“Chị gởi thằng cháu lên chỗ cậu mấy tuần, cậu đưa nó đi học bơi giúp chị nhé”!
Thì học bơi. Nhưng mà lạ, nhà ở miền Tây, trước mặt là sông nước mà phải lên Sài Gòn học bơi? Nghe có gì đó… sai sai. Nhưng nếu bạn về miền Tây vào những ngày này, hẳn sẽ hiểu được cái lý do của chị. Những dòng sông ấy, hình như đang trở thành những dòng sông chết.
Mà chết thế nào được, vẫn ngày hai bận nước lên xuống theo thủy triều, vẫn tấp nập ghe thuyền, sao bảo chết? Ấy là bạn chỉ nhìn thấy sự sôi động bề mặt, còn nếu là một đứa trẻ đã từng lặn ngụp trên các con sông, gắn cả tuổi thơ mình với sông, lớn lên cùng sông thì những dòng sông ấy chỉ còn trong ký ức.
Năm tuổi, tôi đã biết bơi. Dĩ nhiên là chẳng theo kỹ thuật nào, chỉ như một bản năng, bơi để khỏi chết đuối. Dạy bơi là hai anh hàng xóm. Dòng sông trước nhà nhỏ thôi, tầm hai mươi mét ngang, nhưng cũng đủ ám ảnh một đứa trẻ năm tuổi. Đưa tôi ra giữa sông, mỗi anh đứng một đoạn, như điểm xuất phát và đích đến. Khoảng cách chỉ hai mét, vừa đủ để một đứa trẻ là tôi hồi ấy tự tin rằng mình có thể rời tay người này để đến với người kia. Vậy mà bơi hoài không tới đích. Hóa ra cái đích ấy cứ thấy tôi đến gần lại lùi sâu hơn và kéo dài khoảng cách, cứ phải cố, phải cố… Nhờ vậy mà biết bơi. Tôi cũng không ngờ là bài tập bơi ấy sau này lại có thể áp dụng cho rất nhiều điều khác trong cuộc sống của mình, cứ nỗ lực bơi, rồi cũng sẽ tới đích. Sau này nghiệm lại, tôi nhận ra rằng việc biết bơi giống như kỳ tốt nghiệp đầu tiên trong đời mình. Nó mở ra bao nhiêu cơ hội: tham gia những trò chơi cướp cờ dưới nước, những chuyến vượt sông đi xem tivi ké (hồi đó cả làng cả xóm mới có một cái tivi trắng đen), những buổi ra sông cái (rộng hơn, cách nhà cả cây số) để mò ngao bắt hến. Đặc biệt là sự tin tưởng của ba mẹ mỗi lần xin đi tắm sông.
Có lẽ bạn không tin, nhưng dòng sông ngày xưa giống như cái tủ lạnh chứa đồ ăn của người dân quê tôi, dĩ nhiên là chỉ những thức liên quan tới sông nước: tôm cá cua đồng. Mùa nào thức ấy, chẳng bao giờ thiếu. Những buổi nghỉ học, tôi thường xách chiếc thùng nhựa và cần câu ra bờ sông. Mồi câu có khi là nhộng ong, có khi là lũ nhện đen giăng tơ đầy trên các gian bếp, hoặc lũ nhện lưng vàng trên các bụi tre, tàu chuối. Cá thì nhiều vô kể: cá thác lác, cá rô, cá rầm, cá trê, cá chốt. Cứ tùy theo tập tính của từng loại cá mà thả mồi: cá rô thì tìm các bụi đế bụi lau, cá thác lác thì tìm chỗ nước sâu, cá rầm, cá chốt thì cứ mấy cầu bến, nơi mẹ và chị hay ra rửa chén. Mùa heo may, nước rút, cá chốt ngơ trên sông hàng đàn, dày ken, chỉ cần mang rổ ra xúc. Gặp may, bạn còn có thể bắt được những con cá trê ngơ lớn bằng cườm tay. Mùa nước trong, và mặt nước lé đé mặt đường là mùa đi soi cua. Cứ chọn các bờ sông lài lài, làm sạch cỏ. Chiều tối mang cám rang trộn với bã hèm thả xuống. Nghe mùi thơm của cám, lũ cua từ các hang hốc ven bờ mò ra, ăn phải bã hèm, nằm lừ đừ. Nước trong, dùng đuốc soi xuống là thấy, chỉ việc nhanh tay mà bắt…
Bây giờ thì không còn nữa. Về quê nhưng muốn ăn cá đồng, bạn phải ra chợ. Cá thì to nhưng đa phần đều là cá nuôi, da thịt bở rợ chứ không chắc và ngọt như cá từ sông ngòi tự nhiên. Vậy cá sông tự nhiên đâu hết cả rồi? Nó đã trở nên khan hiếm do quá trình tận diệt của con người. Thứ nhất là phong trào chích điện. Người ta đi ven bờ hoặc chèo thuyền trên sông, hai vợt cắm vào hai đầu điện của bình ắc quy. Cứ đưa vợt xuống nước là cá tôm chạy nháo nhào rồi tê liệt. Con nào lớn thì vớt, con nào nhỏ thì bỏ. Vậy thì cá tôm nào mà chịu nổi. Nguyên nhân thứ hai là dư lượng thuốc trừ sâu và phân bón trong sản xuất nông nghiệp. Ngày xưa, làm một hoặc hai vụ, vẫn còn thời gian cho đất nghỉ ngơi. Bây giờ làm ba vụ, có bao nhiêu dư lượng thuốc trừ sâu và phân bón đều thải ra sông. Hệ thống đê bao thủy lợi ngăn chặn. Chẳng có thứ gì tẩy rửa nhanh gọn và hiệu quả bằng lũ sông Mekong. Mà lâu lắm rồi, lũ có về nữa đâu.
Cá tôm không sống nổi, con người rồi cũng vậy. Sông thì vẫn nước chảy đôi dòng theo thủy triều nhưng hầu như chẳng còn bóng dáng trẻ con lặn ngụp. Bố mẹ nào cũng sợ. Vậy nên mới có những đứa trẻ gần sông mà phải lên Sài Gòn học bơi. Tôi ở xa, ít dịp về nhưng vẫn cập nhật tình hình ở quê. Lâu lâu lại nghe trong những người quen có người này người kia mất vì ung thư. Chưa có một nghiên cứu hoặc điều tra xã hội, y tế gì về sựảnh hưởng từ các con sông tới đời sống sức khỏe của con người, nhưng sao dạo này người ta chết trẻ quá, lý do chết vì ung thư nhiều quá. Tất cả đều từ sông cả thôi. Một năm chỉ có vài tháng mưa, nước mưa tích trữ trong các chum vại hoặc bể xây còn chẳng đủ dùng cho việc nấu ăn, lấy đâu ra nước tắm giặt. Mà nếu như nước mưa không đủ dùng thì cũng phải dùng nước sông chứ đâu. Nước từ sông bơm về bể chứa, lóng phèn rồi dùng. Trong thì có trong, nhưng nó chỉ làm cho người ta yên tâm bởi không thấy những lợn cợn vẩn đục, còn có bao nhiêu thứ khác trong ấy, lấy gì mà ngăn lọc?
Mà lạ, sao ảnh hưởng đến sức khỏe của chính mình mà người ta vẫn sống như vậy? Bằng khả năng của mỗi gia đình, nhiều người cũng đã đầu tư hệ thống bể chứa lớn, hứng nước mưa đủ dùng cho gia đình trong cả năm. Nhưng trả lời câu hỏi này, riêng người dân thôi thì hình như chưa đủ…