Niềm hạnh phúc nhất của một cặp vợ chồng là có con, nhưng vẫn có nhiều trường hợp không được may mắn vì bị hiếm muộn.
Nếu một cặp vợ chồng sau một năm (hoặc sáu tháng đối với phụ nữ trên 35 tuổi) sinh hoạt tình dục đều đặn, không dùng biện pháp ngừa thai nào mà không có con thì họ có thể đã rơi vào tình trạng bị hiếm muộn.
Hiện nay, hiếm muộn là một trục trặc khá phổ biến trong xã hội, ảnh hưởng không tốt đến hạnh phúc của nhiều cặp vợ chồng.
Tuy nhiên, với tiến bộ của y học hiện đại, tỷ lệ thành công ngày một cao với điều kiện cả hai vợ chồng đồng lòng, kiên trì và tin tưởng theo đuổi quá trình điều trị.
Theo tài liệu của Tổ chức Y tế thế giới, có khoảng 15 – 20% các cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh sản bị hiếm muộn và nguyên nhân có thể do chồng (40%), do vợ (40%) hoặc do cả hai (20%). Ngoài ra còn có tình trạng hiếm muộn thứ phát trên một số cặp vợ chồng đã có một con.
Ở nam giới, hiếm muộn thường do:
- Dãn thừng tinh, gây gia tăng nhiệt độ ở bìu và sức nóng đó có thể làm thay đổi số lượng và hình dạng của tinh trùng.
- Di chuyển của tinh trùng bị cản trở do hình dạng lạ của tinh trùng hay tổn thương cơ quan sinh dục.
- Có sự bất thường của tinh trùng bẩm sinh.
- Bị giảm khả năng tình dục.
- Tinh hoàn lạc chỗ.
- Tắc ống dẫn tinh.
- Không xuất tinh (do bị tiểu đường, chấn thương tủy…).
Những nguy cơ gây hiếm muộn ở nam giới bao gồm:
- Có thói quen xấu như nghiện rượu (làm ảnh hưởng đến số lượng và chất lượng của tinh trùng, giảm khả năng tình dục), hút thuốc lá (ảnh hưởng nặng đến tinh trùng như giảm số lượng, gây dị dạng, giảm khả năng di chuyển và giảm dòng máu đến dương vật, gây liệt dương).
- Mắc một trong số các bệnh như quai bị, thận hoặc bệnh nội tiết.
- Sinh hoạt và làm việc trong môi trường độc hại (tiếp xúc với các chất diệt côn trùng, thuốc trừ sâu, sản phẩm tẩy rửa…).
- Khi cần vận dụng một phương pháp điều trị đặc biệt, chẳng hạn dùng nhiều thuốc kháng sinh, thuốc trị cao huyết áp, viêm khớp, động kinh… hay hóa trị hoặc xạ trị.
- Xem thêm: Những thực phẩm vàng trong gian bếp giúp đẩy lùi ung thư tuyến tiền liệt ở nam giới
Ở nữ giới thì hiếm muộn chủ yếu là do các vấn đề liên quan đến rụng trứng:
- Hội chứng buồng trứng đa nang – một rối loạn nội tiết rất thường gặp và gây hiếm muộn do trứng không rụng. Triệu chứng thường gặp là kinh nguyệt không đều.
- Tắc hai vòi trứng do bị viêm nhiễm phần phụ.
- Có tiền sử mổ thai ngoài tử cung.
- Cấu trúc tử cung bất thường, có sẹo ở tử cung.
- Bị u xơ tử cung.
Các yếu tố nguy cơ gây hiếm muộn ở nữ giới bao gồm các bệnh nhiễm trùng lây qua đường tình dục, căng thẳng tâm lý, suy dinh dưỡng hay béo phì, thường uống rượu hay hút thuốc lá.
