Phá giá đồng Nhân dân tệ ở mức 4,6%, Trung Quốc triển khai kế hoạch mở rộng đầu tư ra ngoài biên giới, tăng xuất khẩu hàng hóa sản xuất trong nước, trong bối cảnh Việt Nam chưa có thêm những chính sách mới đủ sức giúp doanh nghiệp có thêm năng lực cạnh tranh.
Đồng Nhân dân tệ (NDT) của Trung Quốc (TQ) phá giá ở mức 4,6% ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động nhập khẩu của Việt Nam (VN), đồng thời tạo sức ép cạnh tranh rất lớn lên các DN VN đang làm ăn với thị trường này. Công ty cổ phần Thực phẩm Minh Dương, một công ty chuyên sản xuất bún, miến để xuất khẩu sang TQ và nhập khẩu lại một số nguyên phụ liệu có văn phòng đại diện tại Bằng Tường và có kế hoạch thâm nhập sâu hơn thị trường TQ, đến các tỉnh phía Nam như Quảng Đông, Quảng Tây, Vân Nam, để sau đó mở rộng thị phần toàn TQ. Ông Phạm Xuân Đại, Phó tổng giám đốc Minh Dương cho biết doanh nghiệp mình chịu nhiều bất lợi kể từ khi đồng NDT bị phá giá, nguyên nhân là do nhập nhiều hơn xuất khẩu. Minh Dương buộc phải thay đổi kế hoạch kinh doanh, vừa cố gắng duy trì lượng hàng xuất khẩu sang TQ, vừa giảm nhập khẩu nguyên liệu từ TQ bên cạnh nỗ lực tìm kiếm những thị trường mới, có mức độ cạnh tranh thấp hơn như Singapore, Hongkong…, tuy nhiên chuyện tìm kiếm thị trường mới không phải ngày một, ngày hai.
Trung Quốc tăng hậu thuẫn cho DN
Sang năm 2015, việc đồng NDT tăng giá mạnh hơn so với ngoại tệ khác đã tác động tiêu cực đến hoạt động xuất khẩu của DN TQ. Theo số liệu Tổng cục Hải quan Trung Quốc công bố ngày 8-8, tổng kim ngạch thương mại bảy tháng đầu năm 2015 đã giảm 7,3% so với cùng kỳ năm 2014 xuống mức 13,63 nghìn tỉ NDT, tương đương 2,23 nghìn tỉ USD, trong khi kim ngạch xuất khẩu giảm 0,9% so với cùng kỳ năm trước, chỉ còn 7,75 nghìn tỉ NDT.
Công ty cổ phần hữu hạn ôtô Tân Sở Phong – Hồ Bắc trong một thời gian dài đã nhận được không ít hợp đồng sản xuất xe như xe rơ-mooc, xe đông lạnh, xe đầu kéo từ các đối tác VN. Ông Vũ Văn Lôi, Phó tổng giám đốc doanh nghiệp này nói đồng NDT được định giá cao là nguyên nhân khiến công ty của ông phải giảm 5% giá bán so với năm 2014 để có thêm đơn hàng từ VN, kéo lợi nhuận xuống thấp hơn nhiều so với trước.
Việc TQ phá giá đồng NDT chỉ mới ba tuần lễ nên chưa thể đánh giá hết được tác động xuất khẩu hàng hóa TQ vào VN. Tuy nhiên, động thái này đã kéo giá hàng hóa trên thị trường nội địa TQ giảm mạnh, tạo lợi thế cạnh tranh cho DN nước này ngay cả khi vấn đề chất lượng các sản phẩm có xuất xứ TQ đang được khách hàng thế giới quan tâm nhiều hơn. Ông Trương Thế Bác, Phó tổng giám đốc Công ty TNHH Sợi tổng hợp Bác Thao – Hồ Bắc tuần trước không ngần ngại khoe những lợi thế đem lại từ việc TQ phá giá đồng NDT, trong đó DN được tăng sức cạnh tranh. Theo ông này, giá thành sản phẩm sợi, vải của Bác Thao đã giảm tới 2%, rẻ hơn hàng của Hàn Quốc và hàng sản xuất tại VN.
