Khi nhà văn Mạc Ngôn được giải thưởng Nobel văn học năm 2012, một số người Việt Nam cảm thấy giải thưởng danh giá vốn ở quá xa tầm tay với này như có vẻ gần lại. Đó không phải là vì đánh giá thấp nhà văn ấy hay vì quá tự tin rằng văn học Việt Nam cũng sánh ngang với văn học Trung Quốc. Thật ra, chung quy là vì con đường mà Mạc Ngôn đi đến giải Nobel cũng có nhiều điểm tương đồng với con đường mà một số nhà văn Việt Nam đã trải qua, thậm chí còn không khốc liệt bằng. Chất liệu thực tế mà Mạc Ngôn đưa vào tiểu thuyết không thể nói là dữ dội hơn những gì các nhà văn Việt Nam đã trải nghiệm. Khuynh hướng nghệ thuật hiện thực huyền ảo mà Mạc Ngôn chịu ảnh hưởng rõ rệt cũng không thể nói là mới mẻ và được tiếp thu nhuần nhị.
Dù sao đó là chuyện của những người làm giải. Điều khiến chúng ta suy nghĩ là con đường mà văn học Việt Nam còn phải đi để vươn tới đỉnh cao.
Chúng ta hãy thử tưởng tượng xem, nếu vài ba mươi năm hay nửa thế kỷ sau, một nhà văn Việt Nam đoạt giải thưởng Nobel, người đó sẽ nói gì khi nhận giải? Người đó sẽ nói về vẻ đẹp của tâm hồn dân tộc mình như Y. Kawabata nói về vẻ đẹp của tâm hồn Nhật Bản?Người đó sẽ nói về nỗi cô đơn châu Á như G. G. Marquez nói về nỗi cô đơn châu Mỹ Latin?Người đó sẽ nói về nỗi đau khổ của một dân tộc trải qua mấy cuộc chiến tranh, bao nhiêu người đã ngã xuống để có hòa bình mà rồi vẫn không thôi bị kẻ ác rình rập ngoài biên giới và hải đảo?Người đó sẽ nói về những ảo mộng tan vỡ vì lý tưởng bị phản bội?Người đó sẽ nói về những giằng xé của đất nước khi tiếp xúc với một nền văn minh xa lạ và phải chấp nhận những sự trả giá nhiều khi rất đắt trên con đường hiện đại hóa? Hay người đó sẽ nói về tiếng Việt, một ngôn ngữ kỳ diệu, mượn cách ký âm Tây phương mà lưu giữ tinh hoa dân tộc, qua số phận của tiếng Việt mà nhìn thấy số phận đất nước?
Có thể không một dự đoán nào đúng cả. Vì 30, 40, 50 năm nữa, người Việt Nam đứng nói ở Hàn Lâm viện Thụy Điển sẽ đi từ một nước Việt Nam khác, mang một tâm tình khác hẳn chúng ta bây giờ. Có thể những điều làm chúng ta băn khoăn, lo âu hiện nay không còn là mối bận tâm của người ấy.
Cũng như chúng ta ngày nay, tâm tình, suy nghĩ hẳn nhiên là không giống với những con người ba, bốn thập niên trước. Biết bao nhiêu nước đã chảy qua cầu. Giả sử như cái máy vi tính được phát minh sớm hơn nửa thế kỷ, thì có thể lịch sử đã khác đi một chút.
Tuy nhiên, mỗi người chúng ta, dù là viết văn hay làm thơ, dạy học hay viết báo, cũng chỉ có một thời để sống. Ta không thể sống cái thời đã qua. Ta cũng khó mà đón trước cái thời sẽ đến để nói với bạn đọc ở giữa thế kỷ XXI những điều mà chính họ mong đợi.
Trong Thư gửi người thi sĩ trẻ tuổi (Hoàng Thu Uyên dịch, NXB An Tiêm, 1969), Rainer Maria Rilke khuyên nhà thơ trẻ Kappus đừng đọc sách phê bình và mỹ học, nhưng mười lá thư của ông thực chất là một loại phê bình và mỹ học đặc sắc. Ông viết: “Nếu thế gian đầy rẫy những sự khủng khiếp thì những sự khủng khiếp ấy chính là của chúng ta; nếu thế gian đầy rẫy những hố thẳm thì những hố thẳm này thuộc về chúng ta; nếu có những mối hiểm họa đang dàn trải trước mắt chúng ta thì chúng ta phải cố gắng yêu những hiểm họa ấy”.
Sách Các nhà văn giải Nobel do Đoàn Tử Huyến chủ biên (NXB Giáo dục, 2006) nói về Nguyễn Tuân, Vũ Trọng Phụng, Nam Cao như những dấu chỉ và niềm hy vọng của một nền văn học đỉnh cao. Nhưng tất cả họ đều đã chết.Họ đã làm xong nghĩa vụ của ngòi bút. Chúng ta không còn có thể dựa dẫm vào thế giá của họ. Những nhà văn hôm nay đứng trước những hố thẳm khác, những hiểm họa khác, có thứ là sản phẩm của hoàn cảnh, có thứ là sản phẩm của chính mình.“Yêu” hiểm họa là một cách nói. Chúng ta không thể nhắm mắt trước hiểm họa, mà phải đương đầu với nó hay ít nhất tìm cách hóa giải nó bằng con đường của nghệ thuật.
Trong một lần tiếp xúc với bạn đọc TP. Hồ Chí Minh, nhà văn Robert Olen Butler, tác giả tập truyện ngắn Hương thơm từ miền núi lạ, có nói: “Nhà văn là người sớm nhạy cảm với những bất trắc của xã hội và tìm một cách diễn đạt khả xúc về nỗi bất an, lo lắng, dằn vặt đó. Trước một thế giới tan vỡ hay có nguy cơ tan vỡ, nhà văn nhặt nhạnh những mảnh vỡ để tái tạo lại chính nó, đồng thời kích hoạt những dây đàn cảm xúc của con người. Vì vậy xã hội càng bất an, càng cần đến văn học”.
Thế kỷ XX đã qua đi hơn một thập niên nhưng con đường của văn học Việt Nam vẫn còn dang dở. Những khuynh hướng nghệ thuật, dù trung tâm hay ngoại biên, đều dang dở. Những tài năng cũng dang dở.Nỗi khao khát một nền văn học đỉnh cao vẫn chưa được thỏa nguyện.Nhưng chính vì vậy mà nó còn sức hấp dẫn.
Chính vì vậy mà người đọc còn mong chờ nơi văn học.
Và ngược lại, văn học cũng còn đặt niềm tin nơi công chúng của mình.
Huỳnh Như Phương