Can thiệp bên trong thai nhi đã cứu nhiều mạng sống trẻ em, nhưng tiên lượng về hiệu quả của nó trong dài hạn còn phải chờ thêm một thời gian.
Một phương pháp đột phá
Trước ba tháng ra đời, bé Elianna Constantino đã nhận được năm lần truyền máu và cấy tủy xương. Tất cả việc cần làm là luồn một cây kim qua bụng và tử cung của người mẹ để đưa thứ cần truyền vào mạch máu bên trong nhau thai.
Elianna sinh ngày 1-2-2018 với tiếng khóc lớn và mái tóc đen dày óng ả đã mắc một chứng bệnh di truyền thường giết thai nhi trước khi ra đời.
Căn bệnh gọi là alpha thalassemia major làm cho các hồng cầu không thể mang oxy đi khắp cơ thể, dẫn đến thiếu máu nghiêm trọng, suy tim và tổn thương não.
Truyền máu vào thai nhi giúp thai nhi sống sót, nhưng chỉ chữa trị được triệu chứng bệnh còn ghép tủy xương mới có khả năng chữa khỏi được nó. Nhưng phải chờ thêm một thời gian nữa mới biết phương pháp này thành công hay không.
Elianna và mẹ bé, Nichelle Obar, thuộc số bệnh nhân đầu tiên tham gia cuộc thí nghiệm đi quá giới hạn của liệu pháp phôi thai, một lĩnh vực y khoa đã được biết đến nhiều về sự độc đáo của nó.
Nếu phương thức mới này cho kết quả tốt, nó sẽ mở ra triển vọng mới cho việc ghép tủy trước khi sinh để chữa khỏi không chỉ bệnh máu của Elianna mà còn cả bệnh thiếu tế bào lưỡi liềm, chứng chảy máu khó cầm và các rối loạn di truyền khác mà một số nghiêm trọng đến nỗi nếu phát hiện bệnh từ trong thai sẽ đưa đến quyết định buộc phải phá thai an toàn.
Tủy xương được xem là có khả năng chữa dứt các bệnh rối loạn di truyền vì nó mang các tế bào mầm sinh ra các tế bào thay thế cho các tế bào bị thiếu như hồng cầu hay tế bào bị lỗi do di truyền.
“Phương pháp này sẽ thay thế cho những ca phẫu thuật phôi thai lớn để chữa các bệnh di truyền mà không cần phẫu thuật can thiệp trực tiếp vào phôi. Nó tạo ra hướng đi mới trong trị liệu tế bào và phân tử” – tiến sĩ Tippi MacKenzie, chuyên viên phẫu thuật nhi khoa và phôi hiện là trưởng nhóm nghiên cứu phương pháp mới tại Bệnh viên Nhi Benioff thuộc Đại học bang California ở San Francisco (UCSF), nói.
Căn bệnh di truyền không hiếm lắm
Obar 40 tuổi và chồng là Chris Constantino đều khỏe mạnh nhưng khi mang thai đứa con đầu tiên, bác sĩ phát hiện ra cả hai đều mang mầm bệnh thalassemia.
Có nhiều dạng của bệnh thalassemia và mỗi năm trên thế giới có 100.000 trẻ em bị bệnh ra đời với các triệu chứng rất nặng. Hiện có hàng triệu người mang mầm bệnh; đa số là người châu Á, Địa Trung Hải, châu Phi và Trung Đông.
Người mang mầm bệnh thường khỏe mạnh, chỉ khi họ có con chung với nhau, đứa con sinh ra mới có nguy cơ mắc bệnh.
Tổ tiên của Obar là người Philippines và Puerto Rico còn tổ tiên của chồng chị là Philippines. Họ sống tại Kilauia trên đảo Kauai của Hawaii.Con đầu tiên của họ là Gariel hiện 3 tuổi khỏe mạnh, nhưng mỗi đứa con mang thai có 1/4 nguy cơ mang bệnh thalassemia. Vì vậy, khi Obar mang thai đứa con thứ hai, các bác sĩ đã cảnh giác chị về nguy cơ, và họ đã tìm thấy nó.
Siêu âm ở tuần 18 của thai kỳ cho thấy trái tim của Elianna lớn gấp 2 lần bình thường, chất lỏng tích tụ quanh hai lá phổi của thai nhi và các cơ quan khác.
