Lãi dự thu dự trù lợi nhuận trong tương lai nên về bản chất là lãi ảo và điều này giúp số dư nợ xấu ghi nhận sẽ thấp hơn.
Ngân hàng Nhà nước (NHNN) mới đây đã có văn bản số 1968/NHNN-TTGSNH yêu cầu các tổ chức tín dụng (TCTD) đẩy mạnh xử lý nợ xấu.
Yêu cầu này đưa ra để các ngân hàng đạt mục tiêu đưa tỷ lệ nợ xấu nội bảng, nợ đã bán cho VAMC và nợ đã thực hiện các biện pháp phân loại nợ xuống dưới 3% từ nay đến năm 2020.
Tuy nhiên, điểm đáng chú ý là văn bản này yêu cầu thực hiện dự thu lãi phù hợp với thực trạng các khoản nợ, đảm bảo tuân thủ đúng quy định của pháp luật để phản ánh kết quả hoạt động kinh doanh.
Ngân hàng cũng cần thường xuyên rà soát tình hình thực tế của các khoản nợ đang dự thu lãi, đặc biệt các khoản lãi dự thu lớn.
Điều này giúp các đơn vị kịp thời thoái lãi thu đối với các trường hợp khó thu hồi, thoái các khoản thu lãi dự thu theo quy định.
Văn bản số 1968 cho thấy NHNN tiếp tục yêu cầu các ngân hàng thực hiện đúng quy định pháp luật về dự thu lãi phù hợp. Việc hạch toán lãi dự thu được thực hiện theo nguyên tắc kế toán của Bộ Tài chính.
Điều này được thể hiện trong Thông tư 16/2018/TT-BTC hướng dẫn một số điều về chế độ tài chính đối với TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài và Nghị quyết 42/2017/QH14 về thí điểm xử lý nợ xấu của các TCTD.
Khảo sát từ báo cáo tài chính năm 2018 đã công bố của 23 ngân hàng cho thấy, tổng số lãi dự thu tại các ngân hàng tính đến cuối năm đạt hơn 77.000 tỉ đồng, tăng 2,7% so với cuối năm 2017 (hơn 75.000 tỉ đồng).
Trong đó, BIDV có số dư lãi, phí dự thu cao nhất với 11.897 tỉ đồng, tăng 25,5%; tiếp theo là Vietcombank với 7.410 tỉ đồng và VietinBank là 6.905 tỉ đồng.
Xét về tỷ lệ giảm lãi dự thu, VietinBank có tỷ lệ giảm cao nhất, đạt 52% (từ 14.524 tỉ đồng giảm về 6.905 tỉ đồng). Cùng có tỷ lệ giảm lãi dự thu cao là VietABank là 15,1%, ABBank 13,3%, Maritime Bank 7,1%…
Về bản chất, lãi dự thu là khoản lãi dự tính thu được trên khoản vay của khách hàng khi ký hợp đồng tín dụng.
Theo thỏa thuận trên hợp đồng thì hằng kỳ ngân hàng đều hạch toán khoản lãi “dự thu” và thu được khi khách hàng “thực trả”.
Đây là một hoạt động bình thường theo nguyên tắc kế toán, tuy nhiên con số lãi dự thu sẽ ảnh hưởng đến khoản thu từ lãi của ngân hàng tùy thuộc vào đánh giá chủ quan về khả năng thu hồi.
Do đó, một số khoản thu từ lãi được ghi nhận để tính toán lợi nhuận nhưng lại khó có thể thu hồi, dẫn đến tình trạng “lãi ảo”. Cùng với tình trạng này là việc số dư nợ xấu ghi nhận sẽ thấp hơn.
Tại VietinBank, cùng với việc giảm lãi dự thu là số dư nợ xấu tăng mạnh và lợi nhuận ngân hàng giảm mạnh trong năm 2018.
Tại những ngân hàng đang trong quá trình tái cơ cấu như Sacombank hay SCB, số dư lãi dự thu ở mức cao do một số khoản nợ xấu được cơ cấu lại và được giãn thời gian trả nợ, giảm thời gian trích lập dự phòng theo phương án được NHNN phê duyệt.
Theo đề án tái cơ cấu của Sacombank, NHNN cho phép ngân hàng này khoanh số lãi dự thu đã ghi nhận của các khoản nợ xấu và tài sản tồn đọng trên báo cáo tài chính đến ngày 31-12-2015, phân bổ dần số lãi và phí dự thu này vào chi phí hoạt động kinh doanh trong thời hạn tối đa 10 năm.
Khi so sánh lợi nhuận sau thuế và lãi dự thu của các ngân hàng có thể thấy tỷ lệ lãi dự thu/lợi nhuận sau thuế tại một số ngân hàng ở mức khá cao như: NCB (67,9 lần), PGBank (20,8 lần), VietABank (16,7 lần) và VietCapitalBank (10,9 lần).
Với tỷ lệ lớn như vậy, nếu có sự điều chỉnh về khoản lãi dự thu thì lợi nhuận của các ngân hàng này sẽ bị ảnh hưởng khá nhiều.
Ở chiều ngược lại, nhóm các ngân hàng có tỷ lệ lãi dự thu/lợi nhuận sau thuế thấp bao gồm Vietcombank, MBBank, VPBank, VIB (0,6 lần).
Với những ngân hàng, việc phải thoái lui một phần lãi dự thu (nếu có) sẽ không ảnh hưởng nhiều đến kết quả kinh doanh.