VN-Index cứ lui dần, lần lượt phá các mốc chẵn 610, 600, 590, 580, 570…, khiến cho các nhà đầu tư kiên định và những dự báo “thị trường sẽ tăng trưởng vào cuối năm” phải lung lay dữ dội. Nhà đầu tư đang đứng trước một quyết định khó khăn, đó là tạm rút khỏi thị trường chờ khi xu hướng tăng trở nên rõ ràng, hay vẫn đầu tư vào những cổ phiếu căn bản theo trường phái giá trị?
Sau tháng 11 “xuống dần đều”, hy vọng về một sự khởi sắc của thị trường vẫn chưa xuất hiện khi những diễn biến giao dịch trong tuần đầu tháng 12 đang cực kỳ ảm đạm. Sắc đỏ gần như thường trực, người mua kẻ bán chẳng mấy mặn mà. Một tuần đầy nặng nề với những người đang nắm cổ phiếu và VN-Index đã giảm thêm 11,24 điểm (1,93%), chỉ còn 571,62 điểm. Đồng pha với VN-Index, HNX-Index cũng giảm 1,35 điểm (1,66%), đạt 80,16 điểm. Điều đáng nói là thanh khoản của thị trường càng về cuối tuần càng giảm mạnh. Khối lượng khớp lệnh trên sàn HSX giảm 34,8% so với tuần trước và điều tương tự cũng đến với sàn HNX, khi khối lượng khớp lệnh giảm đến 39,3%. Thông thường, với mức giá chung đã giảm đáng kể so với vùng đỉnh gần nhất như hiện nay, dòng tiền bắt đáy sẽ được kích thích để hoạt động mạnh, kéo theo ít nhất là thanh khoản và sau đó là giá cổ phiếu đi lên. Tuy nhiên, lần này kịch bản ấy đã không xảy ra. Ngược lại, cả giá cổ phiếu lẫn khối lượng giao dịch khớp lệnh đều đang sụt giảm, người nắm giữ tiền đang nghe ngóng thông tin, cả từ trong nước lẫn quốc tế, chứ chưa muốn vào cuộc. Ngay cả các công ty chứng khoán cũng khuyến nghị nhà đầu tư khoan tham gia thị trường. Có thể nói, sự sút giảm niềm tin của các nhà đầu tư về khả năng hồi phục của thị trường chính là thông tin tiêu cực nhất trong giai đoạn hiện nay, khiến cho các chỉ số đi xuống và thanh khoản dần trở nên cạn kiệt. Một sự lý giải cho thanh khoản giảm mạnh là sự giảm đi đáng kể của dòng tiền margin. Sau những cảnh báo về sự gia tăng của dòng tiền này, nhiều nhà đầu tư – chủ động hoặc bị động (bị call margin) đã đưa tài khoản của mình về vùng an toàn, nghĩa là không vay tiền từ các công ty chứng khoán nữa. Thiếu dòng tiền đầu cơ này, thị trường trở nên yên ắng. Nếu đây là một nguyên do thì quả thực rất đáng lo ngại, bởi dòng tiền vay mượn có tính chi phối quá lớn như vậy không hề tốt cho sự phát triển lành mạnh của thị trường.
Giao dịch của nhà đầu tư nước ngoài trong tuần đầu tiên của tháng 12 cũng góp phần vào xu hướng chung của các chỉ số, đó là vẫn tiếp tục “bán nhiều hơn mua” và việc bán ròng trong tuần qua được thực hiện trên cả hai sàn giao dịch, với tổng giá trị bán ròng gần 500 tỉ đồng, gấp gần bốn lần so với một tuần trước đó. Nếu không có một sự đột biến nào trong những ngày còn lại của tháng 12 này, dòng vốn ngoại đầu tư vào thị trường chứng khoán trong năm 2015 là không cao so với mọi năm. Việc dòng vốn này suy giảm càng khiến cho những dự báo tích cực trở nên khó thành.
Có khá nhiều lý do để người ta tin vào một sự tiếp tục đi xuống của các chỉ số. Trong nước, hoạt động sản xuất bị thu hẹp, chỉ số nhà quản trị mua hàng (PMI) Nikkei tháng 11 chỉ là 49,4 điểm. Sự sụt giảm của ngành sản xuất trong nước một phần cũng do tác động từ bên ngoài, khi lực cầu của thế giới còn yếu. Cán cân thương mại nước ta vẫn thâm hụt, nhập siêu gia tăng. Tỷ giá cũng chạm trần, ảnh hưởng đến nguồn dự trữ ngoại hối quốc gia. Nền kinh tế toàn cầu vẫn đang trong tình trạng suy yếu với những căng thẳng về địa – chính trị và giá dầu tiếp tục giảm.
Chính vì e ngại những diễn biến xấu chưa chấm dứt, những ngày đầu tháng 12, đa số cổ phiếu đầu cơ đã rục rịch giảm giá. Việc FTSE Vietnam Index công bố danh mục tái cơ cấu của mình vào cuối tuần qua, với các mã NT2, DBT và BHS được thêm vào, đã không gây ra hiệu ứng tích cực đáng kể cho thị trường. Tuy nhiên, tình hình cũng không phải quá bi quan với tất cả. Trong giai đoạn vừa qua, nhiều cổ phiếu vẫn có mức tăng trưởng khá, đặc biệt là nhóm cổ phiếu bất động sản và xây lắp. Dòng tiền đổ vào những cổ phiếu này sau khi thị trường bất động sản có tín hiệu hồi phục trong thời gian gần đây.
Tình trạng thanh khoản cạn kiệt tiếp tục thể hiện trong phiên giao dịch đầu tuần (7-12) khi tổng giá trị giao dịch trên HSX chỉ đạt 1.388,547 tỉ đồng, dù giá cổ phiếu đã xuống rất thấp. Có đến 133 mã giảm giá trong khi chỉ 83 mã tăng giá khiến cho VN-Index mất thêm tám điểm, lui về mốc 563,62 điểm. Hầu hết các mã bluechip, dầu khí, ngân hàng… đều giảm điểm mạnh. Dù vậy, việc thanh khoản quá thấp cũng chứng tỏ nguồn cung cổ phiếu giá rẻ không nhiều và điều này có thể là khởi đầu cho giai đoạn tích lũy của các cổ phiếu cơ bản tốt trước khi có bước tăng giá mới.
Tuấn Thành (DNSGCT)