Năng suất lao động toàn nền kinh tế theo giá hiện hành năm 2018 ước tính đạt 102,2 triệu đồng/lao động, tương đương 4.521 USD/lao động, ông Nguyễn Bích Lâm, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết.
Theo Số liệu của Tổng cục Thống kê, với mức tăng trưởng kinh tế năm 2018 đạt 7,08%, năng suất lao động của Việt Nam tăng 6% so với năm 2017. Bình quân giai đoạn 2016-2018, năng suất lao động tăng 5,77%/năm, cao hơn mức tăng bình quân 4,35%/năm của giai đoạn 2011-2015. Tính chung giai đoạn 2011-2018, năng suất lao động tăng bình quân 4,88%/năm.
Tổng cục Thống kê tin rằng Việt Nam đã thu hẹp được khoảng cách tương đối với các nước ASEAN có trình độ phát triển cao hơn. Năm 2011, năng suất lao động của Singapore, Malaysia, Thái Lan, Indonesia lần lượt gấp năng suất lao động của Việt Nam 17,6 lần; 6,3 lần; 2,9 lần và 2,4 lần. Nhưng đến năm 2018 khoảng cách tương đối này giảm xuống tương ứng còn 13,7 lần; 5,3 lần; 2,7 lần và 2,2 lần.
Dù vậy, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê cũng thừa nhận, mức năng suất lao động của Việt Nam hiện nay vẫn rất thấp so với các nước trong khu vực, với điểm đáng chú ý là khoảng cách chênh lệch tuyệt đối vẫn tiếp tục gia tăng.
Tính theo PPP 2011, năng suất lao động của Việt Nam năm 2018 đạt 11.142 USD, chỉ bằng 7,3% mức năng suất của Singapore; 19% của Malaysia; 37% của Thái Lan; 44,8% của Indonesia và bằng 55,9% của Philippines.
Chênh lệch mức năng suất lao động, tính theo PPP 2011, của Singapore và Việt Nam tăng từ 132.566 USD năm 2011 lên 141.276 USD năm 2018; tương tự, của Malaysia từ 42.397 USD lên 47.545 USD; Thái Lan từ 14.985 USD lên 18.973 USD.
Theo ông Lâm, công nghiệp và dịch vụ, những ngành kinh tế chủ chốt trong nền kinh tế, chưa đạt kỳ vọng, theo giá hiện hành năm 2018, mới đạt 131 triệu đồng/lao động, gấp 1,3 lần năng suất lao động chung, tăng 47,4 triệu đồng/lao động so với năm 2011.
Khu vực dịch vụ có mức năng suất lao động theo giá hiện hành năm 2018 ước tính đạt 118,1 triệu đồng/lao động, gấp 1,2 lần năng suất lao động chung. Năng suất lao động khu vực dịch vụ năm 2018 tăng thấp nhất kể từ năm 2013 trở về đây với 1,47% so với năm trước, tốc độ tăng bình quân giai đoạn 2011-2018 đạt 3,1%/năm.
Đáng chú ý, khu vực sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản đang ở mức thấp, chỉ đạt 39,8 triệu đồng/lao động, bằng 38,9% năng suất lao động của toàn nền kinh tế, bằng 30,4% năng suất của khu vực công nghiệp và xây dựng, bằng 33,7% khu vực dịch vụ, tính theo giá hiện hành năm 2018.
Cũng theo ông Lâm, quá trình dịch chuyển cơ cấu lao động còn chậm, tỷ trọng lao động khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tuy đã giảm từ 48,4% năm 2011 xuống còn 37,7% năm 2018, trung bình mỗi năm giảm 1,5 điểm phần trăm, nhưng vẫn lớn hơn rất nhiều so với các nước trong khu vực.
Việt Nam đến năm 2018 vẫn còn tới 20,5 triệu lao động làm việc trong khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản, trong khi năng suất lao động khu vực này chỉ đạt 39,8 triệu đồng/lao động, bằng 38,9% mức năng suất lao động chung của nền kinh tế; bằng 30,4% năng suất lao động khu vực công nghiệp, xây dựng và bằng 33,7% năng suất lao động khu vực dịch vụ.
Với năng suất lao động chậm cải thiện, giá lao động tăng lên như hiện nay, nền kinh tế Việt Nam sẽ tiếp tục phải đối mặt với thách thức rất lớn để có thể bắt kịp mức năng suất lao động của các nước, trong bối cảnh cạnh tranh đang ngày một gay gắt hơn.