Bà Gina Haspel, người phụ nữ vừa được Tổng thống Donald Trump chọn làm tân Giám đốc CIA và được Thượng viện Mỹ thông qua với số phiếu 54/45, là cựu phó giám đốc từng đối mặt với các chỉ trích vì vai trò quá khứ của bà trong CIA. Nhưng sự đồng thuận của sáu thượng nghị sĩ đảng Dân chủ đã giúp bà chiến thắng. Thử lật lại hồ sơ vụ này.
Bí ẩn “nhà an toàn” Detention Site Green
Khi bà Gina Haspel bắt đầu được Tổng thống Donald Trump đề cử làm giám đốc CIA thay cho ông Pompei được chọn làm tân ngoại trưởng Mỹ vào tháng 3 qua, gần như ngay lập tức, truyền thông và đảng Dân chủ đã mở lại cuộc tranh luận về một giai đoạn đen tối trong lịch sử của tình báo Mỹ: dùng các nhà tù bí mật ở nước ngoài để tra tấn tàn nhẫn những nghi can khủng bố.
Phóng viên Đông Nam Á Jonathan Head cho biết lần này, điểm tập trung “xới lại chuyện cũ” là Thái Lan, một “chi nhánh đen” của CIA mà bà Haspel từng điều hành với tư cách trưởng văn phòng CIA ở đó.
Trở lại đầu tháng 4-2002, một máy bay cất cánh từ một căn cứ không quân không được tiết lộ tại Pakistan nhắm hướng Thái Lan.
Trên khoang máy bay có một hành khách đặc biệt. Đó là Abu Zubaydah, một ngươi Palestine sinh ở Ả Rập Saudi 37 tuổi, được cho là một trong những phó tướng hàng đầu của trùm khủng bố Al-Qaeda Osama Bin Laden đã bị Mỹ tiêu diệt.
Y bị bắt vài ngày trước đó trong cuộc bố ráp kết hợp Mỹ – Pakistan tại những ngôi nhà an toàn của Al-Qaeda ở thành phố Faisalabad và được chuyển giao cho CIA.
CIA quyết định xếp y vào loại “tù giá trị cao” đầu tiên, tức là sẽ phải chịu “những phương thức điều tra tăng cường”, thứ mà các tổ chức quyền con người gọi là “tra tấn”. Nhưng trước hết, CIA cần có một địa điểm thuận lợi nhất để tiến hành công việc này.
Tháng 12-2014, Ủy ban tình báo của Thượng viện Mỹ (SSCI) xuất bản một bản tóm lược (executive summary) báo cáo dày 6.000 trang nói về kỹ thuật này.
Nơi Zubaydah và ít nhất là hai tù nhân có giá trị tương tự bị điều tra chỉ được gọi mơ hồ là Detention Site Green. Trong báo cáo, Zubaydah chỉ được nêu là “một cộng sự thân cận của Bin Laden”, còn Thái Lan không được nêu tên là nước chủ nhà của nhà tù bí mật này.
Các quan chức Mỹ và Thái luôn phủ nhận sự tồn tại của nó dù cách phủ nhận của Thái Lan chỉ làm người ta tăng thêm nghi ngờ.
- Xem thêm: Những bí mật đằng sau cánh cửa Nhà Trắng
Mới đây, một cựu quan chức an ninh của Thái Lan khẳng định với báo chí rằng Detention Site Green nằm bên trong căn cứ Không quân Hoàng gia Thái ở Udon Thani phía đông bắc.
“Nhà tù này không lớn mà nhỏ như nhà an toàn của CIA. Người Mỹ có thể sử dụng thoải mái địa điểm này cho đến khi nào chính phủ Thái Lan còn giữ bí mật cho họ.
Bất cứ khi nào có nghi can khủng bố bị bắt ở Mỹ hay tại Thái Lan, họ sẽ được máy bay Mỹ đưa đến đây và rời Thái Lan cũng bằng máy bay Mỹ” – ông ta nói.
Vai trò của Thái Lan
Vậy tại sao CIA lại chọn Thái Lan làm nơi tiến hành phương thức “điều tra tăng cường”? Báo cáo của SSCI nêu rõ môt số lý do khiến CIA chọn Thái Lan.
Thứ nhất, không thể giam nghi can trong căn cứ quân sự Mỹ vì Mỹ phải báo cho Ủy ban Quốc tế Chữ thập đỏ theo công ước quốc tế.
