Dinh Q. Lê hay Lê Quang Đỉnh – một trong những nghệ sĩ thị giác đương đại người Việt được biết đến rộng rãi ở nước ngoài – đang có triển lãm đầu tiên của anh tại châu Á. Với tên gọi “Ký ức gửi ngày mai” (Memory for Tomorrow), triển lãm được tổ chức tại Bảo tàng mỹ thuật Mori ở Tokyo từ cuối tháng 7 và sẽ kết thúc vào ngày 12-10-2015.
Với chủ đề chung “Những câu chuyện chưa kể trong bóng tối lịch sử”, triển lãm trưng bày các tác phẩm tiêu biểu của Lê Quang Đỉnh ở nhiều thể loại: tranh, ảnh, sắp đặt, video-art…, qua đó tái hiện những lát cắt về cuộc chiến tranh Việt Nam dưới góc nhìn của một nghệ sĩ người Việt nhưng lớn lên tại Mỹ và nghệ thuật của anh là cách anh tìm về nguồn gốc của chính mình.
Trong số các tác phẩm đầu tiên của Lê Quang Đỉnh có tiếng vang quốc tế là loạt “ảnh đan dệt” (photo weaving) được anh thực hiện từ năm 1989, bằng cách vận dụng kỹ thuật dệt chiếu truyền thống của người Việt để “dệt” các “sợi” hình ảnh lại với nhau thành tác phẩm thị giác, như anh giải thích: “Tôi bắt đầu dùng kỹ thuật này từ rất sớm, khi còn ngồi ở giảng đường đại học. Tôi yêu nhiếp ảnh nhưng còn muốn mang đến những gì hơn thế nữa cho nơi mà tôi đã từng sinh ra và lớn lên. Ở thời điểm ấy, tất cả những gì tôi học được đến từ sự thực hành nghệ thuật phương Tây. Loạt tác phẩm “dệt ảnh” này thực ra là cách tôi xây dựng những câu chuyện và đan dệt chúng lại với nhau để tạo nên điều gì đó khác biệt. Tôi học được cách dệt chiếu từ người dì, rồi từ đó trong tôi diễn ra một quá trình tự nhiên để nghĩ cách làm thế nào cắt hình ảnh ra từng mảnh và “dệt” chúng lại với nhau – theo nghĩa đen, tựa như dệt các nền văn hóa và các nhân dạng lại với nhau. Với loạt ảnh đan dệt này, ý định của tôi là cố gắng đan kết các câu chuyện từ phim ảnh Hollywood với các ký ức cá nhân để dựng lại những gì được biết đến về cuộc chiến tranh Việt Nam”.
Một trong những tác phẩm ảnh đan dệt gây ấn tượng mạnh tại triển lãm được tác giả lấy cảm hứng từ bộ phim Người Mỹ trầm lặng (The Quiet American) – một trong số rất hiếm hoi các bộ phim về cuộc chiến tranh đã qua được quay tại Việt Nam với đạo diễn Phillip Noyce cùng các diễn viên Brendan Fraser, Michael Caine và Đỗ Thị Hải Yến. “Trong phim này, một thiếu nữ người Việt đã tranh luận với hai người đàn ông phương Tây – cả hai đều có cách nghĩ lãng mạn về cô gái khi coi cô như một điều gì đó thật mỏng manh, cần được cứu giúp. Điều đó phản ánh một cách nghĩ chung ở phương Tây, rằng: đất nước Việt Nam giống như một cô gái xinh đẹp cần được cứu giúp. Thế nhưng Việt Nam chúng tôi không cần đến sự cứu giúp như thế, và thường thì những vị cứu tinh kia cảm thấy bị sốc, để rồi khó mà chấp nhận điều đó”. Để thể hiện cách nghĩ sai lầm của phương Tây về Việt Nam, tác phẩm của Lê Quang Đỉnh đã bóc tách những gì Hollywood cố che phủ hình ảnh thật về đất nước này.
