Sau triển lãm ra mắt cách đây hơn nửa năm cũng tại Bảo tàng Mỹ thuật TP. Hồ Chí Minh (97A Phó Đức Chính, Q.1), 14 họa sĩ của nhóm Đồng chất có triển lãm thứ hai, khai mạc ngày 3-6 và kéo dài đến ngày 12-6-2017. Một lần nữa, tranh màu nước lại được giới thiệu một cách trang trọng và hào hứng.
Một trong những đặc thù của tranh màu nước là trực họa, đặc biệt là vẽ ngoài trời với phong cảnh tự nhiên, ánh sáng tự nhiên. Có những tác giả chuyên vẽ tranh màu nước đã trở thành cổ điển như James Fletcher-Watson (1913-2004), họa sĩ cũng là kiến trúc sư người Anh đã để lại cho đời một kho tàng tranh màu nước, mô tả cảnh sắc thiên nhiên và các công trình kiến trúc trên quê hương ông cũng như ở nhiều vùng đất khác nhau tại các quốc gia ông đã đến thăm. Chính những chuyến đi gần như suốt cuộc đời dài đã giúp ông thực hiện biết bao kiệt tác màu nước sinh động, được lưu giữ trong nhiều bộ sưu tập và được in trong những tuyển tập tranh màu nước của riêng ông. Những khám phá về chất liệu, kinh nghiệm trực họa và cảm hứng sáng tác được ông ghi lại trong nhiều quyển sách như The magic of watercolour (Ma lực của màu nước), Watercolour’s secrets (Những bí quyết của màu nước), Outdoor painting (Tranh vẽ ngoài trời)…
Với triển lãm Đồng chất lần này, có lẽ mảng tranh thú vị nhất vẫn là phong cảnh được vẽ ở nhiều vùng miền trong cả nước, từ vùng cao phía Bắc đến các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long, của các họa sĩ: Bùi Duy Khánh, Hoàng Võ, Chu Quốc Bình, Toán Nguyễn, Nguyễn Phương Bắc, Nguyễn Hồng Quang, Đinh Quang Hải, Dương Tôn Quốc Thụy, Quý Nguyễn, Đoàn Văn Tới… Trời và biển mênh mang, lồng lộng. Sóng bạc đầu bủa vào ghềnh đá làm nên những vũ điệu của gió và nước. Những bến bãi bình yên. Những bến chợ tấp nập khách qua sông. Cảnh sắc Hạ Long huyền ảo như tranh thủy mặc. Một thoáng làng cổ phía Bắc lặng lẽ, êm đềm. Đôi con thuyền nhỏ nép dưới lau lách ven bờ. Những phố xá chuyển động không ngừng. Và Sài Gòn thật đẹp trong mưa giăng giăng… Có khi chỉ là vài vệt cỏ trên con đường mòn, có khi chỉ là vài hòn cuội giữa dòng suối róc rách nhưng đủ tạo cảm xúc, tạo một khoảng lặng dịu mát giữa những ngày nóng bức kinh người.
Cũng để lại nhiều dư vị là mảng tranh tĩnh vật hoa trái và mảng tranh chân dung, được khá nhiều thành viên của Đồng chất thể hiện, từ những trẻ em vùng cao bắt gặp trong các chuyến đi vẽ ngoài trời cho tới các nhân vật nổi tiếng như nhà điêu khắc râu ria Phạm Văn Hạng.
Tuy nhiên, hai triển lãm có phần “cấp tập” khiến người xem ít nhiều giảm bớt hứng thú khi đến với Đồng chất lần này. Phải chăng nhóm cần nhiều hơn thời gian, cần thêm những chuyến đi để có được nhiều hơn cảm hứng và sự đổi thay trong cách nhìn sự vật, thiên nhiên?
- Ngã Văn