Miêu tả
Chiều cao: 45cm.
Đường kính miệng: 21.5cm.
Vòng bụng: 68cm.
Đường kính trôn: 11cm.
Thể loại: bình hoa nền trắng hoa văn họa tiết xanh (đồ xanh – trắng).
Niên đại: Đầu thế kỷ 20, khoảng 90 năm.
Tình trạng: Lành, đẹp, chỉ lát và âm 1 đường dưới vành (đã được phun thẩm mỹ). Men bóng, rạn nhuyễn, già đồ, bút pháp hội họa tinh tế, sắc sảo, lão luyện, vẽ một mặt (nửa bình) từ cổ xuống cách chân bình một đoạn, mặt kia để trống.
Điển tích
Điển tích trên chiếc bình này được chúng tôi xác định là trận đại chiến tại Hoàng Sa giữa Quan Vũ (Vân Trường) và Hoàng Trung (Huỳnh Trung) được miêu tả trong hồi 53 tiểu thuyết Tam Quốc. Căn cứ để xác định là hình vẽ nhân vật với các nét đặc thù:
Quan Vũ với râu năm chòm, tay cầm thanh long đao.
Hoàng Trung: tóc râu bạc trắng, tay cầm cây cung.
Đặc biệt là minh văn trên 2 lá cờ. Tất cả chỉ có 2 chữ là Quan 關 và Hoàng 黄, nhưng sẽ giúp xác định một cách chắc chắn điển tích được vẽ trên bình.
Tam Quốc hay Tam Quốc Diễn Nghĩa, Tam Quốc Chí là tiểu thuyết kinh điển hàng đầu trong văn học cổ điển Trung Quốc có sức ảnh hưởng rất lớn, vượt ra khỏi biên giới nơi nó sản sinh, lan toả khắp cả vùng Đông Á gồm Nhật, Hàn, Việt. Có thể nói, trong số các tác phẩm văn học lớn trở thành hiện tượng văn hoá như như Tây du ký, Hồng lâu mộng, Thuỷ hử, Kim Bình Mai, Tam quốc… thì Tam Quốc đứng đầu về mức độ phổ biến, ảnh hưởng, không chỉ trong văn học, sân khấu, mà cả trong hội hoạ, điêu khắc, nghệ thuật gốm sứ.
“Tích Tam Quốc” trên đồ gốm nói chung là những nhân vật, sự kiện được các nghệ nhân rút ta từ tiểu thuyết Tam Quốc rồi vẽ, viết trên đồ gốm, bao gồm hình ảnh và chữ viết, trong đó hình ảnh là chủ yếu. Tích Tam Quốc rất phổ biến ở Việt Nam, chúng ta thường xuyên bắt gặp trong tuồng, cải lương, tranh kiếng và đồ gốm xưa, ví dụ: Huê Dung đạo, Thảo thuyền tá tiễn, Tam cố thảo lư, Hồi trống cổ thành, Đào viên kết nghĩa, Tam anh chiến Lữ Bố, Đổng Trác hí Điêu Thuyền, Không thành kế,… Tích “Chiến Hoàng Sa” này ở phổ biến ở Trung Quốc, nhưng ít thấy ở ta, việc nó được vẽ trên gốm Lái Thiêu như trên đây có thể do: (1) Thợ vẽ là người Hoa yêu thích tích này, (2) Tại Nam bộ, tích này từng phổ biến, (3) Bao gồm cả hai duyên do trên.
Tóm tắt đoạn nói về điển tích này đại khái như sau: Lưu Bị chiếm Kinh Châu, sai Quan Vũ đánh Trường Sa, quan thủ thành là Hàn Huyền sai Hoàng Trung ra cự địch. Hoàng Trung trả ơn Quan Vũ trận trước tha chết cho mình bằng cách chỉ bắn vào mũ Quan Vũ. Hàn Huyền nổi giận cho Hoàng Trung mưu đồ thông đồng với giặc, định chém thì Nguỵ Diên về giết Hàn Huyền rồi dẫn Hoàng Trung chạy qua đầu quân cho Lưu Bị.
