Những ngày này, cả thế giới đang từng ngày đối mặt với đại dịch Covid-19. Trong nỗi âu lo của từng nhà, từng người, chúng ta đã chứng kiến nhiều tấm lòng thơm thảo đang cùng cộng đồng chung tay sẻ ngọt chia bùi. Một trong những “sáng chế” ấn tượng tại TPHCM, phù hợp với quy định phòng chống dịch hiện nay, với tôi vẫn là chiếc máy phát gạo miễn phí có tên gọi “ATM gạo” hoạt động 24/24.
Có thể hiểu nôm na là gạo được đựng đầy trong bồn đặt trên mái nhà, từ đó, có hệ thống ống dẫn tới “trụ máy” trên vỉa hè. Tại trụ máy có nút ấn thông minh, khi lấy gạo người ta chỉ việc ấn tay vào, gạo chảy vào bao theo con số đã được lập trình (1kg30). Mọi người đến lấy gạo, đứng xếp hàng với khoảng cách 2m, chờ tới lượt mình, không chen lấn, ồn ào.
Chúng ta thường nghĩ, chỉ người tốt mới làm việc thiện, đúng thế. Nhưng thật ra, ngay cả… người xấu cũng có cơ hội như vậy nếu họ muốn quay về nẻo thiện, trở thành người tốt. Tôi nhớ đến câu chuyện cổ tích: Ngày xửa ngày xưa ở làng nọ, có anh chàng chuyên sống về nghề ăn trộm. Lúc không ăn trộm được, đói nghèo xơ xác, đi vay mượn chẳng ai thèm cho. Lúc bị thiên hạ bắt được phải chịu đòn đau, thuốc thang tốn kém. Dù có lúc trộm được nhiều bạc vàng, nhưng do không phải đổ mồ hôi mà có nên không biết quý, cứ tiêu xài hoang phí nên chẳng bao giờ có của để dành. Người mẹ khuyên con nên chí thú làm ăn lương thiện, nhưng gã con trai hư đốn bỏ mặc ngoài tai. Một hôm, nhân giỗ cha, người mẹ gọi con trai lại thủ thỉ thầm thì:
– Con à, cái nghề bất lương này không thể nuôi thân, chứ đừng nói giàu có. Đã thế, bà con chòm xóm còn chê cười. Nhà ta, quanh năm giỗ, Tết có ai đặt chân đến bao giờ? Ngay cả đứa trẻ hỉ mũi chưa sạch cũng xa lánh coi khinh, có nhục không con? Mẹ nói cho con biết, xưa kia ông nội con, rồi đến đời cha con cũng đi ăn trộm. Cha con chết đi, tay trắng vẫn hoàn trắng tay. Nhà ta vẫn nghèo hèn vẫn nghèo hèn. Con hãy nhìn đó mà kiếm công việc làm, rồi còn cưới vợ sinh con đẻ cái nữa.
Nhìn hương khói quạnh quẽ, ngày cúng giỗ cha mà cũng chẳng có gì. Chàng trai xót xa, không khỏi ngán ngẩm. Tuy vậy, chàng nghe lời dạy của mẹ tai này lại lọt qua tai kia. Chẳng khác gì nước đổ đầu vịt.
Một đêm, do đói quá, chàng đến rình mò nhà ông thầy đồ ở xóm bên. Nhà thầy đồ nghèo xác xơ nhưng biết học trò lúc sáng có biếu thầy cái thủ lợn. Chỉ nghĩ đến đó, chàng đã thèm thuồng ứa nước bọt. Sang đến nơi, rình mò mãi tới khuya mà thầy vẫn chưa đi ngủ. Thầy chong đèn đọc sách, hết trang này tới trang khác. Chợt thầy đọc to lên một câu trong sách thánh hiền: “Tích thiện, sống phúc đức ắt gia đình giàu có; làm điều bất thiện ắt luôn gặp tai ương, hoạn nạn”.
Chàng nghe chột dạ, có phải thầy biết mình rình mò nên khéo mắng đó chăng? Không phải, thầy vẫn trầm tĩnh ngồi yên đọc sách, thái độ vẫn không gì khác. Chàng bụng bảo dạ: “Thầy nói đúng quá”, rồi đứng dậy chạy một mạch về nhà, quyết từ nay bỏ nghề ăn trộm.