Máu chảy đến não của đứa bé nhanh bất thường, một dấu hiệu của thiếu máu nghiêm trọng. Tất cả phát hiện trên đều chỉ đến alpha thalassemia major, dạng tệ nhất của bệnh thalassemia.
Bác sĩ của Obar và nhà tư vấn bệnh di truyền báo trước với chị và chồng là đứa bé rất khó có cơ may sống sót.
“Trái tim thai nhi làm việc quá mệt mỏi để đưa máu đến não” – Obar nói với đôi mắt rươm rướm. Khi có mang ở tháng thứ 2, thai nhi bị thiếu hay không đủ hồng cầu để mang oxygen đi khắp cơ thể. Khi các mô bị thiếu không khí, quả tim phải làm việc nhiều hơn để bù đắp.
Một số sách vở y học xem bệnh này là “kẻ thù của sự sống” và đa số thai nhi đều chết trong bụng mẹ do trái tim ngừng đập sau khi làm việc quá sức mình.
Việc mang thai sẽ kết thúc bằng sẩy thai nhưng cha mẹ không biết tại sao. Nhiều người cũng không biết họ mang mầm bệnh di truyền cho con.
Đôi lúc, khi phôi thai yếu, một hiện tượng gọi là “triệu chứng nhẹ” xảy ra: người mẹ bỗng trở bệnh với huyết áp cao bất thường cùng các triệu chứng khác có thể dẫn đến cái chết nếu không kết thúc việc mang thai.
Những đứa trẻ bi bệnh alpha thalassemia major không được chữa trị sớm dù có ra đời thì cũng sẽ bị tổn thương não nặng nề sau này do thiếu oxygen.
Truyền máu vào nhau thai có thể cứu sống phôi và ngăn chặn tổn thương não, và cứ 3, 4 tuần phải truyền một lần suốt cuộc đời với chi phí lên đến 50.000 USD/năm nhưng rủi ro vẫn còn, mà nghiêm trọng nhất là sắt bị tích tụ quá nhiều trong cơ thể.
Cấy tủy xương sau khi sinh có thể chữa được bệnh này với điều kiện là tủy xương người cho phải tương thích với người nhận. Chi phí lên đến 150.000 USD, nhưng không phải ca ghép nào cũng thành công.
“Chính vì vậy mà nhiều bác sĩ nhi khoa không đề cập đến ghép tủy với bệnh nhân – bác sĩ MacKenzie nói – Họ thường đề nghị phá thai cho an toàn”.
Bác sĩ Elliott Vichinsky thuộc trung tâm nghiên cứu thalassemia thuộc UCSF nói: “Chúng tôi dành quyền quyết định cho gia đình bệnh nhân sau khi giới thiệu với họ những chọn lựa để giải quyết vấn đề”.
Một số bác sĩ không thích truyền máu vì họ nghĩ là ngay cả khi đứa trẻ sống sót, nguy cơ tổn thương não vẫn quá lớn.
Một báo cáo năm ngoái phát hiện ra 20% bệnh nhân sống sót từ 11-55 tuổi gặp vấn đề nghiêm trọng về phát triển hệ thần kinh. Một nghiên cứu khác đưa ra con số 29%.
Mầm sống từ người mẹ
Tiến sĩ MacKenzie và tiến sĩ Vichinsky cho biết họ không ngăn cản cha mẹ phá thai mà chỉ giới thiệu phương pháp mới truyền tủy xương vào nhau thai.
Tư vấn di truyền của Obar cũng làm như thế. Cuối cùng, hai vợ chồng Obar quyết định thử nghiệm phương pháp chữa trị mới thay vì phá thai.
Cơ may chữa dứt bệnh bằng phương pháp này làm họ rất phấn chấn nhưng họ hiểu rằng nó đang trong quá trình thử nghiệm nên không có gì bảo đảm 100%, nhất là về lâu về dài.
Mục tiêu chính của liệu pháp mới là ngăn cản những tàn phá của bệnh ngay từ lúc còn thai nhi. Trong việc cấy tủy xương, còn một ưu điểm nữa là thai nhi chưa phát triển hệ miễn dịch đầy đủ nên không loại bỏ mô cấy.