Thứ hai, cơ sở giam giữ lớn tại Guantanamo Bay trên lãnh thổ Cuba không thích hợp vì khó lòng giữ bí mật tại một nơi có quá nhiều con mắt dòm ngó do những vi phạm nhân quyền trước đó.
Ngoài ra, FBI và quân đội Mỹ có thể đòi phải giao việc điều tra cho họ. Tổng thống George Bush chấp nhận chuyển Zubaydah đến Detention Site Green vào ngày 29-3-2002.
Chính phủ Thái Lan được thông báo và bằng lòng ngay trong ngày hôm đó. Việc chọn Thái Lan, cụ thể là căn cứ không quân Udon Thani có một số lý do.
Trong quá khứ, Thái Lan và Mỹ đã từng hợp tác tốt với nhau. Có lúc hai nước là đồng minh thân cận và Thái Lan từng đưa quân tham chiến với Mỹ tại Việt Nam.
Sự hợp tác quân sự và tình báo Mỹ – Thái Lan có từ thời Chiến tranh lạnh. Udon Thani là một trong những căn cứ chính của Mỹ trong thời kỳ này và thường được CIA sử dụng với các máy bay riêng của nó.
Vào lúc CIA xem xét đưa các nghi can Al-Qaeda đến Thái Lan vào năm 2002, quốc gia này có tân Thủ tướng Thaksin Shinawatra, một chính trị gia khá tự tin và muốn đưa đất nước mình đi theo hướng khác.
Ông công khai lạnh nhạt với Mỹ so với các tiền nhiệm, một phần vì sự không hài lòng của các doanh nhân Thái Lan trước việc người Mỹ ít giúp đỡ họ trong cuộc khủng hoảng tài chính châu Á 1997.
Thaksin cũng tìm kiếm mối quan hệ tốt hơn với Trung Quốc và khẳng định Thái Lan sẽ giữ vai trò trung lập trong cuộc chiến chống khủng bố của Tổng thống George Bush, đồng thời nói đi nói lại là “đất nước chúng tôi không có khủng bố”.
Thaksin còn phản bác Mỹ về những cáo buộc vi phạm quyền con người và khẳng định ông không phải là “bù nhìn của Washington”.
Tuy nhiên đằng sau thái độ chống Mỹ của Thaksin, Thái Lan vẫn duy trì quan hệ hợp tác chặt chẽ với Mỹ trong các lãnh vực quân sự, tình báo và thực thi pháp luật.
Nhiều tháng trước cuộc tấn công khủng bố làm sập tòa tháp đôi tại New York, CIA đã thành lập một cơ quan bí mật mới có tên “Trung tâm tình báo Chống khủng bố” (Counter-Terrorism Intelligence Center) gồm nhân sự của ba cơ quan Thái Lan và các đối tác Mỹ với nhiệm vụ chính là truy tìm những phần tử khủng bố Hồi giáo tại Đông Nam Á.
Tuy nhiên, khi CIA đề nghị dùng Detention Site Green để điều tra các nghi can vẫn có một số cản trở từ phía Thái Lan.
Báo cáo của SSCI cho biết dù phía Thái Lan có gửi một số nhân viên cùng điều hành “nhà an toàn” nhưng sau đó các viên chức Thái Lan này được thay thế bởi những người ít hợp tác hơn nên nhà an toàn có nguy cơ phải đóng cửa.
Trưởng chi nhánh CIA tại Thái Lan phải thương lượng để duy trì hoạt động của nhà an toàn. Báo cáo khẳng định có ít nhất tám viên chức Thái Lan cao cấp biết địa điểm bí mật này và có thể nhiều người Thái cũng biết về sự tồn tại của nó.
Khi một số tờ báo lớn tiết lộ vài thông tin về địa điểm, chính phủ Thái Lan bị đẩy vào thế phải đóng cửa nhà an toàn vào tháng 12-2002, hai tháng sau khi bà Gina Haspel được giao nhiệm vụ Trưởng văn phòng CIA tại Thái Lan và chịu trách nhiệm về điểm giam giữ bí mật này.
Không phải nhân vật quan trọng của Al-Qaeda
Khi bị bắt tại Pakistan, Abu Zubaydah đã bị thương nặng nên đến Thái Lan phải vào ngay bệnh viện với sự canh giữ cẩn mật.
