Tuần qua, các thông tin liên quan đến việc đào tạo ngành Y tại Trường Đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội thêm một lần nữa cho thấy hậu quả của sự thiếu tổ chức, thiếu quy hoạch của ngành giáo dục nước ta.
Diễn tiến sự việc có thể tóm lược như sau:
Ngày 19-11-2015, Bộ Giáo dục và Đào tạo quyết định cho phép Đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội đào tạo trình độ đại học, hệ chính quy ngành Y đa khoa, Dược khoa, trong khi hai ngày trước đó Bộ Y tế đã có văn bản yêu cầu trường hoàn thiện một số điều kiện thì mới ủng hộ.
Ngày 2-12, Văn phòng Chính phủ thông báo ý kiến của Phó thủ tướng Vũ Đức Đam về vấn đề này, theo đó việc cho phép mở ngành đào tạo ngành Y nói chung, bác sĩ, dược sĩ nói riêng, cần đặt chất lượng là tiêu chí hàng đầu. Bộ Giáo dục và Bộ Y tế cần thống nhất văn bản quy định tiêu chí, điều kiện mở ngành, tuyển sinh đào tạo y khoa, dược học đảm bảo chất lượng nhân lực ngành y tế.
Ngày 4-12, Bộ Giáo dục và Bộ Y tế thống nhất tạm dừng việc xem xét mở ngành đào tạo trình độ đại học, cao đẳng ngành Y – Dược thuộc khối không chuyên y – dược. Lý do là việc đào tạo ồ ạt ngành này ở nhiều trường đại học – cao đẳng không chuyên dẫn đến tình trạng thừa nhân lực ngành Y, chất lượng đầu ra không bảo đảm, gây bức xúc cho người dân.
Chẳng phải chỉ riêng ngành Y, nhiều ngành đào tạo khác cũng rơi vào tình trạng này.
Hậu quả là số người tốt nghiệp đại học – cao đẳng bị thất nghiệp ngày càng đông. Theo bản tin cập nhật thị trường lao động Việt Nam quý II năm 2015 do Viện Khoa học Xã hội vừa công bố, số lượng người thất nghiệp có trình độ đại học trở lên vẫn tiếp tục tăng với khoảng 199.400 người, chiếm 17,4% số người thất nghiệp, tăng khoảng 22.000 người so với quý trước. Đây được xem là thước đo của đào tạo đại học ở nước ta. Số liệu thống kê mới nhất của Bộ Giáo dục và Đào tạo cho thấy cả nước hiện có khoảng 480 trường đại học, cao đẳng, tăng gấp đôi số trường chỉ trong vòng một thập niên.
Mười năm trước đây, số cơ sở giáo dục tăng ở tất cả các cấp học để phục vụ nhu cầu học tập của người dân, nhưng tăng nhanh nhất là ở cấp đại học. Việc mở rộng nhanh mạng lưới các trường đại học – cao đẳng trong giai đoạn này nhằm thực hiện mục tiêu đạt tỷ lệ 200 sinh viên/10.000 dân vào năm 2010 và 450 sinh viên/10.000 dân vào năm 2020.
May mắn thay, sau đó do nhận thấy mục tiêu này chẳng qua là chạy theo số lượng mà không chú ý đến chất lượng đào tạo, năm 2013 Bộ Giáo dục và Đào tạo đã trình Chính phủ ban hành quyết định điều chỉnh lại quy hoạch mạng lưới các trường đại học – cao đẳng.
Tháng 3-2014, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã gửi công văn đến các tỉnh, thành phố, bộ, ngành về việc dừng tiếp nhận hồ sơ nâng cấp, thành lập mới các trường đại học – cao đẳng để rà soát lại hệ thống.