Sáng hôm sau, chàng vác búa vào rừng đốn củi mang ra chợ bán. Công việc thật cực nhọc vất vả. Muốn có được một gánh củi, chàng phải đổi những mấy bát mồ hôi. Nhưng bán được củi, có tiền mua gạo chàng thấy yên tâm hơn mọi ngày. Lòng chàng reo vui, hãnh diện vì đây là đồng tiền lương thiện có được bằng công sức.
Miệng đời cũng éo le, do biết chàng đã từng làm nghề bất lương nên đi đến đâu cũng có người xì xào: “Cẩn thận đấy! Cái thằng ba đời ăn trộm đã đến kia!”. Cái tiếng “ba đời ăn trộm” khiến chàng tủi nhục, xấu hổ. Chàng về kể cho mẹ nghe. Mẹ bảo:
– Không thể trách người đời con ạ. Mình đã gieo tiếng xấu thì nay phải chịu. Từ nay, nếu con làm được việc gì phúc đức họa may mới xóa được mấy tiếng đó.
Chàng cho là phải và khắc ghi trong lòng.
Ngày kia, trời làm cơn bão to, nước lũ tràn về. Dòng sông mênh mông nước, không ai dám lội qua sông như mọi ngày. Dù trời đã sẩm tối, mưa mỗi lúc một nhiều nhưng mọi người vẫn ùn lại, loay hoay ở bờ sông vì chưa có đò. Không thể về nhà được, đêm đó chàng đành ngủ lại trong đình chung với nhiều người. Thấy chàng, ai nấy đều lấm lét cảnh giác vì sợ bị mất trộm, chàng tủi thân ngồi lẻ loi một xó. Chàng nghe thiên hạ xầm xì:
– Phải chi quan huyện cho bắc chiếc cầu thì hay quá. Nếu làm được điều phúc đức đó, muôn ngàn người nhớ ơn.
Chàng nghe ra thấy sáng dạ: “Phải rồi, sao mình không bắt chiếc cầu cho làng?”. Sáng hôm sau, nước rút, chàng lội sông về nhà. Về tới nhà, chàng đem ý định ấy ra hỏi ý kiến mẹ. Mẹ chàng rất vui:
– Đúng đấy con. Mẹ tin rằng, sẽ có nhiều người cùng phụ làm với con. Thấy con việc làm tốt, chắc không ai bỏ mặc con đâu.
Nghe lời của mẹ, chàng thêm vững chí dốc sức bắc cầu.
Từ đó, cứ sáng chàng lên rừng chặt cây; chiều ra sức chuyển gỗ; trưa cố hái thêm một gánh củi để về cho mẹ đem ra chợ bán. Chàng làm việc quên ngày tháng. Ban đầu, có người hoài nghi, nhưng rồi đúng như mẹ đã nói, họ cũng góp thêm công sức ít nhiều với chàng. Công việc nặng nhọc, vì ăn thiếu thốn, không no mà làm nhiều nên chàng kiệt sức. Một hôm đói quá, chàng té xỉu ở đoạn cầu đang làm dở. Những người đi qua xúm lại cứu chữa, nhưng chàng vẫn chưa hồi tỉnh.
Giữa lúc ấy có một viên quan võ đi đến, thấy đám đông đang xúm quanh một người nằm sõng soài, viên quan xuống ngựa đến gần hỏi chuyện. Mọi người cho biết đây là anh chàng đang bắc cầu, vì mệt quá mà ngất đi. Viên quan liền mở túi lấy thuốc cho chàng uống, lát sau, chàng tỉnh lại. Lúc mọi người tản dần ra về, viên quan ngồi lại bên chàng mới ân cần hỏi chuyện. Chàng thật thà kể lại cớ sự, viên quan võ nghe xong, ngẫm nghĩ hồi lâu rồi nói:
– Sống ở đời, biết làm điều phúc đức để chuộc lỗi lầm xưa kia, rất đáng khen. Nói thật với cậu, cha tôi, ông tôi, ông cụ, ông kỵ tôi, đời đời làm quan ức hiếp dân lành, bóp hầu bóp cổ để nã tiền, nã của. Đấy cũng là điều thất đức. Vì vậy, đến đời tôi trời quả báo, lấy vợ đã hơn 20 năm rồi vẫn không có một mụn con vui cửa vui nhà. Nay tôi cũng muốn làm điều phúc đức để chuộc lỗi lầm xưa, chẳng hay cậu có cho tôi góp sức không?
