Trong cuộc sống, để động viên nhau thực hiện một việc gì đó, người ta thường gắn cụm từ “không khó” vào đằng sau. Để rồi ai cũng cảm thấy chẳng có gì là khó cả, từ làm giàu, kiếm tiền nhanh, cho đến học tiếng Anh (Hàn, Trung, Nhật…), học guitar… Không tin ư? Bạn thử gõ một phát, sẽ có ngay, trên… Google.
Trên sàn chứng khoán, nhà đầu tư mới cũng thường được những nhà môi giới của các công ty chứng khoán vẽ ra nhiều kịch bản kiếm tiền, làm giàu không khó từ thị trường, thấy hấp dẫn nên quyết định mở tài khoản để “chơi”. Đúng là sẽ có những giai đoạn kiếm tiền không khó thật. Mua trúng một “con” đang đà lên, mỗi ngày mở tài khoản ra thấy màu xanh bên phía “lãi/lỗ” thật thích mắt. Lãi to rồi! Càng ngày càng lãi, cứ theo đà này thì từ tài khoản mấy trăm triệu đồng ban đầu, vài tháng nữa chắc mình chẳng cần làm gì cũng dư tiền xài… Nhưng rồi niềm vui ngắn chẳng tày gang.
Thị trường chứng khoán năm 2015 trôi qua với những thăng trầm. Nếu xét theo chỉ số VN-Index, giả sử một tài khoản mở từ đầu năm, mua một danh mục các cổ phiếu có sự thay đổi giá tương tự mức lên xuống của VN-Index (thường các bluechip có đồ thị gần với chỉ số chung), nhà đầu tư sẽ có khoản lãi gần 5% (là mức tăng của VN-Index trong năm 2015) cộng thêm với cổ tức. Cũng… tạm ổn.
Thế nhưng, tiếng thì thị trường tăng như vậy, nhưng năm vừa qua, số cổ phiếu tăng giá như VNM, BVH, VCB,… là không nhiều, đa số đều giảm mạnh, trong đó có nhiều cổ phiếu quen thuộc từng làm mưa làm gió. Có thể kể, HVG giảm gần 40%, GAS giảm khoảng 50%, HAG lao dốc ghê hơn, lên đến 53%… Thế nên, chọn được mặt (cổ phiếu) để gửi vàng không dễ.
Ấy vậy mà có người nói, nếu biết cách mua đi bán lại cổ phiếu, vẫn có thể kiếm được tiền, thậm chí từ tài khoản 10 triệu đồng ban đầu có thể lên đến… 50 tỉ đồng vào cuối năm. Bạn không tin à? Người ta nói có sách, mách có chứng đàng hoàng, làm giàu đúng là không khó, chỉ cần nương theo đúng những con sóng của các cổ phiếu mà “lướt”. Tất nhiên là phải sử dụng margin hết cỡ. Tiền ít mà muốn giàu nhanh, thì phải vay từ công ty chứng khoán chứ! Hành trình đó khởi đầu từ tháng 1 với BID, qua CTG vào tháng 2, rồi mượn trước cổ phiếu HAG để bán, sau đó mua trên thị trường để trả vào tháng 3, 4. Tiếp đến, mua HSN cũng với margin hết cỡ, đến tháng 6 bán xong tài khoản đã lên đến 900 triệu đồng! Dùng số tiền này đặt cọc, mượn JVC bán, qua tháng 7 mua trên thị trường với giá rẻ (sau chuỗi giảm sàn của cổ phiếu này) để trả nợ, thế là đã có 3,6 tỉ đồng trong tay. Quay lại với bluechip, mua vào BVH, BMI, rồi chốt lời để chuyển sang TTF, lại bán đi để đặt niềm tin vào cổ phiếu số 1 trên thị trường là VNM. Đến tháng 11, chốt lời xong (khi giá VNM đạt đỉnh), trong tài khoản đã có 40 tỉ đồng. Chỉ sau một tháng mua đi bán lại STB, có thêm 10 tỉ đồng nữa chảy vào tài khoản, tròn 50 tỉ đồng. Đúng là làm giàu dễ thật.