Đến ngày 15-4 y mới được chuyển về Detention Site Green. Phòng giam y được CIA mô tả là “trắng, không có ánh sáng ban ngày và không cửa sổ nhưng có bốn bóng đèn halogen rất sáng trên trần”.
Các nhân viên an ninh mặc toàn đồ đen, đi ủng đen, găng tay đen, khăn bịt mặt đen, kính đen để Zubaydah không nhìn được mặt họ và không thể phân biệt được ai để tiếp xúc cá nhân và xây dụng mối quan hệ có lợi cho mình.
Họ thông tin bằng cách ra dấu với tù nhân, còng và xích chân tù nhân khi cần. Ngoài ra còn nhạc rock mở lớn và những thiết bị gây ồn khác để làm mất tinh thần tù nhân. Bị cách ly lần đầu 47 ngày, Zubaydah được cả CIA và FBI lấy cung.
Từ ngày 4-8, y bị nhân viên CIA hỏi cung bằng phương pháp tăng cường trong 20 ngày và bị nhốt 200 giờ trong chiếc hộp “tù túng giống quan tài” và 30 giờ trong chiếc hộp bề ngang có 50cm.
Y cũng bị dộng đầu vào tường và bị dùng ván nước (waterboarded) 83 lần (để trần truồng trên ghế dài, mặt phủ tấm vải trên mặt và dội nước lên đó khiến tù nhân bị sặc và ói mửa).
Nhưng khi Detention Site Green được chuyển giao cho bà Gina Haspel, phương thức điều tra tăng cường không còn được dùng trên Zubydah.
Hai nghi can Al-Qaeda khác là Ramzi Bin al-Shibh và Abd al Rahim al Nashiri được giam cùng nơi với y, nhưng chỉ có Nashiri là bị “waterboarded”.
Tuy nhiên, phương pháp điều tra tăng cường không moi thêm được thông tin quan trọng nào của các tù nhân mà chính phương pháp mềm của FBI lại hiệu quả hơn.
Vai trò của bà Gina Haspel về phương pháp điều tra tăng cường cũng không rõ ràng. Khi được báo chí hỏi về sự liên quan của bà trong cách điều tra bị lên án, CIA từ chối trả lời mà chỉ đề nghị hãy xem lại một bài viết về bà Gina Haspel, trong đó nêu rõ “bà Haspel chỉ đến Thái Lan làm việc sau khi giai đoạn làm ngạt nước Abu Zubaydah đã hoàn tất”.
Thượng nghị sĩ đảng Dân chủ Dianne Feinstein, cựu Chủ tịch Ủy ban tình báo của Thượng viện, nhấn mạnh vai trò của bà Gina Haspel trong việc điều hành Detention Site Green và lệnh phá hủy 92 băng video điều tra của CIA vào năm 2005 ghi tại “nhà an toàn”.
Bà muốn công khai trách nhiệm của Haspel để Thượng viện có đủ căn cứ thẩm định bà có xứng đáng là giám đốc mới của CIA hay không.
Zubaydah được chuyển đến Guantanamo Bay sau khi Detention Site Green ngưng hoạt động vào tháng 12-2002 rồi chuyển đến một điểm giam giữ bí mật khác của CIA tại Ba Lan.
Sau đó lại đến nhiều địa điểm khác trước khi về lại Guantanamo Bay, nơi người ta thấy y lần đầu vào tháng 8-2016, 14 năm sau ngày bị bắt.
Lúc đó, CIA biết là y không quan trọng như họ nghĩ lúc đầu. Hiện địa điểm bí mật tại Udon Thani vẫn chưa được tiết lộ. Từ khi đóng cửa Detention Site Green, quan hệ Mỹ – Thái Lan xấu đi bởi hai cuộc đảo chính quân sự nhưng sự hợp tác quân sự và tình báo vẫn tiếp tục.
Ngày 3-5, Nhà trắng đã ra tuyên bố kêu gọi Thượng viện thông qua đề cử bà Haspel làm giám đốc mới của CIA.
Cựu giám đốc các hoạt động mật của CIA, ông John Bennet, đánh giá cao khả năng và sự đóng góp của bà như một “công bộc mẫn cán, yêu nước và hết lòng vì nhiệm vụ”. “Đây là những đức tính người dân Mỹ cần ở một giám đốc CIA” – tuyên bố của Nhà Trắng nhấn mạnh.