Nhiều bậc cha mẹ và cả những thầy cô giáo hay than phiền rằng đứa này nghịch phá trong lớp học, đứa kia tập đọc tập viết khó khăn hoặc lơ đãng, lười học.
Vậy mà các bác sĩ tâm lý lại nói rằng: “Điều quan trọng cần nhớ là nhiều khó khăn trong việc học thường do trẻ đi học quá sớm hoặc phải học quá sức”. Nghe rất muốn… tranh cãi. Các bác sĩ còn nói, có khi do trẻ sáu, bảy tuổi chưa điều chỉnh tai, mắt được chính xác, các cơ quan này của trẻ đang trong quá trình điều chỉnh, nhất là với trẻ mới đi học. Trẻ phải nghe, phải ngồi im, phải nhớ, phải làm bài, vất vả cả một buổi, nhiều trẻ chưa quen đâm ra lo âu, sợ sệt. Trẻ tìm một lối thoát tâm lý bằng cách gây mất trật tự hoặc lơ mơ không chú ý gì.
Trẻ em tinh tế như vậy, nhưng cha mẹ ngày nay luôn muốn con mình trở thành thần đồng. Họ hy vọng con mình sau này phải luôn đứng đầu, thành đạt này kia. Rất ít người – đặc biệt là các gia đình trung lưu, có tiền đầu tư cho con ăn học – lại chỉ muốn con mình sau này trở thành người bình thường.
Lý lẽ của họ: “Trẻ em bây giờ sinh ra đã thông minh hơn hẳn thế hệ trước. Chúng được tiếp xúc với văn minh, các kỹ thuật điện tử tân tiến. Đã vậy lại được cha mẹ đầu tư tốt, đổ bao tiền của, cho ăn học, không lẽ như vậy lại chỉ ra được một con người… bình thường thôi sao?”.
Ngày xưa đời mình cha mẹ nghèo khó, đẻ nhiều, chạy loạn bom đạn, lìa bỏ quê hương đi tha phương cầu thực, làm gì có điều kiện cho con cái ăn học? Nhiều bà còn không cho con học đêm, sợ… tốn dầu đèn. Ngày xưa ngoài học hành còn phải làm việc, trồng rau trồng khoai, có ai chỉ ăn rồi học đâu, vậy mà vẫn trưởng thành làm nên cơ nghiệp. Bây giờ có điều kiện, còn phải thành công hơn nữa mới xứng với đồng tiền “đầu tư”.
- Xem thêm: Các yếu tố giúp nuôi dạy con thành đạt
Các cuộc thi tài năng đủ mọi lứa tuổi, sự lựa chọn các ngôi sao, người mẫu, ca sĩ… hứa hẹn những điều kỳ diệu làm thay đổi số phận con người, làm sao không nảy sinh các khao khát và mơ ước trong con trẻ và các bậc cha mẹ.
Có người giải thích: “Tôi có tham vọng gì cao xa đâu. Tôi chỉ lo cho con sau này phải cạnh tranh sống trong một xã hội ai ai cũng cho con mình học hành như thế cả. Đứa nào cũng biết vẽ, học đàn, tiếng Anh, học võ, bơi lội… thì con tôi sẽ ra sao nếu tôi không cho nó đi học từ hôm nay?”.
Vậy là túi bụi một thời khóa biểu: một tuần học vẽ, học nhạc, đi bơi, học võ…; ngày Chủ nhật đi sinh hoạt hướng đạo buổi sáng, buổi chiều học đàn, tối học tiếng Anh.
Nói đến học đàn, một nhu cầu văn hóa chính đáng, vậy mà các bác sĩ tâm lý nói rằng việc tập luyện âm nhạc hằng ngày là một cố gắng quá sức đối với trẻ. Có rất nhiều bậc cha mẹ than phiền rằng con họ lảng tránh, bê trễ, có đứa còn chống lại việc học này.
Vấn đề là mọi thứ cần vừa phải, hợp với sức của trẻ. Hơn nữa, khi không có năng khiếu, khả năng mà cứ bắt buộc tập hằng ngày sẽ là một cực hình với trẻ. Bà mẹ có thể nói: Nào chúng tôi đâu có ép, tự nó đòi học đấy chứ. Hóa ra, trẻ con bảy, tám tuổi chưa biết thế nào là năng khiếu, cũng chẳng biết nghệ thuật không phải trò chơi, ban đầu chúng đua đòi với bạn bè như vậy. Nhiều đứa đòi cha mẹ mua đàn này đàn nọ, tập được ít lâu rồi bỏ hẳn. Nhưng thiếu gì các thiên tài có được ngày nay chính là nhờ có sự thúc đẩy và đôi khi có kỷ luật sắt của cha mẹ. Chính điều này đã gây nhiều hy vọng và cũng gây ra nhiều cực hình oan uổng cho những đứa trẻ chẳng có thiên hướng âm nhạc chút nào.
Các bậc cha mẹ sẽ tự hỏi: Vậy làm sao biết con mình cần gì, có năng khiếu gì từ nhỏ để mà rèn cặp bồi dưỡng? Tất nhiên không ai là thầy bói đoán trước các vận hội. Nhưng có cách để biết tương đối về tương lai, tính cách đứa trẻ. Nhiều bậc cha mẹ chẳng đã từng nói về tính cách của đứa con lớn của mình: “Từ hồi còn nhỏ, nó cũng đã như vậy!”.
- Xem thêm: “Gia tài” giúp con cái thành công
Mặc dù trẻ lớn lên còn phụ thuộc rất nhiều vào môi trường, hoàn cảnh, nhưng nói một cách tổng quát, tác phong của trẻ thay đổi từng giai đoạn, nhưng khá nhất quán từ tuổi thơ cho đến lúc trưởng thành. “Những trẻ tỏ ra chậm chạp lúc một, hai tuổi thì cũng chậm khi được sáu tuổi hay 16 tuổi. Những trẻ lúc thơ ấu đã vượt trên mức trung bình thì sau này cũng xuất sắc”.
Và bác sĩ khuyên rằng các bậc cha mẹ chẳng nên tìm cách thay đổi cá tính của các con mà chỉ nên tìm cách giúp con mình phát triển những tiềm năng tốt đẹp. Con giỏi về môn nào? Đó là điều cần quan sát. Đừng có đòi một cậu bé thích tư duy cũng phải lao động chân tay khéo léo như đứa em vốn là người thực tiễn. Mỗi đứa trẻ có một tạng thần kinh khác nhau và bậc cha mẹ nên quan sát con. Đừng nhắm mắt chạy theo các tham vọng, bất chấp thực lực của trẻ.