“Ai cũng smart phone”nghĩa là dân lướt sóng nhà đất ai cũng có điện thoại thông minh. Điều đó gần như chắc chắn đúng! Còn “ai cũng smart” hiểu theo nghĩa “ai cũng thông minh” thì cũng tùy trường hợp. Người lướt sóng lời to chưa chắc dám vỗ ngực tự nhận mình là thông minh, còn người lỡ xuống tiền dù đã kịp bán cắt lỗ hay vẫn đang ôm hàng lại càng không dám nhận.
Lướt sóng địa ốc thời “ai cũng có smart phone” có đặc điểm riêng nổi bật so với thời trước là rất nhiều thông tin.
Dân lướt sóng thời nay thường có hai điện thoại và xài đủ các ứng dụng Zalo, Viber, Facebook… Một người có thể tham gia tới hàng chục nhóm khác nhau. Các thành viên trong nhóm thường trao đổi thông tin với nhau liên quan chung tới thị trường hoặc một dự án nào đó.
Đôi khi thông tin cũng chỉ là đùa nghịch, chọc ghẹo nhau nhưng người đã tham gia nhóm thường dành rất nhiều thời gian để tương tác với nhau qua nhóm.
Tôi đã tò mò xin phép xem điện thoại của Trung, một người đang lướt sóng cùng lúc ở điểm nóng như Phan Thiết, Kê Gà (Bình Thuận), Long Thành, Nhơn Trạch (Đồng Nai), quận 9 (TP.HCM)…
Trung là thành viên trong một nhóm chung những người bỏ vốn lập một doanh nghiệp địa ốc mà Trung đặt tên nhóm là Sland. “Nhóm này đông người, chat hằng ngày luôn, hầu như toàn trao đổi những tin mới và nóng”, Trung nói.
Mở nhóm chat có hơn 10 thành viên với tên gọi “Group Sland” của Trung tôi thấy tin nhắn mỗi ngày hầu như mở đầu bằng cách dẫn link một bài báo kiểu như “Sân bay Phan Thiết nâng vốn lên 10.000 tỉ tạo sức “nóng” tới bất động sản”; “Bất động sản Phan Thiết sôi động vì sân bay, đường cao tốc”; “Long Thành: Sốt đất theo tiến độ sân bay”; “Đất ven sân bay Long Thành lại nóng”… hoặc “Giá nhà tại TP.HCM leo thang trong 5 năm”; “TP.HCM “mở đường” cho các nhà đầu tư lớn vào phát triển khu đô thị thông minh, BĐS khu Đông đang bùng nổ trở lại”…
Dưới mỗi bài báo, bình luận của các thành viên kiểu như “thông tin có lợi”; “tìm được miếng nào ngon múc đi anh em ơi” hoặc có những thành viên chỉ gửi như biểu tượng vui, mặt cười, trái tim…
Trung còn tham gia nhiều nhóm khác với số thành viên ít hơn. Ví dụ như một nhóm bốn người chung nhau một lô đất ven biển ở Tiến Thành, Phan Thiết đặt tên là “Group đất Phan Thiết”, một nhóm khác chung nhau mấy lô đất nhỏ, lẻ ở Nhơn Trạch, một nhóm khác có đất ở quận 9.
- Xem thêm: Bất động sản lo thiếu vốn
Trong các nhóm này xuất hiện những thông tin “rất chuyên môn” như ảnh chụp lô đất theo tọa độ trên bản đồ, bản scan sổ đỏ, hợp đồng đặt cọc, hợp đồng mua bán và những dòng trao đổi cụ thể kiểu như, “khách trả 25 triệu/m2, mọi người có ý kiến gì không”?, “Mảnh này 5 tỉ đồng nếu mua được là ngon, mai mốt xong cầu nhất định giá sẽ lên”.
Trung chia sẻ, “lúc đất sốt nóng, nghe thì thích nhưng mỗi lần xuống tiền cũng hồi hộp”. Trung nhớ lại thời điểm tháng 4-2019, Trung cùng nhóm bốn người mua chung đặt cọc lô đất ven biển Phan Thiết 1 tỉ đồng hẹn nửa tháng sau trả tiếp 5 tỉ và một tháng sau trả hết tiền là hơn 10 tỉ đồng.
Hôm sau môi giới gọi lại bảo, chủ nhà chịu mất 500 triệu để lật kèo vì có người “trong thành phố ra trả giá cao hơn”. Cả nhóm nhắn tin qua lại cử người chạy ra Phan Thiết năn nỉ đặt ngay thêm 5 tỉ để chủ nhà khỏi lật kèo. Đó là miếng đất mà nhóm của Trung hài lòng vì bỏ ra hơn 10 tỉ trong ít ngày là ra được đất có lời theo đúng kỳ vọng.
Khi đi hợp đồng công chứng bán xong miếng đất, những biểu tượng vui, mặt cười, ngón tay số một với rất nhiều trái tim được dán vào những dòng tin trong nhóm.
Trung còn tham gia một nhóm khác gồm tám người chung nhau một mảnh đất giá hơn 20 tỉ gần Kê Gà, chia đều theo suất đầu tư. Giống như mảnh ở Phan Thiết, sau ngày đặt cọc, môi giới gọi lại nói chủ muốn bẻ kèo vì có người “ở Hà Nội vào trả giá cao hơn”.
Đi buôn theo nhóm thì vốn được chia nhỏ, khi quyết thì có nhiều ý kiến cùng tham gia, vừa vui vừa yên tâm nhưng mặt trái là đôi khi mình khó quyết đoán, có chút lãi cũng phải chia đều. Đi buôn đơn lẻ thì một mình quyết, lãi thì mình hưởng nhưng áp lực cũng chỉ mình chịu.