Không thể thiếu trong triển lãm “Ký ức gửi ngày mai” là một chiếc trực thăng do hai người nông dân miền Tây Nam bộ chế tạo, thể hiện “khát vọng được bay của người Việt, để chứng tỏ người Việt cũng làm được những gì mà những nước khác làm”, đồng thời cũng gợi lại ký ức một thời về những chiếc trực thăng đã gây bao nỗi kinh hoàng trong chiến tranh. Đi cùng là phần trình chiếu phim video về hai người nông dân chế tạo chiếc trực thăng, cả hai làm thành tác phẩm nổi tiếng thế giới Nông dân và trực thăng mà vào năm 2010 Bảo tàng MoMA danh tiếng bậc nhất ở New York đã triển lãm, sau đó mua tác phẩm này để trưng bày thường xuyên.
Những mất mát, đau thương từ cuộc chiến tranh khốc liệt đã qua còn được Lê Quang Đỉnh thể hiện trong một dự án nghệ thuật nhằm hỗ trợ cho các nạn nhân chất độc da cam, trong đó có loạt ký họa chiến trường của nhiều họa sĩ Việt Nam mà Lê Quang Đỉnh đã sưu tầm được, cho thấy những khoảnh khắc bình yên của người nghệ sĩ khi bom đạn đã ngưng. Đặc biệt gây xúc động cho người xem là những con búp bê dị dạng, thể hiện những đứa trẻ có cha mẹ bịảnh hưởng chất độc da cam, song tất cả đều toát lên vẻ hồn nhiên, thánh thiện như những thiên thần…
Một phương pháp tạo hình khác của Lê Quang Đỉnh được anh sử dụng để làm loạt tranh cuốn: những hình ảnh báo chí được anh kéo dài tới 50m bằng kỹ thuật số rồi in ra giấy và cuốn lại, khi xem phải trải tranh ra theo kiểu cuốn thư. Một trong những tác phẩm này được xây dựng từ hình ảnh hòa thượng Thích Quảng Đức tự thiêu phản kháng sự đàn áp Phật giáo của chính quyền Ngô Đình Diệm vào năm 1963. Trong triển lãm “Ký ức gửi ngày mai” còn có một video art kể về một người đàn ông Nhật hiện đại mà thú vui của ông ta là diễn lại những chương đoạn của cuộc chiến tranh đã qua – vào thời kỳ chính quyền quân phiệt cầm quyền ở xứ Phù tang, dẫn tới Nhật thất trận phải đầu hàng Đồng minh. Tác phẩm này được làm theo yêu cầu của chính Bảo tàng Mori để nhắc nhớ người xem về những tội ác của quân phiệt Nhật trong chiến tranh, có cả nạn đói do họ gây ra tại Việt Nam khiến cả triệu người dân vô tội chết vì không có miếng ăn, và hướng tới hòa bình.
Không chỉ sáng tác, Lê Quang Đỉnh còn được biết đến như người sáng lập Sàn Art, một sân chơi cho các nghệ sĩ trẻ, một tổ chức phi lợi nhuận với các hoạt động nghệ thuật đương đại, ra đời tại TP. Hồ Chí Minh từ năm 2007. Với những cống hiến cho nghệ thuật đương đại tại Việt Nam, vào tháng 8-2011 Lê Quang Đỉnh đã nhận được Giải thưởng Quỹ Hoàng tử Claus của Hà Lan với số tiền thưởng 25.000 euro.
Lê Quang Đỉnh sinh năm 1968 ở Hà Tiên, hiện sống và làm việc tại TP. Hồ Chí Minh. Năm 1978 anh cùng gia đình sang Mỹ định cư ở Los Angeles. Anh tốt nghiệp khoa Mỹ thuật Đại học California năm 1989, lấy bằng thạc sĩ tại School of Visual Arts, New York năm 1992.
- Phạm Đán Bình