Để tìm ra nguyên nhân, các bác sĩ sẽ hỏi kỹ về chu kỳ kinh nguyệt, về những lần sinh hoạt vợ chồng xem có đúng thời điểm dễ thụ thai hay không.
Nếu không có vấn đề gì lạ thì cặp vợ chồng được kiểm tra sức khỏe tổng quát và làm một số xét nghiệm chuyên biệt.
Bác sĩ sẽ đề nghị người chồng làm xét nghiệm tinh dịch để biết số lượng, hình dạng và sự di chuyển của tinh trùng, sau đó đo nồng độ kích thích tố nam.
Với người vợ, bác sĩ sẽ cho làm một số xét nghiệm như siêu âm phụ khoa, chụp hình tử cung và hai vòi trứng (kiểm tra các bệnh lý của tử cung và xem hai vòi trứng có bị tắc nghẽn không), nội soi ổ bụng (quan sát bên ngoài tử cung, vòi trứng và buồng trứng, tìm dấu hiệu của lạc nội mạc tử cung), chụp CT bụng (kiểm tra hình dạng tử cung và hai phần phụ), xét nghiệm chất nhầy cổ tử cung sau giao hợp (để đánh giá tính tương hợp của tinh trùng và chất nhầy cổ tử cung) .
Sau khi đã xác định được nguyên nhân, bác sĩ sẽ tư vấn cho cả hai người cách điều trị. Điều trị hiếm muộn phải cần có thời gian và khá tốn kém, do đó phải tìm hiểu rõ chi phí từng phương pháp điều trị và chuẩn bị trước chi phí cần thiết.
Về phía người vợ, nếu nguyên nhân là do không rụng trứng thì sẽ được uống Clomiphene – thuốc kích thích buồng trứng để phóng thích ra trứng, nếu có hội chứng buồng trứng đa nang thì kết hợp dùng thêm thuốc Metformin.
Trường hợp hai vòi trứng bị tắc sẽ được phẫu thuật thông vòi (tùy theo vị trí tắc được thông, có khoảng 20 – 60% phụ nữ sẽ có thai). Trường hợp bị lạc nội mạc tử cung, sẽ phải nội soi ổ bụng để lấy bớt phần nội mạc tăng sinh.
Về phía người chồng, nếu bị dãn thừng tinh thì sẽ được vi phẫu cột các tĩnh mạch dãn (kỹ thuật này có thể giúp 30% các cặp vợ chồng có thai), với trường hợp giảm khả năng sinh dục thì cần điều trị hormone.
Nếu tinh hoàn bị lạc chỗ, sẽ phải phẫu thuật càng sớm càng tốt. Trường hợp tinh trùng yếu, phải chọn tinh trùng đã lọc rửa để bơm vào buồng tử cung của người vợ.
Khi không có tinh trùng, phải hút tinh trùng từ mào tinh, từ tinh hoàn, sau đó bơm tinh trùng vào bào tử trứng và thụ tinh trong ống nghiệm.
Nếu mọi biện pháp trên đều thất bại, có thể tìm đến giải pháp sau cùng là thụ tinh trong ống nghiệm, mà tỷ lệ thành công là 1/3 tùy thuộc vào kinh nghiệm của bác sĩ điều trị. Theo phương pháp này, người vợ phải chích kích thích tố mỗi ngày nên có thể bị một số tác động phụ lên gan và thận.
Về mặt dinh dưỡng, người chồng nên bổ sung một số chất giúp cho tinh trùng khỏe mạnh như acid folic, vitamin B12 (từ thịt, cá, hải sản, ngũ cốc…), kẽm (từ lòng đỏ trứng, thịt cừu, củ cải, trai, sò, hào…), vitamin C (từ trái cây, rau xanh)…
Người vợ nên tránh một số thức ăn không có lợi cho việc thụ tinh như đậu nành (có chất genistein có thể tiêu diệt tinh trùng) hay loại sữa không béo (gây khó khăn cho việc phóng noãn, rụng trứng…).