Tình hình phát triển ồ ạt các đại học tư trong thời gian qua là hiện tượng gây nhiều suy ngẫm. Số lượng các trường tăng quá nhanh trong thời gian ngắn không hẳn là do nhu cầu của xã hội và thậm chí của những ai quan tâm đến việc trồng người. Có nhiều hiện tượng cho thấy không ít tổ chức, cá nhân hùn vốn mở trường không chỉ nhằm mục đích kinh doanh giáo dục mà còn kinh doanh địa ốc, lợi dụng các chính sách ưu đãi đất đai cho giáo dục để sở hữu được nhiều dự án địa ốc.
Khi khủng hoảng xảy ra, bất động sản mất giá, các trường này cũng khựng lại. Nhiều trường chỉ còn là bản vẽ để trưng ra tuyển sinh, còn thực tế thì thuê mướn, chắp vá mặt bằng. Kinh tế khó khăn lại càng làm cho việc đầu tư vào cơ sở vật chất của các trường này bị giảm sút, dẫn đến trường không ra trường.
Đội ngũ giảng viên cũng vậy, vay mượn khắp nơi, khiến chất lượng giảng dạy không đảm bảo. Nhiều giảng viên ở các đại học công “chạy sô” về các tỉnh kiếm tiền, xao lãng công việc chính của mình, thiếu trách nhiệm với sinh viên. Những điều này kết hợp với nhau làm cho việc tuyển sinh của trường tư đã khó lại càng thêm khó. Việc giải thể hoặc sáp nhập các trường đang trong tình trạng “chết lâm sàng” vì thế là không tránh khỏi.
Bên cạnh sự bùng nổ trường tư, Nhà nước lại cho nâng cấp ồạt các trường cao đẳng công lên đại học công. Điều này càng khiến chất lượng dạy và học xuống cấp so với mặt bằng kiến thức vốn đã thấp. Nhiều trường trước đó chỉ là trường trung cấp, sau vài năm lên cao đẳng cũng được nâng cấp thành đại học, cơ sở vật chất cũng như đội ngũ chẳng thay đổi gì.
Trong việc nâng cấp một trường cao đẳng lên đại học, quan trọng nhất là đội ngũ giảng viên và cơ sở vật chất có tương xứng hay không. Nếu đội ngũ giảng viên không đảm bảo thì nhất định không làm. Đại học phát triển kiểu ấy thì chỉ là “học đại”.
Thực trạng lạm phát đại học suy cho cùng là do chủ trương của Nhà nước khuyến khích mở trường một cách dễ dãi, dẫn đến tâm lý thuần lợi nhuận trong hoạt động giáo dục dưới hình thức kinh doanh. Không ít nhà đầu tư, chứ không phải là nhà giáo dục, cho rằng nếu biết tận dụng những kẽ hở của chính sách và cơ chế xin – cho thì việc mở trường đại học có thể thu về siêu lợi nhuận. Một xã hội chuộng bằng cấp và khó kiếm việc làm là môi trường tốt để các nhà kinh doanh móc túi các bậc cha mẹ.
Đại học mở ra để giải quyết đầu vào mà không chú trọng đầu ra đáp ứng nhu cầu lao động có chất lượng cho nền kinh tế tất nhiên sẽ mất cân đối trong bài toán việc làm. Lãnh đủ hậu quả này không chỉ là các bạn trẻ, các bậc cha mẹ mà còn cả xã hội phải đối phó với tình trạng thất nghiệp, nguồn lực quốc gia bị lãng phí.
Điều đáng nói là xã hội ta không có các định chế đánh giá hay xếp hạng chất lượng đào tạo của các trường đại học, trong thời đại bùng nổ thông tin với những chương trình quảng bá và quảng cáo thiếu trung thực khiến dư luận càng mờ mịt khó biết thực hư, chất lượng giáo dục vì vậy trở thành một ẩn số.