Chàng rất đỗi vui mừng:
– Thưa quan lớn, ngài có chí hướng ấy, chắc chắn cái cầu này sẽ chóng xong, dân chúng sẽ mau được qua lại, còn gì tốt hơn!
Nghe lời nói chí tình, quan lớn xiết bao cảm động nên cùng chàng trai kết nghĩa anh em. Biết người em nhà nghèo, còn phải nuôi mẹ già nên viên quan thân mật bảo:
– Anh có nhiều tiền của, anh lo nuôi mẹ để em khỏi phải bận tâm. Như vậy, anh em chỉ chuyên chú vào việc bắc cầu, em nghĩ thế nào?
Chàng bắc cầu nói:
– Nếu vậy, còn gì hay hơn!
Từ đấy, hàng ngày chàng yên tâm lên núi đốn cây, chuyển gỗ. Thấy việc làm hữu ích này, dân làng cùng chung tay góp sức. Chẳng bao lâu, chiếc cầu gỗ hơn hai trăm sải được bắt qua sông, mọi người mừng vui khôn xiết, đặt tên cầu Phúc Đức. Làm xong việc thiện, chàng ngỏ lời xin cưới con gái của thầy đồ nghèo làm vợ vì nhờ thầy đọc câu trong sách thánh hiền mà chàng thay đổi tính nết. Vợ chồng chàng dạy con cái làm việc thiện, tu tâm tích đức nên xóa được tiếng chê trước đó là “ba đời ăn trộm”, về sau lại được tiếng khen “ba đời phúc đức”. Câu chuyện cổ tích này ngụ ý, sống với bà con chòm xóm cần lấy điều hay lẽ phải đối xử nhau, làm việc xấu thì thiên hạ xa lánh, có sống cũng bằng thừa. Sự thành tâm hối cãi không lúc nào là muộn. Làm việc phúc đức bao giờ cũng được người khác chung tay góp sức.
Ca dao Viêt Nam có câu: “Dù xây chín bậc phù đồ/ Không bằng làm phúc cứu cho một người”. Việc xây dựng các công trình kiến trúc tôn giáo là quý nhưng vẫn không thiết thực bằng cứu giúp cụ thể cho ai đó trong hoàn cảnh ngặt nghèo, cần kíp. Sự từ, bi, hỷ, xả kịp thời này rất phù hợp với tinh thần khoan dung của đạo Phật. Câu chuyện chàng trai xây cầu là một thí dụ.
Còn có câu chuyện, chính tôi đã chứng kiến. Rằng, bấy giờ đang là sinh viên mới ra trường, còn ở nhà trọ và tất nhiên, tôi thường xuyên đi ăn cơm bình dân. Ngày nọ, ngồi chung bàn với tôi là mẹ con người thợ hồ. Nghe qua cách nói chuyện của họ, tôi biết, từ quê xa, bà mẹ lên thăm con. Cả hai vừa ăn vừa chuyện trò vui vẻ, cậu con trai đang tuổi ăn tuổi lớn, chẳng mấy chốc phần cơm hết vèo. Bà mẹ cũng vét nốt hạt cơm cuối cùng. Nhìn nét mặt lúng túng, ngần ngừ ấy, tôi thừa biết cả họ còn thòm thèm, muốn ăn thêm nữa. Nhưng rồi, họ buông đũa. Lúc ấy, ngồi sát cạnh tôi, một người đàn ông cũng vừa ăn xong, bỗng ông ta đứng dậy, vội bước vào quầy tính tiền. Rồi dăm phút sau, tự tay bưng ra 2 phần cơm đặt trước mặt họ, ông ta ngập ngừng: “Xin mời mẹ con bác ăn giúp, hôm nay, cháu có mời 2 người bạn nhưng họ lại không đến”. Hành động nghĩa hiệp ấy, đến giờ, tôi vẫn còn nhớ mãi gương mặt rạng rỡ của họ.
Ai đó đã nói một câu rất đúng, một khi đem niềm vui đến người khác cũng là cho chính mình. Xin bổ sung thêm, ngay cả những ai chứng kiến cũng vui lây. Sự giúp đỡ kịp thời ấy, dù họ chẳng quen biết gì nhau lại là một phép mầu nhiệm về tình yêu thương. Ngọn lửa tình người đâu phải từ những việc “đội đá vá trời”, đôi lúc chỉ cần có hành động san sẻ kịp thời là đủ.
