Chúng từ những nơi rất xa chạy đến, giả dạng khốn cùng, gợi lòng từ tâm của mọi người cứu giúp.
Thực ra, đó là bọn ác ôn, côn đồ lạm dụng quyền thế thẳng tay trấn áp những người yếu đuối và cướp đoạt tài sản.
Thần Công lý đang truy tìm chúng, dù ở tận chân trời góc biển, cách xa vạn dặm bởi con người thì đâu đâu cũng như nhau: yêu cái thiện, căm thù cái ác.
31 tuổi, hắn hy vọng làm lại cuộc đời tại kinh đô ánh sáng Paris, cách xa quê hương Syrie của hắn hàng ngàn dặm và những trại giam với hàng chục ngàn con người chết từ khi nổ ra cuộc nổi dậy mùa xuân năm 2011.
Nhưng Abdulhamid Chaban đã bị quá khứ của mình tóm cổ. Hắn từng là nhân viên điều tra của một trại giam tại Syrie, nay xin tỵ nạn ở nước Pháp.
Hắn bị kết tội trong khoảng những năm 2011-2013. Bị bắt ngày 12-2-2018, trong vùng Paris, người đàn ông khoảng 30 tuổi này đang bị điều tra về tội ác chống loài người.
Lần đầu tiên trên lãnh thổ Pháp có cuộc truy lùng những kẻ ác ôn làm việc cho chế độ Bachar Al-Assad.
Có bao nhiêu kẻ có quá khứ thối tha như Chaban đang cố che giấu tội ác, ẩn náu tại nước Pháp?
Trong cuộc xung đột bất tận đẫm máu tại Syrie, mỗi bên đều có bọn ác ôn. Tháng 3-2018, một quan chức của nhóm Hồi giáo IS trốn tại Normandie lọt vào tay Tổng cục An ninh Nội địa Pháp.
Ahmed Hamdane Mahmoud Ayach al-Aswadi, sinh ngày 15-4-1984 tại Samarra (Iraq), trốn trong một căn hộ ở Lisieux, vùng Calvados.
Theo chính quyền Bagdad, hắn đầu quân vào IS ngay tại quê hương của mình. Tháng 6-2014, hắn tham gia tàn sát gần 1.700 thiếu niên người Iraq, phần lớn theo Hồi giáo dòng Chiite, tại căn cứ không quân Speicher gần Tikrit.
Bị điều tra về tội ác chiến tranh và giết người vì có quan hệ với một tổ chức khủng bố, Ahmed Al-Aswadi thề là mình đã từng làm việc cho tình báo Iraq.
Luật sư quả quyết hắn từng là một nhân viên an ninh quốc gia rất quan trọng trong cuộc chiến chống IS.
Theo nhật báo Libération, một báo cáo của FBI mới gởi cho Ủy ban điều tra quả quyết hắn nằm trong một bộ máy đàn áp tại Iraq, ít nhất cho đến năm 2007.
Sau khi Saddam Hussein sụp đổ, phải chăng hắn đã gia nhập IS giống như nhiều quan chức khác của đảng Baas, do lòng thù hận với người Hồi giáo dòng Chiite?
Cũng theo tài liệu của Mỹ, vào tháng 11-2015 Al-Aswadi đã đi theo bọn thánh chiến di chuyển sang châu Âu để có mưu đồ phá hoại.
Tại Pháp, có hàng chục tên tội phạm chiến tranh tìm cách xin quy chế tỵ nạn và thẻ cư trú có giá trị trong 10 năm. Một số tên đã đạt mục đích.
Mặc cho quá khứ thối tha, Al-Aswadi và Syrie Chaban cũng đã lừa được chính phủ Pháp một thời gian và đang chờ đợi được cấp giấy phép tỵ nạn.
Không thể dẫn độ, cũng không thể trục xuất
Ahmed al-Aswadi nhận được biên nhận nộp hồ sơ của Văn phòng Bảo vệ người tỵ nạn & Vô tổ quốc Pháp (OFPRA) vào tháng 6-2017, mấy tuần lễ trước khi các cơ quan tình báo nhận diện được hắn.
Ông Pascal Brice, Giám đốc văn phòng, kể lại sự việc: “Trong lúc xem xét hồ sơ, chúng tôi đã tham khảo ý kiến Bộ Nội vụ, giống như với những kẻ đến từ các quốc gia nguy hiểm. Chẳng thấy ai báo động gì cả”.
