Trong quyển sách Tăng trưởng thần tốc – Con đường nhanh nhất để dựng nên những doanh nghiệp khổng lồ, hai tác giả Reid Hoffman và Chris Yeh giải thích về chiến lược và những kỹ thuật để thúc đẩy và quản lý sự tăng trưởng cực kỳ nhanh chóng. Đó chính là cách giúp các công ty như Netflix, Amazon, Google, Alibaba, Tencent và nhiều công ty start-up khác đạt được tốc độ tăng trưởng “nhanh như chớp”.
Khi một công ty startup đạt đến độ chín với một sản phẩm hấp dẫn, một thị trường rộng lớn và rõ ràng, và một kênh phân phối mạnh mẽ, nó có cơ hội trở thành một công ty scale-up, một công ty có thể thay đổi thế giới và ảnh hưởng đến hàng triệu, thậm chí là hàng tỷ người. Làm cách nào để những start-up phát triển thành “scale-up”? Chỉ bằng một từ: blitzscaling – tăng trưởng thần tốc.
Tăng tưởng thần tốc (blitzscaling) không chỉ là khuôn khổ (framework) tổng thể mà còn là những kỹ thuật cụ thể để phát triển công ty với tốc độ chóng mặt. Nếu bạn đang phát triển công ty mình với tốc độ vượt bậc so với công ty đối thủ đến mức bạn cảm thấy không thoải mái, thì hãy cứ tiếp tục đi, có thể công ty bạn đang tăng trưởng thần tốc đấy!
Sự phát triển không tưởng của Amazon vào cuối những năm 1990 (và cho đến nay) là một ví dụ điển hình cho tăng trưởng thần tốc.
Vào năm 1996, trước khi phát hành cổ phiếu ra công chúng lần đầu tiên (pre-IPO), Amazon Books có 151 nhân viên cùng với doanh thu là 5,1 triệu đô la. Cho đến năm 1999, Amazon.com đã mở rộng quy mô lên đến 7.600 nhân viên và tạo ra mức doanh thu 1,64 tỷ đô la.
Đó là sự tăng trưởng gấp 50 lần về số lượng nhân viên và 322 lần về doanh thu chỉ trong vòng ba năm. Năm 2017, Amazon có 541.900 nhân viên và doanh thu được dự đoán là 177 tỷ đô la (tăng lên từ 136 tỷ đô la vào năm 2016).
Nhà sáng lập Dropbox, Drew Houston đã mô tả cảm xúc về sự phát triển thần tốc này: “Nó giống như đâm lao vào một con cá voi vậy. Tin tốt là bạn đã đâm lao trúng một con cá voi. Và tin xấu là bạn cũng đã đâm lao trúng một con cá voi!”.
Mặc dù tăng trưởng thần tốc có vẻ đầy mê hoặc, nhưng nó cũng đầy những thử thách. Tăng trưởng thần tốc có vẻ phản trực giác như lúc người ta mới nghĩ ra nó. Cách tiếp cận chiến lược kinh doanh truyền thống bao gồm thu thập thông tin và đưa ra những quyết định hợp lý mà bạn có thể cảm thấy tự tin về kết quả.
Lối suy nghĩ thông thường sẽ mách bảo rằng hãy mạo hiểm, nhưng cần tính toán sao cho bạn vừa có thể đo lường, vừa chịu đựng được rủi ro. Một cách tuyệt đối, chiến lược này ưu tiên cho sự chính xác và hiệu quả hơn là tốc độ.
Không may là cách tiếp cận thận trọng và có tính toán này bị lờ đi khi công nghệ hiện đại góp phần tạo ra thị trường mới hoặc tranh giành thị trường hiện tại.
Mặc dù tính hiệu quả và sự chắc chắn vốn dĩ hấp dẫn và rất quan trọng trong bối cảnh thị trường đã hình thành và ổn định, nhưng hai đặc tính này hầu như không có nhiều hướng dẫn cho những người thích phá vỡ luật lệ, nhà đầu tư và những nhà đổi mới sáng tạo của thế giới.
