Trầm cảm là gì?
Trầm cảm là một tình trạng sức khỏe ảnh hưởng đến não bộ. Nhiều người không hiểu được cảm giác phải chịu đựng từ chứng trầm cảm và cố gắng xua tan nó như là một chứng bệnh tưởng tượng. Thật ra, chứng trầm cảm không phải là một chứng bệnh tưởng, nhưng là một bệnh chứng gây ra do những thay đổi hóa học trong não bộ. Trầm cảm ảnh hưởng tới nhiều người trên thế giới hiện nay, ước tính có 21% nữ giới và 12% nam giới ở Mỹ mắc phải chứng trầm cảm.
Trầm cảm có thể tác động đến mọi người ở mọi độ tuổi, môi trường kinh tế xã hội, trình độ giáo dục hay tình trạng hôn nhân. Nó cũng tác động lên tất cả các viễn cảnh đời sống của con người. Trầm cảm có thể ảnh hưởng tới một con người về các phương diện nghề nghiệp, hôn nhân, tài chính, bạn hữu và đời sống xã hội.
Trầm cảm là chứng bệnh có thể tái diễn với mọi người. Nó đến và sau một thời gian ngắn biến mất rồi lại tái xuất hiện. Buồn thay, nhiều người mắc phải chứng bệnh này mà không hay biết và không được chữa trị. Đây là điều rất nguy hiểm khi nó kết hợp với các căn bệnh khác như các bệnh tim mạch, đột quỵ hay tiểu đường, các triệu chứng thậm chí còn trở nên tệ hơn.
Những nguyên nhân gây trầm cảm
Trầm cảm là căn bệnh rất phức tạp và có thể bị kích hoạt bởi một số yếu tố chẳng hạn như:
Thời tiết: Tình trạng này còn có tên là “rối loạn do ảnh hưởng thời tiết” (SAD), có ảnh hưởng ít nhất trên 5% người Mỹ. Đối với một số người, thời tiết lạnh lẽo mùa đông khiến họ bị lâm vào trạng thái trầm cảm, trong khi đó một số người lại bị chứng này vào mùa hè ấm áp. Các bác sĩ tâm thần tin rằng những phản ứng này là do cơ thể không thể thích nghi được với thời tiết mới do sự mất quân bằng các hóa chất trong não bộ.
Chất Nicotine: Nicotine hấp thu vào cơ thể khi người ta hút thuốc lá, gây ảnh hưởng đến các lượng dopamine và serotonin trong cơ thể và ảnh hưởng tới các neurotransmitter (chất dẫn truyền xung động thần kinh). Vì thế, hút thuốc lá có thể dẫn tới những dao động về tâm trạng và có thể gây trầm cảm.
Bệnh tuyến giáp trạng: là một trong những triệu chứng của bệnh Hypothyroidism (bệnh nhược giáp: loại bệnh do tuyến giáp trạng không sản xuất đủ những hormone) là chứng trầm cảm. Tuyến giáp trạng hoạt động như một neurotransmitter, bao gồm các chức năng khác và cũng giúp điều chỉnh lại mức serotonin. Do đó, chứng trầm cảm có thể xảy ra khi một người mắc bệnh nhược giáp.
Thiếu ngủ: Chứng thiếu ngủ cũng có thể gây ra bệnh trầm cảm. Não bộ bổ sung lại các tế bào của nó trong thời gian bạn ngủ và chứng thiếu ngủ có thể ảnh hưởng đến các chức năng của não.
Truyền thông xã hội: Một cuộc nghiên cứu tiết lộ rằng những người trải nghiệm nhiều thời gian trên truyền thông xã hội, Internet cũng như tự cách biệt bản thân họ với thế giới bên ngoài sẽ dễ bị nguy cơ cao mắc phải chứng trầm cảm.
Các yếu tố môi trường: Những nguyên nhân gây trầm cảm cũng có thể bắt nguồn từ nơi người ta sinh sống. Trong một cuộc nghiên cứu gần đây cho thấy những người sống trong những khu vực đô thị có nguy cơ bị trầm cảm cao hơn do bị các mức độ stress nhiều hơn mà họ phải trải qua, đồng thời với mức độ hoạt động cao hơn trong khu vực não bộ chịu trách nhiệm về điều chỉnh stress.
Thiếu acid Omega-3: Các acid béo Omega-3 hỗ trợ não bộ bằng cách điều chỉnh lại các neurotransmitter; vì thế, những người không uống đủ acid omega-3 có thể bị trầm cảm.
Các yếu tố xã hội: Những người hay đi ra ngoài và có nhiều bạn bè thường ít có nguy cơ phát triển chứng trầm cảm so với những người sống cách biệt, ít giao du.
Dược phẩm: Một số loại dược phẩm gây trầm cảm như một trong những tác dụng phụ của chúng. Chẳng hạn như các loại thuốc ngừa thai có thể dễ gây trầm cảm cho những người dễ có khuynh hướng bị chứng này. Cũng vậy, các loại thuốc trị lo lắng và mất ngủ cũng gia tăng nguy cơ mắc trầm cảm.
Những dấu hiệu và các triệu chứng
Có nhiều triệu chứng về trầm cảm. Trầm cảm có thể dẫn tới: cảm giác buồn bã; cảm giác tuyệt vọng; cảm giác tội lỗi; tâm trạng giao động; cảm thấy mất hứng thú với những hoạt động từng được ưa thích trước đây như tình bạn, quan hệ gia đình và xã hội, quan hệ tình dục; do dự; khó nhớ các sự việc; có ý nghĩ muốn tự vẫn; ảo giác; ảo tưởng bị bạc đãi; bỗng nhiên khép kín với mọi người.
