Đầu tuần qua, Chủ tịch Ủy ban châu Âu Manuel Barroso cảnh báo Thủ tướng Anh David Cameron đang “chọc giận” những đồng minh phương Tây cũng như đánh mất đi tầm ảnh hưởng quốc tế nếu ông này tiếp tục theo đuổi bản dự thảo chống di trú nhằm xoa dịu người dân trong nước. Ông Cameron cho biết công dân Anh đang rất lo ngại về tình hình nhập cư hiện nay, do đó chính phủ buộc phải phản ứng một cách phù hợp. Thủ tướng Anh mới đây cam kết tổ chức một cuộc trưng cầu dân ý về việc Anh rút khỏi Liên minh châu Âu (EU) nếu đảng Bảo thủ của ông thắng cử vào năm 2015. Theo đó, ông Cameron sẽ tính đến khả năng sửa đổi luật di trú nhằm hạn chế người nước ngoài vào Anh làm việc và sinh sống, bao gồm cả người dân tại các quốc gia thành viên EU khác.
Ông Barroso, người sẽ chấm dứt nhiệm kỳ mười năm đứng đầu cơ quan hành pháp EU vào tháng 11 tới, khẳng định bản kế hoạch của ông Cameron là đi ngược lại những điều khoản về tự do đi lại của EU, vốn được xem là một trong những quyền lợi thiết yếu ảnh hưởng trực tiếp đến sự phát triển của thị trường nội bộ. Trong bài diễn văn đọc trước Học viện Hoàng gia tại London tuần rồi, ông Barroso nhấn mạnh rằng bằng cách áp dụng những lý lẽ ấy trong cách cải cách luật di trú, Anh đang tự cách ly mình khỏi châu Âu, đặc biệt là đối với các đồng minh tại khu vực Trung và Đông Âu, và rõ ràng đó sẽ là một sai lầm mang tính lịch sử. Mặc dù hiểu rõ mối bận tâm mang tính kinh tế của người dân Anh, ông Barroso cho rằng London vẫn được lợi rất nhiều từ các thành viên EU khác trong các vấn đề chính trị như diễn đàn biến đổi khí hậu hay các biện pháp trừng phạt Nga. Vậy nên, ông Barroso phản đối ý định của London về việc hạn chế số lượng người nhập cư có trình độ lao động thấp từ các quốc gia EU khác vào Anh vì tin rằng có những giới hạn mà không một thành viên EU nào được phép vượt qua, và hành động chủ ý tạo ra một cộng đồng các quốc gia phân biệt đối xử giữa những nhóm công dân hạng nhất và hạng hai là không thể chấp nhận được. Đáp lại, một mặt, ông Cameron tin rằng công dân Anh chính là “chủ nhân” của ông và ông cần tuân theo tiếng nói của họ; mặt khác, nước Anh muốn nhìn thấy những cải tổ thật sự từ EU nếu EU muốn nước Anh ở lại với mình, bao gồm từ đổi mới trong hệ thống quản lý luật di trú, duy trì quyền lập pháp ở mức độ quốc gia và cắt bỏ những rào cản không cần thiết trong hoạt động thương mại.
Lâm Kiên theo Reuters