Kể từ lúc trưởng thành, Anna hầu như lúc nào cũng trong tình trạng trầm cảm. Bà đã tìm đủ cách điều trị, như uống thuốc chống trầm cảm, theo đuổi liệu pháp lâm lý, thậm chí trải qua liệu pháp sốc điện – đưa dòng điện qua bộ não. Thế nhưng những cách điều trị trên chỉ có tác dụng trong thời gian ngắn, và cơn trầm cảm nhanh chóng trở lại.
Một vấn đề khác là bà mắc bệnh béo phì, trọng lượng cơ thể lên tới 183kg với chỉ số cơ thể BMI là 63 khi nặng nhất. Tình trạng béo phì khiến việc di chuyển của bà rất hạn chế, khó khăn, và điều đó lại khiến tình trạng trầm cảm trầm trọng thêm, tạo ra vòng luẩn quẩn khiến sức khỏe yếu dần. Phẫu thuật thắt dạ dày giúp bà giảm cân chút ít, nhưng chẳng có tác dụng gì mấy với bệnh trầm cảm.
Trong lần điều trị mới nhất, các bác sĩ thần kinh đã đưa ra một quyết định táo bạo là cấy một thiết bị điện vào não bà, là liệu pháp can thiệp bằng cách kích thích sâu vào não. Đó là liệu pháp thường được sử dụng để giảm thiểu các triệu chứng bệnh Parkinson và bệnh động kinh.
Phương pháp này không chỉ có tác dụng đáng kể với bệnh trầm cảm mà còn đem lại kết quả đáng kinh ngạc. Bà giảm cân nhiều hơn so với bất kỳ liệu pháp nào trước đó, giảm hơn 50% (2,8kg) mỗi tháng so với phẫu thuật thắt dạ dày.
Thomas Munte, nhà khoa học thần kinh tại Đại học Lubeck (Đức), người điều trị cho Anna, nói rằng mục đích ban đầu chỉ là điều trị cơn trầm cảm ở bệnh nhân này, nhưng giảm cân cũng là “mục tiêu thứ cấp”. Trong trường hợp bệnh nhân Anna, hai vấn đề này có vẻ như liên quan đến nhau. Việc Anna giảm cân thành công theo cách điều trị này đã mở đường cho các cuộc thảo luận mới về cách thức giải quyết căn bệnh béo phì hiện đang tràn lan khắp thế giới. Ca điều trị này cũng cho thấy rằng trong một số trường hợp hiếm hoi, ta có thể “tinh chỉnh” não để kiểm soát được một số hành vi gây hại cho cơ thể, như nghiện ngập chẳng hạn.
Tuy vẫn còn gây tranh cãi, nhưng liệu pháp kích thích sâu trong não không hề là phương pháp điều trị mới. Nó đã có từ thập niên 1930, khi mà các bác sĩ giải phẫu thần kinh chưa thận trọng như ngày nay. Bác sĩ phẫu thuật thần kinh Wilder Penfield là người đầu tiên phát triển kỹ thuật mạo hiểm trong điều trị chứng động kinh. Ông kích thích những phần khác nhau của não bằng thiết bị thăm dò điện và giữ bệnh nhân tỉnh táo trong suốt tiến trình để hiểu tác dụng gây ra.
Ý tưởng là ta có thể xác định được vùng não gây chuyện và tiêu diệt khu vực đó. Trong thực tế, các nhà khoa học sẽ cần phải “nấu đôi chỗ của não” để tạo ra tổn thương nhỏ, Munte cho biết. Điều này nhằm giúp bệnh nhân loại bỏ những rối loạn đơn lẻ, như rối loạn vận động vốn gây những cơn run hay co giật lặp đi lặp lại. Việc này gọi là “xạ phẫu tiếp xúc” và được mệnh danh là “giai đoạn thử nghiệm độc nhất trên cơ thể người”.
