Có một cuộc điện thoại quan trọng gọi đến, cô ấy nghe. Rồi cả nhà nghe tiếng cô ấy hỏi như quát lên: “Ai đấy ạ?”, vì không nhận ra giọng người gọi. Vậy tại sao cậu con trai thì máy vừa reo đã: “Chào chị Hoa, em đây”? Có gì lạ đâu, cậu con trai có lưu tên, nên khi máy reo là cả số cả tên người gọi hiện ra.
Còn với cô ấy, vốn không biết lưu tên vào điện thoại, đi đâu cũng đem cuốn sổ quăn queo – thì lấy làm lạ lắm. “Alo, alo, ai đấy ạ?” – Cô ấy tiếp tục hét to.
Người bên kia xem chừng tự ái: “Không nhận ra ai thật à?” và đành phải xưng tên. Lúc đó cô ấy mới: “Trời ơi”, “Vậy à”, “Xin lỗi anh”. Vừa nói được vài câu, điện thoại tắt. Bên kia gọi lại. Cứ tắt, cứ gọi như thế tới ba bốn lần. Tôi thấy quá đáng, phải chen vào: “Em vứt ngay cái đồ dỏm ấy đi. Làm việc quan trọng mà sử dụng loại cọc cạch vậy có ngày mất khách!”.
- Xem thêm: 4.0 đến chưa?
Hôm sau, tôi mua cho cô ấy chiếc điện thoại xịn, có màn hình cảm ứng từ, nhiều chức năng. Mò mẫm mãi mà vẫn không biết sử dụng, cô ấy ca cẩm: “Đã nói mua cho em loại chỉ cần nghe, gọi đi, nhắn tin là đủ. Bây giờ chẳng biết các chức năng nằm ở chỗ nào, đến khổ. Mua cho người dốt thì phải chọn loại dễ sử dụng.
Chính máy rẻ tiền lại dễ xài, có hẳn cái thanh dài “gửi tới” để biết chỗ mà bấm số vào. Đằng này soạn tin xong không biết gõ cái số của người nhận vào đâu nữa, chỉ có cái màn hình trống trơn, đến là khổ!”.
Tôi bật cười, vì chính tôi có lúc mò không ra. Ham cái mới, biết làm sao! Những người biết rồi thì dễ, chứ đâu có dễ với người không thạo công nghệ. Như bà cô đó, con cái trang bị điện thoại để tiện liên lạc, “quản lý tình hình” thì cô vứt lăn lóc trên bàn trên tủ, đi chợ chán chê, cho điện thoại tha hồ réo.
Có hôm cô còn đút túi áo, treo lủng lẳng trong nhà tắm cả buổi. Lại còn lấy làm lạ thằng con đi ngủ cũng đem điện thoại để bên gối. Cô nghĩ: “Sao nó không thấy vướng víu nhỉ!”.
Con cái mua về cho cái lò vi ba, để mãi không thấy cô dùng. Hỏi thì nói: “Cả đống nút thế này không biết bấm vào đâu”. Cô cũng từng hỏi ông hàng xóm rồi, nhưng ông ấy loay hoay một lúc rồi hỏi lại: “Thế cái tờ hướng dẫn của nó đâu?” thì cô trả lời: “Bằng tiếng Anh, vứt béng đi rồi còn đâu”. Bà cô một hôm tự mò, thấy cứ tít, tít đều. Lôi cái bánh mì ra thì ôi thôi, nó đã giòn đến mức sắp cháy, cứng như đá!
Có nhiều người cũng ngồi trước vi tính hằng ngày, tưởng giỏi lắm. Một hôm bà xã tôi gõ bài xong, hỏi: “Có ai biết cách gửi cái này đi không, chỉ giúp với”. Một người hỏi vặn: “Thế mọi khi thì chị làm sao?”. “Ờ, mọi khi nhờ con gửi, hôm nay nó đi vắng”. Rồi, một người xung phong ngồi trước máy gửi giùm.
Bấm chuột vài cái, cô đó càm ràm: “Máy của chị thế nào ấy, máy của em bắt buộc phải hiện ra cái chữ “gửi đi” kia! Trời, sao chị không chuyển tiếng Việt lại cứ để tiếng Anh thế này thì ai mà biết được!”.
Thế là chịu. Hóa ra, toàn dân mù “hiện đại”! Hỏi: “Thế suốt ngày bạn ngồi máy ở cơ quan thì làm gì?”. Thì ra chỉ đánh máy văn bản xong là lướt web, chơi game hoặc đánh cờ. “Chết thật!”. Cô con gái tôi nói: “Chúng con làm công ty nước ngoài, họ quản chặt chẽ, làm sao mà chơi kiểu đó được!”.
- Xem thêm: Những “người bạn”… bằng kim loại
Con cái mua cho cái máy chụp hình, cô ấy cũng kêu la: “Chụp gì đâu, bấm vào cứng ngắc chẳng thấy nháy gì. Hóa ra là lọng cọng thế nào bấm ngay phải nút quay phim! Bạn bè nói gửi hình qua vi tính thì cô ấy nói: “Không có cái dây để “truyền” hình từ máy chụp hình vào cái vi tính”. Hỏi vì sao không có thì trả lời: “Thằng con mọi khi gửi giùm, nay nó để cái dây đó trong cả mớ dây ở ngăn kéo, không biết cái nào”.
Riết rồi vợ tôi sợ, đến mở mấy cái hộp thực phẩm người ta đóng bao, có cái giằng mãi chẳng đứt! Thời đại văn minh, sống ở thành phố hẳn hoi chứ đâu phải vùng xa vùng sâu gì, có khi trí thức hẳn hoi cũng không rành. Những chuyện này nói ra thì đám trẻ không tin. Vì bây giờ có đứa vài tuổi đã chơi game nhoay nhoáy, bật băng đĩa giỏi hơn đứt ông bà!
Thời buổi văn minh, đồ công nghệ cao, làm vợ tôi sợ quá! Chẳng có ai mở lớp cho cô ấy đi học…