Truyện ngắn của Edgar Allan Poe (Mỹ)
Lâu đài mà người hầu của tôi đã liều kéo tôi vào – hơn là để tôi, trong tình trạng bị thương nặng, phải ở một đêm ngoài trời – pha trộn vẻ u ám ảm đạm và nét uy nghiêm hùng vĩ đã từ lâu là nơi buồn thảm giữa rặng Appennine, thật ra không khác mấy so với những gì nhà văn Radcliffe đã miêu tả. Nhìn sơ qua là biết nó ít được sử dụng và mới vừa bị bỏ hoang.
Chúng tôi đã nghỉ lại ở một trong những gian nhỏ nhất, nội thất ít xa xỉ nhất, trong một tháp canh xa lâu đài. Đồ đạc trang trí phong phú, toàn loại đắt tiền nhưng đã cũ xưa. Bức tường nào cũng treo thảm thêu đính đủ kiểu đủ dạng huy hiệu kỷ niệm chiến thắng, cùng rất nhiều tranh hiện đại sinh động được đóng khung với đường lượn bằng vàng ròng. Có lẽ sự cuồng nhiệt chớm nở trong tôi đã khiến tôi quan tâm sâu sắc đến những bức tranh được treo trên các bức tường này, không chỉ ở mặt tường chính mà còn ở rất nhiều những ngóc ngách mà lối kiến trúc kì quái của tòa lâu đài cho là cần thiết.
Tôi ra lệnh cho Pedro đóng cánh cửa chớp nặng nề của căn phòng – vì đêm đã xuống – thắp cây đèn nến phía đầu giường tôi – và phải mở toang tấm màn cửa nhung đen có viền đang phủ hết tấm đệm giường tôi. Tôi muốn vậy để lỡ không ngủ được thì ít nhất cũng có thể lần lượt lặng lẽ nhìn ngắm những bức vẽ này và nghiền ngẫm chồng sách nhỏ trên gối, mục đích là để cảm nhận, bình phẩm, hiểu thấu chúng.
Lặng lẽ, mê mải, tôi đọc và đọc, lâu, lâu lắm, rồi ngắm, ngắm kỹ. Thời gian trôi nhanh và trời đã khuya lắm rồi. Vị trí cây đèn nến làm tôi thấy khó chịu – vì cứ phải giơ tay cầm sách lên đọc rất khó khăn – chứ chẳng tí ti ảnh hưởng tới người hầu ngủ say như chết của tôi, nên tôi dời nó cho ánh sáng của những ngọn nến hắt lên cuốn sách rõ hơn.
- Xem thêm: Bạn tình trên mạng
Tuy nhiên, hành động đó tạo ra một kết quả hoàn toàn bất ngờ. Chùm tia sáng của nhiều ngọn nến giờ thu lại và làm hiện rõ cái hốc tường của căn phòng mà trước đó nó bị một trong những cột giường che khuất trong bóng tối. Do đó, tôi thấy trong ánh nến lung linh một bức tranh mà mình hoàn toàn không để ý thấy trước đây. Đó là chân dung của một cô gái trẻ vừa trở thành đàn bà. Tôi liếc sơ bức tranh rồi nhắm mắt lại.
Tại sao tôi lại phản ứng thế, không phải ngay lúc ấy tôi nhận thức được liền đâu. Nhưng trong khi mắt vẫn nhắm nghiền, trong đầu tôi chợt nảy ra lý do đã khiến mắt tôi khép lại. Đó là sự thôi thúc – khá bốc đồng – muốn có thời gian suy nghĩ để chắc rằng tôi thấy thật chứ không phải là ảo giác, và để bình tâm lại, trí tưởng dịu đi chuẩn bị cho một cái nhìn tỉnh táo hơn, chuẩn xác hơn. Chỉ trong giây lát, tôi dán mắt vào bức tranh lần nữa.
Thế đấy, giờ đây tôi thấy đúng là tôi sẽ không còn nghi ngờ gì, mà tôi có muốn cũng không thể; vì những giọt nến đầu tiên rơi xuống bức tranh sơn dầu dường như tiêu tan nỗi sững sờ ngơ ngẩn đang len lỏi, làm tê dại tri giác tôi, và lập tức kéo tôi về thực tại.
Bức chân dung, tôi đã nói rồi đó, là của một cô gái trẻ. Nó chỉ có đầu và vai, một bức vẽ mà trong nghề gọi là kiểu bán thân mờ, mang đậm phong cách của họa sĩ vẽ chân dung Sully. Tay, ngực, và thậm chí ngọn tóc sáng dường như nhẹ nhàng tan vào cái bóng mơ hồ mà thẳm sâu làm nền cho toàn bộ bức vẽ. Khung vẽ hình bầu dục, mạ vàng, họa tiết tinh xảo kiểu Ma-rốc. Về mặt nghệ thuật không gì đáng ngưỡng mộ hơn chính bức tranh này.
Nhưng có lẽ đó không phải là do sức mê hoặc của tác phẩm hay vẻ đẹp bất tử của nét mặt, điều mà lập tức khiến tôi rúng động. Mà đó chính là việc trí tưởng tượng của tôi trong trạng thái nửa tỉnh nửa mê, ít nhất đã nhầm lẫn cái đầu ấy là của một người còn sống. Ngay lập tức, tôi nhận ra rằng sự kỳ lạ trong phác họa, trong nét vẽ mờ của bức bán thân, và của khung hình hẳn đã xua tan ý nghĩ đó đi ngay, ngăn chặn ngay cả cảm giác tiêu khiển nhất thời. Vẫn giữ nguyên tư thế nửa nằm nửa ngồi trong độ chừng một tiếng đồng hồ, tôi nhìn dán mắt vào bức chân dung và suy nghĩ nghiêm túc về mọi điểm.