Cùng thời đó, nhà khoa học thần kinh Antonio Egas Moniz lại chú trọng cắt đi từng phần nhỏ của não bệnh nhân nhằm loại bỏ những rối loạn thần kinh họ gặp phải, như chứng trầm cảm. Ông cắt bỏ các phần thuộc thùy trán của bệnh nhân – là khu vực quan trọng điều khiển phần tính cách và khả năng hoạch định tương lai.
Cách điều trị này được công nhận là thành công ở nhiều ca bệnh – và hệ quả không thể tránh khỏi là sự thay đổi tính tình được coi như là tác dụng phụ cần thiết. Đáng ngạc nhiên là công trình này đã đem về cho ông giải Nobel năm 1949. Cắt bỏ các phần của bộ não và sau đó quan sát kết quả được coi là cách làm hữu ích để nghiên cứu và thực hành kỹ thuật kích thích não – cho phép các nhà khoa học thần kinh hiểu khu vực nào của não sẽ có tác dụng tích cực với điện cực.
Khi thuốc an thần và thuốc chống trầm cảm ngày càng được kê đơn rộng rãi hơn thì các kỹ thuật điều trị bằng biện pháp can thiệp trực tiếp và không thể đảo ngược để đưa bệnh nhân trở lại tình trạng ban đầu được nữa càng ít được áp dụng. Tuy nhiên, bài học về các vùng vỏ não liên quan lại trở nên quan trọng cho cách điều trị kích thích não sâu mà ngày nay ta biết.
Năm 2002, kỹ thuật kích thích não sâu được phê chuẩn để sử dụng điều trị bệnh Parkinson. Nó rất hiệu quả và đến nay đã được áp dụng cho hơn 40.000 bệnh nhân. Mặc dù cách này thường sử dụng trong điều trị rối loạn run rẩy, nó cũng báo hiệu khả năng trong điều trị các bệnh khác, như chứng trầm cảm nghiêm trọng, như trường hợp Anna. Để thực hiện một ca kích thích não sâu, các nhà khoa học trước tiên dùng khoan để khoan một lỗ sâu vào sọ của bệnh nhân.
Sau đó, họ đặt điện cực vào não. Bệnh nhân thường được để tỉnh táo, cho phép các nhà nghiên cứu thí nghiệm các khu vực đặc thù trong khi não được kích thích. Trong ca bệnh của Anna, vùng kích thích là vùng nhân não (nucleus accumbens), tức là phần trung tâm tạo ra cảm giác tưởng thưởng trong não và là khu vực quan trọng chịu trách nhiệm phân tích khoái cảm. Khu vực này có liên hệ với bệnh trầm cảm – vì bệnh nhân trầm cảm luôn thể hiện việc suy giảm ham muốn.
Điều trị béo phì
“Với một số người, béo phì có thể do hệ thống tưởng thưởng trong não bị thay đổi”, Munte nói. Một số bệnh nhân béo phì thậm chí còn có nhiều thể hiện khác nhau trong não hơn khi được cho xem hình ảnh đồ ăn ngon so với người gầy. Các khoa học gia nêu giả thuyết vùng nhân não là vùng khiến người nghiện thèm khát món gì đó, như đồ ăn, rượu, hay ma túy.
Thường thì khu vực này trong não sẽ giúp chúng ta hành động hợp lý để tránh cơn thèm khát, giúp não tránh khỏi tình trạng mất kiểm soát. Nhưng hệ thống tưởng thưởng trong não có những lúc sẽ “thao túng các hành xử đúng mực của ta”, nhà phẫu thuật thần kinh Piotr Zielinski Đại học Thể dục Thể thao ở Gdansk (Ba Lan) nói.
Ngành công nghiệp ăn kiêng phát triển mạnh mẽ nhờ vào vùng nhân não, ông nhận xét. Sức mạnh gây nghiện trong hệ thống tưởng thưởng của não người được thể hiện rõ trong một nghiên cứu về chuột nổi tiếng hồi thập niên 1950. Nếu vùng não này bị “quấy rầy” hay thậm chí bị ức chế (ngăn chặn) bằng kích thích điện thì “động lực chẳng còn và bạn sẽ không còn quan tâm đến chuyện đó nữa”, Munte nói.