Trái lại, nếu cấy tủy xương sau khi sinh, đứa trẻ sẽ cần hóa trị ngay để ngăn cản hệ miễn dịch đào thải. Bản thân cách trị này cũng dễ gây tử vong với tỷ lệ 10%.
- Xem thêm: 9 điều kỳ lạ về trẻ sơ sinh
Cấy tủy xương từ trong phôi thường dùng tủy của người cha và được thử nghiệm lần đầu vào thập niên 1990.
“Đa số thất bại, chỉ có một ít thành công, nhưng không kéo dài” – MacKenzie nói. Vì vậy, đa số bác sĩ bỏ qua phương thức này. Tuy nhiên, nghiên cứu vẫn được thực hiện trên thú vật với các phát hiện mới về khả năng của nó.
Ví dụ: chính người mẹ chứ không phải phôi thai đã bác bỏ mô cấy của người cha hay người hiến tặng. Một giải pháp lộ diện: ai cũng có thể cho tủy xương nếu người đó là mẹ của phôi thai.
“Xét về mặt di truyền, người mẹ không là người cho hoàn hảo vì phân nửa gien của đứa bé chờ ra đời là của người cha. Nhưng người mẹ vẫn là người cho lý tưởng khi đứa bé còn là phôi thai vì trong suốt thời gian mang thai, hệ miễn dịch của người mẹ và phôi thai sống chung hòa bình” – MacKenzie nói.
Sự thỏa hiệp này sẽ kết thúc ngay khi đứa trẻ ra đời hoặc trước đó một chút lúc hệ thống miễn dịch của đứa trẻ bắt đầu làm việc.
Có một câu hỏi về sự an toàn của các tế bào mầm lấy từ một người mẹ mang các gien bệnh; tuy nhiên, nếu người mẹ khỏe mạnh, tế bào mầm của họ cũng có thể phát sinh những gien tốt mà đứa trẻ cần.
Con người có hai bản sao của hầu hết các gene, như vậy sẽ có hai bản sao của gene lỗi alpha thalassemia major.
Phôi thai mang bệnh sẽ có bốn bản sao gene lỗi của cha và mẹ, trong đó chỉ có hai gene xấu, hai gen còn lại là tốt. Vì vậy, tế bào mầm khỏe mạnh của người mẹ có thể sản sinh ra các tế bào máu lành mạnh trong đứa con.
Kết quả lạc quan bước đầu
Khi Obar đến UCSF lần đầu để chấp nhận thử nghiệm, thai nhi đã được 21 tuần tuổi, Elianna bệnh đến nỗi các bác sĩ tin là nó sắp chết nên đã truyền tủy xương và máu ngay lập tức.
Sức khỏe phôi thai nhanh chóng được cải thiện. Các bác sĩ lấy tủy từ xương hông của Obar. Lần cấy tủy thứ 2 sau lần thứ nhất một tuần, khoảng 50 triệu tế bào mầm của người mẹ được chuyển cho con. Đây là con số rất lớn so với cấp ghép bình thường.
Các tế bào mần có trong tủy xương; lý do phải truyền một số lượng lớn là để tăng cơ hội thay thế các tế bào bị lỗi của phôi thai bằng tế bào mới và sản xuất ra nhiều hồng cầu lành mạnh.
Trong ba tháng tiếp theo, Elianna còn được truyền tủy vài lần nữa trước khi ra đời. Cho đến thời điểm này thí nghiệm gần như thành công khi không có bất cứ ảnh hưởng xấu nào trên cả hai mẹ con.
“Có vẻ phương pháp mới là an toàn. Đây là điều chính chúng tôi cũng bất ngờ – MacKenzie nói – Nó cho thấy truyền tủy xương từ trong phôi có thể cứu mạng được đứa trẻ”.
Bà hy vọng sẽ có thêm một số bệnh nhân chấp nhận thử nghiệm nữa trước khi có đúc kết cuối cùng. Đối với Elianna, trong ba tháng đầu tiên sinh ra, lợi ích của việc truyền tủy chưa thấy rõ lắm.
Giống như tất cả các đứa trẻ bị rối loạn về máu khác, cô bé vẫn phải truyền tủy mỗi ba tuần. Nhưng các bác sĩ đã tìm thấy tế bào mầm của người mẹ trong máu cô. Đây là tín hiệu tốt. Sau đó, Elianna có thể ghép tủy xương để chữa bệnh thay vì truyền tủy suốt đời.