Dưới đây, chúng tôi giới thiệu một đoạn trích trong hồi 53 tiểu thuyết Tam Quốc, đoạn nói về trận chiến Trường Sa giữa Quan Vũ và Hoàng Trung được vẽ trên kia. Đặc biệt, đây là đoạn trích chép lại từ bản dịch Tam Quốc xưa nhất ở Việt Nam, in trên báo Nông Cổ Mín Đàm từ năm 1904 do Nguyển Chánh Sắt dịch, cách đây 115 năm, chỉ một vài nhà sưu tầm có được, nên là tư liệu rất quý đối với người đọc bình thường (các số báo Nông Cổ Mín Đàm phổ biến hiện thời không có):
Hồi thứ năm mươi ba: Quan Vân Trường nghĩa thích Huỳnh Hớn Thăng; Tôn Trọng Mưu đại chiến Trương Văn Viễn
Khổng Minh nói với Huyền Đức rằng: “Vân Trường khinh khi Huỳnh Trung, sợ e sơ thất [sơ suất dẫn đến thất bại], Chúa công phải đi tiếp ứng”. Huyền Đức nghe lời bèn dẫn binh qua thẳng Trường Sa. Nói về quan Thái thú đất Trường Sa là Hàn Huyền làm người tánh hay nóng nảy, chém giết người ta coi như không, chúng đều ghét va [y, hắn]; lúc ấy nghe binh Vân Trường đến, bèn đòi Huỳnh Trung vào thương nghị: Huỳnh Trung nói: “Chúa công chớ lo, gặp một cây đao và một cây cung của tôi đây, hễ một ngàn người đến thì một ngàn người thác” (nguyên lai Huỳnh Trung dương nổi cây cây cung sức nặng hai hộc, bá phát bá trúng).
Nói chưa dứt, trước sân có một người ra lên tiếng rằng: “Tướng quân chẳng cần phải đánh, bắt sống Quan mỗ tại trong tay tôi đây”. Hàn Huyền xem người ấy là Quản quân hiệu uý tên Dương Linh dẫn một ngàn binh ra khỏi thành ước chừng 50 dặm, xem thấy buội [bụi] bay lấp đầu, binh Vân Trường đã đến; Dương Linh hươi thương ra ngựa đứng nơi trước trận khêu chiến. Vân Trường cả giận, chẳng thèm nói chi hết hươi đao bay ngựa đến đánh Dương Linh; Dương Linh cử thương xông đến rước đánh, chẳng đặng ba hiệp, Vân Trường hươi đao chém sả Dương Linh té nhào xuống ngựa, rồi rượt theo vùa giết binh tàn đến bên thành.
Hàn Huyền nghe thất kinh, bèn khiến Huỳnh Trung ra ngựa, rồi bổn thân lên đứng trên thành mà xem. Huỳnh Trung hươi đao giục ngựa, dẫn 500 binh kỵ qua khỏi cầu niếu kiều [cầu treo]. Vân Trường thấy một tướng già ra ngựa, biết chắc là Huỳnh Trung, bèn truyền năm trăm binh đao thủ giàn ra, rồi dừng ngựa để cây đao ngang qua mà hỏi rằng: “Tướng đến có phải là Huỳnh Trung chăng?”. Huỳnh Trung đáp rằng: “Đã biết danh ta sao còn dám đến xâm lấn bờ cõi ta?”. Vân Trường nói: “Đặng đến lấy đầu ngươi”. Nói rồi hai ngựa giao phuông [phong], đánh đến hơn một trăm hiệp, chẳng ai hơn thua. Hàn Huyền sợ Huỳnh Trung sơ thất, liền gióng chiêng thâu binh. Huỳnh Trung bèn thâu quân vào thành; Vân Trường cũng lui binh khỏi thành 10 dặm hạ trại, rồi nghĩ thầm trong bụng rằng: “Lão tướng Huỳnh Trung, tiếng đồn chẳng sai, đánh hơn trăm hiệp, trọn không sơ sẩy, ngày mai phải dùng kế thả đao mà chém trái va mới xong”.
Ngày thứ cơm lót dạ xong rồi cũng đến bên thành khêu chiến. Hàn Huyền ngồi trên thành, khiến Huỳnh Trung ra ngựa. Huỳnh Trung cũng dẫn mấy trăm binh kỵ qua khỏi cầu niếu kiều đánh với Vân Trường nữa, đánh đến năm sáu mươi hiệp chẳng ai hơn thua, hai bên quân ó khen vang giậy, lúc trống đang giục thúc đến, Vân Trường quay ngựa giả chạy, Huỳnh Trung rượt theo, Vân Trường vừa muốn hươi đao chém sả lại, bỗng nghe sau lưng một cái đụi, liền day lại xem thì thấy ngựa Huỳnh Trung vấp quị cẳng trước, quăng Huỳnh Trung xuống đất. Vân Trường liền quay lại hai tay cử đao hét lớn lên rằng: “Ta dung tánh mạng cho ngươi, mau về thay ngựa khác ra đánh nữa”. Huỳnh Trung liền đỡ ngựa dậy rồi thót lên chạy tuốt về thành.
