“Tôi tin rằng quá trình thực hiện một ý tưởng quan trọng hơn việc nảy ra ý tưởng. Ý tưởng chỉ là một hạt giống. Quá trình vun trồng để hạt giống phát triển thành cả một cái cây mới khó khăn và cực nhọc” – Elon Musk
Rất nhiều lần, những ý tưởng hay nhất của chúng ta đã không có cơ hội trở thành hiện thực. Tại sao? Nếu bạn hỏi một người sáng tạo, câu trả lời sẽ luôn xoay quanh “vấn đề thời gian”.
Quyển sách “Khoảnh khắc người sáng tạo” gồm nhiều lời khuyên về quản lý thời gian và giúp bạn tập trung vào những ý tưởng tốt nhất.
- Xem thêm: Cách đánh bại những kẻ cắp thời gian
Quyển sách được chia thành ba phần: cuộc sống, công việc và những dự án. Vì thế, dù bạn là ai và bạn đang làm gì, “Khoảnh khắc người sáng tạo” sẽ giúp bạn tiết kiệm thời gian! Sách có lối hành văn đơn giản, dễ hiểu đi kèm các hình ảnh minh họa sống động.
Tác giả Donald Roos là một typographer, doanh nhân sáng tạo và là cựu giảng viên Học viện Nghệ thuật Hoàng gia Hà Lan. Ông thường xuyên nảy ra những ý tưởng mới và phát triển chúng thành những dự án riêng.
“Đến một thời điểm, tôi nhận ra rằng danh sách những việc cần làm của tôi quá dài và ảnh hưởng đến năng suất của tôi. Thế là tôi dành cho mỗi thứ một ít thời gian, nhưng cách này không hề ổn. Chúng ta cần có thời gian để đạt được kết quả tốt nhất có thể”, ông nói.
Nỗi khổ lớn nhất của nhiều nhà sáng tạo là việc các ý tưởng liên tục nảy ra trong đầu. Với những ý tưởng chưa hoàn thiện, chúng như những con muỗi vo ve vởn quanh tâm trí họ. Vậy làm thế nào để xua bớt “đàn muỗi” này?
Đơn giản, hãy cho chúng vào danh sách “To Don’t List” (tạm dịch: Danh sách việc-đừng-làm). “Bằng cách viết ra các ý tưởng hoặc việc cần làm sau đó gạch bỏ những việc xếp sau 3 thứ đầu tiên, bạn sẽ có thêm thời gian tập trung cho những việc ưu tiên nhất đồng thời loại bỏ những việc dư thừa”, tác giả khuyến khích.
“Đừng cố gắng lên kế hoạch cho mọi thứ tính theo giờ, chúng ta là con người, không phải máy móc. Có những ngày tuyệt vời và những ngày tàm tạm. Quyết định mục tiêu cuối cùng và dựa vào đó để chọn điều bạn cần làm và quan trọng hơn – việc bạn đừng làm”.
Nhiều nghiên cứu đã được tiến hành để xem con người tiếc nuối điều gì vào cuối đời. Hóa ra mọi người đặc biệt tiếc nuối những việc họ đã không làm.
Phương pháp Danh sách Việc – Đừng – Làm xoay quanh việc đưa ra các lựa chọn giúp bạn làm điều mình thực sự muốn.
Bằng cách đó, bạn không phải nuối tiếc về những việc mình đã không làm. Biết mình muốn gì là một trong những việc khó khăn và quan trọng nhất trong đời.
“Không bao giờ quá trễ để trở thành người bạn có thể trở thành”.
– George Eliot
Bên cạnh loại bỏ những việc không cần làm, danh sách “To Don’t List” của Donald Roos còn ứng dụng trong việc hình thành thói quen làm việc và lập kế hoạch cuộc đời. “Tâm trí của người sáng tạo là mớ hỗn độn những suy nghĩ và ý tưởng. Cách duy nhất để biến mớ hỗn độn đó thành tác phẩm nghệ thuật là thông qua việc tổ chức cuộc sống hằng ngày”.
Mẹo công sở: Email dài năm câu
Hẳn bạn từng nghe qua câu nói nổi tiếng, “Nếu có nhiều thời gian hơn, tôi đã viết cho bạn một bức thư ngắn hơn”. Vì không dành đủ thời gian viết email, mọi người thường gửi đi những email dài dòng và rối rắm. Việc để tâm đến email mình viết có thể giúp bạn tiết kiệm rất nhiều thời gian về lâu dài.
Vì lẽ đó, nếu bạn định viết một email, hãy bảo đảm bạn gửi đi một thông điệp ngắn gọn, có chủ ý và trình bày rõ ràng ý bạn muốn. Bạn dễ dàng viết một email ngắn gọn nếu giới hạn độ dài của email trong năm câu.
- Lời chào
- Thông điệp muốn nhắn gửi
- Thông tin chi tiết cần biết
- Lời kêu gọi hành động
- Lời tạm biệt