Cô vợ của tôi và nhóm bạn rất “mê” mấy ông thầy thuốc viết sách. Có cuốn nào của bác sĩ Đỗ Hồng Ngọc ra một cái là nhắn nhau mua liền, có cô còn mua mấy cuốn tặng cho bạn bè. Trời, ổng viết gần gũi với đạo Phật, với thiền và nhiều chuyện nhân sinh hữu ích, đọc lâng lâng.
Còn cô khác thì: “Đâu có như mấy ông thầy thuốc lên tivi nói về bệnh tật, toàn là PR cho hãng dược. Mình mê mải nghe, nào là triệu chứng, nguyên nhân, trả lời câu hỏi của người xem đài, cuối cùng mới lòi ra là khuyên nên uống loại thuốc này thuốc kia. Mà phân tích dược tính này nọ ghê lắm. Phàm là cái gì quảng cáo thì mình phải… cẩn thận nha”. Tôi nói: “PR cũng là một nghề có khoa học và nguyên tắc hẳn hoi, đâu phải… lừa tình trên mạng đâu. Cứ nghe cho hiểu căn bệnh, còn mua thuốc hay không phải theo bác sĩ chứ các cô xem xong có chạy ra phố mua liền đâu mà sợ”.
- Xem thêm: Em mơ là… Trấn Thành
Các cô nhìn nhau cười cười: “Anh này không biết bây giờ… toàn dân là bác sĩ mà, cứ đọc sách rồi tự trị bệnh cho mình. Cũng bởi bệnh viện quá tải, hễ vào đến nơi là bác sĩ xòe ra một “lá bài” lia chia giấy đi xét nghiệm, “đạn” bắn liên tục, kết quả là chẳng biết mình bệnh gì, cứ quặt quẹo đau đớn mãi. Có nơi còn nhân bản ra cả trăm người chung một kết quả thử máu, cụ già tám mươi giống y chang máu của đứa trẻ lên ba kia, sợ quá”.
Một cô bình luận: “Mình thích cách viết của ông Chấn Hùng nhưng vái trời đừng bao giờ phải… nhờ đến ổng, ung bướu mà, ghê sợ quá. Thích sách ổng về nội tiết, về bệnh tật nói chung. Sách của ổng viết nhiều kiến thức khoa học y tế, chẳng phải sinh viên ngành Y cũng khoái đọc”. Cô chê “thầy thuốc tivi” lại tiếp tục: “Chứ có nhiều ông thầy bây giờ trả lời bạn đọc, viết chuyện phòng the dùng chuyện bay bướm cho tránh dung tục, đâm ra bây giờ… ghê quá, nào là “cô bé” nào là “cậu nhỏ”…”. “Ơ, tưởng đó là sáng kiến chứ nhỉ, nói bóng gió bình dân mà, kiểu “chưa đến chợ đã hết tiền”.
Mà nghe nói câu “trên bảo dưới không nghe” bây giờ dùng trong cả họp… Quốc hội, nói về việc thiếu kỷ cương, cấp dưới không chấp hành lệnh cấp trên…”. Thế là ồn lên cãi: “Cái này mấy ông thầy thuốc lấy từ dùng của Quốc hội rồi bóng gió chứ có phải mấy ổng sáng tạo ra đâu. Hay thật.
Còn thế này nữa, có ông còn lạm dụng tếu táo quá, đâm ra viết như… mắng người bệnh”. “Như thế nào?”. “Đó, ổng nói “Không đau mới là lạ”, ý là nói chúng ta sống thế nên đau là phải, còn kêu nỗi gì. Chẳng thấy ổng nói trách nhiệm của ngành Y đâu, người bệnh nào chẳng chạy ngược chạy xuôi, mấy ổng khám mãi có trị khỏi đâu. Người dân sai trái, tin vào những niềm tin y khoa phản khoa học, không lẽ mấy ổng không có lỗi sao…”.
Cô vợ tôi chạy vào lấy ra quyển sách, nói, Giáo sư Nguyễn Văn Tuấn nè, hay tuyệt. Ông không bóng gió gì cả, ổng “nhàn đàm” và chỉ ra bao nhiêu chuyện, từ cái đẹp, từ tâm linh, cho đến việc chỉ ra bao nhiêu thứ mình cần biết đó. Này các bồ, ổng nói có những nghiên cứu kết luận làm các bồ… té xỉu đây này. Đâu, đâu, nói liền nghe coi. Đây: “Phán quyết sau cùng, chất béo không ảnh hưởng bệnh tim, ung thư.
- Xem thêm: Đón tổng thống
Người Mỹ ra sức giảm ăn chất béo, tăng cường chất xơ, thế nào lại làm tăng tỷ lệ béo phì. Nào là nước giàu mắc bệnh về dinh dưỡng không giống chúng ta, nước ta do thiếu thốn nghèo khó, còn họ nhiều nhưng lại không cân bằng, Nào là thuốc men chỉ chặn triệu chứng chứ không chữa được bệnh. Chế độ ăn uống hơn là thuốc, nào là cholesterol và nguy cơ bệnh tim là điều không hiện hữu… Đó, té xỉu chưa, ngạc nhiên chưa?”.
Giờ đến lượt tôi cười: “Nãy giờ các cô đang… làm PR đó, làm PR cho các thầy thuốc viết sách”. “Thì sách hay phải khen chứ, tìm ra những cuốn sách hữu ích dễ lắm sao?”. Tôi gật đầu: “Nãy giờ mà có O2TV ở đây nhỉ, ghi âm lời các cô là được chương trình hay lắm đó…”.