Có thêm câu chuyện cảm động, tôi vừa đọc trên Internet, lạ thay, nhiều người đồng tình: “Chuyện này có thật”. Vâng, tôi tin có thật bởi lẽ lòng nhân ái trong quan hệ giữa con người xa lạ vẫn diễn ra như một lẽ sống tự nhiên của tình ái hữu. Nhân vật xưng tôi kể lại một kỷ niệm tuyệt vời của ngày thơ ấu:
“Lúc còn là một thiếu niên, một lần, tôi được cha dẫn đi xem xiếc. Khi nhập vào hàng người đang xếp dài trước quầy vé, tôi chú ý đến một gia đình đứng ngay trước chúng tôi. Họ có đến những 8 đứa trẻ mà đứa lớn nhất có lẽ chưa đến 12 tuổi. Nhìn dáng vẻ những đứa bé ấy có thể đoán được gia đình chúng không giàu có. Quần áo chúng không phải loại đắt tiền nhưng sạch sẽ và tươm tất. Và đó là những đứa trẻ biết cách cư xử. Cứ nhìn cái cách từng 2 đứa một nắm tay nhau xếp hàng sau bố mẹ chúng thì rõ. Chúng nói huyên thuyên một cách đầy phấn khích về những chú hề, những con voi và những trò xiếc khác mà chúng sẽ được xem tối nay. Rõ ràng, chúng chưa từng đến rạp xiếc bao giờ. Buổi tối ngày hôm nay thật sự rất đặc biệt với cả 8 đứa trẻ ấy.
Cha mẹ chúng đang đứng ở đầu hàng với vẻ mặt hãnh diện nhất mà họ có thể. Người phụ nữ nắm lấy tay chồng, nhìn ông một cách dịu dàng. Ngay lúc ấy, người bán vé ngẩng lên và hỏi người đàn ông số vé ông ta cần. Người đàn ông trả lời đầy hứng khởi: “Cho tôi 8 vé trẻ con, 2 vé người lớn để tôi có thể dẫn cả nhà mình vào xem xiếc”. Nhưng, khi người bán vé báo giá của 10 chiếc vé, bàn tay người vợ đột ngột rời khỏi tay chồng, đầu bà ta gục xuống. Mặt người đàn ông hơi tái đi. Ông ta tiến lại quầy vé gần hơn và hỏi: “Anh nói giá bao nhiêu?”.
Người bán vé bình thản lập lại giá của 10 chiếc vé, nhưng người đàn ông không có đủ tiền. Làm sao ông ta có thể quay lại và bảo với 8 đứa con của mình rằng ông ấy không đủ tiền để dẫn chúng vào xem xiếc?
Chứng kiến tất cả những gì xảy ra, cha tôi lặng lẽ lấy từ trong túi ra tờ 20 đô và thả xuống đất. Sau đó, ông cúi xuống nhặt lên và vỗ vai người đàn ông, nói rất tự nhiên: “Xin lỗi, thưa ông, cái này vừa rơi ra từ túi ông”. Người đàn ông hiểu những gì đang diễn ra. Ông không cầu xin của bố thí, nhưng rõ ràng ông có thể đoán đây là sự giúp đỡ trong một tình huống ngặt nghèo. Bối rối trong giây lát rồi ông ấy nhìn thẳng vào mắt cha tôi, chụp lấy tay cha bằng cả 2 bàn tay như muốn vắt kiệt tờ 20 đô, một giọt nước mắt rơi lặng lẽ xuống má, đôi môi mấp máy một cách khó khăn: “Cảm ơn, cảm ơn ông rất nhiều. Điều này thật sự ý nghĩa với gia đình tôi lúc này”.
Sau khi nhìn cả gia đình người đàn ông khuất sau cánh cổng rạp xiếc, tôi và cha đón xe buýt về nhà, đơn giản bởi vì số tiền còn lại trong túi cha không đủ để mua vé cho 2 cha con. Thật sự thì chúng tôi cũng chẳng dư dả gì! Nhưng tôi không hề giận cha. Những gì cha đã làm lúc đó đáng giá hơn cả ngàn buổi xem xiếc”.
Nghe kể lại câu chuyện này, ai không ứa nước mắt?