Hàn Huyền thất kinh hỏi thăm, Huỳnh Trung nói: “Ngựa ấy lâu chẳng ra trận, nên mới như vậy”. Hàn Huyền nói: “Cung tên ngươi bá phát bá trúng, sao không bắn?”. Huỳnh Trung nói: “Ngày mai ra trận tôi phải giả thua, dụ va đến bên cầu niếu kiều rồi tôi sẽ bắn”. Hàn Huyền bèn đem con ngựa thanh mã của mình mà cho Huỳnh Trung; Huỳnh Trung lạy tạ lui về. Huỳnh Trung về nhà mới nghĩ thầm rằng: “Ít có ai nghĩa khí đặng như Vân Trường, hôm nay va chẳng nỡ giết ta, ta lẽ đâu đi nỡ bắn va sao, nếu không bắn thì lại e di [trái] lịnh”. Đêm ấy bồi hồi ngủ chẳng yên.
Ngày thứ, trời vừa sáng quân báo nói Vân Trường đã đến khêu chiến; Huỳnh Trung bèn dẫn binh ra thành rước đánh. (Nguyên Vân Trường đã hai ngày mà đánh chẳng phủng [xong] Huỳnh Trung, mười phần nóng nảy). Nên ngày ấy ra sức oai phuông đánh vùi với Huỳnh Trung, đánh đến ba mươi hiệp, Huỳnh Trung giả thua mà chạy, Vân Trường đuổi theo; Huỳnh Trung tưởng [nhớ] ơn Vân Trường hôm qua chẳng giết mình, chẳng nỡ bắn thiệt, bèn lấy cung không dương ra bắn dối; Vân Trường liền né qua mà chẳng thấy mũi tên, lại đuổi theo nữa, Huỳnh Trung lại bắn một lần nữa, Vân Trường lại né, rồi cũng không thấy tên, thì tưởng là Huỳnh Trung bắn không giỏi, nên không sợ cứ đuổi nà theo; gần đến cầu niếu kiều Huỳnh Trung đứng trên cầu dương cung lắp tên bắn một mũi trúng trên cái giây mão Vân Trường, trước mặt quân đều hét giậy, Vân Trường giựt mình lui binh về trại, lấy mũi tên xuống coi, mới biết Huỳnh Trung có tài bắn hay, hôm nay bắn trên mão đây là có ý trả ơn hôm qua chẳng giết va.
Vân Trường về trại rồi, Huỳnh Trung cũng vào thành ra mắt Hàn Huyền. Huyền bèn nạt kẻ tả hữu trói Huỳnh Trung lại. Huỳnh Trung nói rằng: “Không tội”. Hàn Huyền cả giận nói: “Ta đã thấy hai ngày rồi ngươi còn dám khi ta [mất 1 dòng] Vân Trường chẳng giết ngươi, ấy là một lòng; hôm nay người bắn giối hai phen, phen thứ ba ngươi lại bắn trên mão, còn chi nữa là chẳng phải ngoài thông trong liên; nếu chẳng giết ngươi ắt sanh hoạ về sau”. Nói rồi bèn nạt quân đao phủ dẫn ra cửa thành mà chém.
Đọc xong đoạn trích trên, chúng ta có thể dễ dàng đoán ngay ra nhân vật chính thứ 3, đứng trên thành quan sát Hoàng Trung và Quan Vũ giao chiến là Thái thú Hoàng Sa tên Hàn Huyền.
Bình hoa thì công dụng chính là để cắm hoa, nhưng đối với những chiếc bình có tính nghệ thuật cao, thì bản thân chiếc bình cũng là một đóa hoa bất tử, càng để lâu lại càng hấp dẫn, không tàn phai. Nhất là những chiếc bình vẽ chuyện xưa tích cũ như trên đây, thì nó còn có tác dụng kéo những người hoài cổ lại gần nhau. Vài người thích cổ ngoạn cùng nhau ngồi bên ấm trà, ngắm bình hoa, nhìn tích vẽ rồi bàn tán, luận cổ suy kim cũng là một cái thú nhân sinh tuyệt diệu.
- Xem thêm: Bát – Tích Phong kiều