Tuần qua, dự thảo sửa đổi Thông tư 43/2016/TT-NHNN của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã gây tranh cãi với quy định mức trần 30% cho vay tiền mặt trong tổng dư nợ tín dụng tiêu dùng, đồng thời yêu cầu các công ty tài chính (CTTC) chỉ cho vay tiền mặt đối với các khách hàng cũ.
Theo lý giải của cơ quan soạn thảo, quy định này nhằm đảm bảo cho vay tiêu dùng phát triển bền vững, lành mạnh, hiệu quả. Tuy nhiên, nhiều người trong lĩnh vực tài chính cho rằng nếu được thông qua, quy định trên sẽ kìm hãm sự phát triển của thị trường cho vay tiêu dùng và tạo đất sống cho tín dụng đen.
Theo tiến sĩ Nguyễn Trí Hiếu, trong nền kinh tế thị trường, cơ quan nhà nước nên để cho CTTC tự điều chỉnh và quyết định việc chọn khách hàng, bởi vì họ mới chính là đối tượng trực tiếp chịu rủi ro nếu không xét tới khả năng trả nợ của khách hàng. Tiến sĩ Cấn Văn Lực, chuyên gia kinh tế trưởng Ngân hàng BIDV cũng cho rằng chủ trương của NHNN là đúng, nhưng cần cân nhắc lại tỷ trọng giải ngân tiền mặt ở mức hợp lý.
Nếu có thể đưa ra một con số phù hợp thì quy định hạn mức cho vay tiền mặt sẽ đạt được cả hai mục tiêu là vừa quản lý rủi ro, đồng thời đảm bảo khả năng tiếp cận tín dụng của người dân, đặc biệt là tín dụng nhỏ, một cách hiệu quả và triệt để. “Việc đặt ra trần hạn mức giải ngân tiền mặt cần được đưa ra dựa trên khảo sát, tính toán cụ thể và đánh giá thực trạng của các CTTC chứ không thể là một con số cảm tính.
Hạn mức này không nhất thiết là 30% mà có thể cao hơn hoặc phù hợp hơn”, ông Cấn Văn Lực nhấn mạnh. Việc khảo sát được ông Lực cho là không quá khó khăn vì thị trường hiện chỉ có 16 CTTC trong đó có 12 công ty đang thực sự có hoạt động cho vay tiêu dùng. Sau khi đưa ra quy định cũng cần lộ trình thực hiện phù hợp.
Nếu được thông qua, Thông tư 43 sẽ làm giảm khả năng tiếp cận nguồn vốn vay hợp pháp của một số lượng lớn người tiêu dùng chân chính, nhất là khách hàng ở các vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa. Đây chính là những đối tượng khách hàng vốn đã “e ngại” tiếp cận những dịch vụ tài chính chính thống bởi sự phức tạp của thủ tục vay vốn, điều kiện vay vốn… trong khi nhu cầu về vốn là rất lớn. Việc giới hạn giải ngân về tiền mặt với các CTTC vô hình trung sẽ đẩy đối tượng khách hàng này tìm đến nguồn vốn phi chính thức thường có mức lãi suất cao hơn rất nhiều.
Năm 2018 là năm đầu tiên NHNN đặt hạn mức tín dụng cho các CTTC giống như với các ngân hàng thương mại truyền thống sau nhiều năm ngành này tăng trưởng bùng nổ. Trong năm 2018, hạn mức tăng trưởng tín dụng NHNN dành cho ba CTTC lớn nhất (nắm 88% thị phần của các CTTC) là khoảng 26%; trong đó FE Credit là 20%; HD Saison và Home Credit là khoảng 35%. Tuy nhiên, theo Công ty Chứng khoán TP. Hồ Chí Minh (HSC), tăng trưởng tín dụng thực tế tại ba CTTC lớn chỉ là 16,68%. Trong năm 2019, hạn mức tín dụng tạm thời đề ra cho ba công ty trên có thể chỉ còn 12%.