Những ngân hàng đầu tiên công bố lợi nhuận cả năm 2018 cho thấy lợi nhuận vẫn tăng cao bất chấp tín dụng tăng trưởng thấp.
Trong tuần đầu tiên của năm mới 2019, thị trường bắt đầu đón nhận thông tin cơ bản về kết quả kinh doanh của các ngân hàng thương mại, trước khi có báo cáo tài chính chính thức công bố vào cuối tháng 1-2019. Một điểm chung dễ nhận thấy là tăng trưởng tín dụng chung của ngành cũng như tại hầu hết các thành viên đều ở mức thấp, nhưng tăng trưởng lợi nhuận của đa số các ngân hàng lại rất cao. Dự kiến trong một vài ngày tới, Ngân hàng Nhà nước sẽ công bố mức tăng tín dụng chính xác cho cả năm 2018 cũng như định hướng chung năm 2019, nhưng nhiều khả năng năm qua tín dụng tăng trưởng chỉ quanh mức 14%.
Ngân hàng Sài Gòn Thương Tín (Sacombank), thành viên đầu tiên công bố kết quả kinh doanh ước tính năm 2018, theo nội dung hội nghị tổng kết năm tổ chức sớm của ngân hàng này, tín dụng của ngân hàng này ước tính cũng chỉ tăng trưởng khoảng 14% năm qua, nhưng lợi nhuận lại tăng mạnh. Cụ thể, Sacombank ước tính lợi nhuận trước thuế hợp nhất năm 2018 dự kiến đạt hơn 2.200 tỉ đồng, vượt 20% kế hoạch đại hội đồng cổ đông giao. Theo đó, mức tăng trưởng lợi nhuận dự kiến đạt khá cao, ước tính hơn 47% so với năm 2017.
Còn Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank), lợi nhuận hợp nhất trước thuế ước tính đạt hơn 18.300 tỉ đồng, ước tăng trưởng tới 62% so với năm 2017 dù tín dụng năm 2018 cũng chỉ tăng trưởng khoảng 14,9%. Trong khi đó, thành viên có tốc độ đột biến những năm gần đây là Ngân hàng Tiên Phong (TPBank) cũng vừa công bố kết quả kinh doanh cơ bản, trong đó lợi nhuận trước thuế tăng gần 100% so với năm 2017, đạt 2.258 tỉ đồng.
Thông tin bước đầu cho thấy một ngân hàng khác là VIB cũng tiếp tục có tốc độ tăng trưởng lợi nhuận trước thuế ở mức cao, lên tới khoảng 95% so với năm 2017, trong khi tốc độ tăng trưởng tín dụng cũng khá thấp so với những năm trước với khoảng 17,5%. Còn HDBank dự kiến cũng đã vượt chỉ tiêu kế hoạch lợi nhuận năm 2018, với tăng trưởng dự kiến đạt trên 60%…
Nhiều ngân hàng thương mại bước đầu cho thấy tốc độ tăng trưởng lợi nhuận cao trên cơ sở tăng trưởng tín dụng thấp hơn những năm trước, đó là do chính sách siết dần tăng trưởng tín dụng mà Ngân hàng Nhà nước thực hiện chặt chẽ từ giữa năm 2018. Tuy vậy bù lại, các ngân hàng thương mại đã và đang đẩy mạnh nguồn thu phi tín dụng, dịch chuyển tài sản sang các phân khúc có lãi biên cao hơn như tín dụng bán lẻ hay bước đầu thúc đẩy nhân tố mới là ngân hàng số, cùng hoạt động đầu tư vốn, hoa hồng dịch vụ bảo hiểm…
Thêm vào đó, một trong những nguyên nhân quan trọng dẫn đến lợi nhuận cao là các ngân hàng có nguồn thu từ xử lý nợ xấu. Sau năm năm bán nợ xấu cho Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC), nay đến thời hạn quay về ngân hàng và các nhà băng đang nỗ lực xử lý nợ. Với các khoản nợ xấu này, các nhà băng đã trích lập đầy đủ dự phòng rủi ro với mức 20%/năm, nên đến thời điểm này, nếu xử lý xong sẽ hoàn nhập vào lợi nhuận.
Trong số các ngân hàng, Vietcombank đã tất toán trái phiếu VAMC từ năm 2017, Techcombank tất toán hơn 400 tỉ đồng trái phiếu VAMC trong năm 2018. ACB và MB cũng đã xóa sạch nợ bán cho VAMC, đưa tỷ lệ nợ xấu xuống lần lượt 0,84% và 1,57% trên tổng dư nợ tính đến cuối tháng 9-2018, từ đó kéo dự phòng rủi ro giảm, thậm chí hoàn nhập vào tổng lợi nhuận chín tháng.
Theo lộ trình, phải đến cuối tháng 1-2019 tất cả các ngân hàng thương mại mới công bố đầy đủ báo cáo tài chính năm 2018. Theo đó, kết quả những thành viên ước tính nói trên mới chỉ phản ánh một phần bức tranh chung, trong khi năm qua cũng đã có một vài trường hợp phải hạ chỉ tiêu kế hoạch lợi nhuận so với ban đầu. Lợi nhuận ngành ngân hàng năm 2018 dù đạt mức cao, nhưng tới đây sẽ khó tránh ảnh hưởng khi tăng trưởng tín dụng khó có thể tăng cao, nguồn thu đột biến từ xử lý nợ xấu không còn trong khi áp lực đáp ứng tiêu chuẩn Basel II ngày một lớn. Để gia tăng nguồn thu, các ngân hàng sẽ phải đẩy mạnh phát triển hoạt động dịch vụ, song khó kỳ vọng tăng mạnh trong thời gian ngắn.