Khi một thị trường trở nên rộng mở cho tất cả các bên kinh doanh, rủi ro không phải là thị trường không hiệu quả, mà rủi ro ở đây chính là thị trường này quá an toàn. Nếu bạn chiến thắng, thì tính hiệu quả không còn là điều quan trọng, nếu bạn thất bại, thì tính hiệu quả lại hoàn toàn không liên quan.
Qua nhiều năm, nhiều người đã chỉ trích Amazon về những chiến lược liều lĩnh trong việc sử dụng nguồn vốn mà không tạo ra lợi nhuận ổn định, nhưng có lẽ Amazon thấy mừng vì chính “sự không hiệu quả” đó đã giúp họ thâu tóm được nhiều thị trường trọng yếu – có thể kể tên một số thị trường như: bán lẻ trực tuyến, sách điện tử và điện toán đám mây.
Khi bạn tăng trưởng thần tốc, bạn lập những quyết định có chủ đích và cam kết thực hiện cho dù mức độ tự tin của bạn thấp hơn 100% rất nhiều. Bạn chấp nhận rủi ro về việc đưa ra những quyết định sai lầm và sẵn sàng chấp nhận trả giá cho việc hoạt động thiếu hiệu quả đáng kể để đổi lại khả năng phát triển nhanh hơn.
Những rủi ro và chi phí này có thể chấp nhận được vì rủi ro và chi phí của việc phát triển chậm chạp thậm chí còn lớn hơn nhiều. Nhưng tăng trưởng thần tốc không chỉ đơn thuần là lao về phía trước một cách mù quáng trong một nỗ lực “mở rộng cực kỳ nhanh” nhằm giành lấy thị trường.
Để giảm thiểu những rủi ro, bạn nên cố gắng tập trung chúng lại – sắp xếp chúng với một số ít các giả thuyết về việc doanh nghiệp của bạn sẽ phát triển như thế nào để bạn có thể hiểu và kiểm soát dễ dàng hơn điều gì sẽ đưa bạn đến thành công hoặc thất bại. Bạn cũng phải chuẩn bị để thực hiện nhiều hơn 100% nỗ lực nhằm bù đắp cho những dự đoán không xảy ra như ý.
Ví dụ, những ai đã biết về Jeff Bezos đều hiểu rằng ông ta không chỉ đơn giản là đạp chân ga để tăng tốc; Amazon đã tích cực đầu tư có chủ đích vào tương lai, mặc dù đã thua lỗ rất nhiều, nhưng họ cũng thu về rất nhiều tiền.
Dòng tiền từ hoạt động kinh doanh của Amazon đạt hơn 18 tỷ đô la vào năm 2016, nhưng họ đã chi ra 10 tỷ đô la cho đầu tư và 4 tỷ đô la để chi trả nợ. Khoảng lợi nhuận có vẻ ít ỏi của Amazon lại là đặc trưng cho chiến lược táo bạo của họ, chứ không phải là một vấn đề.
Tăng trưởng thần tốc đòi hỏi nhiều thứ hơn là chỉ cần lòng dũng cảm và kỹ năng của một nhà doanh nghiệp. Nó cũng đòi hỏi một môi trường sẵn sàng đầu tư cho những rủi ro thông minh về nguồn vốn tài chính, cũng như nguồn vốn nhân lực – những yếu tố thiết yếu cho tăng trưởng thần tốc. Hãy nghĩ đến chúng như là nhiên liệu và oxy, bạn cần phải có cả hai để phóng tên lửa lên trời.
Trong khi đó, cơ sở hạ tầng trong tổ chức của bạn là cấu trúc thật sự của quả tên lửa, cái mà bạn đang tái xây dựng trên chặng đường ngay khi bạn bắt đầu bay. Trong vai trò là một nhà lãnh đạo và một nhà doanh nghiệp, bạn phải đảm bảo có đủ nhiên liệu để thúc đẩy sự phát triển của doanh nghiệp, đồng thời thực hiện những điều chỉnh kỹ thuật cần thiết để giữ cho quả tên lửa không bị lệch hướng khi tăng tốc.
May mắn thay, điều này trở nên dễ dàng hơn bao giờ hết trong thời đại ngày nay.
Lược trích từ Tăng trưởng thần tốc – Con đường nhanh nhất để dựng nên những doanh nghiệp khổng lồ của tác giả Reid Hoffman và Chris Yeh.