Ông và một nhóm cộng sự đã bỏ ra ba ngày, ba đêm để xem xét lại tỉ mỉ mọi hồ sơ xin tỵ nạn của người Iraq nộp cho Văn phòng. Mục tiêu là nâng mức độ cảnh giác lên cấp thường xuyên.
Cựu nhân viên tình báo Syrie Abdulhamid Chaband phải làm lại hồ sơ hai lần. Sau khi bị bác đơn vào đầu năm 2017, hắn kháng cáo lên Tòa án Quyền tỵ nạn Quốc gia. Hắn biện bạch mình phải tuân theo lệnh cấp trên.
Điều đó thuyết phục được các quan tòa. Nhưng không may cho hắn. OFPRA đã nói rõ hoàn cảnh của hắn cho luật pháp sau khi chất vấn.
Quả vậy, từ tháng 7-2015, luật pháp bắt buộc Văn phòng này phải báo ngay cho biện lý quốc gia mỗi khi có một ứng viên xin tỵ nạn bị nghi ngờ phạm tội ác chiến tranh, tội ác chống loài người, tra tấn dã man hay vi phạm nghiêm trọng quyền con người tại quê hương mình hay bất kỳ nơi nào khác.
OFPRA nói rõ: “Quan chức phụ trách tỵ nạn không được phép bảo vệ cho bọn tội phạm thoát tay công lý. Cũng chẳng được quyền sống yên ổn ở đâu đó giữa Lille và Marseille. Trái lại, quan chức pháp lý phải chuyển cho Văn phòng mọi yếu tố, dù được đóng dấu “bảo mật” có thể mở rộng nghi ngờ.
Lệnh cấm tỵ nạn này, được các chuyên gia gọi là 1F, dựa theo một điều khoản của Công ước Genève ký ngày 28-7-1951 về quy chế tỵ nạn, nói rõ các điều khoản bị loại trừ. Khi bị nghi ngờ là ác ôn, bọn người này không thể trục xuất, cũng không thể dẫn độ.
Một người thông thạo vấn đề cho biết: “Trước khi thay đổi luật di trú năm 2015, OFPRA không thông báo tin tức nào cho cơ quan luật pháp. Rõ ràng là bọn người ác ôn có thể giấu nhẹm thành tích của mình một cách ung dung”.
Hiện nay những kẻ bị nghi ngờ đều phải sàn lọc kỷ lưỡng. Từ năm 2016, số người bị nghi ngờ được thông báo cho cảnh sát gia tăng mỗi năm: 6 người năm 2016, 20 người năm 2017 và 33 người năm 2018.
Chẳng có nghĩa lý gì so với số người nộp đơn xin tỵ nạn là 122.743 trong năm 2018. Các hồ sơ tối mật này đến từ đâu? Phòng C1 của tòa án Paris và các quan tòa chuyên nghiệp chống khủng bố.
Nhưng phần lớn lại đến từ Văn phòng Tội ác chống loài người, tội ác và tội phạm chiến tranh nằm ở tầng 26 của tòa nhà kính mang tên “Thành phố luật pháp của Paris”.
Tại đây, trong các văn phòng màu trắng như bệnh viện, có ba công tố viên và ba quan tòa sơ thẩm. Tất cả đều là chuyên gia giải mã hận thù, tra tấn và báo thù địa chính.
Quyền hạn của phó biện lý Aurélia Devos và nhóm của bà, dựa theo một đạo luật ký vào tháng 8-2010, không phải là vô giới hạn.
Để họ thụ lý một hồ sơ, nơi diễn ra tội ác là không quan trọng lắm. Trái lại, phải có đủ ba tiêu chuẩn sau đây: một nạn nhân là người Pháp, nghi can là người Pháp và một nghi can nước ngoài, nhưng cư trú thường xuyên trên lãnh thổ Pháp.
Trong trường hợp tra tấn và mất tích, chỉ cần nghi can đi qua nước Pháp, dù là ngắn hạn, luật pháp cũng phải can thiệp.
Từ khi thành lập cơ quan tội ác chống loài người năm 2012, số hồ sơ trong tay họ liên tục gia tăng. Cách đây bảy năm là 20, hầu hết từ Rwanda, đến năm 2019 là 110.
Một quan tòa giấu tên cho biết: Tất cả đều phải mất nhiều thời gian. Muốn đánh giá được sự việc, phải thông thạo lịch sử, hoàn cảnh khách quan, động cơ của kẻ thủ ác, cách thức hành động, trình độ tổ chức của các nhóm vũ trang, và cách phối hợp tấn công. Ba người đã bị kết án: hai tên diệt chủng tại Rwanda bị chung thân và tên thứ ba 25 năm tù giam.