Việc kích thích não nhằm gây ức chế một khu vực trong não khiến vùng đó không hoạt động, cho đến nay vẫn mới chỉ là lý thuyết. Tuy nhiên, tính khả thi của nó ngày càng được khẳng định trong các nghiên cứu về động vật. Chẳng hạn, một nghiên cứu sử dụng chuột cho thấy kích thích não có thể gia tăng loại hóa chất ức chế não tên là gaba, thường được giải phóng khi một số vùng trong não cần phải bị kiềm chế lại.
Một nghiên cứu khác cho thấy những người có khả năng kiểm soát tốt những ý nghĩ không mong muốn thì có nhiều loại hóa chất này hơn so với những người khác. Ta vẫn chưa biết chính xác tác động của việc kích thích não, và đó là một trong những lý do khiến nó vẫn còn là chủ đề gây tranh cãi. “Đôi khi trong y học, bạn bắt đầu thực hiện [điều trị y tế] trước khi bạn biết chính xác việc điều trị đó sẽ có tác dụng gì”, Munte nói.
Chẳng hạn như với bệnh Parkinson, việc kích thích sâu trong não cho thấy đã tạo tác động tích cực to lớn hơn nhiều tới chất lượng sống của bệnh nhân so với các liệu pháp khác. Ta có thể sẽ sớm thấy tác động tích cực tương tự của cách chữa trị này đối với bệnh trầm cảm và thậm chí cả bệnh béo phì, khi mà giờ đây những ca bệnh được điều trị và cho kết quả khả quan tương tự như trường hợp Anna ngày càng nhiều. Chẳng hạn, Zielinski nhận thấy cách điều trị này đã được áp dụng rộng hơn chứ không chỉ còn bó hẹp trong việc điều trị bệnh Parkinson – khoa của ông đã tiến hành hơn 2.500 đợt điều trị từ thập niên 1990 – từ điều trị chứng hung hăng bệnh lý, hội chứng Tourette cho đến rối loạn ám ảnh cưỡng chế (OCD).
Cho đến nay ông đã điều trị ba bệnh nhân béo phì với phương pháp kích thích sâu trong não. Cả 3 trường hợp đều đã trải qua tất cả các biện pháp điều trị khác mà không đem lại kết quả. Tương tự như Anna, bệnh béo phì được điều trị như một chứng rối loạn. Tình trạng béo phì của một bệnh nhân liên quan đến khối u từ thời bé làm tổn thương khu vực trong não báo hiệu cơn đói và cảm giác no. Bệnh nhân này lúc nào cũng chỉ nghĩ tới thức ăn.
“Vì thế, chúng tôi cho rằng phẫu thuật điều trị béo phì sẽ không phải là giải pháp”, Zielinski giải thích. Mặc dù không đem lại việc giảm cân thần tốc, nhưng biện pháp này đã tác động, đem lại những thay đổi hoàn toàn cuộc sống của bệnh nhân. Kích thích não đã giúp Anna sống độc lập. Nữ bệnh nhân này có thể tập trung vào việc học và “nghĩ về nhiều thứ khác ngoài thức ăn. Anna không còn lấy trộm thức ăn trong tủ lạnh cha mẹ đã khóa nữa”, ông nói.
Bộ não nghiện ngập
Tuy nhiên, Munte nhấn mạnh rằng vẫn còn lâu nữa phương pháp kích thích não mới có thể trở thành cách điều trị phổ biến cho bệnh béo phì, và nó chỉ nên được xem như biện pháp điều trị cuối cùng, khi đã dùng mọi cách khác mà không thành công. Phương pháp này tốn kém nên tất nhiên là không phù hợp với đa số bệnh nhân béo phì. Phương pháp này phù hợp nhất với nhóm bệnh nhân có xu hướng nghiện thức ăn.
