NASA cho biết cặp vệ tinh mới được phóng lên quỹ đạo vào tháng 5 đã kích hoạt hệ thống laser tìm kiếm lẫn nhau, sẵn sàng cho nhiệm vụ theo dõi các tảng băng, khí quyển, đại dương của trái đất.
Là một phần nằm trong chương trình Gravity Recovery và Climate Experiment (GRACE-FO), kết quả của dự án hợp tác giữa cơ quan Hàng không Vũ trụ Mỹ (NASA) và Trung tâm nghiên cứu Khoa học Địa chất (GFZ) của Đức.
Thông qua phương thức trên, hai vệ tinh vẫn giữ được kết nối trong khi bay cùng nhau quanh Trái Đất, theo dõi khoảng cách giữa chúng thay đổi thế nào dưới tác động của trường lực hấp dẫn. Những dữ liệu thu thập được sẽ giúp các nhà khoa học nghiên cứu, theo dõi và hiểu rõ hơn về độ mỏng của các tầng băng, mực nước biển dâng cao và thậm chí cả dòng chảy của magma dưới lòng đất.
Các vệ tinh thuộc thế hệ GRACE trước đây cũng sử dụng kỹ thuật tương tự nhưng sử dụng sóng vi ba. Trong khi đó ở thế hệ GRACE-FO mới, NASA trang bị cả hệ thống dùng sóng vi ba lẫn giao thoa kế laser (LRI – Laser Ranging Interferometer) nhằm cải thiện độ chính xác của các phép đo.
Kirk McKenzie, đại diện NASA cho biết LRI là bước đột phá về phép đo khoảng cách chính xác trong không gian. Tia laser phát ra từ vệ tinh này chỉ hướng vào một lỗ trống kích cỡ chỉ bằng đồng xu trên vệ tinh kia ở khoảng cách 220 km, tốc độ bay theo quỹ đạo quanh Trái Đất khoảng 25.749 km/h.
Theo NASA, lần thử nghiệm đầu tiên trên đã chứng minh các thiết bị LRI hoạt động tốt như mong đợi. Chúng đã kết nối với nhau và thậm chí có thể truyền các dữ liệu khoảng cách đầu tiên về cho nhóm nghiên cứu dưới mặt đất. Tuy nhiên, các nhà khoa học sẽ cần thêm thời gian để tinh chỉnh thiết bị laser, đảm bảo lượng dữ liệu truyền về đầy đủ và chính xác.