức phát hành vào hạ tuần tháng 10-2020. Nhân dịp ra mắt cuốn sách này, từ Cà Mau nhà văn Nguyễn Ngọc Tư đã có mặt tại TP.HCM để ký tặng sách cho độc giả tại Phương Nam Book City Saigon Center. Trong buổi sáng ngày 1-11, hàng trăm độc giả nhiều lứa tuổi, ngành nghề đã tới mua sách, xếp thành hàng dài để được nhà văn quê Cà Mau ký tặng sách.
Được sự đồng ý của Phanbook và tác giả Nguyễn Ngọc Tư, trân trọng giới thiệu đến độc giả chương 10 của cuốn tiểu thuyết đặc biệt này.
***
Mi chỉ cao hứng ghé qua cái xứ cù lao đó thôi, tin tôi đi. Đừng kỳ vọng là Mi sẽ nói nhiều về chuyện này, nếu may anh gặp được cậu ấy. “Thích”, trăm phần trăm Mi sẽ nói vậy. Như cách cậu ta nói về cái áo khoác jean mặc suốt (phải từ trước khi gặp tôi và có thể cả sau khi bọn tôi thôi cặp kè với nhau), nó cũ đến thảm hại: sáp đèn cầy chảy loang lổ trên vai áo, khuy thứ hai từ trên xuống thì rách thành một vết dài, đôi chỗ sớ vải mục bở. Lần đầu đón Mi ở biệt phủ số 2 đường Mỵ Nương, tôi nghĩ cậu ta là con gái người làm vườn hoặc phụ việc trong bếp, nhưng tôi nhanh chóng bẽ bàng với cái ý nghĩ có phần coi thường Mi khi thấy người ta cúi rạp chào cô ở quán rượu Lắc Kêu. Đến giờ nó vẫn là quán rượu sang nhất thành phố. Hơn một nửa rượu trong hầm quán là của Mi, những chai rượu vỏ nặng làm bằng bạch kim hoặc bọc da. Bộ dạng của một người chẳng nói lên được gì hết, trong túi áo cũ là thẻ tín dụng đen quyền lực. Có lần nhìn Mi vắt nước mưa khỏi áo rồi đem phơi trước họng gió của máy điều hòa cho nhanh khô, tôi đã hỏi sao phải là cái áo đó. “Thích!”, cậu ấy nói. Chỉ bằng một từ, Mi giải thích về mọi hành vi của mình. Anh sẽ không thỏa mãn và nếu anh cố gặng hỏi vì sao thích, thì Mi sẽ cười nhạt, nói sao lại bày mê cung của Freud ra đây.
Tôi gặp Mi trên trang mạng cumocoi.net. Như cái tên “cú mồ côi”, đó là chỗ bọn chơi đêm tìm bạn đi bão, cắn cỏ, đánh bạc hoặc để say xỉn, làm tình. Một tối Mi nhắn tìm bạn nhảy cầu Sao, tôi nhắn lại gần như tức thì, “Hẹn gặp ở đó”. Mi nói cậu ấy ấn tượng vì tôi chẳng hỏi giờ, “Cảm giác bọn mình sẽ hợp nhau”. Nhưng bọn tôi không nhảy cầu, cậu ấy chào đón tôi bằng những đống lửa huy hoàng. Mi đốt xe hơi đậu trên đường Triệu Thị Trinh, gặp chiếc nào đốt chiếc ấy. Nhìn biểu cảm của anh kìa, chắc là thấy khó tin. Tôi cũng không biết niềm vui đơn giản vậy: ném cái giẻ bắt lửa vào gầm xe và chờ lửa bùng lên khiến mọi thứ rúm lại méo mó trong họng nó. Tôi ngắm lửa mà không nghĩ gì khác, tập trung vào toàn bộ vẻ đẹp của nó từ khi bùng lên đến lúc lụi tàn. Lửa khử sạch cảm giác ngật ngừ của tôi bởi chứng lệch múi giờ sau chuyến bay dài từ Mỹ, bắt đầu cho kỳ nghỉ hè dài vô tận.