Ngày nay có 18 vụ án xuất phát từ quốc gia này và 60 vụ mang nhãn hiệu 1F. Số người bị bác đơn xin tỵ nạn và đẩy thẳng vào trại giam này phản ảnh sự xâu xé địa chính trị của hành tinh.
Phần lớn họ là người Syrie, nhưng cũng có người Lybie, Cogo, Trung Phi, Tchad, Ouganda, Sri Lanka, Afghanistan hay Campuchia. Còn có một người Tchetchénie, một người Liberia và một người Côte d’Ivoire (Bờ Biển Ngà) trong danh sách.
Thu gom chứng cớ và tài liệu
Nhiệm vụ quá lớn lao so với một “nhóm nhỏ biệt kích” mà Tổng thống Emmanuel Macron hứa hẹn sẽ tăng viện cho vào tháng 4-2019, khi kỷ niệm 25 năm ngày diệt chủng tại Rwanda năm 1994.
Bởi vì nếu tìm kiếm những tên tội phạm chiến tranh là một chuyện không đơn giản thì không nhầm lẫn lại còn khó khăn hơn nữa.
Muốn tiến hành điều tra, các quan tòa phải dựa vào đội cảnh sát của Văn phòng Trung ương Chống tội ác chống loài người, diệt chủng và tội ác chiến tranh (OCLCH). Còn ít hơn nữa khi chẳng bao lâu quân số này sẽ bị cắt giảm.
Trưởng toán Nicolas Le Coz cho biết: “Trung bình ba cảnh sát phụ tá cho một sĩ quan biết tiếng Ả Rập, có bằng tiến sĩ khoa học về tôn giáo, chuyên gia về thế giới Ả Rập, đến mùa hè năm 2019, chúng tôi chỉ có 22 người, 18 cảnh sát và 4 sĩ quan. Hora fugit, stat jus (Thời gian qua đi, công lý ở lại)”.
Trong số 105 hồ sơ giao cho đơn vị này có 39 đối tượng thuộc loại 1F, trong đó có 17 người Syrie là tội phạm chiến tranh.
Trung tá luật sư Nathalie Martin cho biết: “Quyền tỵ nạn của họ bị từ chối vì có nhiều lý do nghiêm trọng để nghĩ rằng những người này gây tội ác, nhưng chưa đủ để tiến hành truy tố. Chúng tôi phải thu gom chứng cớ và tài liệu đủ để kết tội họ.
Đó là một công việc dài và khó khăn, dù cho OCLCH có thể dựa vào lời khai của những người đào thoát khỏi nhà tù tại Syrie, những thông tin thu thập từ vô số các tổ chức phi chính phủ và 54.000 bức ảnh xác chết bị hành quyết mà một nhiếp ảnh gia của An ninh Quân đội có bí danh là César công bố trên mạng internet.
Một quan tòa thở dài nói: “Phải làm việc suốt nhiều năm dài!” Một số nghi can trốn chạy trước khi bị luật pháp sờ đến. Như trường hợp của tướng Khalid al-Halabi, phụ trách cơ quan an ninh tại Raqqa, đã trốn chạy sang Áo. Nơi đó, ông ta xin được quy chế tỵ nạn, mà nước Pháp đã từ chối.
Tình hình mới
Lo lắng bao trùm Phòng chống tội ác chống loài người thuộc Biện lý Paris. Đơn vị bé nhỏ này thành lập vào tháng 1-2012, sẽ được sát nhập vào Biện lý Quốc gia Chống Khủng bố (PNAT) cùng với 14 quan tòa chuyên môn trong lĩnh vực này. Một “sức mạnh trấn áp” thực sự theo như lời Bộ trưởng Tư Pháp Nicole Belloubet.
Tại Hiệp hội Nhân quyền quốc tế, người ta cảnh báo: “Hãy coi chừng cảnh giải thể rồi sát nhập. Vấn đề tội ác chống loài người có nguy cơ rơi vào quên lãng”.
Chân dung của con người được dự kiến nắm giữ cơ quan này không làm cho người ta bớt lo sợ: Jean-Francois Ricard hiện nay là cố vấn tại Tòa Phá án, từng là quan tòa sơ thẫm chống khủng bố trong suốt 12 năm.
Ở đây, người ta nói: “Mặc dù thế, ông ta có vẻ như hiểu được tầm quan trọng của cơ quan chúng tôi. Hãy cứ để cho ông ta bị nghi ngờ”.