Ở các nước phát triển, muốn thành lập một trường đại học tư phải có nguồn lực tài chính và nhân sự độc lập, chương trình đào tạo, chuẩn đầu ra rất chi tiết căn cứ vào nhu cầu xã hội, phù hợp với chiến lược phát triển của đất nước. Và như vậy Bộ Giáo dục cũng chẳng phải quá tốn kém nhân lực và tiền bạc cho những kỳ tuyển sinh đại học, các trường sẽ tự lo lấy miễn sao bảo đảm đúng cam kết chất lượng đầu ra và đánh giá của nơi sử dụng lao động.
Cũng đã có nhiều ý kiến của các chuyên gia, nhà giáo dục đề nghị nên cổ phần hóa trường công lập, vừa giải quyết được vấn đề ngân sách, vừa tạo điều kiện để xã hội chia sẻ gánh nặng cho ngành giáo dục – đào tạo.
Việc cổ phần hóa này cũng sẽ làm cho khối đại học tư mạnh lên, không phải do tăng số sinh viên mà còn tận dụng các nguồn tri thức phong phú và đa dạng để nâng cao chất lượng đào tạo. Điều này sẽ hạn chế sự lãng phí rất lớn cho giáo dục khi người có năng lực được đặt ngồi đúng chỗ.
Trở lại với vấn đề thất nghiệp của sinh viên ra trường, ai cũng dễ nhận ra đây là hậu quả của giáo dục và đào tạo. Số liệu đáng tin cậy từ các cơ quan chức năng cho thấy, mỗi năm nhu cầu của thị trường lao động Việt Nam chỉ khoảng 20.000 người có trình độ đại học trở lên, trong khi số người tốt nghiệp đại học khoảng 400.000 người, dẫn đến việc cử nhân, kỹ sư thất nghiệp, làm trái nghề, làm lao động chân tay là khó tránh khỏi.
Nhưng cũng phải thừa nhận một thực tế là phần lớn sinh viên đã tốt nghiệp còn yếu về chuyên môn, thiếu khả năng thích ứng trong môi trường cạnh tranh. Bên cạnh đó, kinh tế chưa hồi phục, các doanh nghiệp phá sản hoặc thu hẹp kinh doanh dẫn đến dư thừa lao động thì sự gia tăng quá nhanh các trường đại học và các ngành học không theo quy hoạch, chất lượng đào tạo thấp, khiến tỷ lệ thất nghiệp của sinh viên mới ra trường ngày một tăng cao.
Theo bà Nguyễn Thị Lan Hương, Viện trưởng Viện Khoa học Lao động và Xã hội thì hiện số lao động có trình độ chuyên môn, kỹ thuật khoảng 10,7 triệu người, chiếm hơn 20% lực lượng lao động, riêng trình độ đại học trở lên có 4,47 triệu người.
Điều này cho thấy, nước ta đang mất cân đối về cơ cấu lao động qua đào tạo nghề và giáo dục đại học, người có bằng đại học dư thừa, nhưng lao động tay nghề lại thiếu. Năm học vừa qua, thí sinh 12 điểm vẫn có thể đỗ vào đại học. Sau bốn năm học các bạn trẻ sẽ có bằng đại học nhưng không phải là người lao động có trình độ đại học.
Trong khi con số cử nhân thất nghiệp lên tới vài chục ngàn mỗi năm thì có tới 75% đến 90% số học viên tốt nghiệp các trường trung cấp, cao đẳng nghề có việc làm ngay, nhiều trường dạy nghề không đáp ứng đủ nhân lực theo đơn đặt hàng từ các doanh nghiệp. Đây chính là hệ quả tất yếu của việc bỏ qua nhiệm vụ phân luồng và hướng nghiệp cho học sinh ngay từ bậc phổ thông.
Rõ ràng việc phân luồng rất quan trọng vì giúp học sinh sớm định hướng được tương lai nghề nghiệp, chứ không phải cứ học mãi một con đường lên đại học rồi thất nghiệp như những năm qua.
Lê Minh Trí (DNSGCT)