- Xem thêm: Giảm trầm cảm theo cách tự nhiên
Các loại trầm cảm
Trầm cảm phổ thông: Đây là loại trầm cảm phổ biến mà nhiều người mắc phải. Nó biểu hiện như những cảm giác cực kỳ buồn bã, dễ cáu kỉnh, có ý nghĩ muốn tự tử, và gặp khó khăn khi ăn uống, ngủ hay tập trung. Trầm cảm phổ thông có thể điều trị với dược phẩm.
Trầm cảm mãn tính (Dysthymia): Trầm cảm mãn tính tuy không nặng như trầm cảm phổ thông nhưng yêu cầu điều trị nhiều hơn là dược phẩm. Những người bị loại trầm cảm này thường bị tâm trạng suy sụp trong một giai đoạn dài. Họ cũng gặp sự cố khó tập trung, ăn mất ngon, rối loạn giấc ngủ cùng các triệu chứng khác.
Trầm cảm tâm thần: Bệnh nhân bị ảo giác, hoặc hoang tưởng.
Bệnh u sầu: Đây là một hình thức trầm cảm nghiêm trọng, bệnh nhân bị nhiều triệu chứng trầm cảm và hoàn toàn mất hứng thú ham thích bất kỳ mọi hoạt động nào.
Trầm cảm tiền sản, hậu sản: Một số phụ nữ trải nghiệm chứng trầm cảm này trong suốt thời gian mang thai trong khi đối với một số phụ nữ, tình huống xảy ra sau khi sinh con.
Trầm cảm vui buồn bất thường: Cũng còn gọi là rối loạn lưỡng cực và là hình thức trầm cảm nguy hiểm nhất. Bệnh nhân bị rối loạn lưỡng cực thường trải nghiệm qua những thời kỳ trầm cảm, tâm trạng bình thường xen kẽ rồi sau đó lại tới những thời kỳ tính khí thất thường.
Những liệu pháp thiên nhiên chữa trầm cảm
Đây là một vài liệu pháp không sử dụng dược phẩm có hiệu quả chống lại chứng trầm cảm. Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa là chúng có thể thay thế cho những loại dược phẩm y khoa thích hợp.
Ăn kiêng: Một số loại thực phẩm có thể giúp làm gia tăng mức serotonin trong cơ thể và giúp chống trầm cảm. Một số thực phẩm ví dụ như trứng, dầu dừa, trái anh đào (cherry) chua, dầu lanh và acid béo Omega-3.
Tránh cà phê: Đôi khi cà phê có thể góp phần gây ra trầm cảm. Mặc dù nó đem lại cho bạn sự phấn khích tinh thần trong một thời gian ngắn, nó cũng gây xáo trộn sự cân bằng của các hóa chất trong não, đặc biệt là Serotonin.
Trà xanh: Trà xanh chứa chất caffeine cũng giống như cà phê, nhưng nó còn chứa một chất khác tên là L-theanine, trong đó có một số chất liệu tác động đến trí tuệ có thể giúp kích thích mức dopamine. Mỗi buổi sáng uống một chén trà xanh có thể giúp bạn chống trầm cảm.
Thiền: Thiền cũng giúp nâng cao tâm trạng của bạn, đem lại sự thư giãn cho cơ thể và dĩ nhiên cả tinh thần của bạn. Vì thế, thiền có thể giúp nâng cao tâm trạng mỗi khi bạn bị trầm cảm.
Châm cứu: Những cuộc nghiên cứu cho thấy rằng châm cứu là liệu pháp chống trầm cảm rất hiệu quả. Người ta tin rằng châm cứu giúp cải thiện chức năng của não bộ đồng thời điều chỉnh lại tình trạng mất cân bằng trong não.
Trà Cúc La Mã: Trà Cúc La Mã là một liệu pháp rất hiệu quả khác để chữa trầm cảm. Cúc La Mã giúp xoa dịu và thư giãn cho cơ thể, đồng thời cũng giúp chống lại chứng hồi hộp và trầm cảm.
Các liệu pháp: Có nhiều liệu pháp có thể giúp chữa trầm cảm. Đi bộ, liệu pháp giấc ngủ và liệu pháp ánh nắng (sunshine therapy) là một số trong những hình thức trị liệu hiệu quả nhất.
Vitamin B: Những liều lượng thấp vitamin B và acid folic trong cơ thể có liên quan tới trầm cảm. Tuy nhiên nó được tin rằng việc gia tăng hấp thu những vitamin cần thiết này sẽ rất hiệu quả để chữa trầm cảm.
Magnesium: Các ion Magnesium giúp điều chỉnh lượng ion calcium tuần hoàn trong các kênh calcium não bộ, giúp điều chỉnh sản lượng nitric oxide trong não bộ do thiếu hụt magnesium có thể gây tổn thương não, dẫn tới trầm cảm. Gia tăng hấp thu magnesium là bước cần thiết hướng tới việc chống trầm cảm.
Tập thể dục: Cuối cùng, những người bị trầm cảm cần thiết nên tập thể dục vì thể dục giúp tạo tâm trạng hưng phấn, đẩy lùi chứng trầm cảm.
– Tổng hợp