Thế là cả nhóm phải đi huy động vốn, có người chưa làm xong thủ tục thế chấp nhà ở Sài Gòn cũng tìm cách nào đó có đủ tiền để chồng sao cho chủ nhà không lật kèo. Mảnh này không “ngon ăn” như mảnh kể trên, lúc có người trả được giá thì trong nhóm chưa đạt được sự thống nhất, lúc cả nhóm muốn ra hàng thì không có ai mua.
Những bài báo về sự chậm trễ của sân bay Phan Thiết, về thanh tra đất đai ở Phan Thiết, Bình Thuận được dán đường link trong nhóm kèm theo những biểu tượng buồn, khóc hu hu. Trung cho biết, trong nhóm cũng xuất hiện những tình huống mới, người dùng vốn tự có thì nóng ruột nhưng bình tĩnh, người đi vay mỗi tháng phải trả tiền lãi bắt đầu thấm áp lực.
Có người muốn nhượng lại suất đầu tư nhưng nhượng nguyên giá cũ hay có lãi chút đỉnh cũng rất khó, chỉ cần bàn với nhau là xuất hiện “độ vênh”, nếu không cẩn thận rất dễ cãi nhau. Bây giờ nhóm chat cũng ít nhắn tin hơn vì thực ra chẳng có thông tin gì mới. Bây giờ thì mảnh đất vẫn nằm yên, sóng lặng nhưng lòng người lại chẳng yên!
Trung giới thiệu tôi với chị Liên, một người trong nhóm của Trung còn tham gia lướt sóng nhiều hơn Trung.
Chị Liên trường vốn, chị tham gia lướt sóng cả đất thổ cư trong khu dân cư ổn định và đất dự án, chị lướt sóng cả trong các nhóm mua chung và cá nhân. Chị Liên giải thích, đất dự án có điểm lợi là xuống tiền từ từ theo tiến độ, bất lợi là khó bán, đổi tên trên hợp đồng khá chậm. Đất có sổ đỏ trong khu dân cư ổn định có điểm lợi là đã có sổ đỏ rõ ràng, mua bán nhanh gọn nhưng phải xuống tiền cũng nhanh, vốn lớn.
Đi buôn theo nhóm thì vốn được chia nhỏ, khi quyết thì có nhiều ý kiến cùng tham gia, vừa vui vừa yên tâm nhưng mặt trái là đôi khi mình khó quyết đoán, có chút lãi cũng phải chia đều. Đi buôn đơn lẻ thì một mình quyết, lãi thì mình hưởng nhưng áp lực cũng chỉ mình chịu. Tóm lại là dù làm theo cách nào thì cũng có điểm lợi và bất lợi.
Được hỏi về kinh nghiệm nên chọn hình thức nào, chị Liên chia sẻ, “Nếu đi xa ra vùng đất mới, tôi thường mua theo nhóm, nếu ở gần, vùng đất quen, tôi sẵn sàng mua đơn lẻ nếu thấy có cơ hội”. Dù đã có rất nhiều kinh nghiệm, chị vẫn nói, “mỗi lần xuống tiền là một lần cân não. Kiếm được đồng tiền khó lắm em ơi”!
Tham gia cùng nhóm với chị Liên có anh Đặng đã 60 tuổi nhưng vẫn thức thời biết cách dùng smart phone. Anh từng “có mặt trên từng số” từ thời sốt đất Gò Vấp những năm 2000 đến thời sốt đất Bình Dương những năm 2006-2007.
Anh Đặng nhận xét: “So với ngày xưa, bây giờ gửi thông tin nhanh hơn nhiều. Tất cả sổ đỏ, hợp đồng, bản vẽ, thông tin đều có thể gửi qua điện thoại. Chỉ nghe tít tít là có thể mở ra đọc”.
Thời 2016-2017, anh Đặng “theo” mấy lô đất thổ cư trong các dự án ở khu vực đường Liên Phường, Bưng Ông Thoàn, quận 9. Bù qua sớt lại anh cũng cũng kiếm được ít tỉ tiền lãi. Bây giờ anh quay về nội thành mua thêm được một ngôi nhà cho thuê bên cạnh ngôi nhà đang ở và hài lòng với tiền cho thuê hằng tháng. Có người trong nhóm bảo, “anh Đặng làm vậy là thức thời, thông minh, giữ nhà cho thuê vừa giữ được vốn vừa có lợi tức”.
Anh Đặng phân bua: “Tôi thích dùng chữ phù hợp chứ không thích cách nói giỏi hay không giỏi. Bây giờ mình không còn sức chạy được như ngày xưa, việc quyết mua hay bán cũng chậm hơn nên kiếm được căn nhà cho thuê là ngon rồi. Hồi đó có mấy người quen rủ tôi đi mua đất theo Alibaba, tôi không theo, họ còn chê tôi không biết làm ăn. Hehe”.
Theo báo chí thì khi Alibaba hạ màn, có 6.700 nạn nhân bị mất khoảng 2.500 tỉ đồng (số liệu khác là 7.000 nạn nhân với 2.700 tỉ). Thật ra thì bây giờ dễ kết luận 6.700 người mất tiền lại dại. Nhưng thực tế, đồng tiền không thể mất đi được. Không biết 2.500 tỉ đồng đã vào tay của những ông chủ Alibaba và những ai nữa? Có ai bảo họ là khôn không nhỉ?
Thời 4.0 bây giờ lướt sóng, ai cũng smart phone, nhưng chắc gì ai cũng thông minh?