Giới quan sát nhận định những diễn biến và các phát biểu gần đây của Thủ tướng Malaysia Mahathir Mohamad dường như đang thể hiện hướng đi khác trong chính sách đối với Trung Quốc.
Tờ New Straits Times dẫn lời Thủ tướng Mahathir ngày 1-9 cho biết ông lo ngại rằng người Malaysia nói chung và người Mã Lai bản địa nói riêng sẽ không thể cạnh tranh được nếu Malaysia chào đón quá nhiều thương nhân và doanh nghiệp Trung Quốc. Ông nhấn mạnh các thương nhân và doanh nghiệp đến từ Trung Quốc đại lục không giống như những người Malaysia gốc Hoa đã sinh sống tại Malaysia qua nhiều thế hệ và khởi đầu là dân lao động. Con cháu của họ hiện đang làm ăn thành đạt, nhiều người trở thành triệu phú, sở hữu nhiều tài sản giá trị. Ông Mahathir cũng đặt câu hỏi, điều gì sẽ xảy ra nếu như Malaysia tiếp nhận thêm 3 triệu người từ Trung Quốc có năng lực và là các doanh nhân thành đạt.
Malaysia hiện có dân số gần 32 triệu người, trong đó 60% là người Mã Lai bản địa, gần 30% là người gốc Hoa. Số còn lại là người gốc Ấn Độ và người thiểu số khác.
Trước đó, ngày 27-8, Thủ tướng Mahathir xác định chính quyền của ông sẽ không cho phép người nước ngoài mua các căn hộ dân cư trong dự án Forest City của Trung Quốc, trị giá 100 tỉ USD ở bang Johor. Động thái này nối tiếp theo quyết định hủy bỏ một số dự án lớn của Trung Quốc tại Malaysia, bị đánh giá là quá tốn kém nhưng không mang lại lợi ích cho đất nước.
Tại khu vực “yết hầu” trên tuyến hàng hải quan trọng bậc nhất của thế giới, nơi mà phần lớn thương mại của châu Á trung chuyển, một tập đoàn năng lượng Trung Quốc đã đầu tư vào cảng nước sâu lớn, có khả năng đón hàng không mẫu hạm. Một tập đoàn nhà nước khác của Trung Quốc cũng đang tân trang một hải cảng ngay bên bờ Biển Đông, nơi đang có tranh chấp gay gắt. Ở gần đó, một mạng lưới đường sắt, phần lớn do Ngân hàng Nhà nước Trung Quốc tài trợ, cũng đang được xây dựng nhằm vận chuyển nhanh hàng hóa theo sáng kiến Vành đai và Con đường (BRI).
Nếu trước đây Malaysia đi đầu trong việc thu hút đầu tư Trung Quốc thì nay lại đang ở tuyến đầu của một hiện tượng mới là phản kháng lại, trong bối cảnh nhiều quốc gia đang lo ngại bị chìm trong công nợ, với các đề án không sinh lợi và cũng không cần thiết cho đất nước mình.
- Xem thêm: Nghịch lý Malaysia vừa lạ vừa quen
Từ Sri Lanka, Djibouti, Myanmar đến Montenegro, những nơi nhận tiền từ các đề án hạ tầng cơ sở do Trung Quốc tài trợ trong khuôn khổ BRI, đều nhận ra rằng đầu tư Trung Quốc đi kèm theo những điều kiện không mấy thuận lợi, như không được đấu thầu công khai dẫn đến các hợp đồng bị đội giá.
Trong cuộc bầu cử trong tháng 5 vừa qua, ông Mahathir, 93 tuổi, đắc cử và được bầu làm thủ tướng với nhiều nhiệm vụ trong đó có việc đưa đất nước thoát khỏi tình trạng nợ nần chồng chất, bị bóp nghẹt với khoản nợ quá lớn 250 tỉ USD mà một phần không nhỏ là nợ các công ty Trung Quốc.
Khi có mặt ở Bắc Kinh trong chuyến thăm Trung Quốc mới đây, ông Mahathir đã hủy một hợp đồng với Tập đoàn Xây dựng Viễn thông Trung Quốc (CCCC) xây dựng dự án đường sắt Vành đai phía Đông lên đến 20 tỉ USD. Ông cũng hủy bỏ một thỏa thuận trị giá 2,5 tỉ USD xây đường ống dẫn khí Trans-Sabah với công ty con của một tập đoàn năng lượng khổng lồ của Trung Quốc.
Tân Bộ trưởng Tài chính Malaysia Lim Guan Eng đã nêu lên ví dụ của Sri Lanka về cảng nước sâu do một tập đoàn nhà nước Trung Quốc xây dựng đã không thu hút được khách hàng, dẫn đến việc quốc gia Nam Á ngập trong nợ nần này đã bị buộc phải nhượng cảng và khu đất chung quanh cho Trung Quốc trong thời hạn 99 năm. Ông Lim khẳng định: “Chúng tôi không muốn lâm vào tình cảnh như Sri Lanka, không thể trả nợ và cuối cùng phải chịu mất dự án”.
Ông Mahathir là một nhân vật không hề ngần ngại đứng lên chống lại các siêu cường. Lúc làm thủ tướng từ năm 1981 đến năm 2003, ông đã chống lại Mỹ và các cường quốc phương Tây khác – mà theo ông, họ muốn kìm hãm những quốc gia đang phát triển như Malaysia.
Edmund Terence Gomez, chuyên gia kinh tế – chính trị của Đại học Malaga nhận định: “Ông Mahathir luôn luôn dè chừng trước các thế lực hùng mạnh – trước đây là Mỹ và giờ là Trung Quốc”.
– Theo New York Times 3-9