Tờ The Star đưa tin, một cuộc điều tra gần đây cho thấy cứ 20 người được tuyển dụng tại Malaysia thì có một người sử dụng bằng cấp giả và cứ 10 người được tuyển dụng lại có một người có bằng cấp được “xuất xưởng” từ các cơ sở đào tạo kém uy tín. Đây là kết quả điều tra của Akhbar & Associates, một cơ quan chuyên thực hiện việc kiểm tra lý lịch cơ bản của những ứng viên mà các công ty tại Malaysia có ý định tuyển dụng.
Ông Akhbar Satar, Giám đốc điều hành Akhbar & Associates, cho biết rất nhiều người sử dụng bằng cấp giả đã nộp đơn xin vào những vị trí quản lý cấp cao tại nhiều lĩnh vực như ngân hàng, y tế (bệnh viện, phòng khám)… Cơ quan của ông đã phát hiện không ít trường hợp các bác sĩ sử dụng bằng giả. Thông tin nói trên được đưa ra sau khi kênh truyền hình Al-Jazeera của Qatar phát bộ phim tài liệu nói về một “xưởng sản xuất” bằng cấp giả tại Pakistan có tên là Axact mới bị cảnh sát nước này phát hiện và triệt phá. Trong danh sách các “sinh viên” nhận chứng chỉ từ xưởng chế tác bằng giả này có 80 người Malaysia với tên tuổi và địa chỉ cụ thể.
Bộ phim cũng tiết lộ, hàng ngàn người nhận bằng giả từ cơ sở này hiện đang hành nghề bác sĩ, y tá, giáo viên, kỹ sư tại các nước Đông Nam Á, trong đó có Malaysia, Singapore và Thái Lan. Đáng nói là nhiều người trong số này đang nắm giữ những vị trí trọng yếu liên quan đến tính mạng con người. Malaysia được xếp vào một trong những nước được coi là “miếng đất màu mỡ” cho nạn sử dụng bằng giả do việc kiểm tra bằng cấp được tiến hành không chặt chẽ.
Ngoài ra, khi phát hiện người sử dụng bằng giả, các công ty của Malaysia thường chỉ xử lý nội bộ, ít khi báo cho cảnh sát. Vì thế, những kẻ dùng bằng giả vẫn có thể tiếp tục làm việc và là mối họa cho xã hội. Cũng theo bộ phim, có trên 370 trường đại học trực tuyến giả mạo, được quảng cáo là có trụ sở tại Mỹ, có liên quan đến Axact, trong đó có Brooklyn Park University, Nixon University và Newford University.
Liên quan tới kết quả điều tra của Akhbar & Associates, Giám đốc điều hành Cơ quan quản lý bằng cấp Malaysia (MQA) Rahmah Mohamed cho rằng, không một tổ chức cơ quan nào được phép tha thứ cho hành vi sử dụng bằng cấp giả. Chính phủ Malaysia coi chất lượng giáo dục là yếu tố quan trọng để thúc đẩy nguồn nhân lực chất lượng cao, có tính cạnh tranh cũng như tạo điều kiện cho các tài năng đóng góp vào sự phát triển của đất nước.
Hồi tháng 2-2019, dư luận Malaysia trở nên ồn ào trước thông tin cho rằng, một số chính trị gia, trong đó có Thứ trưởng Ngoại giao Marzuki Yahya và cựu lãnh đạo bang Johor ông Osman Sapian, đã không trung thực về bằng cấp của họ.