Biển khơi được hiểu là vùng biển nằm ngoài sự chi phối về mặt pháp lý của các nước ven biển, nó chiếm 2/3 đại dương và phân nửa toàn bộ diện tích của Trái đất. Trong hơn 20 năm qua, ngoài nội dung cụ thể của Công ước LHQ về Luật biển năm 1994 (UNCLOS), các chính phủ trên thế giới còn có nhiều bất đồng về những chi tiết tế nhị hơn, nhất là về những biện pháp quản lý nguồn tài nguyên biển khơi. Để giải quyết từng bước vấn đề này, một hội nghị quốc tế đang diễn ra từ ngày 26-8 và sẽ kết thúc vào ngày 9-9-2016 để bàn về hai chủ đề chính, một là phân chia quyền lợi ở biển khơi như thế nào và hai là những hậu quả tiềm tàng của việc khai thác nguồn tài nguyên biển ra sao.
Trong tiến trình hội nghị, một ủy ban trù bị đã được thành lập để thảo luận và soạn thảo một văn kiện có tính pháp lý quốc tế nhằm quy định những nét căn bản của việc bảo tồn và sử dụng bền vững nguồn tài nguyên biển khơi. Họ sẽ chú trọng vào bốn lĩnh vực chính: (1) các tài nguyên biển về mặt di truyền, bao gồm các vấn đề chia sẻ quyền lợi; (2) các biện pháp quản lý, bao gồm các vùng biển được bảo vệ; (3) các tác động về môi trường và (4) chuyển giao công nghệ biển. Phát biểu tại hội nghị, ông Virachai Plasai, đại sứ và đại diện thường trực của Thái Lan tại LHQ, chủ tịch nhóm G77, cho rằng “chúng ta lệ thuộc vào biển và sức khỏe của biển cả tùy thuộc vào chúng ta”. Nhóm G77 đại diện cho 134 quốc gia đang phát triển tại LHQ và có tiếng nói trọng lượng tại diễn đàn này.
Những ngày đầu hoạt động, Ủy ban Trù bị đã thiết lập một danh mục gồm 120 câu hỏi để thảo luận trong bốn phiên họp, mỗi phiên họp kéo dài hai tuần lễ, kết thúc vào năm 2017, bao gồm những điểm chính như sau:
– Đâu là những thách thức quan trọng của vấn đề quản lý biển khơi, và những nhu cầu nào của các nước đang phát triển cần được quan tâm nhất (trong khuôn khổ việc chia sẻ nguồn tài nguyên biển)?
– Làm thế nào xây dựng một văn kiện quốc tế tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà khoa học thuộc các nước đang phát triển tham gia vào cuộc nghiên cứu (thuộc phạm vi chuyển giao công nghệ biển)?
– Xác định quyền lợi của các quốc gia ven biển đối với thềm lục địa của họ như thế nào, bao gồm thềm lục địa bên ngoài 200 hải lý.
Bốn phiên họp của Ủy ban Trù bị sẽ kéo dài trong hai năm 2016 và 2017. Với những chuyển động trong thời gian qua, nhất là với sự tham gia tích cực của nhóm nước G77, người ta hy vọng là vấn đề quản lý biển khơi, chia sẻ quyền lợi giữa các nước và chuyển giao công nghệ biển sẽ sớm được hệ thống hóa thành một công ước biển mới, đầy đủ và tiến bộ hơn.
Lê Nguyễn theo IPS, Telegraph (DNSGCT)