Phải nói ngay với nhà đầu tư mơ mộng là câu chuyện trên chỉ có ở những người giàu trí tưởng bở. Người có thể dự đoán chính xác được đà lên xuống của các cổ phiếu như vậy còn… chưa sinh ra, nếu không thì người ta chẳng phải mở doanh nghiệp vất vả kiếm tiền làm gì, chỉ cần “lên sàn” một năm rồi ngồi chơi mà xài tiền.
Chuyện giá trị trong tài khoản tăng lên theo cấp số nhân kiểu đó đôi khi cũng có, nhưng thường là ứng với chủ nhân của những cổ phiếu có thanh khoản rất thấp, mỗi phiên chỉ vài trăm, thậm chí vài chục cổ phiếu được mua bán trên thị trường. Tưởng tượng xem, bạn đang có 1.000.000 cổ phiếu XXX trong tài khoản, giá hiện tại mỗi cổ phiếu là 30.000 đồng, nếu bán hết sẽ có 30 tỉ đồng trong tay, dù khi mua chỉ mất 10 tỉ đồng. Nhưng bạn khó mà chuyển được số cổ phiếu này qua tiền mặt, bởi không có người mua. Mỗi phiên, chỉ có vài chục cổ phiếu được bán với giá tham chiếu, hoặc không có giao dịch. Nếu bạn muốn “lau sàn” (bán với giá sàn) để đẩy đi càng nhanh càng tốt, e rằng người mua sẽ biết có người đang cần tiền và sẽ mua nhỏ giọt để chờ bạn mất kiên nhẫn. Sau mươi phiên giá sàn, giá trị tài sản của bạn đã trở về như cũ. Cái đó gọi là lãi ảo lỗ thật.
Để 10 triệu đồng biến thành 50 tỉ đồng là không thể, nhưng để “nướng” tiền tỉ vào thị trường lại không khó chút nào, nhất là khi dùng margin. Mua rẻ bán đắt quá khó nhưng mua đắt bán rẻ thì dễ vô cùng. Bởi người ta rất dễ “phù thịnh”, nghĩa là mua vào một cổ phiếu đang tăng ầm ầm, chứ mấy ai dám “phù suy” – mua một cổ phiếu đang bị bán tháo với suy nghĩ nó sẽ bật lên trở lại?
Các nhà đầu tư chứng khoán, ai chẳng nằm lòng câu nói của ông trùm chứng khoán Warren Buffett “Hãy tham lam khi người khác sợ hãi”. Nhưng biết là một chuyện, áp dụng được hay không lại là chuyện khác. Chưa kể đến việc phải “ngược dòng thị trường”, chế ngự nỗi sợ hãi khi thị trường lao dốc để mua vào, thì điều quan trọng còn là “mua vào thời điểm ấy đã… đủ tham lam hay chưa?”. Chẳng hạn, thị trường đang trải qua một cú rơi 100 điểm, từ 600 xuống 500 điểm, những người “bắt đáy” lúc chỉ số mất 30 điểm (đang ở 570 điểm) đã được xem là dũng cảm rồi. Thời điểm ấy mà thị trường bật lên thì họ sẽ thắng lớn. Nhưng như đã nói, việc thị trường rơi thêm 70 điểm nữa có thể khiến cho họ lỗ nặng. Vế thứ hai của vấn đề, đó là “hãy sợ hãi khi người khác tham lam”. Giả sử trong đà đi lên của chỉ số, từ 500 lên 600 điểm, nếu mới lên đến 530 điểm chúng ta đã sợ hãi, bán ra hết cổ phiếu, thì đã bỏ qua một cơ hội lớn. Vậy nên, chỉ khi thị trường đã đi qua, nhìn lại, người ta mới biết đâu là đáy, đâu là đỉnh, để biết rằng đúng ra mình cần tham lam vào lúc nào.