Kinh tế toàn cầu vẫn tăng trưởng chậm và giá cả hàng hóa vẫn suy giảm, việc TQ phá giá đồng NDT cũng dẫn đến sự điều chỉnh kế hoạch làm ăn của DN TQ. Ông Vũ Văn Lôi khẳng định vẫn làm ăn với DN Việt, bởi đây là thị trường tiềm năng trong ASEAN. Hệ thống đường giao thông của VN phát triển đang kéo theo nhu cầu nhập khẩu xe ôtô từ TQ. Dự báo mức tăng trưởng năm tới, ông Vũ Văn Lôi cho rằng có thể lên tới 18 – 20%, còn linh kiện có thể tăng ở mức thấp hơn. Cạnh đó, việc thu nhập bình quân đầu người của VN tăng lên sẽ là yếu tố quan trọng cho thị trường xe thương mại phát triển vào trong năm năm tới.
Việt Nam vẫn “mơ” cân bằng thương mại
VN và TQ đặt mục tiêu đưa kim ngạch thương mại song phương đạt 60 tỉ USD vào năm 2015 và giảm nhập siêu của VN từ TQ. Sự đồng thuận về mục tiêu tăng kim ngạch song phương qua từng giai đoạn khiến không ít các nhà quản lý, các nhà hoạch định chính sách kinh tế, thương mại nhiều năm qua chưa thoát khỏi “giấc mơ” cân bằng cán cân thương mại với TQ. Nếu nhìn vào chính sách biên mậu của TQ, sẽ thấy cân bằng cán cân thương mại giữa hai nước chỉ là công cụ TQ dùng để “dỗ dành” VN mở rộng hơn cánh cửa xuất khẩu cho nước này, thậm chí làm “bàn đạp” cho hàng hóa TQ tiến vào ASEAN. Ông Trần Bảo Giám, khi đó là Vụ trưởng Vụ Thương mại Miền núi – Bộ Công thương đã không ít lần cảnh báo về “chính sách riêng” của TQ dành cho mỗi một nước có chung đường biên giới, nhằm quy định các DN được quyền kinh doanh biên mậu khác nhau.
TQ thường xuyên thay đổi chính sách biên mậu. TQ áp dụng linh hoạt cho từng cửa khẩu, khu vực, địa phương. TQ khuyến khích thanh toán bằng đồng NDT, mở rộng ưu đãi đối với các lĩnh vực kinh tế, thương mại qua các cửa khẩu biên giới đất liền. Đặc biệt, với “Chính sách ưu đãi Thương mại biên giới” về tài chính, thuế quan và đầu tư, TQ kết hợp chặt chẽ giữa quản lý của Chính phủ với việc trao quyền chủ động cho khu tự trị dân tộc Choang, Quảng Tây và tỉnh Vân Nam trong giao thương với VN. Trong khi đó, cơ cấu hàng VN xuất sang TQ giá trị không cao, hầu hết vẫn ở dạng nguyên liệu thô hoặc sơ chế nên sức cạnh tranh kém, dễ bị ép giá. Việc mở rộng xuất khẩu hàng hóa vào thị trường TQ còn nhiều hạn chế. Hệ thống hạ tầng thương mại phục vụ phát triển biên mậu ở khu vực cửa khẩu phía VN thiếu đồng bộ. Đường giao thông ở một số nơi chật hẹp, xuống cấp, chưa đáp ứng yêu cầu vận chuyển hàng hóa. Tình trạng ùn tắc hàng nông sản tại các cửa khẩu tỉnh Lạng Sơn là một ví dụ.
Thực tế cho thấy, việc quản lý cửa khẩu giữa VN và TQ chưa đồng nhất, trao đổi hàng hóa phụ thuộc rất nhiều vào phía TQ về thời gian, địa điểm giao hàng. Hàng hóa của TQ có thể vào thị trường VN qua bất cứ cửa khẩu nào, còn hàng của VN xuất sang TQ buộc phải qua một hoặc một số cửa khẩu do phía TQ chỉ định, như cao su chỉ được qua cửa khẩu Móng Cái hoặc Lục Lầm; thủy hải sản chỉ được qua Móng Cái; hoa quả tươi chỉ được qua Lào Cai hoặc Lạng Sơn. Thậm chí, chỉ khi được TQ “bật đèn xanh”, DN của VN mới được xuất khẩu hàng hóa.
Những gì đang diễn ra cho thấy Trung Quốc đang nỗ lực sắp xếp lại các khu vực trong nền kinh tế, đảm bảo mục tiêu tăng trưởng. Như vậy, việc làm ăn với TQ sẽ càng khó khăn hơn trong bối cảnh VN chưa có một chiến lược lâu dài về phát triển thương mại với TQ, chưa có chính sách, giải pháp xử lý vấn đề nhập siêu từ TQ và như vậy, DN VN sẽ tiếp tục chịu tác động tiêu cực do bị động trước các chính sách của nước này.
Vân Nguyễn (DNSGCT)