Sonja Yokum, nhà khoa học thần kinh nghiên cứu về béo phì tại Học viện Nghiên cứu Oregon, đã chứng minh rằng thức ăn có thể kích hoạt quá trình giống với cơn nghiện trong não, với những triệu chứng thần kinh của các loại rối loạn nghiện ngập khác như nghiện thuốc hay nghiện rượu. Yokum cho biết những thiếu niên có những vùng não chú trọng nhất tới thức ăn sẽ là người có nguy cơ tăng cân không lành mạnh cao nhất.
Vì thế, Anna là trường hợp lý tưởng để thử nghiệm biện pháp kích thích não sâu, vì mắc cả bệnh trầm cảm lẫn nghiện ăn, điều đã được chẩn đoán qua nhiều bảng câu hỏi. Anna là đại diện cho nhóm người bị rối loạn nghiện ngập vì thực phẩm. Về cơ bản là những bệnh nhân này cảm thấy cực kỳ khó khăn nếu phải tránh ăn uống khi đồ ăn xuất hiện trước mặt, tương tự với người nghiện rượu trong cơn ghiền sẽ cảm thấy khổ sở khi đi ngang qua một quán bar mà không chui vào.
Ngoài ra, trong lúc những người này cho thấy vùng não được kích hoạt trước đồ ăn hơn nhiều hơn so với người có cân nặng khỏe mạnh, sau khi lấy được phần thưởng (là đồ ăn), hoạt động của não giảm dần. Theo Yokum, điều này cho thấy một yếu tố khác tương tự với người lạm dụng thuốc – đó là người nghiện hào hứng trước viễn cảnh mong muốn thứ họ thèm khát, nhưng ngay khi có được thứ đó, sự hoạt động ở vùng này lại giảm xuống.
Vì thế, điều này có thể là “họ cần ăn nhiều hơn nữa để nâng mức hưng phấn trở lại ban đầu”, bà nhận định. Rõ ràng đây là sẽ vấn đề nếu gặp rối loạn với thức ăn – thứ ta cần để sinh tồn. Người béo phì có triệu chứng giống với nghiện thức ăn sẽ cảm thấy cực kỳ khó kiểm soát lượng đồ ăn mà họ thèm muốn, vì họ không thể tránh được thức ăn hoàn toàn. Đó là lý do tại sao Yokum và nhóm của bà đang phát triển các bài tập với mong muốn giúp người béo phì điều chỉnh lại cách não họ phản ứng với thức ăn.
Họ làm việc này bằng cách cho thấy hình ảnh kỹ thuật số của thức ăn lành mạnh với bệnh nhân và yêu cầu họ bấm “like” trước ảnh đó, và làm ngược lại với hình ảnh thức ăn không tốt cho sức khỏe. “Chúng tôi cố gắng huấn luyện bộ não theo cách này”, Yokum cho biết. Có mức độ can thiệp ít hơn, chưa kể lại còn rẻ hơn, những kỹ thuật này có thể sẽ cực kỳ quan trọng trong quá trình giải quyết cơn đại dịch toàn cầu.
Hiện có 630 triệu người lớn và 340 triệu trẻ em và trẻ vị thành niên đang được xem là béo phì, căn bệnh khiến khoảng 2,8 triệu người chết mỗi năm trên thế giới. Dù kỹ thuật kích thích sâu vào não vẫn chưa rõ có phải là giải pháp cho số đông hay không, thì nó vẫn là kết quả khả quan ban đầu cho thấy trong hầu hết các ca bệnh nghiêm trọng, điều trị thí nghiệm có thể thay đổi cuộc sống họ. Không có phương pháp nào hoàn hảo cho tất cả mọi người.
Ca bệnh phức tạp của Anna cho thấy có nhiều vấn đề gây ra tình trạng ăn quá nhiều ở người béo phì. Nếu ta hiểu điều đó thì cách tiếp cận mục tiêu như kích thích não sâu có thể là bước đi quan trọng để giúp một số người giảm được số cân nặng mà họ quá mong muốn – hoặc cần phải giảm.