Mười năm rồi. Có thể Mi giờ mang tên khác, giống như tôi. Không sao, anh cứ hút thuốc như thường, chồng sau của tôi cũng phì phèo như anh đã thấy khi ở cổng. Người đàn ông đơn thuần, hay hỏi mấy câu đơn thuần, em yêu anh không, yêu ở chỗ nào, gần đây hay gặp người cũ không. Anh ấy không hỏi tôi đã từng có bao nhiêu cái tên. Mi thì mỗi lần tôi tới đón cô, đều hỏi “Tôi có thể gọi cậu là gì?”. Madona, Gamma, Lá Khát, Đớp, Xù, Gai. Mang cái tên mới luôn kích thích chúng tôi, như là sống với một phiên bản khác. Người chồng cũ gốc Nhật của tôi hay gặp rắc rối ở sân bay bởi sau mỗi kỳ nghỉ anh ta lại phẫu thuật thay đổi gương mặt. Cuộc chuyển mình đau đớn và tốn kém, nhưng như anh nói, “Sau cùng thì vẫn tuyệt khi làm người mới”. Mi thì khác, cậu ấy nói đừng nghiêm trọng quá, chơi thôi mà sao phải căng. Sói, Mưa, Anne Frank, Lolita. Nhưng tôi thích gọi Mi là Mi. Đó là cái tên mà cô ấy tự xưng, khi bước vào đồn cảnh sát, vào ngày cuối cùng chúng tôi đi cùng nhau.
Chuyện cũng đã lâu, hồi đó thấy ghê gớm lắm, giờ có một khoảng lùi thì nó khá trẻ con. Giống như con sông trước nhà luôn nhỏ lại khi con người ta lớn lên. Chúng tôi kéo đổ tượng đài trung tâm ở quảng trường. Phải, giờ nó vẫn đứng chỗ ấy. Dĩ nhiên là họ phục dựng lại ngay sau đó và nếu để ý anh sẽ thấy có vết gợn ở gối tượng. Truyền thông không được nhắc tới vụ này, anh chẳng cần tra cứu mất công. Họ chẳng muốn phơi ra sự thật rằng khối tượng đắt đỏ đó bị hai đứa con gái trèo lên xe ben quàng xích kéo đổ gọn ơ, bởi ngoài mấy que tre thì bên trong chẳng có chút cốt sắt nào. Như con người ta không có bộ xương, anh biết mà, họ làm những con đường cây cầu tòa nhà theo cách đó và chúng ta không biết mình đang sống trên những mục rã nào. Bọn tôi kéo nó đi một đoạn rồi bỏ cả tượng và xe lại, lấy một phòng ở Milky Way vuốt ve nhau. Da Mi mịn xốp, tôi luôn nghĩ về bông gòn khi chạm vào. Tôi định ngủ sau khi làm tình nhưng Mi nói phải tới đồn cảnh sát trước khi bị bắt.
Bọn tôi chưa bao giờ bị bắt, luôn là bọn tôi tự tìm cảnh sát. Anh có thể hỏi cảnh sát trưởng ở đồn Trung Tâm. Ông ta chắc vẫn chưa nghỉ hưu, bữa rồi tôi vẫn thấy ông mặc cảnh phục đi dẹp chợ. Vẫn phì lũ như mười năm trước, lần đầu gặp tôi đã thắc mắc người bọc mỡ vậy thì bắt tội phạm kiểu gì. Hồi hỏi cung tôi ông mới đeo hàm thiếu tá, hút thuốc lá vị bạc hà. Tôi nhớ chi tiết đó vì ổng cứ phà khói vào mặt tôi, phòng kín khiến đám khói thuốc u uất không siêu thoát. Giữa chúng tôi là cái bàn sắt bị móp vài chỗ, khiến tôi liên tưởng tới những cái trán rách bươm. Nhục hình có thể xảy ra với ai đó, không phải với tôi, và Mi. Anh biết đó, gia thế bọc bọn tôi trong những áo giáp vô hình.
“Chắc phải có tổ chức nào đứng sau lưng các cô chớ?”, ông cảnh sát phì lũ hỏi tôi khi đó. Một câu hỏi khiến tôi phì cười. Vì tượng đài ở vị trí như vậy nên đốn hạ nó chắc phải có chút ý nghĩa mang tính chính trị, họ nghĩ vậy. Tôi nói xứ sở này tượng nào mặt mũi cũng như nhau, tượng cầm sách hay ôm bó lúa hay vung kiếm thì vẫn cái vẻ vô hồn đanh lạnh, không để ý khó mà phân biệt. Vài đêm trước, khi đứng hút thuốc ở đó, Mi chỉ vào cái bóng của thanh kiếm đâm vào đùi tôi, nói ở đây nên trồng một cái cây. “Bóng của cây không bao giờ làm bị thương ai hết”, Mi nói, “Mình thích cây”. Chuyện chỉ đơn giản vậy.
Tôi nhớ mình ngáp vắn dài trong cuộc thẩm vấn. Ông cảnh sát vẻ chán chường từ đầu đến cuối buổi, kiểu như hỏi cho có, cho đầy mấy trang giấy lấy cung thôi. “Chuyện cũng không đi tới đâu”, biểu cảm ông nói vậy. Như ông biết chỉ vài phút sau người nhà Mi xộc vào, ân cần đưa cô đi. Họ mang theo tấm khăn bự choàng lên người cậu ấy, cùng với bình nước và ít bánh ngọt, anh phải chứng kiến ở đó thì cũng phì cười, bởi cảnh ấy hơi phô trương giống như phần kết của mấy phim thảm họa, những người sống sót được đưa ra từ đống đổ nát. Lúc ngang qua tôi, Mi mỉm cười ra dấu như hỏi có muốn làm một điếu không. Người có vẻ là bà mẹ đang sờ vào trán Mi bằng mu bàn tay, như thể dùng lòng tay thì da dày sẽ làm xây xước cậu ấy.
