Những bất ổn trên thị trường tài chính thế giới suốt những tháng qua khiến người ta lo ngại châu Á sẽ phải đối mặt với khó khăn như đã xảy ra trong cuộc khủng hoảng năm 1997, bao gồm áp lực hạ giá đồng tiền khu vực, viễn cảnh thương mại tồi tệ và tăng trưởng kinh tế chậm. Tuy nhiên, bất chấp những dấu hiệu sa sút đang diễn ra tại nhiều thị trường chứng khoán ở châu Á, bài học để đời cách đây 18 năm có thể sẽ giúp nền kinh tế châu lục này trở nên bền bỉ hơn trước những cú sốc lớn hơn sắp ập đến. Có điều cơn đau ấy có khả năng trở thành “vết thương lớn” nếu chẳng may nền kinh tế lớn thứ hai thế giới Trung Quốc tiếp tục lún sâu hơn vào một cơn suy thoái kéo dài và cắt giảm nhu cầu hàng hóa nhập khẩu từ các nền kinh tế nhỏ hơn trong khu vực. Trước năm 1997, nhiều chính phủ các nước như Thái Lan, Malaysia, Indonesia và Hàn Quốc đã định giá đồng tiền trong nước trực tiếp dựa trên USD và điều này đã giúp giới đầu cơ thu hút nhiều dòng ngoại tệ nóng vào trong nước thông qua các hình thức như mua chứng khoán, địa ốc…, tạo ra tình trạng bong bóng, nhìn ngoài thì rất hùng mạnh nhưng thực chất nền kinh tế lại mất cân bằng trầm trọng. Khi tốc độ kinh tế tăng chậm lại, giới đầu cơ rút ngoại tệ ra khỏi quốc gia, đồng nội tệ nhanh chóng mất giá, buộc các chính phủ phải chi hàng tỉ USD dự trữ ngoại hối để giữ giá đồng nội tệ. May mắn thay, cơ cấu định giá bằng USD sau năm 1997 đã được nhiều nước châu Á từ bỏ và do đó tình hình hiện nay đã khác so với trước.
Sau khi hết lệ thuộc vào đồng USD vào cuối thập niên 1990, các nền kinh tế đang phát triển khắp châu Á lại trở nên phụ thuộc quá nhiều vào Trung Quốc, từ việc xuất khẩu các mặt hàng khoáng sản, lâm nghiệp, năng lượng cho đến nhiều hàng hóa tiêu dùng khác. Do đó, câu hỏi đặt ra là châu Á sẽ còn cầm cự được bao lâu trước một Trung Quốc đang chìm vào một cuộc khủng hoảng với quy mô và mức độ kéo dài chưa thể dự đoán trước? Kém xa mức tăng trưởng kinh tế dự tính 10% đặt ra hồi đầu năm, nền kinh tế lớn thứ hai thế giới chỉ đang tiến chậm với mức tăng dưới 7%. Đồng thời Bắc Kinh không ngừng phá giá đồng nhân dân tệ gây sức ép không nhỏ đến giá trị đồng tiền của nhiều nước trong khu vực, khiến giới đầu tư quốc tế hoang mang về khả năng Trung Quốc sẽ tiếp tục yếu kém hơn trong thời gian tới. Không chỉ dừng ở đó, các nước nằm ngoài châu Á gồm Brazil, Nga, Chile và Nam Phi cũng bị ảnh hưởng không nhỏ, bởi Trung Quốc là đối tác thương mại hàng đầu tại đây với tư cách nhà nhập khẩu các mặt hàng quặng sắt, nông sản và kim loại quý. Câu hỏi đặt ra giờ đây chính là các nhà đầu tư trong khu vực sẽ phải làm gì? Theo giới phân tích tại Tổ chức phân tích thị trường HIS khu vực châu Á – Thái Bình Dương, lựa chọn lý tưởng nhất vẫn là những mục đầu tư an toàn hơn bao gồm USD và công trái phiếu phát hành bởi chính phủ Mỹ!
Lâm Kiên theo AFP (DNSGCT)