Cuối cùng, hài lòng với bí mật đích thực đã gây nên nỗi ám ảnh, tôi thả mình xuống giường. Tôi nhận ra sức mê hoặc của bức tranh trong từng nét thật đến mức kinh ngạc – khiến tôi phải giật mình lúc vừa trông thấy để rồi cuối cùng phải khiếp hồn, gục ngã hoàn toàn vì kinh hoảng-mê đắm. Trong trạng thái tột đỉnh của sợ hãi và tôn kính đó, tôi dời cây đèn nến về vị trí cũ.
- Xem thêm: Prada và Sự thật
Vậy là nguyên nhân gây nỗi ám ảnh đã khuất lấp. Tôi háo hức tìm cuốn sách bàn về những bức tranh và lịch sử của chúng. Lật tới trang nói đến bức chân dung hình bầu dục, tôi đọc được những dòng chữ mơ hồ và là lạ sau:
“Nàng là một thiếu nữ với đẹp vẻ rạng ngời, hiếm có. Hơn cả sự đáng yêu, nàng là tột cùng của niềm vui. Và tai họa đã đến khi nàng gặp, đem lòng yêu thương, và cưới anh chàng họa sĩ. Chàng, một kẻ đam mê, chăm chỉ, khắc khổ, và có cô dâu – giai nhân – duyên nợ trong nghệ thuật: nàng, người con gái sở hữu nhan sắc độc nhất vô nhị lại cực kỳ vui vẻ đáng yêu. Ánh sáng toát ra từ nàng, người trinh nữ luôn rạng rỡ nụ cười cùng sự tinh nghịch dễ thương tựa con nai nhỏ. Nàng yêu mọi thứ trừ nghệ thuật – địch thủ của nàng, sự đối kháng với nàng. Nàng ghét, ghen và sợ các ô sơn màu, những cây cọ vẽ và cả những dụng cụ vớ vẩn tầm phào khác, những thứ lấy mất hồn vía cũng như gương mặt của người nàng yêu. Vì thế thật là một điều khủng khiếp với cô dâu trẻ khi nghe chàng họa sĩ nói rằng chàng mong muốn vẽ chân dung nàng. Tuy nhiên, là người luôn nhún nhường và dễ bảo, nàng ngoan ngoãn ngồi nhiều tuần liền trong gian phòng tối trên cao của tháp canh nơi ánh sáng yếu ớt từ phía trên loang xuống bức tranh sơn dầu nhợt màu. Nhưng chàng họa sĩ miệt mài đắm mình trong công việc từ giờ này sang giờ khác, và hết ngày này sang ngày khác. Là người cuồng nhiệt đam mê mà lại yếu đuối, ủ rũ, chàng như đang sống trong mộng ảo, không nhận thấy ánh sáng đã quá nhạt nhòa nơi cái tháp canh hiu quạnh làm tàn lụi héo úa tinh thần lẫn sức lực người vợ trẻ, người tiều tụy đến mức ai cũng thấy rõ là nàng đang chết mòn trừ chàng. Tuy nhiên, nàng vẫn mỉm cười, nhẫn nhục chịu đựng, bởi nàng thấy rằng chàng họa sĩ (một người danh giá) đang vẽ với tất cả nhiệt huyết đam mê và khát khao bỏng cháy. Chàng làm việc cả ngày lẫn đêm để vẽ nàng, người dành cho chàng một tình yêu vô hạn, nhưng cũng là người cạn dần nghị lực bởi qua từng ngày nàng yếu đi trông thấy. Và thật ra, một số người trông thấy bức chân dung đều nhận xét nó giống y như thật, đúng là kỳ công tuyệt phẩm, minh chứng cho tài năng và nghị lực của chàng họa sĩ hơn là tình yêu sâu đậm mà chàng dành cho nàng – người mà chàng đã vẽ quá ư hoàn hảo. Nhưng rốt cuộc khi công việc đến gần giai đoạn hoàn tất thì không người nào được tới chỗ tháp canh nữa, bởi chàng họa sĩ đã trở nên điên dại. Ngọn lửa đam mê cộng với sự cuồng nhiệt trong công việc thiêu đốt chàng; chàng chỉ mê muội dán mắt vào bức vẽ sơn dầu nên hầu như quên để ý gương mặt người vợ. Và chàng không nhận thấy rằng sắc màu nhẹ mà chàng thể hiện lên bức tranh cũng chính là màu da nhợt nhạt của gương mặt, của gò má nàng – người ở gần chàng, ngồi bất động, làm mẫu cho chàng vẽ. Nhiều tuần tồi tệ đã trôi qua, chỉ còn lại mỗi một ít việc nữa là xong, chấm vài nét ở miệng và mắt, linh hồn của người trinh nữ lại lập lòe lung linh như ánh nến. Và rồi… nét cọ… chấm màu, lặng người trong giây lát, chàng họa sĩ ngập tràn cảm xúc đứng trước tác phẩm của mình, nhưng ngay sau đó, trong lúc mắt vẫn nhìn chằm chằm bức tranh, chàng bỗng run rẩy, xanh tái đi vì kinh hoàng, hét lên, “Đây mới chính là Sự Sống!” rồi đột ngột quay sang nhìn người yêu: – Nàng đã chết!”.