Ông cảnh sát béo phì thì không có vẻ mắc cười, kéo dây nịt quần lên (nó lúc nào cũng chực tuột khỏi cái vòng bụng quá cỡ), hỏi viên cảnh sát buồn ngủ, “Lại mộng du sao? Họ chưa nghĩ được cớ gì mới hả?”.
Anh hiểu không? Mi không bao giờ bị giữ lại bởi cậu ấy luôn luôn vô tội, cậu ấy ném đá vào đèn ở quảng trường, mở tung những trụ nước cứu hỏa, hay cài thuốc nổ đánh sập một chân cầu thì đều làm trong cơn mộng du hết thảy. Anh hỏi có thật không à? Luật sư bảo thật, cảnh sát nói không. Ở một cái tuổi nào đó, ta nên quan tâm sự thật là sự thật nào, đừng hỏi không hay có. Nhưng cái lý do nọ, anh không thấy nó quá đẹp sao? Rằng có ai đó thoát khỏi ta khi đêm xuống, khoác chiếc áo jean rõ là cũ nát, ra ngoài từ lối cổng chính của tư dinh ở cuối đường Mỵ Nương, hoặc cổng sau của vườn Mimosa và đôi khi từ biệt phủ số 14 Trưng Vương.
Cùng người bạn, họ lên tận bến xe phía Bắc, lúc này vắng ngắt, nhưng vẫn còn một quầy bán cháo trắng trứng muối, và món dưa chuột ngâm nước tương được dọn ăn kèm ở đó rất giòn. Đôi khi họ ghé quán bánh canh Âm Phủ khi chưa mở cửa, lúc nằm đợi trên mấy cái mả cổ ngủ thiếp đi, lúc dậy sương nặng trên mắt. Khi đi qua quảng trường Mê Linh, chỗ người ta hay làm hội chợ bán hàng giảm giá và là nơi chạy chơi của đám trẻ mùa hè, một hoặc nhiều cơn gió tụ tập ở đó bất ngờ ném một cái xác diều vào chiếc ô tô mui trần đang ngang qua. Xác diều đã lạnh, nhưng còn phảng phất mùi nắng mà nó đã uống no căng cuối chiều.
Tháng Bảy hay mưa đêm, họ đứng mãi ở mái hiên một quán cà phê đã đóng cửa, mắt uống mưa vàng xiên xiêu dưới đèn vàng, thứ mưa óng ả mảnh dẻ mà ban ngày không cách chi thấy được. Hơi lạnh khiến cô gái cài nút cổ, xõa phần tay áo vốn được xắn cao, trong túi áo luôn có những viên sỏi trắng láng mịn (hệt như da cô), loại sỏi người làm vườn hay rải trên những chậu cây vạn niên thanh, cô dùng chúng để ném vào một vài căn nhà ngủ lịm bên đường. Bạn đồng hành đoán cô muốn báo với người trong đó rằng mình có ngang qua, dù cô chỉ nói “Thích”. Thỉnh thoảng cô dừng xe đột ngột, nhảy qua cửa biến mất trong một con ngõ tối rồi nhanh chóng quay lại với vẻ thất vọng và bối rối thường thấy, lẩm bẩm “Không có ở đây”. Người bạn không biết cô tìm gì, nhưng quen với việc cô bỗng dưng nói một mình “Nó phải trong cái gì đó màu đỏ”, quen chuyện mỗi tối gặp nhau lại chào hỏi như mới gặp lần đầu. Tôi là Dơi, còn cậu? Mi!
Cho tới cuối, tôi cũng không biết Mi có phải là tên thật không. Lúc Mi vào xe trong vòng tay người nhà, tôi nghĩ lần sau gặp nhau không biết cậu ấy tên gì. Nhưng không có cái gọi là lần sau, rạng sáng đó trên đường đến đồn bảo lãnh tôi, xe ba mẹ tôi đã bị một chiếc công-ten-nơ đâm vào. Vụ tai nạn ba người chết ở ngã ba Sương ấy, nhiều báo đưa tin. Nhà tôi khánh kiệt sau đó. Cho đến giờ, tôi vẫn nuôi hy vọng sẽ tỉnh lại trên chiếc giường quen thuộc của mình với cái bụng đói meo, và dưới nhà ba mẹ đang cãi nhau.
(Trích tiểu thuyết Biên sử nước)