Kết quả khảo sát của Chương trình đánh giá học sinh quốc tế (PISA) mới được công bố hồi tuần rồi cho biết học sinh phổ thông Việt Nam được xếp thứ 17 trên 65 nước và vùng lãnh thổ. Mặc dù PISA không đánh giá toàn bộ năng lực của người học mà chỉ tập trung vào ba năng lực toán, đọc hiểu và khoa học, nhưng kết quả này cũng đã làm hài lòng không ít người, trong đó có cả các quan chức lãnh đạo.
Tuy nhiên, dưới cách nhìn hạn hẹp của một phụ huynh đang có hai con học phổ thông, tôi cho rằng kết quả này cũng không có gì đáng ngạc nhiên.
Trước hết, phải nói ngay với mục tiêu học để thi như tình trạng lâu nay ở nước ta xem ra “cuộc thi” PISA không phải là điều gì quá tầm với học sinh Việt Nam.
Thú thật, dù cũng đã có được mảnh bằng đại học chính quy, tôi đã không ít lần bó tay trước những bài tập của các con mình, từ lúc chúng còn là học sinh lớp 5. Và không phải học sinh nào cũng có khả năng tự học đủ để mang lại một kết quả tốt. Vậy là, để “mua” sự yên lòng cho mình khi không thể giúp con học, tôi đành “đẩy” con vào lớp học thêm. Nếu không chọn học thêm vào ngày thường, vì đã quá mệt sau cả ngày học chính khóa, thì đành phải học thêm vào thứ Bảy và Chủ nhật. Và hầu như phần lớn học sinh phổ thông hiện nay đều như vậy cả.
Với chương trình học và lịch học quá nặng như thế, cộng thêm mục tiêu học để thi thì thứ hạng trên của Việt Nam là điều có thể hiểu được.
Chưa hết, với một cuộc khảo sát mang tầm vóc quốc tế như PISA, có lẽ ngành giáo dục Việt Nam đã có không ít sự chuẩn bị kỹ lưỡng trong một thời gian dài, để có được thành quả trên. Vì sao tôi dám nói như vậy? Vì giáo dục Việt Nam còn mang nặng căn bệnh thành tích. Điều này mọi người, bất kể là người dân thường hay các nhà lãnh đạo, đều biết nhưng dường như những người có trách nhiệm vẫn chưa muốn chữa.
Đã từ lâu “căn bệnh” này len lỏi khắp nơi, có thể nói trường nào cũng có, kéo dài đã nhiều năm và trở thành quen thuộc, bình thường. Câu chuyện mới nhất là vào đầu năm học này.
Từ nhỏ học sinh Việt Nam đã được dạy theo mục đích để đi thi
Một ngày đi học về, con gái tôi, đang học lớp 6 tại một trường ở quận 1, TP.HCM (không phải là trường điểm đâu nhé) than rằng hôm nay đi học chán quá. Tôi hỏi vì sao? Cháu kể rằng: có một bài mà học đến bốn lần thì sao mà không chán. “Nhưng vì các bạn không hiểu bài chứ gì?”, “Không phải vậy, vì tụi con phải đóng phim”.
Thì ra, câu chuyện đóng phim là thế này. Một lần là học theo giáo án bình thường, lần thứ hai là để thầy cô trong trường dự giờ, lần thứ ba là để chuẩn bị cho lần thao giảng tới và lần thứ tư là lần thao giảng để giáo viên đi thi cấp quận hay thành phố gì đó. Điều đáng quan tâm hơn là mọi việc diễn ra trong tiết học đều đã được “phân vai” kỹ lưỡng và học sinh cứ theo “kịch bản” mà “diễn”.
Và thật là không may khi mà các cháu diễn quá đạt. Một vài giáo viên khác muốn đi thi, dù không dạy lớp này, vẫn sang mượn “diễn viên” để diễn các màn kịch tương tự. Kết quả đáng buồn là việc các cháu sớm nhận ra rằng mình đang diễn và nếu diễn không tốt thì nhà trường phải tốn hết mấy triệu đồng tiền mướn người quay phim, thay vì là các cháu thu nhận được gì từ bài học đến nhão này.
Từ một chuyện rất bình thường và đúng đắn (thầy cô thi tay nghề), không biết từ lúc nào nó biến thành một chuyện bất thường (cả giáo viên lẫn học sinh đều diễn kịch), và lại được đánh giá cao (vì bệnh thành tích), nên lâu ngày nó lại trở thành bình thường nhưng không còn đúng đắn nữa.
Các vị quan chức ngành giáo dục, gần đây khi đề cập đến đề án đổi mới giáo dục, được đánh giá là mang tính đột phá, cải cách, có nói đến mục tiêu giáo dục là giáo dục con người Việt Nam phát triển toàn diện, yêu gia đình, yêu Tổ quốc; có hiểu biết và kỹ năng cơ bản, khả năng sáng tạo để làm chủ bản thân, sống tốt và làm việc hiệu quả – thực học, thực nghiệp; phát triển tốt nhất tiềm năng của mỗi cá nhân; đóng góp tích cực vào sự phát triển của đất nước.
Cách thể hiện này không dễ hiểu, dễ nhớ và dễ gần như cách mà UNESCO đề xuất, đó là học để biết, học để làm, học để định hình bản thân và học để chung sống với người khác.
Xem ra từ thực tế đến mục tiêu nói trên là chặng đường dài nhưng vẫn có thể vượt qua nếu ngay từ bây giờ các thầy cô bắt đầu thay đổi từ những cái nhỏ nhất, ngay trong lớp học hằng ngày.
Vẫn là một ví dụ từ thực tế của con. Trong một đề cương ôn tập học kỳ 1 môn công nghệ lớp 6 có câu hỏi “Vai trò của nhà ở đối với đời sống con người? Để đáp ứng nhu cầu sinh hoạt hằng ngày nhà ở cần có các khu vực nào?”.
Và câu trả lời được soạn sẵn mà tất cả học sinh đều phải thuộc: “Nhà ở là nơi trú ngụ của con người, bảo vệ con người tránh khỏi những ảnh hưởng xấu của thiên nhiên, xã hội và là nơi đáp ứng nhu cầu về vật chất và tinh thần”.
Và “Để đáp ứng nhu cầu sinh hoạt hằng ngày, nhà ở cần có các khu vực chính là: khu vực tiếp khách, khu vực thờ cúng, khu vực làm việc, phòng ngủ, khu vực bếp, khu vực ăn, khu vực vệ sinh và tắm giặt. Nhà rộng mỗi khu vực là một phòng, nhà chật có thể kết hợp nhiều khu vực lại với nhau và sử dụng đồ đạc có nhiều công dụng”.
Cả câu hỏi và câu trả lời đều quá hàn lâm và lý tưởng. Nhưng cuộc sống thì đa dạng và trần trụi hơn nhiều. Trên thực tế có những ngôi nhà chỉ đủ để vài chiếc xe máy nhưng là nơi trú ngụ của cả ba thế hệ, nấu ăn thậm chí phải đem ra hẻm. Nếu chỉ biết học như trong sách thì làm sao học sinh có thể vươn đến mục tiêu học để chung sống với người khác, nhất là với những người không may mắn như mình.
Và để thay đổi những điều này có lẽ không nằm ngoài tầm tay của các thầy cô giáo, chỉ có điều họ có muốn và có động cơ để làm điều đó không.
Quế Thanh