Chưa hết, nếu nghe theo lời khuyên từ các chuyên gia, nhà đầu tư sẽ chẳng biết đâu mà lần. Warren Buffett dĩ nhiên là số 1 rồi, nhưng còn những nhà phân tích từ các công ty chứng khoán thì sao đây? Là nhà đầu tư, bạn sẽ thường xuyên nghe họ khuyến nghị “nên đứng ngoài thị trường”, ý là giai đoạn này rất nguy hiểm, đừng dại nhào ra bắt đáy, “dính đạn” như chơi. Ô hay, nếu không tham lam khi thị trường sợ hãi, làm sao kiếm được tiền? Còn khi thị trường hưng phấn, cổ phiếu tăng trưởng ào ào, thanh khoản tăng vọt, các nhà tư vấn chắc chắn “bật đèn xanh” cho nhà đầu tư của mình, rằng “diễn tiến thị trường là rất tích cực, nhiều triển vọng, có thể mở vị thế mua…”. Chẳng phải vậy là đang tham lam cùng với thị trường hay sao?
Có anh kia từng trải nhiều năm trên thị trường chứng khoán, một hôm xoa đầu chú em “mới vào làng” đang hăng hái mua đi bán lại quay vòng cổ phiếu: “Chú bớt mua bán thì mới khá được, có biết rằng càng mua bán nhiều càng lỗ không? Cứ mua một vài cổ phiếu rồi nằm im đấy, cả năm sau nhìn lại thấy tài khoản tăng vọt cho xem”. Lời khuyên này không hẳn là không chí lý. Thay vì quay mòng mòng với bài toán chốt lời, cắt lỗ, theo đuôi thị trường, mua đắt bán rẻ, nên chăng “ta nằm dài trông ngày tháng dần qua…”? Nhưng nếu vậy thì những bài học cơ bản về đảo danh mục, loại khỏi tài khoản những cổ phiếu không còn tăng trưởng, doanh nghiệp kinh doanh yếu kém, thay vào đó là những cổ phiếu tiềm năng, doanh nghiệp dẫn đầu thị trường… phải tính làm sao? Đó là những điều cơ bản mà bất kỳ nhà đầu tư chứng khoán có kiến thức kinh tế đều biết. Không thấy các quỹ đầu tư lớn sao? Toàn những chuyên gia sừng sỏ. Họ cũng phải thường xuyên rà soát, bỏ đi, thêm vào cổ phiếu đó thôi? Vậy nên nghe theo ai?
Sang năm 2016, ngay từ những ngày đầu năm, thị trường chứng khoán toàn cầu đã hoảng loạn theo đà lao dốc đến từ Trung Quốc. Nhiều nhà phân tích đánh giá đây là khởi đầu năm tồi tệ nhất từ trước đến nay của thị trường chứng khoán Mỹ, khi cả S&P 500 và chỉ số bluechip Dow Jones đều sụt giảm dữ dội. Chỉ sau tám phiên giao dịch đầu năm mới, giá trị vốn hóa của thị trường chứng khoán Mỹ đã mất đi 1.770 tỉ USD, trong khi vốn hóa của các thị trường chứng khoán còn lại trên thế giới giảm 1.400 tỉ USD. Tại nước ta, cũng chỉ sau hai tuần, VN-Index mất đi gần 36 điểm, tương đương 6,2%. Điều này có nghĩa là điểm số tăng tích lũy được cả năm ngoái chưa bằng số điểm mất đi chỉ trong hai tuần của năm nay. Dù các nhà kinh tế vẫn không ngừng động viên rằng thị trường sẽ vẫn tăng trưởng trong trung và dài hạn, thì các nhà đầu tư vẫn nên nhắc nhở nhau rằng, làm giàu trên thị trường chứng khoán không dễ.
Ngọc Khang (DNSGCT)